Tăng lãi suất huy động và cho vay đang được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho sử dụng như một công cụ quan trọng nhất để kìm hãm lạm phát. Thực tế tại một số ngân hàng thương mại (NHTM) lãi suất huy động có lúc lên tới 18% - 19%/năm, lãi suất cho vay 24% - 25%/năm, hoặc cao hơn nữa. Doanh nghiệp đang rất khó khăn, nhưng lạm phát vẫn không giảm. Báo Sài Gòn Giải Phóng đã có cuộc trao đổi về vấn đề này với ông Bùi Nguyên Hoàn, Vụ trưởng - Trưởng cơ quan đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tại TPHCM.

 

Giao dịch tín dụng tại VietinBank. Ảnh: KIM NGÂN

- Phóng viên: Ngân hàng Nhà nước đang thực hiện chính sách tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát, nhưng lạm phát vẫn chưa được khống chế, ông nghĩ sao về vấn đề này?

Ông BÙI NGUYÊN HOÀN: Lãi suất là một công cụ điều hành chính sách tiền tệ để kích thích tăng trưởng và kiềm chế lạm phát, nhưng tôi nghĩ rằng đó không phải loại lãi suất NHNN đang sử dụng. Bởi lãi suất của NHTM do chính NHTM đặt ra, trên cơ sở lãi suất cơ bản và lợi ích kinh doanh của chính ngân hàng. NHTM căn cứ nhu cầu vốn tín dụng và đầu tư để huy động vốn. Huy động được bao nhiêu cho vay bấy nhiêu, trừ dự trữ bắt buộc. Không một đồng nào trong số vốn huy động của NHTM được giữ lại, hoặc đưa vào kho phát hành của NHNN. Do đó, tăng lãi suất của NHTM không thể giảm được lạm phát, thực tế đã chứng minh.

- Những năm 80 của thế kỷ trước, cũng bằng chính sách lãi suất “lướt sóng” 13%/tháng, NHNN đã giải quyết thành công nạn lạm phát phi mã 774%?

Từ năm 1988 về trước, với cơ chế kế hoạch hóa tập trung, cả nền kinh tế chỉ có một ngân hàng. NHNN vừa là cơ quan quản lý và phát hành tiền vừa tổ chức cho vay tín dụng và cấp phát đầu tư. Khi NHNN nâng lãi suất huy động từ 18%/năm lên 13%/tháng (156%/năm) thì một khối lượng rất lớn tiền mặt trong lưu thông được hút về NHNN. NHNN không còn phải phát hành thêm tiền để cung ứng tín dụng và cấp phát đầu tư nữa, từ đó lạm phát hạ nhiệt và dần dần được giải quyết. Hiện nay, với cơ chế hệ thống ngân hàng hai cấp, NHNN trở thành ngân hàng của các ngân hàng, còn gọi là Ngân hàng Trung ương (NHTƯ), tiền vào NHTM không đồng nghĩa với tiền vào NHTƯ, do đó không thể dùng lãi suất của NHTM để điều tiết tiền tệ.

- Ủy ban Giám sát tài chính đề xuất bỏ trần lãi suất huy động 14%, để thực dương ngân hàng phải trả cho người gửi tiền 17% - 18%/năm. Ông nhận xét thế nào về kiến nghị này?

Lãi suất của NHTM không có khả năng điều tiết khối lượng tiền tệ trong lưu thông, do đó dù có tăng đến đâu cũng khó có thể giải quyết được lạm phát. Lãi suất huy động và cho vay hiện nay chỉ bảo vệ được lợi ích trước mắt (tôi muốn nhấn mạnh hai chữ trước mắt) cho hệ thống ngân hàng, tạo khả năng huy động vốn cho NHTM. Lãi suất này đem lại khó khăn cho các doanh nghiệp và tác động tiêu cực lên thị trường chứng khoán (TTCK). Không ít doanh nghiệp đang đứng trước 2 sự lựa chọn: chịu lỗ để duy trì sản xuất, duy trì hợp đồng, duy trì công ăn việc làm, hoặc đóng cửa công ty. TTCK đang như “chợ chiều”, vốn đầu tư xã hội đang dồn về ngân hàng, hoạt động phát hành, cổ phần hóa đang ách tắc, TTCK non trẻ đang có cảm giác hụt hơi và bị bỏ rơi.

- Theo ông lãi suất nào là công cụ để giải quyết vấn đề lạm phát?

Hệ thống ngân hàng của ta đang có các loại lãi suất: lãi suất cơ bản, lãi suất huy động và lãi suất cho vay, lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm và lãi suất bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ. Ta chưa có lãi suất của NHTƯ, là lãi suất NHTƯ thực hiện với các NHTM. NHTƯ sử dụng lãi suất đó để điều tiết khối lượng tín dụng NHTM cung ứng cho nền kinh tế. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), NHTƯ châu Âu, NHTƯ Nhật Bản và các NHTƯ khác vẫn thường sử dụng. Lãi suất của NHTƯ phối hợp hợp lý với dự trữ bắt buộc và nghiệp vụ thị trường mở - 3 công cụ điều hành kinh tế vĩ mô, sẽ phát huy được vai trò kích thích tăng trưởng kinh tế hoặc kiềm chế lạm phát.

- Ông có thể cho biết rõ hơn về lãi suất của NHTƯ?

Lãi suất NHTƯ (tên đầy đủ là lãi suất chiết khấu của NHTƯ) xuất phát từ dự trữ bắt buộc. Dự trữ bắt buộc là khoản tiền NHTM phải giữ lại tại NHTƯ (không được cho vay ra) trong số vốn huy động, thường khoảng từ 7% - 21%, mục đích để bảo đảm an toàn cho hoạt động của NHTM. Giả sử, dự trữ bắt buộc 10%, NHTM chỉ được cho vay ra tối đa 90% trong số 100% vốn huy động. Một nền kinh tế có nhiều NHTM sẽ có những ngân hàng có khách hàng tiềm năng, thâm nhập được những dự án lớn. Nhóm ngân hàng này nhu cầu vốn lớn, vốn luân chuyển nhanh, vì vậy thường bị thâm thủng dự trữ bắt buộc.

Để khuyến khích hoạt động của các NHTM, NHTƯ cho phép các NHTM được thâm thủng dự trữ bắt buộc, tức có thể cho vay vượt 90%, phần thiếu hụt sẽ được NHTƯ bù đắp khi cần thiết. Vì vậy, khi bị thâm thủng dự trữ bắt buộc, NHTM phải trả NHTƯ một khoản tiền, tỷ lệ phần trăm của số tiền NHTM phải trả cho NHTƯ so với số dự trữ bắt buộc bị thâm thủng, đó là lãi suất của NHTƯ.

Để khắc phục suy thoái kinh tế, các NHTƯ thường hạ lãi suất xuống thấp để kích thích tăng trưởng tín dụng của các NHTM (nới lỏng tiền tệ), mức thấp nhất có thể 0%. Lúc này các NHTM có thể cho vay ra 100% vốn huy động, phải trả NHTƯ một khoản lãi rất thấp, hoặc không phải trả lãi; ngược lại, khi để giảm bớt khối lượng tín dụng cung ứng cho nền kinh tế, nhằm kiềm chế lạm phát, NHTƯ nâng lãi suất chiết khấu lên (thắt chặt tiền tệ). Khi lãi suất của NHTƯ cao tới mức lãi suất cho vay không bù đắp nổi (bị lỗ), NHTM sẽ chỉ cho vay ra trong giới hạn định mức (90%). Lúc này nếu tỷ lệ dự trữ bắt buộc cũng cao, sẽ hạn chế được khối lượng tiền đưa vào lưu thông, kiềm chế được lạm phát.

- Nhưng lãi suất NHTƯ chỉ có ý nghĩa với phần vốn dự trữ bắt buộc, khả năng chi phối tổng khối lượng tiền tệ của nền kinh tế là rất thấp?

Không hẳn như vậy. NHTƯ thường có định kỳ xem xét lại lãi suất của mình, thường 6 tháng một lần, một mức lãi suất có thể kéo dài nhiều định kỳ. Trong thời gian hiện hành của một mức lãi suất NHTƯ, NHTM thường tính toán xác định mức lãi suất huy động và cho vay tốt nhất để có lợi nhuận cao nhất.

Thông thường lãi suất NHTƯ tăng và cao, lãi suất huy động và cho vay của các NHTM cũng tăng và cao tương ứng, và ngược lại. Do đó lãi suất NHTƯ có khả năng điều tiết khối lượng tín dụng cung ứng cho nền kinh tế trong kỳ, là công cụ kiềm chế lạm phát rất hiệu quả.

 

                                                                                     Theo SGGP

 

Các tin khác


Xã Đa Phúc cán đích nông thôn mới

Nhờ phát huy sức mạnh cộng đồng, sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ Trung ương và địa phương, cùng với quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, cuối năm 2023, xã Đa Phúc, huyện Yên Thủy được Chủ tịch UBND tỉnh ra Quyết định số 3064/QĐ-UBND, ngày 29/12/2023 công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Từ một xã vùng đặc biệt khó khăn của huyện, Đa Phúc như được khoác lên mình chiếc áo mới, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng khang trang, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nâng lên, diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới và khởi sắc.

Giá xăng tăng hơn 400 đồng/lít

Liên bộ Công Thương - Tài chính vừa điều chỉnh giá xăng dầu từ 15h chiều nay 17/4.

Kiểm tra tiến độ xây dựng nông thôn mới tại huyện Kim Bôi

Ngày 17/4, đoàn công tác của UBND tỉnh do đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã kiểm tra tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn huyện Kim Bôi. 

UBND tỉnh làm việc với phái đoàn Nghị sĩ Pháp và AFD tại Việt Nam

Ngày 17/4, UBND tỉnh làm việc với phái đoàn Nghị sĩ Pháp và đại diện Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tại Việt Nam. Tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo một số ban, sở, ngành.

Chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu

Để chủ động phòng chống thiên tai trong mùa mưa bão năm 2024, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, đảm bảo tính thống nhất, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể trong công tác phòng, tránh và kịp thời ứng phó, xử lý các tình huống khi thiên tai xảy ra.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục