Nhờ có cảng nước sâu, Khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi) thu hút được những dự án công nghiệp nặng, trong đó Nhà máy đóng tàu Dung Quất đã đóng thành công nhiều chiếc tàu có trọng tải lớn. Ảnh: HÀ MINH

Nhờ có cảng nước sâu, Khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi) thu hút được những dự án công nghiệp nặng, trong đó Nhà máy đóng tàu Dung Quất đã đóng thành công nhiều chiếc tàu có trọng tải lớn. Ảnh: HÀ MINH

Phát biểu nhân Ngày Đại dương thế giới năm 2011, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh: “Ngày nay, trong điều kiện nguồn tài nguyên thiên nhiên trên đất liền đang dần cạn kiệt, không gian kinh tế truyền thống trở nên chật chội, biển và hải đảo ngày càng trở thành nguồn lực kinh tế to lớn và không gian sinh tồn mới; đồng thời có ý nghĩa quan trọng về an ninh, quốc phòng”. Vậy phải cần làm gì để phát huy truyền thống 50 năm đường Hồ Chí Minh trên biển để phát triển nước ta mạnh về biển, làm giàu từ biển trong thời bình? Kể từ số báo này, Báo SGGP đăng tải loạt bài ghi nhận về những thành tựu kinh tế - xã hội biển đảo và các địa phương nơi những “Đoàn tàu không số” ra đi, cập bến.

 

  • Đánh giá đúng mức tiềm năng, lợi thế
Chúng ta tiếp tục khẳng định mạnh mẽ và thể hiện ý chí quyết tâm cao nhất của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong việc bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên các vùng biển và hải đảo của Tổ quốc.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

Việt Nam có lợi thế tiềm năng kinh tế biển to lớn: Bờ biển dài 3.260km, vùng biển chủ quyền rộng khoảng 1 triệu km², trung bình 100 km² đất liền có 1km bờ biển, cao gấp 6 lần tỷ lệ này của thế giới. Dọc biển có nhiều vịnh đẹp (Hạ Long, Vân Phong, Cam Ranh, Nha Trang…) và 2.779 đảo lớn nhỏ với tổng diện tích 1.636 km²; có 90 cảng biển lớn nhỏ và gần 100 địa điểm có thể xây dựng cảng, kể cả cảng trung chuyển quốc tế.

Về tiềm năng du lịch, nước ta có 125 bãi biển có cảnh quan đẹp, trong đó có 20 bãi biển đạt tiêu chuẩn quốc tế để phát triển du lịch biển. Về tiềm năng dầu khí, dự báo địa chất của toàn thềm lục địa khoảng 10 tỷ tấn dầu quy đổi, trữ lượng khai thác 4 - 5 tỷ tấn; trữ lượng khí đồng hành 250 - 300 tỷ m³. Trữ lượng hải sản khoảng 3 - 3,5 triệu tấn, cơ cấu phong phú, có giá trị kinh tế cao, chưa được khai thác đúng mức, chỉ mới đạt 60% mức có thể khai thác được hàng năm (1,5 - 2 triệu tấn).

Vị trí địa - kinh tế và địa - chiến lược có vai trò đặc biệt quan trọng. Biển Đông có diện tích 3.447.000 km², là một trong 6 biển lớn nhất của thế giới, nối hai đại dương Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Đây là con đường giao thương quốc tế chiến lược, có 5/10 tuyến đường hàng hải lớn nhất thế giới đi qua. Hàng năm, tuyến hàng hải qua biển Đông đã vận chuyển khoảng 70% lượng dầu mỏ nhập khẩu từ Trung Đông và Đông Nam Á, khoảng 45% hàng xuất khẩu của Nhật, 60% hàng xuất nhập khẩu của Trung Quốc… Vùng biển Việt Nam án ngữ trên con đường này.

Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 9-2-2007 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) “Về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020” đã xác định các quan điểm chỉ đạo về định hướng chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020: (i) Nước ta phải trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển trên cơ sở phát huy mọi tiềm năng từ biển, phát triển toàn diện các ngành, nghề biển với cơ cấu phong phú, hiện đại, hiệu quả cao với tầm nhìn dài hạn; (ii) Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng - an ninh, hợp tác quốc tế và bảo vệ môi trường; (iii) Khai thác mọi nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường biển; tranh thủ hợp tác quốc tế, thu hút mạnh các nguồn lực bên ngoài theo nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi. Mục tiêu tổng quát là đến năm 2020, phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo, góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa, làm cho đất nước giàu mạnh.

  • Lợi ích kinh tế và chủ quyền quốc gia

Với tầm nhìn dài hạn, nước ta đã đề ra mục tiêu cụ thể là đến năm 2020, kinh tế trên biển và ven biển đóng góp khoảng 53 - 55% tổng GDP của cả nước. Và để hiện thực hóa tiềm năng, có hàng loạt vấn đề phải triển khai: (i) Khai thác vùng không gian biển (mặt biển, dưới biển và bầu trời trên biển); (ii) Khai thác vùng bờ biển (vùng duyên hải với các cảng biển, bãi biển, thành phố biển, khu kinh tế ven biển); (iii) Phát triển các lĩnh vực “hậu cần” cho kinh tế biển và các khu vực kết nối (các ngành phục vụ phát triển kinh tế biển, khoa học - công nghệ biển, nguồn nhân lực, phát triển du lịch biển…). Ba phương diện này hình thành các khâu liên tục trong một chuỗi phát triển ngành kinh tế biển để vươn lên thành ngành kinh tế hiện đại, mũi nhọn, hoạt động hiệu quả và có khả năng cạnh tranh quốc tế.

Việc phát triển kinh tế biển còn nhằm mục tiêu khẳng định chủ quyền quốc gia. Giữ gìn chủ quyền trước, khai thác sau, gìn giữ tài nguyên, lãnh thổ cho các đời con cháu. Để làm được điều này cần ưu tiên xây dựng một số đặc khu biển, bao gồm: đô thị biển + cảng biển lớn + khu kinh tế mở. Thực tế cho thấy phải thoát khỏi cách tư duy chia đều các lợi ích phát triển từ ngân sách nhà nước cho các địa phương và các nhóm lợi ích lớn. Phát triển kinh tế biển phải phục vụ cho chiến lược quốc gia tổng thể chứ không vì lợi ích của từng địa phương hay lợi ích nhóm.

Một vấn đề hết sức quan trọng là phải dành ngân sách tương xứng để triển khai mục tiêu đến năm 2020 kinh tế biển chiếm trên 50% GDP. Theo chỉ tiêu phân bổ ngân sách trung ương năm 2010, tổng chi cho Chương trình biển Đông, hải đảo, cảnh sát biển là 1.708 tỷ đồng, chiếm 0,46% ngân sách. Trong dự toán chi ngân sách trung ương năm 2011, dự toán chi có tăng nhưng cũng chỉ đạt mức 2.300 tỷ đồng. Có thể còn có những đầu tư khác chưa được thống kê, nhưng những con số chính thức về phân bổ ngân sách trung ương qua hai năm gần nhất cho thấy việc đầu tư chưa đầy 1% ngân sách vào khu vực đóng góp khoảng 50% tổng GDP của cả nước là một sự mất cân đối không thể chấp nhận được.

Về quản lý nhà nước, hiện nay, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam có nhiệm vụ thống nhất quản lý về biển đảo. Nhưng thực tế đang có rất nhiều bộ, ngành tham gia quản lý nên thiếu chuyên sâu, trùng chéo, không thống nhất đầu mối chỉ huy. Vì vậy, việc ban hành một bộ luật về biển là hết sức cần thiết và cấp bách trong bối cảnh hiện nay nhằm tạo cơ sở pháp lý rõ ràng hơn trong vấn đề quy hoạch, quản lý, khai thác và bảo vệ biển.

  • Yêu cầu thời kỳ mới

Báo cáo “Tiềm năng biển của các nền kinh tế ASEAN” 2011 của Viện Nghiên cứu Đức GIGA - Hamburg đã so sánh mức độ một quốc gia tận dụng vị trí địa lý sát biển/đại dương để phát triển nền kinh tế biển bằng Chỉ số Đại dương CenPRIS (COI). COI thể hiện tương quan giữa Chỉ số Tiềm năng Biển (MPI, tiềm năng tài nguyên biển) và Chỉ số Kinh tế Biển (MEI, thực trạng các lĩnh vực kinh tế biển).

Thông thường, quốc gia có bờ biển dài sẽ được nhiều lợi thế về ngư nghiệp, đóng tàu, hàng hải, lao động, giao lưu hàng hóa và tri thức; lợi thế về tài nguyên biển như vàng, đồng, dầu mỏ… Trong khu vực ASEAN, mức độ các nước tận dụng tiềm năng biển không giống nhau, so sánh Chỉ số COI 2005 thì Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Myanmar và Singapore xếp trên mức trung bình, trong khi Việt Nam nằm trong nhóm dưới trung bình cùng với Brunei, Campuchia, Philippines.

Trước thực tế đó, để khai thác tiềm năng kinh tế biển nước ta tương xứng với vị trí của nó, tư duy về biển phải được thể hiện đậm nét trong các chính sách phát triển của những ngành có liên quan và các địa phương có biển trong giai đoạn tới. Ý thức về biển đảo phải được tất cả các ngành và các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương có biển quan tâm thường xuyên.

Đối với người dân, cần khơi gợi ý thức về biển thể hiện sâu sắc bằng việc khai thác đi liền với bảo vệ lãnh thổ và tài nguyên, môi trường biển. Hiện nay bản chất của các cuộc tranh chấp vùng biển là do lợi ích kinh tế và chủ quyền quốc gia. Hai vấn đề này có mối quan hệ tương tác gắn bó. Có khẳng định chủ quyền quốc gia mới bảo đảm việc khai thác tài nguyên, mở rộng không gian sinh tồn hướng ra biển.

TPHCM là trung tâm kinh tế lớn nhất của đất nước, đã hình thành nhiều ngành kinh tế mũi nhọn gắn với biển: phát triển hệ thống cảng biển và vận tải, dịch vụ hậu cần; nuôi trồng, đánh bắt, chế biến thủy hải sản; sửa chữa, đóng tàu biển; du lịch sinh thái (Cần Giờ)… Chưa có con số tách bạch các ngành dịch vụ, sản xuất gắn với biển đóng góp bao nhiêu trong GDP nhưng chắc chắn nó đã giải quyết công ăn việc làm cho hàng triệu lao động.

TPHCM nói riêng và các tỉnh ven biển cả nước nói chung phải là “hậu phương” lớn cho “tiền tuyến” biển đảo, góp phần tích cực bảo vệ chủ quyền, lợi thế biển đảo để làm giàu từ biển, phát huy truyền thống đường Hồ Chí Minh trên biển hào hùng trong thời đại mới.

 

                                                          Theo SGGP

Các tin khác


Hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở xã Mai Hạ

Khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương, thời gian qua, xã Mai Hạ (Mai Châu) khuyến khích nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ cây lương thực kém hiệu quả, vùng canh tác không chủ động nước tưới sang trồng các loại cây chịu hạn, cây có hiệu quả kinh tế cao nhằm nâng cao giá trị sử dụng đất.

Quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 5,5% so với cùng kỳ

Trong quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh ước tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước.

Hội Nông dân huyện Lương Sơn: Đồng hành, hỗ trợ hội viên trong sản xuất, kinh doanh

Phát huy vai trò là cầu nối, chỗ dựa tin cậy của hội viên, thời gian qua, Hội Nông dân (HND) huyện Lương Sơn luôn đồng hành, hỗ trợ hội viên triển khai hiệu quả nhiều hoạt động, cách làm, mô hình mới giúp hội viên nông dân (HVND) phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng.

Sản lượng sơ chế, chế biến thủy sản hàng năm đạt khoảng 850 tấn

Theo Chi cục Thuỷ sản, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 10 cơ sở sơ chế, chế biến và bảo quản sản phẩm thủy sản, gồm 3 doanh nghiệp, 1 hợp tác xã và 6 hộ kinh doanh.

Bảo vệ thuỷ sản mùa nắng nóng, mưa lũ

Nắng nóng, mưa lũ làm cho các yếu tố môi trường thay đổi dễ gây bất lợi cho sinh trưởng và phát triển của thủy sản nuôi trồng. Do đó, ngành chức năng khuyến cáo người chăn nuôi cần chủ động các giải pháp để bảo vệ cá nuôi, hạn chế thiệt hại.

Giá vàng sáng 22/4

Tính đến 6 giờ 15 phút sáng 22/4, giá vàng SJC, vàng nhẫn niêm yết tại các công ty kinh doanh vàng như sau:

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục