Mất nhiều thời gian tìm kiếm, tốn nhiều công sức đi lại và chịu mua đắt là thực tế mà nhiều người dân Hà Nội gặp phải khi nhu cầu các sản phẩm làm mát, chống nóng chợt nảy sinh vào đúng lúc cao điểm.

Về quê mua máy phát

 

Từ đầu tuần nay, anh Nguyễn Tuấn Hà, công tác tại quận Hai Bà Trưng quay cuồng tìm mua chiếc máy phát điện công suất nhỏ dùng cho gia đình. Lần tìm trên các website mua bán rao vặt, thông tin về các dòng máy và các cửa hàng kinh doanh hiện ra dài dặc. Tuy vậy, cứ nhắm được chiếc nào, gọi điện đến nhà phân phối hỏi mua thì không dưới 10 lần anh nhận được câu trả lời “hết nhẵn” hoặc “không còn hàng”:

 

“Chiếc Honda SH3000 giá 7,5 triệu đồng trên trang vatgia.com đứng đầu về số lượng người mua trong số 382 loại. Tôi “kết” lắm, gọi điện đến 13 cửa hàng khắp Hà Nội thì tất cả đều nói máy Honda từ hàng nhập khẩu đến sản xuất trong nước đều hết nhẵn. Máy phát hiệu Huyndai thì còn lác đác, duy chỉ còn hàng Đài Loan, Trung Quốc là dễ mua nhưng phải chịu đi ra ngoại thành”.

 

Quả vậy, dân kinh doanh trên các phố máy phát từ Trường Chinh đến Gia Lâm sau khi lắc đầu có “mách nhỏ” nên tìm đến các vùng ven, bởi lượng tiêu thụ ở đó chậm hơn, nhiều khả năng còn hàng, anh Hà phải xuống tận Ba La, Hà Đông. Bí quá anh đành tậu tạm chiếc 3,5 KvA giá 5,2 triệu đồng của Đài Loan.

 

Trần Phương, nhà trên đường Phạm Hùng cũng than thở, tháng 5 vừa rồi anh mới bắt đầu đi lùng mua cho gia đình ở quê chiếc máy phát tầm hơn 10 triệu đồng nhưng lần tìm khắp các điểm bán lớn, đồng thời nhờ cậy bạn bè là dân kinh doanh, vậy mà lịch hẹn cứ bị dây dưa hết tháng 6 sang tháng 7. Đến giờ chưa mua được, Phương đã bắt đầu nghĩ đến điều ngược lại là đem tiền về sắm ở quê cho lành.

 

Nếu chia thị trường máy phát điện làm 4 phân khúc: một là dòng từ Nhật về, hai là dòng sản xuất trong nước của Hữu Toàn, Hòa Bình, ba là dòng có thương hiệu của Trung Quốc và bốn là dòng không có thương hiệu của Trung Quốc thì theo giới kinh doanh trên đường Trường Chinh, ba dòng đầu hiện rất khan hàng. Riêng dòng không rõ thương hiệu, xuất xứ thì “cực nhiều” nhưng doanh số lại không cao.

 

Tốc độ tiêu thụ của các hãng lớn hiện đều đã tăng trưởng 30-35% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là con số vượt quá dự kiến ban đầu của các hãng khi mà từ tháng 3 ngành điện vẫn khẳng định đủ điện cung ứng cho mùa hè năm nay khiến hầu hết đều nhập và dự trữ hàng ở mức vừa phải. Nhưng thực tế hai tháng gần đây, cắt điện luân phiên trở nên phổ biến, dân đổ xô đi mua, các đơn vị nhập liên tục cũng không kịp cung ứng.

 

Giá cả theo đó đã tăng lên vù vù. Nhân viên kinh doanh một hãng cho biết, từ tháng 4, mức tăng phổ biến là 10-15%, thậm chí có loại lên đến 20-25%. Anh này còn khẳng định mức tăng giá kể trên đã là một nỗ lực tiết chế rất lớn bởi nếu chạy theo nhu cầu của thị trường hiện nay, chiếc máy giá 15 triệu đồng, dân kinh doanh có thể đẩy lên mức 20-22 triệu đồng, dân vẫn mua vèo vèo.

 

Quan sát giá trên các trang mua bán 1 tuần nay, anh Tuấn Hà đã nhận thấy chiếc SH2500 giá rao cách đây vài ngày là 7,6 triệu đồng thì ở bên ngoài nhiều cửa hàng đã vống lên mức mười mấy triệu đồng kèm lời hẹn: “hai tuần nữa mới có hàng”. Ngay “con” 3,5 KvA giá 5,2 triệu đồng của anh mới mua, trước không biết giá bao nhiêu, nay vừa vác về, mấy ông hàng xóm đã sang phán: “chú mua đắt hơn trước 1 triệu đồng!”.

 

Vã mồ hôi bán quạt

 

Mô tả ảnh.
Mua quạt trong bối cảnh cầu nhiều hơn cung, khách hàng dù "soi" kỹ đến mấy cũng phải chịu thiệt vì giá cao - Ảnh: N.N

 

Tại trung tâm Việt Long trên đường Giảng Võ, 12h trưa, cả nhân viên lẫn trưởng quầy điện lạnh vẫn nháo nhào trước lượng khách đổ đến đông nghẹt. Anh Nguyễn Đình Thụy – trưởng phòng kinh doanh ước tính, 3 ngày nay lượng điều hòa bán ra trên toàn hệ thống đạt trên 500 bộ/ngày – gấp 5-6 lần những ngày trước nắng nóng. Còn doanh số quạt điện phải đạt 700-800 chiếc/ngày.

 

Sức mua hàng điện lạnh và điện gia dụng cũng được phản ánh tăng gấp 3-4 lần so với tuần trước tại trung tâm Pico trên đường Nguyễn Trãi. Trong đó tập trung mạnh nhất là những mặt hàng thuộc phân khúc bình dân.

 

Hiện các dòng điều hòa 1 chiều, công suất vừa phải 9.000 BTU giá khoảng 5-6 triệu đồng đều khá khan. Một số model điều hòa của Panasonic và LG rơi vào cảnh cháy hàng, các trung tâm phải hẹn với khách chờ đợi 1-2 tuần hoặc tư vấn khách chuyến sang mua loại có công suất 12.000 BTU.

 

Vượt qua cả mặt hàng tiêu điểm mùa hè là điều hòa, quạt điện, đặc biệt là quạt sạc đang trở thành mặt hàng bán chạy nhất tại các trung tâm mua sắm lớn. Nếu như một số model điều hòa chỉ tạm thời chậm hàng trong 1-2 tuần thì quạt điện, quạt sạc nhiều loại thực sự là không có hàng.

 

Quầy quạt tại Top Care trên đường Láng Hạ những ngày này 9 - 10h tối khách vẫn ra vào nườm nượp mặc dù hàng chỉ còn lèo tèo vài nhãn hiệu có giá cả khá mắc từ 700 đến trên 1 triệu đồng/chiếc; những loại giá 200-400.000 đồng hầu như rất ít để lựa chọn.

 

Còn tại hệ thống Việt Long, quạt tích điện Sunca đầu tháng 5 giá bán chỉ 450.000 đồng thì nay khan hàng, giá bán đã lên tới xấp xỉ 800.000 đồng/chiếc. Quạt cây 16LV của Mitsubisi giá hơn triệu đồng đến các loại quạt để bàn, treo tường của Điện Cơ, Thống Nhất đều đứng đầu TOP nhập hàng.

 

Nhà có 3 cái quạt bàn, tất cả tự dưng "sinh bệnh" cùng một lúc, chị Huyền Thanh, nhân viên kế toán của một doanh nghiệp ở quận Hoàn Kiếm vẫn ấm ức kể, mới đây đi làm về, chị ghé một trung tâm mua một chiếc quạt bàn Asia giá 360.000 đồng, về đến nhà, chồng chị khoe một chiếc tương tự vừa xách về ở một siêu thị với giá 430.000 đồng. "Mua hàng lúc cao điểm thật không biết đâu mà lường!" - chị than vãn.

 

                                                                                        Theo Vnn

Các tin khác


Cao Phong - miền quê trù phú, giàu bản sắc

Cao Phong nổi tiếng với đặc sản mía, cam, bản sắc văn hóa độc đáo, đa dạng của các dân tộc anh em. Miền quê trù phú, giàu bản sắc đang trên đà phát triển, khẳng định thế mạnh và hướng đi đúng đắn trong phát triển KT-XH.

Thành phố Hòa Bình bắt nhịp đà tăng trưởng

Thành phố Hòa Bình đã và đang có những đổi thay mạnh mẽ về hệ thống hạ tầng, phát triển đô thị, tạo ra sức sống, diện mạo mới và đảm đương tốt vị trí đầu tàu về KT-XH của tỉnh.

Những người thực hiện hoài bão đưa nông sản “xuất ngoại”

Với lợi thế sẵn có về khí hậu, đất đai, nông sản phong phú, nhiều tiềm năng... ngành nông nghiệp tỉnh đã và đang nỗ lực thu hút các doanh nghiệp, tổ chức, HTX đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp chế biến, từng bước khẳng định vị thế một số nông sản đặc trưng địa phương trên thị trường quốc tế. Trong đó, tín hiệu tích cực trong xuất khẩu nông sản những năm gần đây có sự đóng góp không nhỏ của những người "nặng lòng” với nông nghiệp địa phương.

Lương Sơn vùng đất anh hùng

Viết tiếp truyền thống vẻ vang trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, trong suốt chiều dài lịch sử, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Lương Sơn luôn đoàn kết, năng động, sáng tạo dựng xây quê hương ngày một đổi mới.

Sức vươn Lạc Thuỷ

Trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Lạc Thuỷ không ngừng nỗ lực, đạt được những bước phát triển mạnh mẽ. Huyện tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, tạo môi trường thu hút nguồn lực đầu tư phát triển. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - xây dựng và dịch vụ thương mại.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục