(HBĐT) - Về Ngọc Lương (Yên Thủy) vào ngày Tết Dương lịch 2018, đúng hôm sinh hoạt định kỳ của CLB chèo Ngọc Lương. Từ đầu làng, chúng tôi đã nghe âm thanh rộn ràng, réo rắt của tiếng trống, tiếng đàn, tiếng phách và những làn điệu chèo trầm bổng hòa quện vào nhau mang đến không khí rộn ràng, tươi vui trong những ngày đầu xuân.


Ông Quách Công Sơn, Chủ nhiệm CLB chèo xã Ngọc Lương chia sẻ: Từ lâu chèo đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân xã Ngọc Lương. Đặc biệt mỗi khi Tết đến, xuân về hay trong các dịp lễ hội, chiếu chèo luôn được đón nhận nhiệt tình của người dân. Tết năm nay đúng vào ngày rằm, đây cũng là ngày sinh hoạt định kỳ của CLB chèo Ngọc Lương nên những ngày trước đó các thành viên CLB đã tập luyện để có những tiết mục xuất sắc nhất phục vụ bà con trong xã.


Các diễn viên CLB chèo xã Ngọc Lương (Yên Thủy) luyện tập tiết mục chuẩn bị biểu diễn trong dịp Tết 2018.

Gần 19 giờ, nhà văn hóa xã Ngọc Lương đã rất đông người dân đến để được xem các tiết mục trọn vẹn. Trên chiếu chèo, các nhạc công, diễn viên đều đã chuẩn bị sẵn sàng cho tiết mục của mình. Bà Trịnh Thị Sơn, xóm Đồi 2 là một trong những người đầu tiên gắn bó với CLB chèo chia sẻ: Có niềm đam mê cháy bỏng với chèo, những thành viên CLB luôn cùng nhau tập luyện hát đúng nhịp, đúng phách để lời ca, điệu múa ngày càng thêm sắc, mềm mại. Những tác phẩm chèo do những nghệ sỹ không chuyên của CLB sáng tác và đạo diễn. Sự say mê, mong muốn giữ gìn nghệ thuật truyền thống của quê hương mà các thành viên CLB luôn tìm tòi, sáng tạo thêm nhiều tiết mục hài kịch, hề chèo, dân ca các miền để làm phong phú về thể loại.

Nổi tiếng là đất chèo của huyện Yên Thủy, xã Ngọc Lương có nhiều giọng hát chèo hay và có những làn điệu chèo mượt mà, da diết. Một số tác phẩm chèo do người dân Ngọc Lương sáng tác và biểu diễn được phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam như "Tình quê mới”, "Tiễn con lên đường”, "Tìm về quê mẹ”… Tuy nhiên, thời gian qua, do tác động của các dòng nhạc trẻ, nhạc hiện đại, khán giả ít quan tâm hơn đến hát chèo, tiếng chèo Ngọc Lương dần bị mai một. Trước thực tế đó, những người nông dân Ngọc Lương đã tập hợp, cùng ôn luyện, ngân vang làn điệu chèo mượt mà, uyển chuyển của quê nhà. Sau những ngày lao động vất vả, họ cùng nhau say sưa hát các làn điệu chèo với nhịp nhàng tay đàn, tay trống. Những nghệ sĩ không chuyên tập hợp lại với mong muốn chia sẻ niềm đam mê nghệ thuật chèo, cùng cất vang giọng hát, đồng thời lưu giữ, phát triển nghệ thuật chèo của quê hương.

Từ chỗ có 27 thành viên khi mới thành lập, đến nay CLB chèo Ngọc Lương đã có trên 50 thành viên, trong đó người cao tuổi nhất 77 tuổi và trẻ nhất 12 tuổi. Các thành viên trong CLB là những người có năng khiếu và niềm đam mê với nghệ thuật hát chèo. Theo ông Quách Công Sơn, Chủ nhiệm CLB chèo xã Ngọc Lương: Ngày mới thành lập, hoạt động của CLB gặp nhiều khó khăn. Một số thành viên còn đắn đo, suy nghĩ không biết CLB có duy trì được hay không, kinh phí mua sắm trang phục, nhạc cụ thiếu. Diễn viên, nhạc công chưa qua lớp đào tạo về chèo nên khả năng ca hát, biểu diễn còn hạn chế. Tuy nhiên, với niềm đam mê, tinh thần đoàn kết, thành viên CLB luôn cố gắng khắc phục khó khăn. Khi biểu diễn được khán giả chú ý lắng nghe, vỗ tay theo nhịp chèo đã tạo động lực cho chúng tôi tiếp tục tập luyện mang giọng chèo vang xa.

Bà Trịnh Thị Khánh, xóm Liên Tiến tâm sự: Chúng tôi mê chèo bởi chèo diễn tả cuộc sống bình dị, chân thực và thể hiện ước vọng về cuộc sống thanh bình, hạnh phúc của người nông dân. Trong nội dung các tích chèo cổ, cái thiện luôn thắng cái ác và thông qua các nhân vật hề chèo hóm hỉnh, thông minh, nhân dân đã phê phán, đả kích những thói hư, tật xấu trong xã hội. Vì thế, sau những ngày lao động mệt nhọc, chúng tôi lại gặp nhau, lại tổ chức một chiếu chèo, hát say sưa. Không chỉ hát cho nhau nghe, chúng tôi còn thường xuyên đi giao lưu, biểu diễn ở trong và ngoài huyện. Bên cạnh việc biểu diễn các trích đoạn chèo cổ, CLB còn sáng tác nhiều tác phẩm chèo cải biên ca ngợi vẻ đẹp tâm hồn, Đảng, Bác Hồ kính yêu, tình yêu quê hương, đất nước. Những tác phẩm ấy được dư luận đánh giá cao về nội dung cũng như thắm đượm nghĩa tình qua từng câu chữ, làn điệu dân dã mà giàu tính nhân văn sâu sắc.

Luôn hết mình trong từng vở diễn, CLB chèo xã Ngọc Lương đã góp phần tuyên truyền nhiệm vụ chính trị - xã hội của xã trong giai đoạn mới như xây dựng NTM, dồn điền, đổi thửa, giữ gìn tình đoàn kết trong xóm, làng, xây dựng gia đình văn hóa... Hoạt cảnh chèo "Đồng quê đổi mới” đã tạo nên sức mạnh lớn thu hút được người dân trong xã tích cực thực hiện chủ trương dồn điền, đổi thửa. Các chiếu chèo được mở ra thường xuyên hơn, người dân đến thưởng thức nghệ thuật chèo ngày càng tăng. Giờ đây, CLB thường xuyên đi lưu diễn phục vụ nhân dân để tiếng chèo Ngọc Lương không chỉ được biết đến ở Yên Thủy mà còn làm say đắm lòng người tại nhiều địa phương khác.

Xuân mới lại về, các thành viên CLB chèo xã Ngọc Lương lại tất bật tập luyện, chuẩn bị những tiết mục hay nhất, đặc sắc nhất, mang tiếng hát, lời ca biểu diễn mừng Đảng, mừng xuân để phục vụ nhân dân dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018.


Đỗ Hà

Các tin khác


Tuyên truyền cổ động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ tại Đà Bắc

Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hòa Bình phối hợp Trường Cảnh sát nhân dân 1, Trung tâm VH-TT&TT huyện Đà Bắc vừa tổ chức đêm giao lưu văn nghệ tuyên truyền lưu động đợt I, năm 2024.

Ấn tượng Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ 3 

Xác định vai trò, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Đến nay, Ngày Sách Việt Nam đã trở thành hoạt động văn hóa thường niên, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Năm nay, Hòa Bình chọn tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc tại huyện Lạc Sơn và đã để lại ấn tượng tốt đẹp. Qua đó, tôn vinh văn hóa đọc và cổ vũ phong trào đọc, làm theo sách.

Gìn giữ điệu xoè Thái Mai Châu

Điệu xoè Thái ở Mai Châu đã có từ lâu đời và được lưu truyền từ thế hệ trước cho thế hệ sau. Múa xòe không chỉ là điệu múa phổ biến trong cộng đồng người Thái mà còn là nét văn hóa đặc sắc, hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa và đời sống tinh thần.

Lắng lòng nơi chiến khu rừng Sác

Đến TP Hồ Chí Minh vào thời điểm cuối Xuân, đầu Hè, có nhiều tuyến đường để đi, nhiều nơi để đến, nhưng chúng tôi đã chọn chiến khu rừng Sác là điểm dừng chân. Để được nghe, được thấy và được cảm nhận những chiến tích anh hùng, sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của những chiến sĩ đặc công Trung đoàn 10 (T10) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vì độc lập, tự do của dân tộc.

Trải nghiệm phiên chợ Bò Chủ nhật ở xã Vân Sơn

Từ chỗ chỉ họp vào thứ Ba hàng tuần, phiên chợ Bò tại xã Vân Sơn (Tân Lạc) chính thức họp thêm Chủ nhật từ ngày 24/3 vừa qua. Qua đó nhằm đưa chợ phiên trở thành nơi quảng bá bản sắc văn hóa của người Mường Hòa Bình và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của các xã vùng lân cận, đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm địa phương của du khách khi đến Vân Sơn du lịch vào dịp cuối tuần.

Giới thiệu hai cuốn sách “Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”

Ngày 19/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức giới thiệu hai cuốn sách "Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục