Những năm gần đây, ngành công nghiệp không khói thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đề cập nhiều đến du lịch "xanh", du lịch có trách nhiệm. Muốn phát triển du lịch bền vững, vấn đề cấp thiết là cần khai thác một cách khoa học tiềm năng, lợi thế tài nguyên du lịch, trong đó, hết sức chú trọng bảo vệ môi trường, nhất là môi trường ở các khu du lịch quốc gia - những điểm đến làm nên thương hiệu, diện mạo du lịch nước nhà.



                       Du khách tham quan khu du lịch sinh thái Tràng An, tỉnh Ninh Bình.

Tác động xấu tới môi trường từ hoạt động du lịch

Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 xác định Việt Nam sẽ có 47 khu du lịch quốc gia trải dài khắp mọi miền đất nước. Ðây là những điểm đến hấp dẫn sở hữu nguồn tài nguyên phong phú, đa dạng, được coi là động lực góp phần thực hiện mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tuy nhiên, thách thức không nhỏ với các khu du lịch quốc gia là công tác bảo vệ môi trường. Thực tế cho thấy, thời gian qua, việc phát triển quá nóng đã gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường du lịch. Vụ trưởng Khoa học công nghệ và môi trường (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Từ Mạnh Lương nhận định: Tại nhiều khu, điểm du lịch xuất hiện các chất thải rắn, rác thải, nước thải chưa thu hồi, xử lý triệt để, cho nên nguy cơ ô nhiễm cục bộ và tái ô nhiễm sau xử lý vẫn xảy ra, nhất là tại một số khu, điểm du lịch nằm tại hạ lưu sông, suối, ao hồ, bãi biển… Cùng quan điểm, GS, TS Tạ Hòa Phương (Ðại học Quốc gia Hà Nội) cho biết: Hành vi xả rác tại các khu du lịch quốc gia tới nay vẫn nằm ngoài tầm kiểm soát của các cơ quan quản lý du lịch, kể cả ở Hạ Long - Cát Bà, Sa Pa - Phan Xi Păng, Phong Nha - Kẻ Bàng hay Ðồng Văn - Mèo Vạc. Ðơn cử, dù Công ty khai thác du lịch hang Thiên Ðường đã cố gắng bảo đảm vệ sinh môi trường, có xe điện đưa du khách lên cao, có nhiều thùng rác đặt trên đường đi, làm hệ thống hành lang gỗ táu thuận lợi cho việc di chuyển... nhưng vẫn để lại lượng rác tích lũy phía dưới hành lang bốc mùi khó chịu. Hay dù có hệ thống cáp treo hiện đại lên đỉnh Phan Xi Păng thì vẫn không tránh được lượng rác thải không nhỏ bay xuống cánh rừng Hoàng Liên Sơn. Bên cạnh đó, nhà vệ sinh tại các khu, điểm du lịch cũng còn thiếu, nhiều nơi xuống cấp, trang thiết bị phục vụ không bảo đảm chất lượng và an toàn cho du khách. Sự phát triển du lịch cũng làm gia tăng mức độ tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm không khí, nước, tiếng ồn, thay đổi cảnh quan thiên nhiên và thay đổi quân bình môi sinh đối với môi trường sống của sinh vật.

Theo TS Trương Sỹ Vinh, Phó Viện trưởng Nghiên cứu phát triển du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nêu trên là do công tác bảo vệ môi trường ở các khu, điểm du lịch chưa được quan tâm thỏa đáng. Bản thân các cơ sở kinh doanh du lịch chưa nhận thức một cách đúng đắn và đầy đủ mối quan hệ giữa hoạt động kinh doanh, sản xuất với vấn đề bảo vệ môi trường. Dưới góc độ quản lý nhà nước, ngành du lịch chưa xây dựng, ban hành các hướng dẫn đầy đủ về tiêu chí, điều kiện, đánh giá tác động môi trường và hệ thống kiểm soát, quản lý các vấn đề về môi trường liên quan đến các hoạt động du lịch, nhất là với các cơ sở kinh doanh du lịch, gây lúng túng khi áp dụng trong thực tiễn. Những quy định, chế tài, mức phạt kinh tế đối với các hành vi xả thải bừa bãi, ảnh hưởng đến môi trường du lịch chưa cụ thể và chưa đủ mạnh. Thời gian qua, không hiếm những câu chuyện vì thu hút du khách mà xâm phạm di sản - tài nguyên vô giá của du lịch quốc gia như việc tổ chức dạ tiệc trong hang động Vịnh Hạ Long hay ý định tổ chức một cuộc thi hoa hậu quy mô quốc tế trong lòng động Thiên Ðường (Phong Nha - Kẻ Bàng)… GS, TS Nguyễn Hoàng Trí, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và giáo dục môi trường ÐH Sư phạm Hà Nội chỉ ra: Do thiếu hiểu biết và làm lấy được mà không tính đến hậu quả lâu dài, một số dự án với các khu resort, khách sạn hạng sang, cáp treo và các công trình bê-tông hóa sẽ gây ra những hậu quả trước mắt và lâu dài cho các hệ sinh thái nguyên sơ dễ bị tổn thương, kéo theo nguy cơ phá hủy các thành phần môi trường quan trọng là cơ sở của du lịch sinh thái. Ngoài ra, việc thu hút cộng đồng nông thôn tham gia du lịch mở ra nhiều triển vọng mới cho du lịch nhưng cũng tiềm ẩn những rủi ro với môi trường du lịch nếu người dân không được trang bị kiến thức đầy đủ. Ðây là những thách thức cần được quan tâm giải quyết sớm, bởi môi trường ở các khu du lịch quốc gia là yếu tố quyết định trong việc tạo ấn tượng đối với du khách.

Cần giải pháp đồng bộ, quyết liệt

Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đặt mục tiêu: "Phát triển du lịch bền vững gắn với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc; giữ gìn cảnh quan, bảo vệ môi trường", và đưa ra giải pháp "phát triển sản phẩm du lịch "xanh", tôn trọng yếu tố tự nhiên và văn hóa địa phương", đồng thời "thực hiện chính sách phát triển du lịch bền vững, có chính sách ưu đãi đối với phát triển du lịch sinh thái, du lịch "xanh", du lịch cộng đồng, du lịch có trách nhiệm". Ðiều này khẳng định, vấn đề bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch đang được Ðảng, Nhà nước và toàn ngành quan tâm. Sau hơn một năm nghiên cứu, Viện Nghiên cứu phát triển du lịch dưới sự chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa hoàn thành Bộ tiêu chí về bảo vệ môi trường đối với ba loại cơ sở du lịch và dịch vụ, bao gồm: cơ sở ăn uống, vui chơi giải trí và bán hàng lưu niệm. Mỗi loại tiêu chí gồm nhóm tiêu chí bắt buộc cụ thể hóa những quy định pháp luật trong bảo vệ môi trường ở các cơ sở du lịch và nhóm tiêu chí "mềm" khuyến khích các cơ sở thực hiện nhằm gia tăng chất lượng dịch vụ du lịch. Trên thực tế, một số cơ sở đã thực hiện song qua khảo sát trực tiếp, cán bộ Viện nhận thấy việc thực hiện vẫn gặp nhiều khó khăn khi các cơ sở hầu như chỉ có quy mô vừa và nhỏ, chưa thể đầu tư hoàn thiện những tiện ích đi kèm như nhà vệ sinh cho người khuyết tật, hay trang bị đồng bộ hệ thống tiết kiệm điện, nước, sử dụng năng lượng tái tạo… Do đó, theo các chuyên gia, trước mắt, cần có bộ tiêu chí riêng về môi trường quy định cho các khu du lịch quốc gia, bởi đây là những điểm trọng tâm thu hút khách du lịch cả nước. Bộ tiêu chí cần chỉ ra những hướng dẫn cụ thể về yêu cầu, quy định để các cơ sở du lịch tại các khu du lịch quốc gia tuân thủ.

Mới đây, để tìm kiếm những giải pháp tháo gỡ các vấn đề về môi trường trong phát triển du lịch, dưới sự chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tạp chí Du lịch đã tổ chức hội thảo "Bảo vệ môi trường tại các khu du lịch quốc gia". Nhiều chuyên gia du lịch đồng thuận cho rằng, cần áp dụng đồng bộ nhiều biện pháp để cải thiện môi trường du lịch, mà trước mắt là hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường du lịch. Những quy định này cần đưa vào Nghị định thực hiện Luật Du lịch 2017 để tạo hành lang pháp lý cho công tác bảo vệ môi trường tại các khu du lịch quốc gia; đồng thời, tăng cường các hình thức và mức độ xử phạt những vi phạm về môi trường, nhất là các hành động xả thải làm ô nhiễm cảnh quan, ô nhiễm môi trường không khí, nước. Theo PGS, TS Lê Anh Tuấn - Phó Vụ trưởng Ðào tạo (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch): Ðối với các dự án đầu tư mới, cần đánh giá tác động môi trường và thực hiện nghiêm túc các quy định về xả thải trong quá trình vận hành. Với những dự án đã được đầu tư, cần rà soát lại các hạng mục công trình, quy trình xử lý nước thải, rác thải bảo đảm đúng quy định. Các địa phương có tiềm năng du lịch cần quan tâm và có kế hoạch, lộ trình đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung, không thải trực tiếp xuống hồ đập, sông ngòi, biển…

TS Trương Sỹ Vinh đề xuất: Các cơ sở du lịch và dịch vụ thường nằm trong một khu, điểm du lịch nhất định, bởi vậy việc hình thành mô hình bảo vệ môi trường với sự tham gia của các thành phần như cơ quan quản lý nhà nước về du lịch tại địa phương; ban quản lý các khu, điểm du lịch; chính quyền địa phương; cộng đồng địa phương và khách du lịch… là hợp lý và cần thiết. Mô hình này cần có quy định về trách nhiệm, quyền hạn của các bên tham gia và quy chế thực hiện cụ thể để các thành phần tham gia căn cứ thực hiện. Vấn đề bảo vệ môi trường du lịch không chỉ là trách nhiệm của nhà đầu tư, cơ quan quản lý nhà nước, mà còn có vai trò không nhỏ của du khách - những người trực tiếp thụ hưởng dịch vụ du lịch. Do đó, cần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường du lịch cho du khách thông qua công tác tuyên truyền, phổ biến những quy tắc ứng xử khi tham gia du lịch. Phó Tổng cục trưởng Du lịch Nguyễn Thị Thanh Hương nhấn mạnh: Bên cạnh việc chú trọng quy hoạch phát triển các khu du lịch bảo đảm tính khoa học, cần tăng cường năng lực quản lý, phân công đầu mối quản lý; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về môi trường; tạo công ăn việc làm cho người dân góp phần bảo vệ và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên. Cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với sự gắn kết của gia đình, nhà trường, hiệp hội nghề nghiệp, các tổ chức chính trị xã hội, từ đó đa dạng hóa các hình thức phổ biến, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các chủ thể liên quan, từ đó có những hành động thiết thực để bảo vệ môi trường du lịch.

TheoNhanDan

Các tin khác


Công trình Đền thờ liệt sĩ Chiến trường Điện Biên Phủ đoạt giải thưởng Quy hoạch đô thị quốc gia

Chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), chiều 15/4, tại trung tâm thành phố Điện Biên Phủ, Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cùng Sở Xây dựng Điện Biên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Điện Biên tổ chức lễ gắn biển "GIẢI ĐẶC BIỆT" trong hệ thống Giải thưởng Quy hoạch Đô thị Quốc gia lần thứ III (VUPA) năm 2022 cho công trình Đền thờ liệt sĩ Chiến trường Điện Biên Phủ.

Gặp mặt cơ quan báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật khu vực Trung du, miền núi Bắc Bộ

Chiều 15/4, tại TP Việt Trì, Ban Tuyên giáo T.Ư chủ trì, phối hợp với Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Quân khu 2 và Tỉnh ủy Phú Thọ tổ chức gặp mặt các cơ quan báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật khu vực Trung du, miền núi Bắc Bộ. Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư chủ trì cuộc gặp mặt.

Tổ chức Tết cổ truyền Bunpimay cho lưu học sinh, sinh viên Lào

Ngày 15/4, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Hoà Bình và Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Hoà Bình (TP Hoà Bình) phối hợp tổ chức Tết cổ truyền Bunpimay năm 2024 cho các lưu học sinh, sinh viên (HS, SV) Lào đang học tập tại 2 trường. 

Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, học sinh, sinh viên huyện Lạc Thủy

Huyện Lạc Thuỷ vừa tổ chức Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, học sinh, sinh viên năm 2024 với chủ đề "Hát mãi khúc quân hành”. Hội diễn thu hút trên 260 diễn viên, nghệ nhân từ 10 xã, thị trấn.

Rộn ràng Lễ rước kiệu về Đền Hùng

Ngày 15/4 (tức mùng 7/3 âm lịch), tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, thành phố Việt Trì (Phú Thọ), Ban Tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2024 tổ chức rước kiệu về Đền Hùng tri ân công đức các Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.

Nét độc đáo trong lễ hội đình Băng

Đình Băng ở xóm Băng, xã Ngọc Lâu, huyện Lạc Sơn là ngôi đình lớn, thờ thành hoàng chính là Quốc mẫu Hoàng Bà (mẹ đức thánh Tản Viên Sơn), Tản Viên Sơn thánh, ngoài ra còn thờ một số thành hoàng khác: Vua Cả, Vua Hai (thần ở mái đá làng Vành, xã Yên Phú, huyện Lạc Sơn), vua Út, Vua Ả là con gái Quốc mẫu Hoàng Bà. Đình đã được các đời vua thời phong kiến sắc phong nhưng nay thất lạc không còn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục