Sự phát triển vượt bậc của doanh nghiệp vừa và nhỏ (DN V và N) cả về số lượng và chất lượng trong những năm qua đã thể hiện sức mạnh tiềm tàng của khu vực DN này. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, sự phát triển này chưa thực sự bền vững bởi những khó khăn, hạn chế mang tính đặc trưng và lâu dài của khu vực DN V và N. Vậy giải pháp nào để thúc đẩy DN V và N củng cố sức mạnh, tăng trưởng và phát triển bền vững trong thời gian tới?

 
Khó nhất là thiếu vốn


Chị Nguyễn Thị Tuyết, Giám đốc Công ty TNHH thương mại Hoàng Khuyên (TP Ðà Nẵng) cho rằng, thiếu vốn để sản xuất kinh doanh là khó khăn lớn nhất hiện nay của các DN V và N  ở Ðà Nẵng: Lãi suất ngân hàng quá cao, thành phố không có nguồn cho vay ưu đãi nào đối với các DN V và N. Trong khi đó, do hiểu biết hạn chế về thủ tục vay vốn, nhiều DN không tự mình viết được dự án vay vốn nên càng khó tiếp cận nguồn vốn vay của Nhà nước. Không DN nào dám nghĩ đến việc vay vốn ngân hàng đầu tư công nghệ cao để sản xuất hay kinh doanh, đó là còn chưa nói đến DN V và N  chỉ được vay vốn lưu động, phải hoàn vốn từng đợt sáu tháng cho ngân hàng. Phó Giám đốc DN thêu Minh Trang, chuyên sản xuất hàng thêu và chăn lụa tơ tằm (xã Ninh Hải, Hoa Lư, Ninh Bình) Vũ Thị Hồng Yến rất bức xúc khi nói về việc thiếu vốn, cần vốn, mà không vay được từ các tổ chức tín dụng. Chị Tuyết cho biết, việc vay vốn ngân hàng vướng nhiều thủ tục, mất thời gian, công sức nhưng DN cũng không vay được. Mỗi hợp đồng cần hơn trăm triệu đồng tiền vốn, đành phải vay "nóng" để bảo đảm thời gian sản xuất, giao hàng, mỗi tuần DN phải trả lãi vài triệu đồng. Cùng cảnh thiếu vốn với DN thêu Minh Trang là Công ty cổ phần dịch vụ và thương mại Bình Minh (xã Bình Minh, Nam Trực, Nam Ðịnh), chuyên thêu tranh mỹ thuật. Do đặc điểm sử dụng lao động nông nhàn, có nhiều khâu của quá trình sản xuất tranh thêu, nên thời gian làm ra sản phẩm hoàn chỉnh thường kéo dài từ nhiều tháng đến cả năm, dẫn đến vòng quay vốn chậm, do vậy DN luôn cần số vốn lớn cho sản xuất. Công ty có vốn sở hữu 800 triệu đồng, hiện đang cần thêm số vốn cỡ như thế để mở rộng, ổn định sản xuất, nhưng tiếp cận các tổ chức tín dụng rất khó khăn, chỉ duy nhất vay được 100 triệu đồng từ một ngân hàng. Vì thiếu vốn, có thể công ty phải từ chối bảy hợp đồng sản xuất tranh thêu, tổng trị giá hơn một tỷ đồng.


Nhiều DN khi có khoản nợ đến hạn phải trả, phải chạy ngược chạy xuôi vay "nóng" bên ngoài với lãi suất từ 6 đến 10%/tháng. Nếu vay ngân hàng thì được lãi suất thấp hơn nhưng DN lại không có tài sản bảo đảm để thế chấp ngân hàng. Khó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng là tình trạng chung của không ít DN V và N. Thế nhưng một số DN V và N  vay được vốn ngân hàng nhưng phải chịu lãi suất quá cao khiến DN đội thêm chi phí sản xuất, làm giảm khả năng cạnh tranh. Tổng Giám đốc Công ty cổ phần may Phương Nam (TP Hồ Chí Minh) Trần Minh Chính cho biết, với mức lãi suất dài hạn ngân hàng đang áp dụng cho các DN là 15,5%/năm thì không DN nào dám đầu tư. Năm ngoái, các DN được hưởng chính sách hỗ trợ lãi suất 4% thì năm nay thật sự là một năm vật lộn bươn chải và khó khăn. "Kiếm được 1% tiền lời hoa cả mắt", ông Chính tâm sự.



Sản xuất sợi tại công ty dệt
may Hòa Thọ (Đà Nẵng)


Từ hạn chế về vốn, DN lại càng khó tìm kiếm được mặt bằng sản xuất. Giám đốc Công ty cổ phần sản xuất và thương mại An Minh (Hà Nội) Nguyễn Hà Thành mô tả khó khăn của DN V và N như cái vòng luẩn quẩn, thiếu vốn DN không thể thuê hoặc mua được đất làm mặt bằng sản xuất, không có đất đồng nghĩa với việc không có tài sản thế chấp ngân hàng để vay vốn... Với nhiều DN V và N ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Ðà Nẵng... tìm được mặt bằng sản xuất giá rẻ quả là vấn đề nan giải bởi giá thuê đất tại đây quá cao. Công ty cổ phần dịch vụ thời trang Linh Linh, một trong những DN V và N chuyên may trang phục công sở từ hai năm nay vẫn chưa tìm được mặt bằng ở Hà Nội để mở rộng sản xuất. Nếu di chuyển sản xuất ra các vùng ven Hà Nội, tuy chi phí thuê đất rẻ hơn nhưng công ty lại khó tuyển dụng được lao động có tay nghề cao. Công ty TNHH Tiến Thắng chuyên sản xuất hàng may mặc ở thôn La Bông, xã Hòa Tiến (Ðà Nẵng) cũng đang vất vả tìm kiếm mặt bằng và nhân lực. Giám đốc Nguyễn Thị Nhị bức xúc: Nhà xưởng của công ty đặt ở vùng nông thôn. Qua bốn năm hoạt động, sản xuất có hiệu quả, trả được vốn vay ban đầu cho ngân hàng. Thời gian tới, để đáp ứng yêu cầu của khách hàng, sản lượng phải tăng lên gấp đôi hiện nay. Nhưng hiện nay, công ty không tuyển được lao động. Chúng tôi định xây dựng mở rộng nhà kho chứa hàng, đường nội bộ nhưng chính quyền huyện Hòa Vang không cho phép vì vướng quy hoạch, dù đất đó chúng tôi đã mua của thành phố mấy năm nay.


Chính sự không ổn định về vốn, mặt bằng mà nhiều DN V và N  không dám mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất. Do đó, quy mô của DN lại càng khó tăng lên và đây cũng chính là một trong những lý do mà DN không thể giữ chân lao động hay thu hút lao động có tay nghề cao. Công ty cổ phần may Phương Nam (TP Hồ Chí Minh) phải làm quen với việc người lao động dịch chuyển từ nơi này qua nơi khác. Mặc dù bản thân DN rất chăm lo tới người lao động, đi đến các tỉnh để tuyển dụng, đào tạo, thuê chỗ ở, mua sắm giường chiếu, quan tâm đến cả ngày sinh nhật cho cán bộ, công nhân viên, nhưng cứ được một thời gian "đủ lông đủ cánh", người lao động lại làm đơn xin chuyển. Theo Giám đốc công ty Trần Minh Chính, cử nhân đại học được đào tạo hàng loạt trong khi người lao động có tay nghề thì hầu như không có. Người lao động vì những lợi ích trước mắt cứ nay đây mai đó, chuyển việc này sang việc khác, mãi mãi họ vẫn chỉ là những lao động không có trình độ. Về lâu dài, Chính phủ cần có quy hoạch đào tạo nguồn lao động. 


Khó tiếp cận nguồn vốn, đất đai cũng hạn chế các DN V và N  đầu tư đổi mới công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng năng suất lao động. Phần lớn các DN V và N hiện đang sử dụng công nghệ thiết bị lạc hậu, năng suất thấp. Công ty TNHH đá mỹ nghệ Ngọc Anh (xã Ninh Vân, Hoa Lư, Ninh Bình) do vốn ít, phải đầu tư thiết bị cũ, kết hợp với tự thiết kế, cải tiến máy móc, nên năng suất thấp, lãng phí phôi đá và ô nhiễm môi trường. Giám đốc Ðỗ Khắc Thư quả quyết, nếu vay được vốn, ông sẽ đầu tư thiết bị loại CNC, khẩu độ lớn, trị giá hơn một tỷ đồng/máy, tự động cắt đá theo yêu cầu, như vậy năng suất lao động cao, tiết kiệm được nguyên liệu đá (không phải dùng chất nổ để chia nhỏ đá), bảo vệ môi trường.


Ngoài ra, một trong những hạn chế nổi bật của khu vực DN V và N  là trình độ quản trị điều hành DN thấp. Mặc dù thời gian gần đây, chất lượng quản trị điều hành trong các DN đã được cải thiện đáng kể nhưng nhìn chung vẫn còn nhiều yếu kém, bất cập. Phần lớn DN V và N  có quy mô nhỏ, chủ yếu thành lập trên cơ sở góp vốn của nhiều người trong gia đình, người chủ sở hữu thường đồng thời là người quản lý, giám đốc, quản đốc... Do vậy hình thức quản trị điều hành còn mang nặng tính gia đình, tập trung vào một vài người. Và hệ quả là không phát huy tính tự chủ, sáng tạo của nhân viên. Ðại bộ phận DN V và N vẫn còn xa lạ với việc xây dựng chiến lược phát triển kinh doanh lâu dài và bền vững với những mục tiêu, sứ mệnh được xác định rõ ràng. Thay vào đó, nhiều DN lại "lao theo" những cơ hội kinh doanh  ngắn hạn, nhất thời.


Phát triển theo chiều sâu


Rõ ràng những khó khăn, hạn chế nêu trên đã làm cho hoạt động của các DN V và N trở nên bấp bênh, không ổn định, từ đó ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của sản phẩm cũng như của DN. Sự hỗ trợ từ phía Nhà nước thông qua một loạt các chính sách trợ giúp DN V và N được triển khai thời gian qua đã bước đầu phát huy hiệu quả tích cực. Tuy nhiên thực tế, quá trình triển khai một số chính sách này chưa đồng bộ, thiếu cụ thể nên nhiều DN vẫn chưa nhận được sự trợ giúp thiết thực này của Nhà nước. Theo Cục trưởng Phát triển DN Hồ Sỹ Hùng, để trợ giúp các DN V và N một cách tốt nhất thì đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ của các bộ, ngành và địa phương, chứ không đơn thuần chỉ một cơ quan nào thực hiện. Một loạt các giải pháp đã được đề ra nhưng trước mắt có thể tập trung triển khai hai giải pháp mang tính đột phá là giải pháp trợ giúp tài chính và trợ giúp phát triển nguồn nhân lực, chú trọng nâng cao năng lực quản trị DN. Hai giải pháp quan trọng này phát huy hiệu quả rõ nét nhất và có tác động lan tỏa nhiều nhất tới các DN V và N.


Bên cạnh những chính sách trợ giúp của Nhà nước thì nhiều DN V và N cho rằng, Nhà nước cần tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho DN hoạt động như tháo gỡ những nút thắt về cơ sở hạ tầng, nhất là bảo đảm cung cấp đủ điện năng cho DN sản xuất; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giúp DN tiết kiệm thời gian và chi phí... Ðây chính là sự trợ giúp công bằng, có hiệu quả nhất đối với các DN V và N.


Không chỉ đòi hỏi sự hỗ trợ từ phía Nhà nước, bản thân DN V và N  cũng phải nỗ lực, chủ động sáng tạo, đổi mới quản trị điều hành DN để có thể trụ vững và phát triển bền vững trước sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt trên thị trường, nhất là khi nước ta đang ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới. Việc đổi mới quản trị điều hành DN phụ thuộc rất lớn vào năng lực của người chủ DN. Theo Giám đốc DN tư nhân Cỏ May Phạm Văn Bền, tính cách của người chủ DN có nhiều yếu tố quyết định. Với DN này, chính nhờ sự chân thành của người chủ DN, quan hệ với ngân hàng đã tạo được sự bền vững qua hàng chục năm, nhờ đó những lúc khó khăn cũng như khi thuận lợi, DN của ông đều có ngân hàng đồng hành. Ðó phải là mối quan hệ tương tác trên cơ sở tin tưởng nhau, có xem xét và cân nhắc. Với Công ty Trung Thành, con người là yếu tố quyết định sự phát triển bền vững của DN. Tìm về khai thác thị trường nông thôn là cách để DN này cân bằng và phát triển kinh doanh. Giám đốc Công ty Phí Ngọc Chung nhấn mạnh, chính nhờ đội ngũ cán bộ có trình độ, tâm huyết, Công ty Trung Thành mới có thể tìm ra được hướng đi vượt qua giai đoạn khó khăn vừa qua. 


Ðể phát triển bền vững, Giám đốc Công ty cổ phần sản xuất và thương mại An Minh Nguyễn Hà Thành khẳng định, DN nên tập trung phát triển theo chiều sâu để có thể tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao, chiếm được niềm tin của người tiêu dùng trong nước. Xa hơn, những sản phẩm đó có thể vươn ra thị trường thế giới, cạnh tranh với sản phẩm của các nước, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Mong ước của DN chuyên sản xuất bao bì này là một ngày nào đó trở thành DN phụ trợ của một tập đoàn sản xuất nổi tiếng trên thế giới, như vậy cũng đã là một sự thành công lớn của DN V và N Việt Nam. Cùng chung quan điểm này, Giám đốc Công ty Cỏ May Phạm Văn Bền cho rằng, DN không nên vội vã mở rộng quy mô sản xuất ngay. Các DN V và N nên giữ ở quy mô phù hợp với năng lực quản lý và khả năng vốn của mình. DN Cỏ May có doanh thu hàng triệu USD nhưng họ cũng chỉ ký hạn mức tín dụng ngắn hạn với ngân hàng 100 tỷ đồng. Ðối với những khoản đầu tư chiều sâu, DN dùng vốn tự có của mình. DN sử dụng quá nhiều vốn vay của ngân hàng sẽ không hiệu quả, luôn bị sức ép từ chính những khoản vay, do đó khó có thể trụ vững.


(*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 14-6.
 
 
                                                                                       Theo ND

Các tin khác


UBND tỉnh làm việc với phái đoàn Nghị sĩ Pháp và AFD tại Việt Nam

Ngày 17/4, UBND tỉnh làm việc với phái đoàn Nghị sĩ Pháp và đại diện Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tại Việt Nam. Tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo một số ban, sở, ngành.

Chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu

Để chủ động phòng chống thiên tai trong mùa mưa bão năm 2024, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, đảm bảo tính thống nhất, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể trong công tác phòng, tránh và kịp thời ứng phó, xử lý các tình huống khi thiên tai xảy ra.

Kết nối giữa Agribank chi nhánh tỉnh Hòa Bình và doanh nghiệp 

Chiều 16/4, Agribank chi nhánh tỉnh Hòa Bình, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh phối hợp tổ chức Hội nghị kết nối giữa Agribank chi nhánh tỉnh Hòa Bình và doanh nghiệp tỉnh. Đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, Agribank chi nhánh tỉnh và Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh chủ trì hội nghị.

Thúc đẩy tạo sinh kế cho nông dân dưới tán rừng

Sau một thời gian triển khai, Chương trình hỗ trợ rừng và trang trại giai đoạn II (Chương trình FFF II) do Tổ chức Nông nghiệp và lương thực Liên hợp quốc (FAO) tài trợ tiếp tục phát huy hiệu quả. Các mô hình phát triển rừng gỗ lớn, trồng cây nông nghiệp hữu cơ, nông lâm kết hợp được nhân rộng. Đặc biệt, nhiều nông dân đã thay đổi tư duy, biết tận dụng đất rừng vốn có để nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích.

Huyện Lạc Thủy: Siết chặt quản lý ngành nghề kinh doanh có điều kiện

Những năm qua, UBND huyện Lạc Thủy thực hiện tốt các nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh trên cơ sở chấp hành đúng, đầy đủ quy định pháp luật, góp phần vào sự phát triển kinh tế của địa phương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục