(HBĐT) - Đêm, không gian thật tĩnh lặng. Chỉ khi đó mới nghe vọng lại tiếng lách cách thoi đưa. Đó là một Mường Be (xã Chí Đạo - Lạc Sơn) khác. Một Mường Be huyền thoại, bình yên trong nhịp sống giữa mùa thêu gấm, dệt hoa. Điều mà chẳng mấy ai còn cảm nhận được ở một nơi nào khác giữa nhịp sống vội vã...


Cũng phải mất vài cái hẹn chúng tôi mới có dịp trở lại Mường Be - Chí Đạo (Lạc Sơn) để được "sống chậm” với những câu chuyện xưa cũ của vùng đất cổ này. Bên bếp lửa nhà sàn ấm cúng, trong cái lạnh cuối đông nơi vùng núi, chúng tôi lại có dịp được nghe kể những câu chuyện cổ của vùng đất Mường Vang, Mường Vó; chuyện trồng bông, nuôi tằm, se tơ, trần bông ngày xưa của các bà, các mẹ, các chị để dệt nên những tấm thổ cẩm rực rỡ sắc màu, những mền chăn ấm áp.

Có lẽ do không phải là người Mường nên chúng tôi luôn cảm thấy sự mới mẻ, lạ lẫm, thích thú những câu chuyện kể; thích được nghe tiếng kẽo kịt khung cửi của các bà, các mẹ truyền lại cho con gái đã lên nước sáng bóng màu thời gian; thích được nghe tiếng thoi đưa đều đều, chậm rãi như tiếng kim đồng hồ tích tắc chỉ nhịp thời gian... Mường Be bây giờ nhịp sống đã đổi khác so với thời điểm cách nay gần chục năm. Không còn cái mùi nồng nồng, ngai ngái của rơm rạ mục ải; không còn những con đường đất quanh co, uốn lượn. Nhưng vẫn còn đó những ngôi nhà sàn xưa cũ, còn đó tiếng lách cách thoi đưa của người con gái bên khung cửi thoăn thoắt đôi tay và vẫn còn đó nếp sống quây quần, đầm ấm trong mùa thêu gấm, dệt hoa.


Bà Bùi Thị Chệnh, xóm Be Trên truyền dạy cho con dâu cách phối màu, dệt gấm hoa trên mặt phà.

Cùng anh Quách Thanh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Chí Đạo đi khắp các xóm Be Trên, Be Ngoài cũng không khó để thấy những nếp nhà sàn gỗ, nhà sàn bê tông nằm ẩn mình dưới những tán cây dổi vút cao xanh mướt một màu. Chúng tôi đến bên bếp lửa ngôi nhà sàn của gia đình bà Bùi Thị Chệnh ở xóm Be Trên. Cũng như nhiều gia đình khác ở vùng đất này, chúng tôi đã thấy những nét hoa văn, hình cách điệu từ con chim, con rồng, con công... trên những vuông thổ cẩm mắc trên khung cửi còn dang dở. Theo đồng chí Bùi Anh Tuấn, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Chí Đạo - một người am hiểu về phong tục tập quán của vùng đất này, vào thời điểm, khi mùa màng đã làm xong, người phụ nữ Mường Be ngồi vào khung cửi thêu dệt nên những vuông vải thổ cẩm rực rỡ sắc màu. Con gái dệt vải để làm chăn, gối mang theo khi đi lấy chồng; người phụ nữ trong gia đình thì dệt những vuông vải để mâm cúng gia tiên dịp Tết đến.

Theo thống kê, đến nay cả xã còn khoảng 60 - 70% hộ dân còn giữ lại khung cửi. Trong đó, số chị em còn biết nghề cũng còn khoảng ấy; phụ nữ tuổi từ 40 - 45 hầu như ai cũng biết dệt. Lớp trẻ thì có người biết, người không. Người Mường Be tâm niệm, dù có thế nào, vẫn phải giữ lấy nghề. Đó là một nét đẹp truyền thống của dân tộc, được các cụ truyền lại qua nhiều đời.

Trong câu chuyện bên bếp lửa nhà sàn, bà Chệnh chia sẻ: Nghề dệt thổ cẩm không biết có từ bao giờ. Nhưng là con gái Mường thì ai cũng phải biết dệt. Trước đây, nếu không biết dệt thì không thể lấy chồng. Theo phong tục, trước khi về bên chồng, con gái Mường phải tự tay dệt từ 10 - 12 chiếc chăn, đệm làm quà cho họ hàng bên chồng để thể hiện sự khéo léo, chăm chỉ. Những vuông thổ cẩm được những người phụ nữ khéo léo thêu dệt nên không chỉ là vật dụng thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày mà nó còn đóng một vai trò rất quan trọng trong đời sống tâm linh của đồng bào Mường.

Theo phong tục từ xa xưa truyền lại, trong tất cả các dịp lễ, tết của người Mường không thể không có vuông vải thổ cẩm đặt trên mâm cúng. Ví như mâm cúng trong những ngày Tết của đồng bào Mường nói chung và người Mường ở Chí Đạo nói riêng đều bắt buộc phải có những vuông vải thổ cẩm để kính báo tổ tông. Mâm vải này thể hiện sự đủ đầy của gia chủ. Nếu không có mâm vải thì mâm cỗ cúng ngày Tết dường như là một sự thiếu sót. Vì thế ở Mường Be, trước kia hầu như nhà nào cũng có khung cửi. Con gái từ 13, 14 tuổi đã được mẹ truyền dạy, thành thạo việc trồng dâu, nuôi tằm, triết sợi dệt vải.

Trước kia, nghề dệt thổ cẩm được phụ nữ Mường làm trong lúc nông nhàn và dệt chỉ để phục vụ nhu cầu của gia đình nên thổ cẩm Mường rất khó lọt ra bên ngoài. Để dệt nên một cạp váy, một vỏ chăn, các mế phải mất nhiều thời gian và công sức. Ngày nay, đời sống đã có nhiều đổi khác, vải thổ cẩm cũng được bày bán, xuất hiện nhiều trên thị trường. Do vậy, người ta không mặn mà với việc "tằm tơ, canh cửi” cũng là lẽ thường tình. Dẫu vậy, chúng tôi vẫn luôn trân quý với những nét đẹp truyền thống của nghề dệt thổ cẩm mà người dân ở Mường Be gìn giữ. Điều này, nói như ông Bùi Văn Bun, Trưởng xóm Be Trên: Giữ được cái nếp tằm tơ, canh cửi của người phụ nữ từ thuở trước chính là một nét đặc sắc trong cuộc sống của đồng bào mình. Xóm Be Trên có 119 hộ nhưng hiện nay còn đến 80% hộ có khung cửi. Vào nhà ai cũng có đến hàng chục chiếc chăn, gối với hoa văn rồng, phượng, chim, thú sắc nét, rực rỡ sắc màu của núi rừng, thiên nhiên. Tất cả đều do người phụ nữ ở đây tự làm, tự dệt. Cái khéo, cái đảm của người phụ nữ Mường Chí Đạo không chỉ được thể hiện trong cuộc sống ruộng nương mà còn được thể hiện trong từng nét hoa văn, từng đường thêu, từng con chỉ trên bộ trang phục họ mặc và trên những tấm phà, cạp váy sặc sỡ sắc màu như chính cuộc sống của họ.

Giữ gìn được những giá trị văn hoá, nghề dệt truyền thống không bị mai một theo thời gian, không mất đi trong thời buổi kinh tế thị trường đã thể hiện sức sống bền bỉ của nó trong cuộc sống của đồng bào Mường ở Chí Đạo. Có thể nói, tài sản lớn nhất, giá trị mà những thế hệ người Mường Be để lại cho con cháu mình chính là giá trị văn hóa truyền thống. Như một ngọn lửa soi sáng từ thế hệ này sang thế hệ khác giữa núi rừng bao la. Và chúng tôi nhất định sẽ về lại Mường Be trong một mùa thêu gấm, dệt hoa để được nghe tiếng lách cách thoi đưa và được thêm một lần đắp những tấm chăn ấm những người phụ nữ nơi đây dày công thêu dệt như người con đi xa lâu ngày mới có dịp trở về nhà...


Mạnh Hùng

Các tin khác


Tuyên truyền cổ động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ tại Đà Bắc

Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hòa Bình phối hợp Trường Cảnh sát nhân dân 1, Trung tâm VH-TT&TT huyện Đà Bắc vừa tổ chức đêm giao lưu văn nghệ tuyên truyền lưu động đợt I, năm 2024.

Ấn tượng Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ 3 

Xác định vai trò, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Đến nay, Ngày Sách Việt Nam đã trở thành hoạt động văn hóa thường niên, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Năm nay, Hòa Bình chọn tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc tại huyện Lạc Sơn và đã để lại ấn tượng tốt đẹp. Qua đó, tôn vinh văn hóa đọc và cổ vũ phong trào đọc, làm theo sách.

Gìn giữ điệu xoè Thái Mai Châu

Điệu xoè Thái ở Mai Châu đã có từ lâu đời và được lưu truyền từ thế hệ trước cho thế hệ sau. Múa xòe không chỉ là điệu múa phổ biến trong cộng đồng người Thái mà còn là nét văn hóa đặc sắc, hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa và đời sống tinh thần.

Lắng lòng nơi chiến khu rừng Sác

Đến TP Hồ Chí Minh vào thời điểm cuối Xuân, đầu Hè, có nhiều tuyến đường để đi, nhiều nơi để đến, nhưng chúng tôi đã chọn chiến khu rừng Sác là điểm dừng chân. Để được nghe, được thấy và được cảm nhận những chiến tích anh hùng, sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của những chiến sĩ đặc công Trung đoàn 10 (T10) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vì độc lập, tự do của dân tộc.

Trải nghiệm phiên chợ Bò Chủ nhật ở xã Vân Sơn

Từ chỗ chỉ họp vào thứ Ba hàng tuần, phiên chợ Bò tại xã Vân Sơn (Tân Lạc) chính thức họp thêm Chủ nhật từ ngày 24/3 vừa qua. Qua đó nhằm đưa chợ phiên trở thành nơi quảng bá bản sắc văn hóa của người Mường Hòa Bình và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của các xã vùng lân cận, đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm địa phương của du khách khi đến Vân Sơn du lịch vào dịp cuối tuần.

Giới thiệu hai cuốn sách “Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”

Ngày 19/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức giới thiệu hai cuốn sách "Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục