Mô hình trang trại trồng cây lâm nghiệp ở xã Liên Hoà đang đem lại những kết quả tich cực.

Mô hình trang trại trồng cây lâm nghiệp ở xã Liên Hoà đang đem lại những kết quả tich cực.

(HBĐT) - Với nhiều điều kiện thuận lợi về đất đai, khí hậu và thị trường, nhiều năm qua, Lạc Thuỷ chú trọng phát triển mô hình kinh tế trang trại và đạt được nhiều kết quả thiết thực.

 

Đến nay, huyện Lạc Thuỷ có 47 trang trại đạt tiêu chí theo Thông tư 27/2011/TT-BNNPTNT ngày 13/4/2011 của Bộ NN&PTNT, mô hình này đã và đang góp phần tích cực trong việc thúc đẩy sự tăng trưởng phát triển của nông nghiệp và kinh tế nông thôn ở địa phương; góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá và thúc đẩy các ngành nghề kinh tế khác phát triển. Các trang trại trên địa bàn huyện hoạt động khá tốt trên các lĩnh vực, góp phần tạo việc làm nhàn rỗi ở nông thôn, đem lại nguồn thu nhập bình quân trên 600 triệu đồng/năm.

Đến thăm mô hình của gia đình anh Hà Anh Tuấn, Khu 7, thị trấn Chi Nê, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng về quy mô và cách làm sáng tạo của họ. Để có được vườn rộng, sai trĩu quả như ngày hôm nay, 6 năm trước, anh và gia đình đã mạnh dạn đầu tư trồng cam và chanh trên diện tích đất hơn 4 ha. Để tiện cho việc chăm sóc, đặc biệt đáp ứng được nhu cầu của thị trường, anh trồng xen canh nhiều loại cam, chanh khác nhau như: cam canh, cam V2, chanh lòng vàng, chanh đào, chanh trắng,... Nhờ cách làm này, 3 năm sau, gia đình đã có nguồn thu nhập ổn định bình quân trên 1 tỷ đồng/năm. Bên cạnh việc trồng cam, chanh, anh còn kết hợp chăn nuôi ngan, ngỗng và đem lại nguồn thu nhập đáng kể. Anh Tuấn chia sẻ: “Trước khi làm, mình tìm hiểu kỹ về kỹ thuật chăm sóc, phòng chống bệnh hại cho cây, đầu ra sản phẩm và dựa vào sự định hướng của chính quyền địa phương nên khi thực hiện khá thuận lợi, đạt được kết quả như mong muốn”.

Cũng giống như gia đình anh Tuấn, gia đình anh Đặng Văn Bình, xóm Đồng Huống (xã Liên Hoà) hay gia đình anh Dương Quốc Thắng, Thôn Rị (xã Phú Thành),...đã phát triển mô hình trang trại chăn nuôi kết hợp trồng cây ăn quả trên diện tích vườn nhà và đem lại nguồn thu nhập hàng tỷ đồng/năm. Ngoài ra, còn rất nhiều mô hình khác về chăn nuôi mà nhắc đến tên người dân nơi đây đều biết như: mô hình nuôi gà đẻ trứng của gia đình ông Phạm Xuân Sinh (thôn Đồng Nhất - xã Đồng Tâm), gia đình anh Nguyễn Duy Lành  (thôn Bột - xã Phú Thành) với mô hình nuôi gà thịt và gà đẻ trứng. Tất cả những thành công đó có sự cộng hưởng của hai yếu tố: định hướng phù hợp, quan tâm sâu sát của chính quyền địa phương và sự chuẩn bị của chính người dân khi bắt tay vào xây dựng trang trại.

Với những kết quả đã đạt được, việc phát triển mô hình kinh tế trang trại đang là một hướng đi được Lạc Thuỷ chú trọng. Chia sẻ về phương hướng sắp tới, đồng chí Ngọ Đình Tâm, Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Lạc Thuỷ cho biết: chúng tôi sẽ tiếp tục rà soát, vực dậy những trang trại chưa hiệu quả và giúp đỡ người dân xây dựng các mô hình trang trại mới; tuỳ vào điều kiện cụ thể của từng địa phương để định hướng phát triển loại mô hình phù hợp. Phấn đấu đến hết năm 2015, nâng tổng số mô hình trang trại đạt tiêu chí theo Thông tư 27 lên 60 mô hình. 

 

                                                                           Viết Đào

 

 

Các tin khác


Xây dựng thương hiệu gà Quyết Thắng

Là một trong những "thủ phủ” chăn nuôi gà ri lớn nhất của huyện Lạc Sơn, xã Quyết Thắng quyết liệt triển khai nhiều giải pháp nhằm xây dựng gà ri trở thành sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương, đưa chăn nuôi gà ri thành ngành kinh tế mũi nhọn, giúp người dân cải thiện thu nhập, giảm nghèo bền vững. Đồng thời giải quyết việc làm cho lao động địa phương, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Quý I, tổng Quỹ Hỗ trợ nông dân đạt trên 63,5 tỷ đồng

Trong quý I/2024, Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh tích cực phối hợp với Hội Nông dân các huyện, thành phố tổ chức giải ngân vốn vay Quỹ Hỗ trợ nông dân từ nguồn ngân sách của tỉnh cấp năm 2024.

3 tháng, thu ngân sách nhà nước ước đạt 1.306 tỷ đồng

Theo số liệu báo cáo của UBND tỉnh, thu ngân sách Nhà nước của tỉnh ước thực hiện hết tháng 3/2024 đạt 1.306 tỷ đồng, bằng 32% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, bằng 23% so với chỉ tiêu Nghị quyết Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh và bằng 153% so với cùng kỳ.

Toàn tỉnh có gần 5 nghìn lồng nuôi cá

Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, từ đầu năm đến nay, tình hình sản xuất thủy sản trong tỉnh ổn định. Hiện toàn tỉnh có diện tích nuôi cá ao, nuôi cá ruộng là 2.695 ha (nuôi kết hợp ở các hồ thủy lợi 1,2 nghìn ha); số lồng nuôi cá có 4.987 lồng. Trong 3 tháng đầu năm 2024, sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 2.472 tấn; các cơ sở sản xuất được 9 triệu con cá giống các loại phục vụ cho sản xuất.

Triển vọng nghề nuôi dê núi ở vùng cao Đà Bắc

Tận dụng tiềm năng, lợi thế về bãi chăn thả, nguồn thức ăn, những năm qua, người dân trên địa bàn huyện Đà Bắc chú trọng chuyển đổi từ nuôi trâu, bò sang nuôi dê. Với ưu điểm "chỉ ăn cỏ, uống nước lã”, nuôi dê trở thành hướng đi đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục