Việc tăng giá điện quá cao chắc chắn sẽ tác động không nhỏ đến đời sống người lao động. Trong ảnh: một bà nội trợ ở Q.Phú Nhuận, TP.HCM liệt kê tiền điện phải trả - Ảnh: Thanh Đạm

Việc tăng giá điện quá cao chắc chắn sẽ tác động không nhỏ đến đời sống người lao động. Trong ảnh: một bà nội trợ ở Q.Phú Nhuận, TP.HCM liệt kê tiền điện phải trả - Ảnh: Thanh Đạm

Nhiều chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng việc tăng giá cần tính toán hài hòa lợi ích ngành điện và nền kinh tế, tránh “tăng hại”...

 

Sau khi ăn tết xong, người dân bắt đầu phải nghe thông tin tăng giá điện vì ngày 1-3 hằng năm là thời điểm điều chỉnh giá điện theo định hướng cơ chế thị trường.

Tăng giá, EVN vẫn lỗ

Năm 2011, theo nguồn tin của Tuổi Trẻ, một phương án tăng giá của EVN cho biết ngay cả khi giá điện 2011 tăng khoảng 30%, vẫn phải cắt giảm trên 2 tỉ kWh điện giá cao từ các nhà máy nhiệt điện. Một quan chức Bộ Công thương cho biết bộ phải giảm trừ khá nhiều yếu tố tăng giá của EVN và mức thấp nhất có thể chấp nhận được năm nay phải lên tới 18%.

Con số này có vẻ cao, nhưng thực tế chỉ tăng gần 200 đồng/kWh. Đồng thời, để đảm bảo ngành điện không quá khó khăn, có nguy cơ ảnh hưởng đến khả năng thiếu điện trong dài hạn, Bộ Công thương đề xuất ngành than phải “chia sẻ”, không tăng giá bán than cho điện năm 2011.

Quan chức này trấn an: ngay cả ở phương án tăng 18%, thấp hơn nhiều so với đề nghị của EVN, Bộ Công thương vẫn yêu cầu EVN phải huy động điện giá cao vì nếu cắt, hệ thống điện mùa khô có thể thiếu tới mức khó có thể chấp nhận - trên 4 tỉ kWh (trong khi cắt điện mùa khô 2010 chỉ trên 1,3 tỉ kWh).

Để giảm hơn nữa so với mức 18%, theo quan chức trên, là không đơn giản, vì với tốc độ tăng chi phí, tăng tỉ giá thì EVN dễ lỗ, số lỗ có thể lên tới trên 15.000 tỉ đồng năm 2011.

Ông Tô Quốc Trụ - giám đốc Trung tâm tư vấn năng lượng, Hiệp hội Năng lượng - cũng cho rằng việc tăng giá điện năm 2011 là cần thiết để đáp ứng nhiều mục đích, trong đó có chống thiếu điện về lâu dài, khuyến khích đổi mới công nghệ, tiết kiệm điện...

Ông Trụ cho biết Bộ Tài chính cũng đã có những phương án tăng giá, trong đó có đề xuất mức tăng khoảng 17%. Tuy nhiên, ông Trụ cho rằng nhiều khả năng Chính phủ sẽ quyết mức 18% theo đề xuất của Bộ Công thương vì đây là mức hợp lý hơn cả.

Biểu đồ mức tăng giá điện bình quân qua các năm - Đồ họa: Như Khanh

Chỉ nên tăng vừa phải

Người dân trả thêm từ 5.000-140.000 đồng/tháng

Nếu Chính phủ quyết giá điện năm 2011 tăng 18% theo tính toán, tổng số tiền điện nền kinh tế sẽ phải trả thêm khoảng 19.000 tỉ đồng, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) sẽ tăng 0,54-0,72%. Trong đó, các ngành sản xuất sẽ phải chịu thêm chi phí gần 10.000 tỉ đồng, tăng giá thành từ 0,02-9,03%.

Các hộ nghèo có mức tiêu thụ điện 50 kWh/tháng trở xuống nếu giá điện tăng 18% thì số tiền phải trả tăng thêm hằng tháng khoảng 5.000 đồng, các hộ có mức tiêu thụ điện trung bình dưới 100 kWh/tháng sẽ trả thêm hơn 21.000 đồng/tháng. Hộ tiêu thụ đến 200 kWh/tháng sẽ trả thêm hơn 55.000 đồng/tháng. Các hộ sử dụng lượng điện ở mức 400 kWh/tháng sẽ phải trả thêm từ 100.000-140.000 đồng/tháng.

Ông Nguyễn Tôn Quyền, phó chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản, cho biết với mức giá điện tăng 18% sẽ tác động không nhỏ tới doanh nghiệp. Theo ông Quyền, giá điện tăng là cần thiết, tuy nhiên mức tăng 18-30% theo đề xuất của Bộ Công thương, ngay cả khi thực hiện ở mức thấp nhất cũng sẽ khiến doanh nghiệp phải chịu tác động nhiều vòng.

“Giá điện tăng, từ đó giá thép cũng tăng, giá nhân công tăng... Trong khi đó, ngành gỗ chúng tôi năm 2011 không thể tăng giá bán” - ông Quyền lo lắng. Mức tăng 18%, ông Quyền cho rằng gần gấp ba lần năm trước nên có yếu tố giật cục.

Còn mức tăng tối đa 40% theo đề nghị của EVN, ông Nguyễn Tôn Quyền khẳng định không thể chấp nhận được với rất nhiều doanh nghiệp và người dân. Ông Quyền đề nghị: “EVN cần tính toán tiết kiệm chi phí vì tiềm năng còn nhiều chứ hiện nay mọi thứ chi phí tăng, trong đó có cả tăng lương đổ hết vào doanh nghiệp, người dân”.

Bà Nguyễn Tuệ Anh - trưởng ban môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương - cho biết việc tăng giá điện 18% năm 2011 chắc chắn tác động không nhỏ đến người dân, doanh nghiệp.

Nên chọn phương án thấp nhất có thể vì những doanh nghiệp lớn tăng giá điện không ảnh hưởng nhiều, với các doanh nghiệp nhỏ, dùng nhiều điện, tăng chi phí giá điện 18% trong khi không tăng được giá bán sản phẩm có thể khiến họ khó khăn, khó trả nợ, tác động cả đến người lao động và cả hệ thống ngân hàng...

“Tăng bao nhiêu cần có lộ trình, tăng từng bước. Vì cần có thời gian để đo phản ứng trên giá cả và đời sống người dân” - bà Tuệ Anh nói.

EVN cần tiết kiệm hơn nữa

Với chi phí năm 2010 của EVN khoảng 130.000 tỉ đồng, theo bà Tuệ Anh, là rất lớn và tiềm năng tiết kiệm vẫn còn để chia sẻ bớt cơn sóng tăng giá với người dân. Ngoài ra, bà Tuệ Anh cho rằng với những người nghiên cứu, những lập luận nói EVN lỗ to, chi phí tăng cao... vẫn hơi khó hiểu. C

ác thông tin kiểu này cần có giải trình rõ ràng, như chi phí tăng thì tăng ở khâu nào, có hợp lý không; lỗ vì mua điện giá cao thì lợi do bán được điện giá cao thế nào (khi cắt điện luân phiên chủ yếu cắt điện giá rẻ ở nông thôn)... Vì vậy, cần phải có kiểm toán rõ ràng các thông số của EVN, chứ chỉ nói không như vậy khó thuyết phục.

Ông Hoàng Văn Tòng, phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên, chia sẻ: năm trước thép là một trong những mặt hàng bình ổn giá, nên bản thân ngành thép cũng có khó khăn chứ không chỉ ngành điện. Nên nếu giá điện tăng mạnh, giá thép cũng nhiều khả năng phải tăng vì “giá điện tăng thì cái kim sợi chỉ cũng tăng, nói gì đến thép”.

Theo ông Tòng, khi đã tính chuyện tăng giá điện thì chắc chắn phải có người chịu thiệt, đó là dân hay EVN, mức độ mỗi bên thế nào cần cân nhắc kỹ.

Với phương án của EVN cho rằng dù tăng giá 30% vẫn phải cắt cỡ 2 tỉ kWh điện giá cao, ông Tòng cho rằng không hiểu phương án này được xây dựng dựa trên lợi ích của bên nào, có cục bộ quá không? Nếu cắt điện, doanh nghiệp thép sẽ nhập phôi ngoại về làm, nếu tăng giá, doanh nghiệp cũng phải tăng giá để tồn tại, người chịu tác động cuối cùng là dân. Vì vậy, cơ quan nhà nước cần tính đúng, tính đủ tác động đến đời sống để chọn mức giá điện hợp lý, tránh tâm lý té nước theo mưa đã thường trực, hình thành làn sóng tăng giá.

Trước lập luận phải tăng giá điện để doanh nghiệp, người dân tiết kiệm điện, thay đổi công nghệ, Ông Hoàng Văn Tòng cho rằng đúng nhưng chỉ nói vậy chưa đủ. Doanh nghiệp chuẩn bị đầu tư thì có thể thay đổi, chứ vừa đầu tư xong, chưa khấu hao thì bảo đổi mới toàn bộ công nghệ cực khó. Bà Nguyễn Tuệ Anh cũng đồng tình quan điểm này khi cho rằng hiện người dân, doanh nghiệp nhỏ, tư nhân đang là đối tượng tiết kiệm nhất.

“Nếu chúng ta không giúp họ chuẩn bị một lộ trình đổi mới công nghệ, thay đổi sản phẩm mà cứ nói tăng giá, buộc họ phải thay công nghệ thì họ có thể phải phá sản trước khi đổi được công nghệ vì thiếu vốn, năng lực” - bà Tuệ Anh cho hay.

 

                                                Theo TuoiTre

Các tin khác


Huyện Lạc Sơn: Vượt khó thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội

Phát huy những kết quả đã đạt được trong năm 2023, ngay từ quý I/2024, huyện Lạc Sơn tiếp tục nỗ lực vượt khó, quyết tâm thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội (KT-XH) quan trọng.

Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản

Căn cứ Quyết định số 482/QĐ-UBND, ngày 28/3/2024 của UBND tỉnh về ban hành Kế hoạch hành động đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản tỉnh Hòa Bình năm 2024, Sở NN&PTNT ban hành Kế hoạch hành động số 262/KH-SNN, ngày 15/4/2024 về đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản năm 2024.

Tín hiệu kinh tế khởi sắc ở huyện Cao Phong

Những ngày trung tuần tháng 4, trên các vườn mía xã Hợp Phong (Cao Phong), nông dân tập trung thu hoạch mía bán cho tiểu thương. Anh Bùi Văn Biện cùng một vài người dân vác từng bó mía từ vườn ra trục đường lớn. Mồ hôi nhễ nhại nhưng trên gương mặt anh toát lên tinh thần lao động hăng say. Anh Biện cho biết, vụ mía năm nay giá bán thấp hơn cuối năm trước từ 2.500 - 3.000 đồng/cây. Tuy nhiên, cây mía phát triển tốt nên được tiểu thương đánh giá cao về chất lượng và tiêu thụ nhanh.

Hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở xã Mai Hạ

Khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương, thời gian qua, xã Mai Hạ (Mai Châu) khuyến khích nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ cây lương thực kém hiệu quả, vùng canh tác không chủ động nước tưới sang trồng các loại cây chịu hạn, cây có hiệu quả kinh tế cao nhằm nâng cao giá trị sử dụng đất.

Quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 5,5% so với cùng kỳ

Trong quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh ước tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục