(HBĐT) - Đà Bắc là huyện vùng cao của tỉnh, nhiều xã nằm trong vùng lòng hồ sông Đà, có lợi thế giao thông cả đường bộ và đường thủy. Trên địa bàn huyện còn giữ được cảnh quan tự nhiên hoang sơ, người dân chất phác, hiền hòa với nếp sinh hoạt đậm bản sắc văn hóa dân tộc, là điểm đến thú vị cho khách du lịch yêu thích tìm hiểu, khám phá. Những năm gần đây, mô hình du lịch cộng đồng (DLCĐ) được xây dựng đã và đang thu hút khách du lịch trong và ngoài nước, từng bước đưa một địa danh lạ trên bản đồ du lịch trở thành quen trong lòng du khách.



Bà con dân tộc Dao xóm Sưng, xã Cao Sơn (Đà Bắc) với nghề thêu thổ cẩm truyền thống - nét văn hóa hấp dẫn khách du lịch.

Đồng chí Nguyễn Văn Hiến, Trưởng phòng VH-TT huyện Đà Bắc cho biết: Trong một lần du lịch đến huyện, một vị khách người Australia cảm mến cảnh đẹp thiên nhiên, con người Đà Bắc đã kết nối với Quỹ Australia vì nhân dân châu á và Thái Bình Dương (AFAP) đưa mô hình DLCĐ về huyện. Bắt đầu từ năm 2014, Quỹ hỗ trợ cho 4 hộ dân ở xóm Ké - xã Hiền Lương và xóm Đá Bia - xã Tiền Phong kinh phí đầu tư xây dựng, sửa chữa nhà, mua sắm vật dụng như chăn, ga, gối, đệm… cung cấp dịch vụ lưu trú và ăn uống cho du khách. Đồng thời đào tạo nguồn nhân lực, tổ chức tập huấn kiến thức, kỹ năng làm DLCĐ cho người dân; đưa bà con đi thăm quan, học tập tại huyện Mai Châu và huyện Sa Pa (Lào Cai). Hỗ trợ thành lập các tổ, nhóm phục vụ du lịch như nhóm ẩm thực, nhóm hướng dẫn đón tiếp, nhóm dịch vụ. Từ chỗ còn xa lạ với làm du lịch, bà con dần quen và có kỹ năng trong đón, tiếp khách. Đến nay đã có 8 hộ ở các xã: Hiền Lương, Cao Sơn, Tiền Phong làm DLCĐ, đang hỗ trợ 2 hộ ở xã Tiền Phong. Cùng với dự án AFAP, tỉnh dành quan tâm, hỗ trợ trang thiết bị cho các hộ làm du lịch như tăng âm, loa đài, bộ chiêng, nhạc cụ dân tộc, chăn, ga, gối, đệm…

Một ngày cuối tuần, chúng tôi có hành trình về huyện Đà Bắc trải nghiệm du lịch homestay. Từ thị trấn Đà Bắc theo đường 433 uốn lượn qua những bản làng, đồi núi điệp trùng, chúng tôi dừng chân tại xóm Sưng- xã Cao Sơn, xóm 100% hộ là đồng bào dân tộc Dao. Chúng tôi đến đúng lúc bà con đang dự khóa tập huấn về làm DLCĐ. Những người dân hàng ngày quen với con dao, cái rựa, lên nương, lên rừng trồng cây, chặt củi, hôm nay xúng xính trong bộ trang phục dân tộc đẹp mắt cùng nhau đến nhà cộng đồng học về làm du lịch.

Anh Đặng Văn Xuân, chủ hộ homestay cho biết: "Được dự án AFAP hỗ trợ, từ tháng 6 vừa qua, dịch vụ homestay bắt đầu đón khách. Lần đầu làm du lịch nên tôi và các thành viên trong gia đình không khỏi bỡ ngỡ. Nhờ được tập huấn, đi học tập ở những nơi đã làm du lịch homestay có tiếng trong và ngoài tỉnh nên chúng tôi cũng vững tâm hơn, quá trình vừa làm, vừa rút kinh nghiệm. Tuy mới hoạt động nhưng gia đình đã đón nhiều lượt khách, có đợt cuối tuần khách đông không đủ chỗ nghỉ, mong muốn ngày càng được đón tiếp nhiều du khách hơn ”.

Homestay của gia đình anh Xuân nằm xen lẫn với những nếp nhà mái lá đơn sơ của các hộ dân trong xóm, được bao phủ bởi màu xanh tươi mát của cây rừng. Ngôi nhà vẫn giữ nguyên tường gỗ, mái tranh nhưng đã được cải tạo lại, nền nhà lát gạch, phòng ngủ, bếp, bàn ghế uống nước và nhiều vật dụng được làm từ gỗ, tre nứa vừa tạo sự gần gũi, vừa mang dáng vẻ hiện đại, sạch sẽ, khang trang. Đến đây, du khách được tận hưởng không khí trong lành, hòa mình với thiên nhiên, tìm hiểu, khám phá cuộc sống, nét sinh hoạt văn hóa, ẩm thực, nghề dệt, thêu thổ cẩm truyền thống của đồng bào dân tộc Dao.

Rời xóm Sưng, chúng tôi quay ra vùng lòng hồ đến với xóm Ké - xã Hiền Lương và xóm Đá Bia - xã Tiền Phong. Cung đường ngoằn ngoèo, quanh co, len lỏi giữa một bên là những nếp nhà sàn thấp thoáng giữa nương ngô, vườn cây trái, núi cao, một bên là mặt hồ sông Đà thơ mộng tạo cho du khách những cảm nhận về cảnh đẹp tự nhiên, đời sống sinh hoạt của cư dân vùng lòng hồ. ở mỗi xóm hiện có 3 hộ làm homestay, riêng xóm Đá Bia có 2 hộ đang được hỗ trợ để tham gia dịch vụ.

Tại xóm Đá Bia, chúng tôi gặp nhóm du khách kiến trúc sư ở Hà Nội cùng một nhóm bạn nghỉ tại homestay Quang Thọ và homestay Đinh Thu. Anh Đinh Tuấn, một du khách chia sẻ: "Đến đây được trải nghiệm cuộc sống của người dân ven hồ sông Đà thật thú vị. Chúng tôi đi du lịch nhưng thực sự như là sống ở nhà, được tiếp đón, sinh hoạt như thành viên trong gia đình. Mọi người đều thân thiện, hiếu khách. Không khí rất trong lành, cảnh sắc thì tuyệt vời, từ trên nhà sàn có thể phóng tầm mắt ra toàn cảnh hồ rất đẹp. Chúng tôi được thưởng thức các món ăn dân tộc như cá nướng, gà xáo măng chua, cá gói lá chuối đồ, xôi ngũ sắc hương vị rất lạ và ngon. Chúng tôi thật sự vui vì đã có kỳ nghỉ ở đây và sẽ còn quay lại”.

Không chỉ có vậy, du khách còn có thể tham gia nhiều hoạt động lý thú như đi bộ, đạp xe thăm thú, khám phá các bản, làng quanh vùng, chèo thuyền kayak, chèo bè trên lòng hồ thưởng ngoạn sự kỳ vĩ, huyền ảo của vịnh Hạ Long "trên núi”, tìm hiểu cuộc sống của cư dân bản địa ven hồ. Đêm trên bản, du khách có thể tham gia nhảy sạp, múa xòe với bà con bên ánh lửa bập bùng, thưởng thức những tiết mục văn nghệ đặc sắc của trai bản, gái Mường.

Là địa bàn có địa hình trắc trở, giao thông chưa thuận lợi, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, thông qua dự án AFAP đã bắc "cây cầu” đưa mô hình DLCĐ đến với bà con vùng cao Đà Bắc, mang đến diện mạo mới cho du lịch của huyện. Ngoài những hộ trực tiếp được dự án hỗ trợ, hàng chục hộ khác cùng tham gia cung cấp dịch vụ. Từ khi triển khai đến nay đã có hàng nghìn lượt khách đến lưu trú tại các điểm DLCĐ. Homestay Đà Bắc hứa hẹn tạo ra những cơ hội mới phát triển bền vững cho người dân, giúp cải thiện đời sống và góp phần khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, tự nhiên của địa phương.

Hà Thu


Các tin khác


Gặp mặt cơ quan báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật khu vực Trung du, miền núi Bắc Bộ

Chiều 15/4, tại TP Việt Trì, Ban Tuyên giáo T.Ư chủ trì, phối hợp với Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Quân khu 2 và Tỉnh ủy Phú Thọ tổ chức gặp mặt các cơ quan báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật khu vực Trung du, miền núi Bắc Bộ. Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư chủ trì cuộc gặp mặt.

Tổ chức Tết cổ truyền Bunpimay cho lưu học sinh, sinh viên Lào

Ngày 15/4, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Hoà Bình và Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Hoà Bình (TP Hoà Bình) phối hợp tổ chức Tết cổ truyền Bunpimay năm 2024 cho các lưu học sinh, sinh viên (HS, SV) Lào đang học tập tại 2 trường. 

Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, học sinh, sinh viên huyện Lạc Thủy

Huyện Lạc Thuỷ vừa tổ chức Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, học sinh, sinh viên năm 2024 với chủ đề "Hát mãi khúc quân hành”. Hội diễn thu hút trên 260 diễn viên, nghệ nhân từ 10 xã, thị trấn.

Rộn ràng Lễ rước kiệu về Đền Hùng

Ngày 15/4 (tức mùng 7/3 âm lịch), tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, thành phố Việt Trì (Phú Thọ), Ban Tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2024 tổ chức rước kiệu về Đền Hùng tri ân công đức các Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.

Nét độc đáo trong lễ hội đình Băng

Đình Băng ở xóm Băng, xã Ngọc Lâu, huyện Lạc Sơn là ngôi đình lớn, thờ thành hoàng chính là Quốc mẫu Hoàng Bà (mẹ đức thánh Tản Viên Sơn), Tản Viên Sơn thánh, ngoài ra còn thờ một số thành hoàng khác: Vua Cả, Vua Hai (thần ở mái đá làng Vành, xã Yên Phú, huyện Lạc Sơn), vua Út, Vua Ả là con gái Quốc mẫu Hoàng Bà. Đình đã được các đời vua thời phong kiến sắc phong nhưng nay thất lạc không còn.

Lan tỏa văn hóa đọc và tình yêu sách trong cộng đồng

Do tác động của công nghệ thông tin, mạng internet, các thiết bị điện tử nên đã ảnh hưởng đến việc đọc của thế hệ trẻ, lấn át văn hóa đọc truyền thống. Sau khi có Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, các bộ, ngành, các cấp từ Trung ương đến địa phương đã chung tay đẩy mạnh phong trào đọc sách và phát triển văn hóa đọc trở thành hoạt động lớn trong tháng Tư hằng năm nhằm tôn vinh giá trị của sách trong cộng đồng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục