Một số doanh nghiệp xăng dầu đang có lãi nhưng khả năng giảm giá mặt hàng này rất thấp. Sự thiếu tường minh của cơ cấu giá xăng dầu hiện nay chính là “thành trì” để các doanh nghiệp neo giá bán ở mức cao

Hiếm có nơi nào trên thế giới giá xăng dầu lại chứa nhiều ẩn số và thông điệp như ở Việt Nam. Đặc biệt, giá xăng dầu có ảnh hướng trực tiếp và gián tiếp đến lạm phát, sự minh bạch và cạnh tranh lành mạnh thị trường cũng như uy tín và hiệu quả quản lý Nhà nước.

Tác nhân gây lạm phát

Xăng dầu là yếu tố đầu vào của nhiều hoạt động kinh tế và tiêu dùng xã hội. Mỗi khi giá xăng dầu tăng đều trực tiếp dẫn đến sự điều chỉnh tăng chi phí và giá cả các yếu tố cấu thành hàng hóa - dịch vụ sản phẩm đầu ra, dẫn đến tăng giá hấu hết các mặt hàng hóa và dịch vụ xã hội, từ đó làm tăng tổng mặt bằng giá, tức tăng lạm phát  giá cả và chi phí đẩy.

Giá xăng dầu tăng còn là cái cớ để các doanh nghiệp và nhà phân phối, kể cả các bà bán rau ngoài chợ, vịn vào “té nước theo mưa”, giải thích cho sự gia tăng giá bán bất thường với tốc độ cao hơn nhiều tốc độ tăng giá xăng dầu tại cùng thời điểm so sánh.
Sự gia tăng bất thường này hay được giải thích kiểu do mỗi thứ tăng một ít và sự tiện lợi trong tính toán, nhất là khi mức khởi điểm tính giá thường không quá cao và bước tăng giá dễ làm tròn (ví dụ: giá 1 cốc nước chè hay vé trông giữ xe máy thường tăng từ 1.000 đồng lên 2.000 đồng, tức tăng 100% thay vì 15%-20% của tăng giá xăng dầu)…
Giá bán xăng dầu ở Việt Nam ở mức cao nhưng kết cấu giá chưa rõ ràng. Ảnh: HỒNG THÚY
Ngoài ra, khi giá xăng dầu tăng cũng dễ làm tăng kỳ vọng lạm phát và tâm lý sẵn sàng thương lượng cũng như chấp nhận các kiểu tăng giá giữa các nhà kinh doanh theo hợp đồng hoặc giữa các bà nội trợ với tiểu thương ngoài chợ, tức làm tăng lạm phát tâm lý của cả nhà kinh doanh lẫn người tiêu dùng.

Tóm lại, mỗi khi giá xăng dầu tăng sẽ trực tiếp và gián tiếp khởi động một vòng xoáy lạm phát đan xen phức tạp và còn bị nhân bội bởi các chiêu tung tin đồn thất thiệt; đầu cơ sẽ bùng phát. Điều này khiến cho mức ảnh hưởng của tăng giá xăng dầu đến lạm phát thực tế sẽ luôn lớn hơn bất cứ sự tính toán cứng nhắc và dự báo có tính chất an ủi nào của các cơ quan, đơn vị hữu trách.

Thỏa hiệp

Giá xăng dầu còn phản ánh mức độ minh bạch, lành mạnh trong cơ chế thị trường ở Việt Nam. Theo Bộ Tài chính, từ năm 2009, Chính phủ thực hiện điều hành giá mặt hàng xăng dầu theo nguyên tắc thị trường; Nhà nước không còn bù lỗ, hỗ trợ đối với kinh doanh các mặt hàng xăng, dầu như trước đây.

Thực tế, do nhiều nguyên nhân, cho đến nay giá xăng dầu của Việt Nam vẫn chưa hoàn toàn mang tính thị trường vì chưa có cơ chế cạnh tranh thị trường đầy đủ.
Về cơ bản, giá xăng dầu được phân quyền quản lý giữa các đơn vị chủ quản và một số đầu mối nhập khẩu xăng dầu truyền thống độc quyền. Thậm chí, đã có lúc người ta thấy có sự vận dụng ngược trình tự quy luật thị trường, tức chủ trương cho phép các doanh nghiệp độc quyền được định giá xăng dầu theo giá thị trường thế giới mà không phải cạnh tranh thị trường; trong khi cần phải làm ngược lại, đó là phải cho cạnh tranh thị trường đầy đủ và lành mạnh trước khi tự do hóa giá cả thị trường để tránh biến độc quyền Nhà nước thành độc quyền doanh nghiệp, doanh nghiệp độc quyền thừa cơ hội thu lợi nhuận độc quyền kép.
Sau Quyết định 187, Nghị định 54 và Nghị định 55/2007/NĐ-CP là Nghị định 84/2009/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu có hiệu lực từ ngày 15-12-2009. Theo Nghị định 84, doanh nghiệp có quyền tăng giá xăng dầu cứ 10 ngày/lần nếu tăng dưới 7% và báo cáo sau; nếu tăng từ 7% đến 12% thì doanh nghiệp được quyền tăng giá bán lẻ 7%, cộng thêm 60% của mức tăng từ 7% đến 12%.
Khoản lỗ 40% còn lại, doanh nghiệp sẽ được quyền sử dụng quỹ bình ổn giá để bù đắp theo hướng dẫn của Bộ Tài chính (chỉ được dùng quỹ bình ổn khi mức tăng giá trên 7%).
Và trường hợp giá thế giới tăng trên 12% thì giá xăng dầu trong nước hoàn toàn do Nhà nước quyết định. Nghị định này được coi là bước tiến lớn trong việc quản lý thị trường xăng dầu khi cơ chế giám sát minh bạch hơn và tạo sự chủ động cao hơn cho doanh nghiệp theo cơ chế thị trường, song không thể thiếu bàn tay hữu hình của Nhà nước.

Gần đây cho thấy có sự thỏa hiệp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước với các doanh nghiệp độc quyền xăng dầu trong cơ chế mới về quản lý giá xăng dầu. Theo đó, chấp nhận mức giá hiện tại sau cú sốc tăng giá tháng 3-2011 như là giá gốc để so sánh và cho phép doanh nghiệp chủ động tăng, giảm giá xăng dầu theo sát động thái giá thị trường thế giới khi mức điều chỉnh không quá 5% giá gốc đó; còn nếu vượt mức trên thì lập phương án trình cơ quan chức năng xem xét, phê duyệt… Đồng thời, dãn cách điều chỉnh không ngắn hơn 3 tháng/lần thay vì 10 ngày/lần như  quy định trong Nghị định 84, được coi là quá dày và dễ (dù chưa khi nào) bị doanh nghiệp lợi dụng.

Lúng túng và rối

Tuy nhiên, bất cập là ở chỗ: Doanh nghiệp dễ dàng xé nhỏ mức tăng giá dưới 5% như kiểu quản lý giá sữa mà người ta đã chứng kiến trên thực tế những năm qua. Thêm nữa, chưa có cơ chế giám sát và chế tài, buộc doanh nghiệp hạ giá khi giá thế giới giảm nhanh và sâu.
Ngoài ra, điều khiến dư luận cứ ấm ức và chưa thỏa mãn là chưa có kiểm toán giá xăng dầu, thậm chí chưa có cả việc minh bạch và công khai hóa các chỉ số thành phần giá xăng dầu.
Dù Petrolimex gần đây đã đưa cách tính giá xăng dầu lên trang thông tin điện tử của mình nhưng phải nói thêm đây là mức giá cơ sở được tính trên quy định của Nghị định 84 và các yếu tố đầu vào đều do các cơ quan Nhà nước ban hành chứ không phải giá vốn của doanh nghiệp.
Giá vốn có thể cao hơn hoặc thấp hơn xoay quanh giá cơ sở đó, phụ thuộc vào việc ký kết thỏa thuận với nhà cung cấp và thời điểm giao hàng. Chính sự thiếu tường minh cơ cấu giá xăng dầu này là nguyên nhân giải thích cho điều khó giải thích nhất: Dù giá lên hay xuống thì doanh nghiệp đầu mối nhập xăng dầu luôn kêu lỗ, cơ quan chức năng thì luôn chịu cảnh “trên đe dưới búa”, ngân sách Nhà nước thất thu và người tiêu dùng thì cắn răng chịu đựng vì không còn lựa chọn nào khác.
 Phải chăng tất cả lợi lộc độc quyền xăng dầu đều rơi vào túi các đại lý? Theo Bộ Công Thương, Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOil) hiện chiếm 25%, Saigon Petro chiếm 8%, Petrolimex chiếm khoảng 55% thị trường xăng dầu cả nước. 30% thị phần của Petrolimex là bán buôn cho các doanh nghiệp, khoảng trên 25% tự bán thông qua hệ thống 1.995 cây xăng của đơn vị, chiếm gần 20% trong tổng số 10.000 cây xăng trên toàn quốc.
Rõ ràng, một cơ chế quản lý điều hành giá xăng dầu còn nhiều lúng túng và rối, muốn có giá cả thị trường trong cơ chế không có cạnh tranh thị trường dễ gây cảnh “đục nước béo cò”, “tăng nhanh, giảm chậm”, thậm chí giá chỉ tăng một chiều, tăng thực còn giảm hình thức và giảm sút sức hấp dẫn, lành mạnh của môi trường đầu tư và làm chậm lại quá trình đột phá thể chế, trước hết là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường ở Việt Nam theo tinh thần Đại hội XI của Đảng.
Một khi cơ chế quản lý giá xăng dầu không cho phép ổn định và thị trường hóa giá xăng dầu thì cũng có nghĩa là hiệu quả quản lý Nhà nước đối với giá xăng dầu nói riêng, giá cả thị trường và nền kinh tế vĩ mô nói chung, chưa đạt yêu cầu đề ra.
 
                                                                       Theo Báo NLĐ

Các tin khác


Huyện Lương Sơn: Hiệu quả bước đầu từ mô hình trồng cỏ ngọt

Được triển khai thực hiện tháng 9/2023 với quy mô diện tích khoảng 2ha tại xóm Trại Hòa, xã Cao Sơn (Lương Sơn), đến nay, mô hình trồng cây cỏ ngọt bước đầu cho thấy hiệu quả. Cây cỏ ngọt sinh trưởng, phát triển tốt, phù hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, được kỳ vọng là loại cây trồng giúp nhiều nông dân phát triển kinh tế hiệu quả.

Xây dựng thương hiệu gà Quyết Thắng

Là một trong những "thủ phủ” chăn nuôi gà ri lớn nhất của huyện Lạc Sơn, xã Quyết Thắng quyết liệt triển khai nhiều giải pháp nhằm xây dựng gà ri trở thành sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương, đưa chăn nuôi gà ri thành ngành kinh tế mũi nhọn, giúp người dân cải thiện thu nhập, giảm nghèo bền vững. Đồng thời giải quyết việc làm cho lao động địa phương, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Quý I, tổng Quỹ Hỗ trợ nông dân đạt trên 63,5 tỷ đồng

Trong quý I/2024, Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh tích cực phối hợp với Hội Nông dân các huyện, thành phố tổ chức giải ngân vốn vay Quỹ Hỗ trợ nông dân từ nguồn ngân sách của tỉnh cấp năm 2024.

3 tháng, thu ngân sách nhà nước ước đạt 1.306 tỷ đồng

Theo số liệu báo cáo của UBND tỉnh, thu ngân sách Nhà nước của tỉnh ước thực hiện hết tháng 3/2024 đạt 1.306 tỷ đồng, bằng 32% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, bằng 23% so với chỉ tiêu Nghị quyết Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh và bằng 153% so với cùng kỳ.

Toàn tỉnh có gần 5 nghìn lồng nuôi cá

Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, từ đầu năm đến nay, tình hình sản xuất thủy sản trong tỉnh ổn định. Hiện toàn tỉnh có diện tích nuôi cá ao, nuôi cá ruộng là 2.695 ha (nuôi kết hợp ở các hồ thủy lợi 1,2 nghìn ha); số lồng nuôi cá có 4.987 lồng. Trong 3 tháng đầu năm 2024, sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 2.472 tấn; các cơ sở sản xuất được 9 triệu con cá giống các loại phục vụ cho sản xuất.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục