(HBĐT) - Một trong những nhiệm vụ trọng tâm đang được lực lượng thú y huyện Kỳ Sơn tích cực triển khai là tuyên truyền, vận động nhân dân trên địa bàn thực hiện tốt tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm ngay từ đầu vụ thu – đông này. Theo ông Bùi Văn Xuân, Trưởng trạm thú y huyện, thói quen thả rông trâu, bò vẫn khá phổ biến ở một số xã như Mông Hóa, Dân Hòa. Bà con thường chăn thả gia súc trên rừng, đến vụ cày bừa mới lùa về. Đây cũng là nguyên nhân dễ phát sinh dịch bệnh, tỷ lệ tiêm phòng ở các xã này thường chỉ đạt từ 30 - 40%.

 

Theo thống kê mới đây, tổng đàn trâu, bò trên địa bàn huyện có 6.500 con, trên 18.000 con lợn và trên 100.000 gà, vịt các loại. Sang vụ thu – đông, bệnh tụ huyết trùng vẫn là bệnh thường gặp nhất ở cả gia súc, gia cầm, thêm vào đó là dịch tả trên đàn lợn. Dịch LMLM cũng cần lưu ý tuy không thường xuyên xảy ra. Có một thực tế là nhận thức của người dân, nhất là các hộ chăn nuôi về công tác tiêm phòng chưa cao, cùng với đó là điều kiện kinh tế, họ còn vất vả. Chính bởi vậy mà tỷ lệ tiêm phòng của các xã chỉ đạt được mục tiêu khi đó là đợt tiêm vắc xin, phòng dịch bệnh miễn phí. Đối với các loại vắc xin phải mất phí như tụ huyết trùng, tỷ lệ tiêm phòng không vượt quá 50%. Với đàn gia cầm, việc tiêm phòng bệnh thường tự phát trong nhân dân. Trên địa bàn có từ 2 – 3 điểm cung ứng dịch vụ thuốc nhỏ, thuốc tiêm.

 

Đẩy mạnh công tác phòng - chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, Ban chỉ đạo phòng - chống dịch bệnh từ cấp huyện, xã đã được kiện toàn, lực lượng thú y tăng cường về cơ sở phối hợp với thú y viên phụ trách địa bàn lồng ghép các đợt tiêm chiến dịch với tuyên truyền từng bước làm chuyển biến nhận thức của người dân. Là vùng vành đai gần với huyện bạn thuộc tỉnh Phú Thọ và các huyện Kim Bôi, Lương Sơn, thành phố Hòa Bình, Kỳ Sơn tiềm ẩn nguy cơ dễ lây lan dịch bệnh. Chính vì vậy, mới đây, huyện đã triển khai đợt tiêm phòng dịch lợn tai xanh với tổng số 500 con được tiêm (tiêm cho đàn nái đang sử dụng tinh từ Trại giống lợn ngoại của thành phố Hòa Bình). Huyện đang xây dựng kế hoạch phun khử trùng, tiêu độc đợt 3 thời gian triển khai vào trung tuần tháng 8 với lượng thuốc được cấp 160 lít.

 

Từ năm 2010 đến nay, huyện duy trì hoạt động các tủ thuốc thú y bao gồm 2 tủ thuốc đặt tại xã Phú Minh, Hợp Thịnh  do Childfun đầu tư và 5 tủ thuốc tại các xã Phúc Tiến, Yên Quang, Hợp Thành, Dân Hòa, Độc Lập do dự án PSARD hỗ trợ. Các tủ thuốc do thú y viên các xã trực tiếp kinh doanh với phương châm phục vụ bà con là chính, kinh doanh đúng giá quy định, có trách nhiệm hướng dẫn, tư vấn sử dụng thuốc. Các tủ thuốc thú y đang phát huy hiệu quả, bình quân các tủ có khoảng 30 loại thuốc dùng cho vật nuôi giúp điều trị các bệnh thông thường, được hộ chăn nuôi tín nhiệm.

 

Công tác phòng - chống đói rét cho trâu, bò được huyện chủ động hơn ở vụ thu – đông. Đến nay đã có công văn chỉ đạo tuyên truyền, vận động nhân dân ở cơ sở, có kế hoạch mở lớp tập huấn, hướng dẫn các hộ dự trữ nguồn thức ăn, chế  biến thức ăn gia súc, quy trình trồng cỏ… Bên cạnh đó, khuyến cáo các hộ chăn nuôi không thả rông trâu, bò khi trời lạnh, nhiệt độ dưới 15ºC, hướng dẫn nuôi nhốt tại chuồng, che chắn chuồng trại đảm bảo, cho ăn phụ phẩm nông nghiệp và thức ăn dự trữ tránh để gia súc chết đói, chết rét gây thiệt hại lớn đến kinh tế hộ gia đình, làm tổn hại tổng đàn.

 

                                                                    Bùi Minh

 

Các tin khác


Tín hiệu kinh tế khởi sắc ở huyện Cao Phong

Những ngày trung tuần tháng 4, trên các vườn mía xã Hợp Phong (Cao Phong), nông dân tập trung thu hoạch mía bán cho tiểu thương. Anh Bùi Văn Biện cùng một vài người dân vác từng bó mía từ vườn ra trục đường lớn. Mồ hôi nhễ nhại nhưng trên gương mặt anh toát lên tinh thần lao động hăng say. Anh Biện cho biết, vụ mía năm nay giá bán thấp hơn cuối năm trước từ 2.500 - 3.000 đồng/cây. Tuy nhiên, cây mía phát triển tốt nên được tiểu thương đánh giá cao về chất lượng và tiêu thụ nhanh.

Hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở xã Mai Hạ

Khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương, thời gian qua, xã Mai Hạ (Mai Châu) khuyến khích nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ cây lương thực kém hiệu quả, vùng canh tác không chủ động nước tưới sang trồng các loại cây chịu hạn, cây có hiệu quả kinh tế cao nhằm nâng cao giá trị sử dụng đất.

Quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 5,5% so với cùng kỳ

Trong quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh ước tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước.

Hội Nông dân huyện Lương Sơn: Đồng hành, hỗ trợ hội viên trong sản xuất, kinh doanh

Phát huy vai trò là cầu nối, chỗ dựa tin cậy của hội viên, thời gian qua, Hội Nông dân (HND) huyện Lương Sơn luôn đồng hành, hỗ trợ hội viên triển khai hiệu quả nhiều hoạt động, cách làm, mô hình mới giúp hội viên nông dân (HVND) phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng.

Sản lượng sơ chế, chế biến thủy sản hàng năm đạt khoảng 850 tấn

Theo Chi cục Thuỷ sản, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 10 cơ sở sơ chế, chế biến và bảo quản sản phẩm thủy sản, gồm 3 doanh nghiệp, 1 hợp tác xã và 6 hộ kinh doanh.

Bảo vệ thuỷ sản mùa nắng nóng, mưa lũ

Nắng nóng, mưa lũ làm cho các yếu tố môi trường thay đổi dễ gây bất lợi cho sinh trưởng và phát triển của thủy sản nuôi trồng. Do đó, ngành chức năng khuyến cáo người chăn nuôi cần chủ động các giải pháp để bảo vệ cá nuôi, hạn chế thiệt hại.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục