Đến nay lãi suất huy động lẫn cho vay VNĐ vẫn ở mức cao so với mục tiêu Chính phủ đặt ra từ đầu tháng 5-2010 là 10%/năm (đầu vào) và 12%/năm (đầu ra). Hiện lãi suất huy động - cho vay cao nhất ở các mức là 11,2% - 15%/năm. Dường như các giải pháp nhằm hạ dần lãi suất đã không phát huy tác dụng

 

Ưu tiên “mối ruột”

 

Ngay từ đầu tháng 7-2010, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) đã có những nhận định lạc quan về tình hình kinh tế của nước ta, xem đây là cơ hội thuận lợi để các ngân hàng thương mại (NHTM) giảm lãi suất huy động và cho vay.
 
VNBA cũng đồng thuận với chủ trương kéo giảm lãi suất của Chính phủ. Để hưởng ứng chủ trương của Chính phủ, VNBA đã đề ra lộ trình giảm lãi suất huy động xuống còn 10,5%/năm trong tháng 8-2010 và 10%/năm trong tháng 9-2010.

 

Tuy nhiên, đến giờ thực tế cho thấy, những mục tiêu trên hầu như phá sản! Trưởng phòng tín dụng của một NHTM lớn ở TPHCM cho biết, lãi suất huy động VNĐ tối đa của nhiều NHTM là 11,2%, đó là chưa cộng thêm các khoản khuyến mãi.
 
Vì vậy, lãi suất cho vay không thể giảm như mong muốn, lãi suất cho vay thấp nhất (khoảng 12% - 13%/năm) chỉ dành cho những “mối ruột” ở lĩnh vực xuất nhập khẩu; còn cho vay sản xuất kinh doanh thông thường phải dao động từ 14% - 15%/năm.

 

Không chỉ các doanh nghiệp than vãn, ngay vị trưởng phòng trên cũng thừa nhận, mức lãi suất cho vay như trên là quá sức chịu đựng của doanh nghiệp. Do vậy, số lượng khách hàng mới của NHTM này tăng rất ít, chủ yếu vẫn khách hàng cũ.
 
 
Giao dịch tại Ngân hàng ACB. Ảnh: VIỆT DŨNG



Tình hình chung chẳng khác gì mấy. Theo NHNN - Chi nhánh TPHCM, trong tháng 8 vừa qua, lãi suất huy động VNĐ cao nhất ở các kỳ hạn thông thường đều chạm ngưỡng 11,2%/năm, còn lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh ở các NHTM phổ biến ở mức 13% - 14%/năm. Con số này trên bình diện cả nước gần như tương tự.

 

Thống kê của NHNN cho thấy trong cùng thời điểm, lãi suất huy động VNĐ của các NHTM dao động từ 10,6% - 11,2%/năm và lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh nằm ở khoảng 13% - 15%/năm. Không những vậy, lãi suất cho vay ở lĩnh vực phi sản xuất như tiêu dùng, chứng khoán… lại còn cao hơn nhiều, nằm từ 16% - 20%/năm.

 

Do vậy, tín dụng tăng khá chậm. Ở địa bàn TPHCM, tín dụng tháng 8 chỉ tăng 1% so tháng 7, còn 8 tháng đầu năm chỉ tăng 11,3% so với cuối năm 2009. Tính cả nước, tốc độ tăng trưởng tín dụng 8 tháng đầu năm cũng khá thấp, 16,27% so với cuối năm 2009.

 

Lực cản Thông tư 13

 

Theo một số lãnh đạo NHTM, sở dĩ tín dụng tăng trưởng thấp là do các NHTM lo đối phó với Thông tư 13/2010-TT-NHNN (quy định về các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng). Cụ thể các NHTM sẽ tăng cường huy động tiền gởi, đồng thời hạn chế cho vay (giảm dư nợ) để đảm bảo tỷ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động không vượt quá 80%.

 

Không dừng lại đó, động thái trên của các NHTM cũng nhằm bù đắp lượng vốn huy động đã bị hao hụt do tiền gởi và vay của Kho bạc Nhà nước, tiền vay của tổ chức tín dụng khác trong nước, tiền gởi thanh toán sẽ không còn được xem là nguồn vốn huy động nữa kể từ ngày 1-10-2010. Việc hạn chế cho vay của các NHTM là điều dễ hiểu vì trong 8 tháng đầu năm nay, tỷ lệ vốn vay trên vốn huy động ở địa bàn TPHCM đã vượt con số 91,1%.

 

Theo PGS-TS Trần Huy Hoàng, cách áp dụng tỷ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động không vượt quá 80% nhằm đảm bảo an toàn cho các NHTM như lý lẽ của NHNN là không thuyết phục.

 

Theo ông Hoàng, quy định trên sẽ càng kích thích các NHTM chạy đua huy động lẫn cho vay, vì ngân hàng nào cũng muốn đẩy mạnh cho vay và tất nhiên dư nợ tín dụng cùng rủi ro sẽ càng phình to! Ông Hoàng cho rằng, nên tính tỷ lệ cấp tín dụng so với vốn tự có thì tính an toàn trong hoạt động của NHTM sẽ cao hơn.

 

Xuất phát từ những bức xúc của các NHTM, VNBA vừa gởi Thống đốc NHNN bản góp ý về Thông tư 13 nêu trên.

 

Theo VNBA, cách tính nguồn vốn huy động của NHNN không hợp lý, vì tiền gởi không kỳ hạn thường chiếm 15% - 20% tổng vốn huy động và có tính ổn định cao (nhưng lại không được tính vào nguồn vốn huy động!). Hơn nữa, VNBA đề nghị NHNN nên tính nguồn tiền vay của các tổ chức tín dụng trong nước vào nguồn vốn huy động, vì về bản chất nguồn tiền này giống với nguồn tiền gởi của các tổ chức tín dụng trong nước.

 

Bên cạnh đó, quy định tiền vay của tổ chức tín dụng nước ngoài nằm trong nguồn vốn huy động bị điều chỉnh bởi tỷ lệ 80% cũng không hợp lý, vì thông thường vốn vay của các tổ chức tài chính nước ngoài luôn gắn liền với các dự án đầu tư do doanh nghiệp đứng vay (NHTM bảo lãnh) hay NHTM đứng vay để cho doanh nghiệp vay lại hoặc Chính phủ đứng vay, giao NHTM thực hiện khoản vay và khoản vốn này phải được sử dụng 100% để cho doanh nghiệp vay.

 

VNBA cũng đề nghị NHNN xem lại tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung và dài hạn... Cùng với nhiều bất cập khác và thời gian chuẩn bị quá gấp, VNBA đề nghị NHNN giãn tiến độ và có lộ trình thực hiện từng nội dung trong Thông tư 13 để các NHTM hoạt động thuận lợi.

 

 

                                                                                     Theo NLĐ

Các tin khác


Tháo gỡ vướng mắc đường liên kết vùng

Dự án đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội và cao tốc Sơn La (Hòa Bình - Mộc Châu) là dự án giao thông trọng điểm của tỉnh, khi hoàn thành mở ra cơ hội rất lớn kết nối thông thương, khai thác tiềm năng, lợi thế, phát triển đô thị, dịch vụ. Với ý nghĩa quan trọng đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng, địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về giải phóng mặt bằng (GPMB), chuyển đổi đất rừng, đất lúa, đẩy nhanh tiến độ triển khai.

Hiệu quả từ tuyên truyền sử dụng tiết kiệm điện

Sử dụng tiết kiệm điện đem lại lợi ích "kép”, giúp giảm áp lực cấp điện trong bối cảnh cung cấp điện gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt giúp chúng ta giảm chi phí sử dụng điện, nhất là trong mùa nắng nóng khi nhu cầu sử dụng điện tăng đột biến.

Giá vàng sáng 19/4

Tính đến 6 giờ 15 phút sáng ngày 19/4, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 82,1 - 84,12 triệu đồng/lượng (mua vào- bán ra). Giá vàng nhẫn công ty này niêm yết ở mức 74,7 -76,7 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Xã Đồng Ruộng tìm hướng thoát nghèo từ nuôi dê

Thực hiện công tác giảm nghèo, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thời gian qua, nhiều hộ trên địa bàn xã Đồng Ruộng (Đà Bắc) đã phát triển, nhân rộng mô hình nuôi dê, đem lại thu nhập đáng kể, giải quyết việc làm, mở ra hướng phát triển kinh tế cho người dân.

Xã Đa Phúc cán đích nông thôn mới

Nhờ phát huy sức mạnh cộng đồng, sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ Trung ương và địa phương, cùng với quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, cuối năm 2023, xã Đa Phúc, huyện Yên Thủy được Chủ tịch UBND tỉnh ra Quyết định số 3064/QĐ-UBND, ngày 29/12/2023 công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Từ một xã vùng đặc biệt khó khăn của huyện, Đa Phúc như được khoác lên mình chiếc áo mới, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng khang trang, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nâng lên, diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới và khởi sắc.

Giá xăng tăng hơn 400 đồng/lít

Liên bộ Công Thương - Tài chính vừa điều chỉnh giá xăng dầu từ 15h chiều nay 17/4.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục