Việc thu phí cho quỹ bảo trì đường bộ là lối thoát cho tình trạng thiếu kinh phí bảo trì đường bộ triền miên, khiến đường xuống cấp nghiêm trọng cần được ủng hộ.

 

Song cách thu ra sao để bảo đảm công bằng lại là vấn đề dư luận quan tâm. Mặc dù Bộ GTVT đề nghị thu phí cho quỹ bảo trì đường bộ qua hai phương án, song xem ra phương án thu qua đầu phương tiện bị dư luận phản đối vì thiếu công bằng.

Lối thoát “giật gấu vá vai”

Theo Tổng cục Đường bộ VN, trong nhiều năm qua chưa bao giờ ngân sách cấp cho bảo trì đường bộ đáp ứng đủ nhu cầu. Cụ thể, nhu cầu kinh phí cho công tác bảo trì đường bộ hiện nay khoảng 12.200 tỉ đồng/năm (trong đó, 6.700 tỉ đồng/năm đối với quốc lộ và 5.500 tỉ đồng/năm đối với đường địa phương). Song thực tế vốn ngân sách cấp cho công tác bảo trì chỉ đạt khoảng 50% nhu cầu đối với quốc lộ. Còn đối với đường địa phương, tỉ lệ này thấp hơn nhiều. Việc “đói” triền miên kinh phí bảo trì khiến đường bộ xuống cấp nhanh chóng.

Trong khi đó, lưu lượng xe tăng cao, gây quá tải cũng nhanh chóng làm hỏng đường. Qua nghiên cứu kinh nghiệm tại các nước phát triển, việc thu phí bảo trì đường bộ là một kênh giúp cân bằng kinh phí bảo dưỡng đường, giảm gánh nặng cho ngân sách và tạo cơ hội cho người sử dụng đường thể hiện trách nhiệm với tài sản quốc gia khi sử dụng. Chính vì vậy, quỹ bảo trì đường bộ được xem là một lối thoát cảnh “giật gấu vá vai” trong bảo trì giữ cấp đường bộ, bảo đảm giao thông. Đồng thời quỹ bảo trì đường bộ cũng giảm gánh nặng cho ngân sách.

Trên thực tế, hiện người sử dụng đường bộ vẫn phải trả tiền thông qua việc mua phí đường bộ. Tuy nhiên, để nguồn thu được bù đắp đúng việc bảo dưỡng đường bộ cần có sự tách bạch. Thực tế với người sử dụng đường bộ vẫn phải đóng tiền, nhưng nguồn thu từ đường nếu được tách bạch sẽ trả lại “nuôi dưỡng” đường, có thể sẽ hiệu quả hơn trong việc bảo dưỡng giữ cấp đường. Ngoài ra, khi có nguồn thu minh bạch, Bộ GTVT sẽ phải chịu trách nhiệm cao hơn và sòng phẳng về chất lượng đường; bởi khi đó không thể còn đổ lỗi cho việc thiếu kinh phí bảo trì.

Thu qua xăng dầu – phương án tối ưu?

Trong tờ trình số 577/BGTVT-TC của Bộ GTVT gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất thành lập quỹ bảo trì đường bộ (BTĐB), bộ này đề xuất 2 phương án thu phí cho quỹ, đó là thu qua giá xăng dầu và thu trên đầu các phương tiện. Nếu thu qua xăng dầu mỗi lít sẽ thêm 1.000 đồng.

Nếu thu theo đầu phương tiện (với xe con, xe tải, xe 12 chỗ... đến xe tải 18 tấn trở lên, mức thu vào khoảng từ 180.000 đồng đến 1.440.000 đồng/tháng; với các loại xe máy, môtô phân khối lớn từ 80.000 đồng đến 150.000 đồng/tháng). Tổng thu trong một năm từ cả hai phương án đều xấp xỉ 6.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, hiện cả hai phương án này đang có những mặt được và chưa được

Theo các chuyên gia, phương án thu qua giá xăng có vẻ công bằng, bởi ai đi ít trả ít, đi nhiều trả nhiều. Tuy nhiên, tại VN chưa có việc phân định bán xăng cho phương tiện đường bộ và các nhu cầu khác như chạy máy, đi tàu thuỷ...; vì vậy sẽ khó bù đắp lại cho những người không sử dụng xăng dầu vào việc chạy xe trên đường bộ. Ngoài ra, cũng theo Bộ Tài chính, hiện có nhiều loại phí được thu qua xăng dầu như phí môi trường, rồi kết cấu hạ tầng giao thông... nên sẽ khó khăn cho việc tách nguồn phí.

Ngoài ra, xăng dầu là mặt hàng nhạy cảm giá cả thường xuyên lên xuống, nếu cộng thêm phí của quỹ bảo trì đường bộ sẽ tác động mạnh tới xã hội... Ở một số nước thu phí qua xăng dầu, họ tổ chức phải tổ chức tách bạch hệ thống bán xăng dầu cho phương tiện đường bộ và bán cho những đơn vị tiêu dùng khác. Nếu ở VN cũng tổ chức được như vậy, thì việc thu phí qua xăng dầu là công bằng và thuận tiện nhất.

Phương án thu phí theo đầu các phương tiện được người sử dụng cũng như các chuyên gia đánh giá là thiếu công bằng và khó khả thi, bởi có xe đi nhiều, xe đi ít song lại bị chịu phí như nhau. Ngoài ra, việc thu qua đăng kiểm khó khả thi hơn bởi các xe mới thường 1-2 năm mới đến hạn đăng kiểm, thì việc thu ngay một khoản hàng chục triệu đồng cho khoảng thời gian quá dài sau đó sẽ khiến các chủ xe khó thực hiện. Chính vì thế, phương án này hiện đang bị phản đối từ phía người dân và cả các cơ quan quản lý bởi thiếu công bằng và khó khả thi.

Nên chăng, áp dụng hình thức thu qua xăng dầu và tách bạch số lượng xăng bán cho các phương tiện vận tải cũng như các nhu cầu khác như một số nước đã thực hiện có lẽ sẽ khả thi hơn. Bởi lẽ, lộ trình áp dụng thu phí cũng chỉ được thực hiện sau khi xóa bỏ các trạm thu phí đường đang tồn tại hiện nay. Trong khi đó, nhiều trạm đã trao cho nhà đầu tư BOT thu phí để hoàn vốn trong thời gian dài. Nếu vẫn duy trì các trạm thu phí, đồng thời thu phí cho quỹ bảo trì đường bộ thì sẽ xảy ra tình trạng “phí chồng phí”. Đây cũng là một vướng mắc cần được giải quyết triệt để trước khi áp dụng thu phí cho quỹ bảo trì đường bộ.
 

                                                                          Theo Báo Laodong

 

 

Các tin khác


UBND tỉnh làm việc với phái đoàn Nghị sĩ Pháp và AFD tại Việt Nam

Ngày 17/4, UBND tỉnh làm việc với phái đoàn Nghị sĩ Pháp và đại diện Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tại Việt Nam. Tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo một số ban, sở, ngành.

Chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu

Để chủ động phòng chống thiên tai trong mùa mưa bão năm 2024, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, đảm bảo tính thống nhất, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể trong công tác phòng, tránh và kịp thời ứng phó, xử lý các tình huống khi thiên tai xảy ra.

Kết nối giữa Agribank chi nhánh tỉnh Hòa Bình và doanh nghiệp 

Chiều 16/4, Agribank chi nhánh tỉnh Hòa Bình, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh phối hợp tổ chức Hội nghị kết nối giữa Agribank chi nhánh tỉnh Hòa Bình và doanh nghiệp tỉnh. Đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, Agribank chi nhánh tỉnh và Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh chủ trì hội nghị.

Thúc đẩy tạo sinh kế cho nông dân dưới tán rừng

Sau một thời gian triển khai, Chương trình hỗ trợ rừng và trang trại giai đoạn II (Chương trình FFF II) do Tổ chức Nông nghiệp và lương thực Liên hợp quốc (FAO) tài trợ tiếp tục phát huy hiệu quả. Các mô hình phát triển rừng gỗ lớn, trồng cây nông nghiệp hữu cơ, nông lâm kết hợp được nhân rộng. Đặc biệt, nhiều nông dân đã thay đổi tư duy, biết tận dụng đất rừng vốn có để nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích.

Huyện Lạc Thủy: Siết chặt quản lý ngành nghề kinh doanh có điều kiện

Những năm qua, UBND huyện Lạc Thủy thực hiện tốt các nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh trên cơ sở chấp hành đúng, đầy đủ quy định pháp luật, góp phần vào sự phát triển kinh tế của địa phương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục