Nhân dân xã Địch Giáo (Tân Lạc) chuyển một phần diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây có hiệu quả kinh tế cao hơn như: mía tím, dưa, bí lấy hạt… góp phần đưa xã trở thành 1 trong 8/23 xã cơ bản hoàn thành tiêu chí thu nhập trên địa bàn huyện.

Nhân dân xã Địch Giáo (Tân Lạc) chuyển một phần diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây có hiệu quả kinh tế cao hơn như: mía tím, dưa, bí lấy hạt… góp phần đưa xã trở thành 1 trong 8/23 xã cơ bản hoàn thành tiêu chí thu nhập trên địa bàn huyện.

(HBĐT) - Sau 5 năm, chúng tôi mới có dịp về với Địch Giáo (Tân Lạc). Con đường rải bê tông vào tận các ngõ, xóm, nhà cửa khang trang, làng quê ngày mùa thơm mùi rơm mới nhưng vẫn phong quang, sạch đẹp… bức tranh về cuộc sống của xã nông thôn mới Địch Giáo hiện lên với những gam màu sáng đầy tươi đẹp. Hồi tưởng lại những năm 2010, ít ai có thể hình dung, nơi đây vốn có đến gần 30% hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người thấp so với bình quân chung của huyện, tỉnh…

 

Đồng thuận- Chìa khóa thành công

 

Đồng chí Bùi Văn Thân, Phó Chủ tịch UBND xã nhận định: được chọn là xã điểm xây dựng nông thôn mới là lợi thế lớn với Địch Giáo song làm sao phát huy tốt, để về đích đúng lộ trình… là bài toán khó mà thực tế cho thấy, không ít nơi đã không thể tìm ra lời giải sau 5 năm thực hiện. Với vị trí địa lý tương đối thuận lợi nhưng xuất phát điểm của Địch Giáo khá thấp. Thời điểm bắt tay vào triển khai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, xã chỉ đạt 3/19 tiêu chí là: điện, hệ thống CT-XH và an ninh trật tự. Trong khi đó, tỷ lệ hộ nghèo cao (26%), thu nhập bình quân mới chỉ đạt 12 triệu đồng/năm, phương thức sản xuất manh mún, đầu ra cho sản phẩm còn bấp bênh….Đặc biệt tư tưởng trông chờ, ỷ lại, coi xây dựng NTM là chương trình đầu tư của Nhà nước còn tồn tại trong đại bộ phận quần chúng nhân dân.

 

Gắn với điều kiện, thực tiễn, Địch Giáo đặt ra mục tiêu vận động, thay đổi nhận thức trong nhân dân bằng những việc làm cụ thể, mang lại lợi ích thiết thực. Lợi ích đó được thể hiện bằng diện mạo đổi mới khang trang, cơ sở hạ tầng được đầu tư, đảm bảo phục vụ tốt đời sống dân sinh. Song cơ bản nhất vẫn là việc hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới phải thực sự là bước tạo đà để người dân trên địa bàn phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống. Với cách làm đó, chỉ sau 1 năm triển khai chương trình, nhận thức của nhân dân trên địa bàn xã đã có nhiều chuyển biến tích cực. Trong 4 năm, xã đã huy động tổng nguồn lực là 100,1 tỷ đồng, trong đó, nhân dân đóng góp 17,26 tỷ đồng với 9,4 tỷ đồng tiền mặt, công quy tiền 4,284 tỷ đồng và 3,036 tỷ đồng từ hiến đất phục vụ xây dựng các công trình cộng đồng, làm đường GTNT. Bằng những con số cụ thể đó, có thể khẳng định: từ lối suy nghĩ thụ động, trông chờ, ỷ lại… chương trình đã thực sự tạo nên hiệu ứng tốt, có sức lan tỏa trong xã hội. Nhân dân đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tiếp nhận, chuyển giao tiến bộ KHKT vào sản xuất. Bằng việc tìm được đầu ra ổn định cho nông sản hàng hóa, Đảng ủy, chính quyền xã đã vận động nhân dân chuyển một phần đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao hơn, như: mía tím, dưa, bí lấy hạt, bưởi đỏ… Từ năm 2011 đến nay, toàn xã đã có hàng trăm mô hình kinh tế trang trại ra đời, hoạt động có hiệu quả, tiêu biểu là mô hình nuôi trâu, bò sinh sản; lợn nái; nuôi bò lai sil sinh sản; trồng rau, nuôi gà hữu cơ… Những nông dân triệu phú như bà Bùi Thị Lựng (xóm Hạ), Bùi Thị Thoan (xóm Lạ)… xuất hiện ngày càng nhiều ở Địch Giáo. Sau 5 năm, thu nhập bình quân đầu người của xã đã được cải thiện đáng kể: từ 12 triệu đồng năm 2011, đến năm 2014 đã tăng lên 22,5 triệu đồng, ước đạt 23 triệu đồng trong năm 2015; tỷ lệ hộ nghèo năm 2011 là 26% đã giảm xuống còn 7,8% vào năm 2014, trong năm 2015 ước tiếp tục giảm xuống còn 6%. Với 3 tiêu chí có sẵn, hết năm 2012, xã hoàn thành thêm 4 tiêu chí, năm 2013 là 6 tiêu chí, năm 2014 là 3 tiêu chí, hết quý III/2015, xã đã hoàn thành 3 tiêu chí còn lại và trở thành 1 trong 3 xã cán đích NTM đầu tiên của huyện Tân Lạc.

 

Trăn trở duy trì xã nông thôn mới

 

Vinh dự là 1 trong 3 địa phương cán đích xây dựng NTM đầu tiên nhưng theo ông Bùi Văn Thân, Phó Chủ tịch UBND xã, 1 số tiêu chí vẫn còn cần tiếp tục hoàn thiện như: đường GTNT, hệ thống kênh mương thủy lợi, trình độ lao động sản xuất, nâng cao chất lượng cơ sở vật chất cho nhà văn hóa, công trình công cộng…. nên cần tiếp tục vận động nhân dân. Đồng nghĩa với nó là việc duy trì, sử dụng các cơ sở vật chất mới được xây dựng sao cho phát huy hiệu quả cao nhất, không bị hư hại, hỏng hóc, xuống cấp, lãng phí…. Ví các tiêu chí: thu nhập, văn hóa, ANTT là những tiêu chí “mềm”, ông Thân khẳng định: Để duy trì nhóm tiêu chí “mềm” là vấn đề mà Đảng ủy, chính quyền xã lưu tâm ngay từ khi xã vừa về đích NTM. Hiện nay, thu nhập của người dân trên địa bàn vẫn chủ yếu là từ sản xuất nông nghiệp, do đó chưa có tính ổn định. Bên cạnh đó, nếu ANTT không đảm bảo, để xảy ra các vụ vi phạm TTATXH trên địa bàn sẽ kéo theo ảnh hưởng đến tỷ lệ số thôn, xóm đạt văn hóa…

 

Thực tế cho thấy những trăn trở trong duy trì xã nông thôn mới ở Địch Giáo là hoàn toàn có cơ sở. Là địa bàn có đường liên xã chạy qua, Địch Giáo tiềm ẩn những phức tạp về ANTT, đặc biệt là tệ nạn nghiện ma túy, cờ bạc, trộm cắp trong TTN. Đây từng là “điểm nóng” về bạo lực gia đình trên địa bàn huyện… Để khắc phục những nguy cơ tiềm ẩn trên, từ đầu năm 2014, Địch Giáo đã xây dựng điểm mô hình “an toàn về ANTT” tại xóm Sung 2. Qua hơn 1 năm triển khai, mô hình đã cho thấy những hiệu quả tích cực trong bảo đảm an ninh nông thôn, góp phần giữ gìn TTATXH. Hiện nay, mô hình đã được Đảng ủy, chính quyền xã Địch Giáo tổng kết, rút kinh nghiệm và nhân rộng trên địa bàn.

 

Đưa ra mục tiêu nâng thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn lên 50 triệu đồng/năm vào năm 2020, Địch Giáo đang quyết liệt thực hiện các giải pháp như: quy hoạch lại vùng sản xuất phù hợp với điều kiện của địa phương, phát triển có trọng tâm, trọng điểm, tránh tràn lan kém hiệu quả gắn với tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm hàng hóa; tiến tới xây dựng tổ hợp tác SX-KD. Bên cạnh đó, để đạt tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 55% vào năm 2020, xã chú trọng đào tạo nghề, giới thiệu và hỗ trợ việc làm cho lao động nông thôn, khắc phục tình trạng lao động thời vụ, chất lượng không cao, kém hiệu quả…  

 

“Tư tưởng “xả hơi” sau cán đích, có lẽ cũng là điều Đảng ủy, chính quyền xã cần đặc biệt quan tâm vào thời điểm này. Kiên trì với giải pháp: tuyên truyền, vận động nhằm thay đổi nhận thức của CB-ĐV, nhân dân… quan điểm của xã là giữ vững các tiêu chí đạt được và nâng cao về chất các tiêu chí này để tiếp tục xây dựng nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại bền vững”- ông Bùi Văn Thân khẳng định.  

 

                                                                                 Hải Yến

 

Các tin khác


Huyện Lạc Thuỷ huy động trên 137 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới

Theo báo cáo của UBND huyện Lạc Thuỷ, trong quý I/2024, tổng nguồn vốn huy động thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện là 137,3 tỷ đồng.

Huyện Mai Châu chủ động phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi

Thời tiết đang chuyển sang nắng nóng, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các loại dịch bệnh trên đàn vật nuôi. UBND huyện Mai Châu đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp các địa phương chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống, giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh gây ra cho đàn vật nuôi.

Quý I, giải ngân vốn đầu tư công ước đạt 15% kế hoạch

Kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước năm 2024 của tỉnh Hòa Bình được Thủ tướng Chính phủ giao 3.430,661 tỷ đồng. Số vốn được HĐND tỉnh thông qua là 3.763,925 tỷ đồng và đã được UBND tỉnh giao chi tiết đến các dự án đạt 100% kế hoạch vốn giao.

Xuất khẩu trên 7 tấn ớt muối chua sang thị trường Hàn Quốc

Ngày 28/3, Sở NN&PTNT phối hợp với Công ty TNHH Đầu tư thương mại Tiến Ngân - TP Hòa Bình (Công ty Tiến Ngân); Công ty Tomas Trade Co.ltd (Hàn Quốc) tổ chức Hội thảo đánh giá kết quả chuỗi sản xuất - xuất khẩu sản phẩm ớt muối chua sang thị trường Hàn Quốc và xuất khẩu 7,5 tấn ớt muối chua sang thị trường này.

Tập huấn công tác tuyên truyền về hội nhập và hợp tác quốc tế

Chiều 28/3, tại Sở Thông tin và Truyền thông, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Uỷ ban nhân dân tỉnh tổ chức hội nghị tập huấn công tác tuyên truyền về hội nhập và hợp tác quốc tế. Dự hội nghị có đồng chí Triệu Minh Long, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Thông tin và Truyền thông.

Huyện Kim Bôi dồn sức thực hiện công tác quy hoạch

"Hiện nay, huyện Kim Bôi đang tổ chức lập 23 đồ án quy hoạch (ĐAQH) gồm: ĐAQH chung đô thị Bo huyện Kim Bôi đến năm 2045; 20 ĐAQH phân khu và 1 ĐAQH chi tiết; UBND các xã tổ chức lập 12 ĐAQH chi tiết điểm dân cư nông thôn. Huyện xác định, sau khi được phê duyệt, các đồ án nói trên sẽ thúc đẩy phát triển KT-XH, làm cơ sở để kêu gọi, thu hút đầu tư, là công cụ pháp lý quan trọng để quản lý và huy động các nguồn lực phát triển...”- đồng chí Trần Tuấn Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Kim Bôi cho biết.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục