(HBĐT) - Từ nhiều năm nay, bản Mường Giang Mỗ, xã Bình Thanh (Cao Phong) được biết đến như một điểm nhấn văn hoá nổi bật. Tách biệt hoàn toàn với khói bụi, ồn ào của chốn đô thị, khung cảnh lãng mạn như tranh của Giang Mỗ là chốn dừng chân lý tưởng của bất cứ ai muốn tìm kiếm cảm giác bình yên. Hơn thế, nơi đây còn là một trong những bản làng dân tộc được ngành du lịch tỉnh xác định sẽ trở thành sản phẩm du lịch mũi nhọn thu hút du khách thập phương khi nhắc đến Hoà Bình.



Những sản phẩm thổ cẩm do bà con bản Giang Mỗ dệt nên được bày bán cho du khách đến thăm quan, trải nghiệm.

Bản Giang Mỗ thanh bình nằm nép mình dưới chân núi Mỗ, cách trung tâm TP Hòa Bình chừng 12 km. Đây là nơi cư trú của 145 hộ dân, tất cả đều là người dân tộc Mường. Đường vào thăm bản không quá khó khăn. Nơi đây còn được coi là bảo tàng sống về văn hóa truyền thống dân tộc Mường khi vẫn còn nguyên vẹn lối kiến trúc truyền thống của những nếp nhà sàn, khung cửi dệt vải của phụ nữ Mường xưa kia hay dụng cụ lao động sản xuất như cối giã gạo, cung, nỏ săn bắn, đồ đạc làm nương rẫy vẫn được người dân lưu trữ.

Đến với Giang Mỗ ngày nay, du khách có thể dạo bước thăm quan trên con đường nhỏ chạy dọc bản, chiêm ngưỡng vẻ đẹp hoang sơ của núi đồi, hoa lá. Dừng chân tại bất kỳ ngôi nhà sàn nào để tìm hiểu về văn hóa bản Mường, cùng say mình trong những điệu múa sạp bên vò rượu cần thơm nức; trải nghiệm sinh hoạt thường ngày cùng dân bản như: chăm sóc gia súc, gia cầm, làm nương rẫy, săn bắn, hái lượm… Nghe các thiếu nữ Mường giới thiệu về nghề dệt và những sản phẩm thổ cẩm truyền thống như: quần, áo, túi xách, khăn quàng…; thưởng thức các món ăn đặc trưng của người Mường như: xôi nếp nương, thịt lợn, rau đồ, cá suối, rượu cần...

Thời điểm này bắt đầu vào mùa gặt, đến Giang Mỗ, du khách dễ dàng cảm nhận được không khí mát lành, thơm nồng của hương lúa chín. Bạn Trần Quang Minh, sinh viên năm 2 đại học Văn hóa chia sẻ: Lớp em quyết định chọn Giang Mỗ là điểm đến cho chuyến du lịch về nguồn. Chuyến đi này giúp chúng em hiểu thêm về cuộc sống cũng như sinh hoạt thường ngày của bà con dân tộc Mường, đồng thời có nhiều trải nghiệm thú vị như lần đầu tiên được tự tay dệt thổ cẩm, được cùng trẻ em chơi ném còn, bắn nỏ… Chúng em đã có nhiều kỷ niệm đẹp ở ngôi bản xinh đẹp này.

ông Nguyễn Văn Hậu, Trưởng bản cho biết: Hàng năm, bản Giang Mỗ đón hàng nghìn du khách trong và ngoài nước đến thăm quan. Chúng tôi cố gắng nâng cao chất lượng dịch vụ nhằm tạo cho du khách trải nghiệm tự nhiên, thoải mái nhất. Chăm chút từ việc quét dọn sạch sẽ trong nhà đến đường làng, ngõ xóm, chỗ nghỉ ngơi, chăn màn phục vụ du khách cũng được vệ sinh sạch sẽ. Đặc biệt, xóm khắc phục tối đa hiện tượng chèo kéo khách.

Tất cả những điều đó đã tạo nên nét đặc trưng riêng của bản Mường Giang Mỗ nên cho dù không phải là khu du lịch sinh thái ấn tượng với cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, càng không phải là một điểm du lịch dịch vụ hấp dẫn với các sản phẩm du lịch chuyên nghiệp, bản Giang Mỗ nhẹ nhàng chinh phục khách thập phương bởi chính những nét mộc mạc mà chân tình toát lên từ cuộc sống và con người nơi đây. Sự bình yên đã tô thắm những nếp nhà và xoa dịu lòng du khách.

                                                           Đồng Hương


Các tin khác


Tổ chức Tết cổ truyền Bunpimay cho lưu học sinh, sinh viên Lào

Ngày 15/4, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Hoà Bình và Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Hoà Bình (TP Hoà Bình) phối hợp tổ chức Tết cổ truyền Bunpimay năm 2024 cho các lưu học sinh, sinh viên (HS, SV) Lào đang học tập tại 2 trường. 

Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, học sinh, sinh viên huyện Lạc Thủy

Huyện Lạc Thuỷ vừa tổ chức Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, học sinh, sinh viên năm 2024 với chủ đề "Hát mãi khúc quân hành”. Hội diễn thu hút trên 260 diễn viên, nghệ nhân từ 10 xã, thị trấn.

Rộn ràng Lễ rước kiệu về Đền Hùng

Ngày 15/4 (tức mùng 7/3 âm lịch), tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, thành phố Việt Trì (Phú Thọ), Ban Tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2024 tổ chức rước kiệu về Đền Hùng tri ân công đức các Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.

Nét độc đáo trong lễ hội đình Băng

Đình Băng ở xóm Băng, xã Ngọc Lâu, huyện Lạc Sơn là ngôi đình lớn, thờ thành hoàng chính là Quốc mẫu Hoàng Bà (mẹ đức thánh Tản Viên Sơn), Tản Viên Sơn thánh, ngoài ra còn thờ một số thành hoàng khác: Vua Cả, Vua Hai (thần ở mái đá làng Vành, xã Yên Phú, huyện Lạc Sơn), vua Út, Vua Ả là con gái Quốc mẫu Hoàng Bà. Đình đã được các đời vua thời phong kiến sắc phong nhưng nay thất lạc không còn.

Lan tỏa văn hóa đọc và tình yêu sách trong cộng đồng

Do tác động của công nghệ thông tin, mạng internet, các thiết bị điện tử nên đã ảnh hưởng đến việc đọc của thế hệ trẻ, lấn át văn hóa đọc truyền thống. Sau khi có Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, các bộ, ngành, các cấp từ Trung ương đến địa phương đã chung tay đẩy mạnh phong trào đọc sách và phát triển văn hóa đọc trở thành hoạt động lớn trong tháng Tư hằng năm nhằm tôn vinh giá trị của sách trong cộng đồng.

Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, học sinh huyện Cao Phong năm 2024

Ngày 11/4, UBND huyện Cao Phong tổ chức Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, học sinh năm 2024. Tham gia liên hoan có 10 đoàn với trên 300 diễn viên là dân quân, thanh niên, học sinh các xã, thị trấn trên địa bàn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục