Phun thuốc là  biện pháp trừ rầy hiệu quả

Phun thuốc là biện pháp trừ rầy hiệu quả

(HBĐT) - Đó là ý kiến của ông Nguyễn Hồng Yến, Phó Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh trao đổi với PV HBĐT xung quanh vấn đề phòng chống dịch bệnh cây trồng trong vụ chiêm xuân vừa qua và chuẩn bị cho vụ mùa sắp tới.

 

PV: Xin ông đánh giá lại những ảnh hưởng của dịch bệnh trong vụ chiêm xuân vừa qua?

 

Ông Nguyễn Hồng Yến: Hiện nay trà lúa xuân chính vụ đang chín và cho thu hoạch, trà muộn đã chắc xanh đỏ đuôi. Đến thời điểm này có thể khẳng định, toàn tỉnh đã qua một vụ sản xuất an toàn về sâu bệnh nói chung, dịch rầy và lùn sọc đen nói riêng. Mặc dù nguy cơ dịch bệnh bùng phát trên diện rộng là rất cao. Tuy diện tích nhiễm rầy cao hơn so với vụ mùa năm ngoái, nhưng không ảnh hưởng đến năng xuất của cả vụ. Kết quả này là nhờ có sự vào cuộc chỉ đạo quyết liệt của các cấp chính quyền và sự tham mưu kịp thời về các giải pháp chỉ đạo phù hợp của các cơ quan chuyên môn nên đã bao vây khống chế các ổ dịch một cách hiệu quả. Hòa Bình được Cục Bảo vệ thực vật đánh giá rất cao công tác tuyên truyền và dập dịch. Toàn tỉnh chỉ có khoảng 100m2 nhiễm bệnh lùn sọc đen nặng phải tiêu hủy tập trung ở huyện Lạc Thủy. Còn lại là những ổ cháy rầy nhỏ  với diện tích không đáng kể.

 

PV: Trong vụ mùa thường xuất hiện những dịch bệnh gì trên lúa?

 

Ông Nguyễn Hồng Yến: Hiện nay các địa phương đã bắt đầu gieo mạ trà lúa sớm. Đây cũng là vụ được nhiều nhà khoa học cảnh báo sẽ đứng trước nguy cơ bùng phát dịch bệnh lùn sọc đen ở mức độ nguy hiểm, nặng nề hơn vụ mùa 2009 đối với các tỉnh phía Bắc. Theo kết quả mới nhất của Cục Bảo vệ thực vật, các mẫu lúa thu thập trên trà lúa xuân chính vụ, muộn và trên lúa chét thì ở Hòa Bình tiếp tục có phản ứng dương tính với vi rút gây bệnh lùn sọc đen (rầy lưng trắng là côn trùng môi giới). Theo quy luật, ở vụ mùa tập đoàn rầy bùng phát nhiều hơn vụ chiêm xuân. Đang là cao trào phát triển rầy và lùn sọc đen. Do vậy, công tác phòng ngừa cần được đặc biệt quan tâm chú trọng ngay từ đầu vụ.

 

Ngoài ra, theo cơ cấu giống lúa vụ mùa thường bị bệnh bạc lá, khô vằn, sâu cuốn lá trên lúa lai nhị ưu 838, Th 3-3, 203, Khang Dân. Ở những huyện Lạc Sơn, Lạc Thủy, Kim Bôi, Lương Sơn nhiều bà con sau khi trồng dưa hấu, bí xanh rồi chuyển sang cấy thường xuất hiện sâu đục thân phát triển mạnh.   

 

PV: Để phòng bệnh bà con cần làm gì?

 

Ông Nguyễn Hồng Yến: Trước mắt, để phòng bệnh bà con cần vệ sinh đồng ruộng cày vùi gốc rạ ngay sau khi gặt để diệt lúa chét, lúa tái sinh, dọn sạch cỏ bờ ruộng, mương dẫn nước, úp gốc rạ ngâm nước để mầm bệnh chết. Đốt dọn tàn dư thực vật từ cây ngô. Cần thực hiện triệt để trên toàn bộ cánh đồng đã xuất hiện bệnh trên vụ chiêm xuân.Theo dõi bẫy đèn để xác định đỉnh cao của các đợt rầy lưng trắng và các loại rầy hại lúa khác. Thời điểm gieo mạ và cấy lúa tốt nhất trong khoảng 4-6 ngày sau đỉnh cao của rầy vào đèn.

 

Những khu vực đã xuất hiện bệnh trong vụ chiêm xuân không gieo sạ hoặc hạn chế gieo sạ trên đồng ruộng chuyển thành mạ sân để dễ bảo vệ. Sử dụng vải màn để che phủ cho mạ vào ban đêm. Sử dụng các loại thuốc để xử lý hạt giống. Thường xuyên kiểm tra ruộng mạ nếu phát hiện có rầy thì lập tức sử dụng thuốc trừ rầy nội hấp để phun trừ kết hợp tháo nước ngập đọt mạ và buổi tối, ban ngày tháo cạn tiến hành liên tục trong thời gian rầy di trú sau đó để ẩm bình thường. ở những khu vực khác, nếu phát hiện cây có bệnh tiến hành phun trừ rầy trước khi đưa mạ trên ruộng cấy, trường hợp bệnh nặng tiêu hủy cả ruộng mạ. Hạn chế sử dụng những giống lúa đã xác định nhiễm bệnh nặng sử dụng các giống kháng rầy hoặc ít nhiễm rầy. Bón phân đầy đủ cân đối đặc biệt không bón thừa đạm, áp dụng rộng rãi biện pháp canh tác 3 giảm 3 tăng hay phương pháp canh tác lúa cải tiến để giảm thiểu mức độ gây hại của rầy và tăng tính chống chịu của lúa đối với dịch hại.

 

Khi đã nhiễm bệnh phải nhổ vùi những cây lúa bị bệnh, tác những khóm lúa khỏe để cấy dặm những chỗ mất khoảng lớn. Phun trừ rầy bằng thuốc nội hấp trên ruộng bị bệnh và khu vực xung quanh, chăm sóc lúa bị bệnh để cây mau chóng phục hồi. Tiêu hủy cả ruộng bị bệnh khi không còn cho năng suất. Gieo thẳng lại khi còn thời vụ. Nếu hết thời vụ thì có thể trồng cây màu khác. Với bệnh bạc lá, khô vằn có thể tồn tại trên hạt giống lúa nằm trên vỏ trấu hoặc phôi lúa ruộng bệnh nặng thì nấm bệnh bùng phát làm cây bệnh yếu hoặc cháy mạ, cần xử lý hạt giống bằng nước muối, vôi trong hay hóa chất. Điều kiện tự nhiên nguồn bệnh, nguồn thức ăn, vùng hay bị bệnh nặng không nên cấy chọn giống khác kháng bạc lá.

 

 

PV: Xin cảm ơn ông !

 

                                                                           Việt Lâm

                                                                           (Thực hiện)

 

Các tin khác


Tín hiệu kinh tế khởi sắc ở huyện Cao Phong

Những ngày trung tuần tháng 4, trên các vườn mía xã Hợp Phong (Cao Phong), nông dân tập trung thu hoạch mía bán cho tiểu thương. Anh Bùi Văn Biện cùng một vài người dân vác từng bó mía từ vườn ra trục đường lớn. Mồ hôi nhễ nhại nhưng trên gương mặt anh toát lên tinh thần lao động hăng say. Anh Biện cho biết, vụ mía năm nay giá bán thấp hơn cuối năm trước từ 2.500 - 3.000 đồng/cây. Tuy nhiên, cây mía phát triển tốt nên được tiểu thương đánh giá cao về chất lượng và tiêu thụ nhanh.

Hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở xã Mai Hạ

Khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương, thời gian qua, xã Mai Hạ (Mai Châu) khuyến khích nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ cây lương thực kém hiệu quả, vùng canh tác không chủ động nước tưới sang trồng các loại cây chịu hạn, cây có hiệu quả kinh tế cao nhằm nâng cao giá trị sử dụng đất.

Quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 5,5% so với cùng kỳ

Trong quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh ước tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước.

Hội Nông dân huyện Lương Sơn: Đồng hành, hỗ trợ hội viên trong sản xuất, kinh doanh

Phát huy vai trò là cầu nối, chỗ dựa tin cậy của hội viên, thời gian qua, Hội Nông dân (HND) huyện Lương Sơn luôn đồng hành, hỗ trợ hội viên triển khai hiệu quả nhiều hoạt động, cách làm, mô hình mới giúp hội viên nông dân (HVND) phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng.

Sản lượng sơ chế, chế biến thủy sản hàng năm đạt khoảng 850 tấn

Theo Chi cục Thuỷ sản, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 10 cơ sở sơ chế, chế biến và bảo quản sản phẩm thủy sản, gồm 3 doanh nghiệp, 1 hợp tác xã và 6 hộ kinh doanh.

Bảo vệ thuỷ sản mùa nắng nóng, mưa lũ

Nắng nóng, mưa lũ làm cho các yếu tố môi trường thay đổi dễ gây bất lợi cho sinh trưởng và phát triển của thủy sản nuôi trồng. Do đó, ngành chức năng khuyến cáo người chăn nuôi cần chủ động các giải pháp để bảo vệ cá nuôi, hạn chế thiệt hại.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục