(HBĐT) - Mùa xuân, đất trời như nở hoa, nơi nơi nắng ấm ngập tràn, chim chóc hót ca, cây lá căng tràn nhựa sống như thôi thúc bước chân du khách. Giữa tiết xuân ấm áp, khách du xuân thong dong thưởng ngoạn, thỏa thích tìm về những điểm đến thiên nhiên kỳ thú và đón nhận những tình cảm của người dân vùng Mường Hòa Bình hồn hậu và nồng nàn.


Du ngoạn vẻ đẹp non nước vùng hồ Hòa Bình

Còn gì thú bằng trong tiết xuân phơi phới, trên những chuyến tàu thẳng tiến từ cảng Bích Hạ du sơn, ngoạn thủy, chiêm ngưỡng cảnh đẹp hồ sông Đà. Tựa như bức tranh non nước, vùng hồ Hòa Bình trải rộng tới tận chân trời, mây núi như hòa quyện soi bóng xuống hồ và phía xa xa là cơ man những hòn đảo lớn, nhỏ. Với nhiều người, vẻ đẹp lòng hồ Hòa Bình chẳng thua kém vịnh Hạ Long. Ngoài việc thư thái ngắm cảnh hồ, du khách có thể dừng chân nghỉ ngơi trên những đảo du lịch xinh đẹp.

Hình thành sau khi xây dựng nhà máy thủy điện Hòa Bình, hồ Hòa Bình là hồ lớn nhất Việt Nam có dung tích gần 9,5 tỷ m3 nước, trải rộng trên các huyện: Cao Phong, Tân Lạc, Đà Bắc Mai Châu và thành phố Hòa Bình. Nơi đây có 47 đảo lớn, nhỏ, trong đó có 11 đảo đá vôi và 36 đảo núi đất. Cùng với xu thế phát triển du lịch, một số hòn đảo như đảo Dừa, đảo Xanh, nhà nghỉ Cối xay gió đã được đầu tư trở thành các khu du lịch sinh thái hấp dẫn. Đặc biệt, đảo Dừa thuộc xã Thung Nai (Cao Phong) thu hút rất đông khách du xuân nhờ sự độc đáo của những ngôi nhà sàn theo kiến trúc cổ của người Mường cùng các hoạt động du lịch đặc sắc như câu cá, bơi thuyền, đốt lửa trại… Du khách còn được thưởng thức những món ăn mang hương vị đặc trưng của người dân bản địa, trong đó không thể thiếu đặc sản cá sông Đà…

Kể từ tháng 5/2017, với sự đầu tư của Công ty CP Du lịch Hòa Bình, một công viên nước bơm hơi có quy mô lớn nhất Việt Nam đã chính thức khai trương tại xóm Ngòi, xã Ngòi Hoa (Tân Lạc). Đây là khu vui chơi lý tưởng đối với khách du xuân lòng hồ. Công viên có 34 cụm trò chơi kết cấu phao nổi trên mặt nước. Du khách đến đây có thể trải nghiệm các môn thể thao dưới nước như thuyền bơm hơi, cano, thuyền Kayak, bè mảng, chèo thuyền tôn, câu cá… đáp ứng nhu cầu của mọi lứa tuổi.


Nên thơ và kỳ vĩ một góc vùng hồ Hòa Bình.

Theo đồng chí Lưu Huy Linh, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, vùng hồ Hòa Bình là tài nguyên vô giá, được tỉnh kêu gọi đầu tư khai thác tiềm năng phát triển du lịch, từng bước đáp ứng các tiêu chí trở thành Khu du lịch quốc gia, một trung tâm du lịch lớn nhất của tỉnh và 1 trong 12 khu du lịch quốc gia trọng tâm của vùng trung du, miền núi Bắc Bộ với sản phẩm du lịch đặc trưng là du lịch tìm hiểu, trải nghiệm văn hóa dân tộc Mường gắn với hệ sinh thái vùng hồ. Với những giá trị du lịch độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc, tạo cho du khách những ấn tượng sâu đậm khó quên về Khu du lịch hồ Hòa Bình.

Khám phá các bản làng du lịch cộng đồng

Du khách đến Hòa Bình thường ghé thăm các bản làng du lịch cộng đồng. Làng Mường xóm ải, xã Phong Phú (Tân Lạc) là điểm du lịch hấp dẫn bởi nơi đây là ngôi làng Mường cổ nhất của tỉnh còn lưu giữ nhiều phong tục, tập quán, nét đẹp văn hóa truyền thống. Điểm nổi bật tạo nên sức hút cho bản là những nếp nhà sàn cổ có kiến trúc theo mô hình con rùa đã được ghi chép trong cuốn sử thi nổi tiếng "Đẻ đất, đẻ nước”. Đến đây, du khách có thể đắm mình vào vẻ đẹp hoang sơ, dừng chân tại bất cứ ngôi nhà sàn nào để tìm hiểu văn hóa bản Mường, trải nghiệm các sinh hoạt thường ngày, thưởng thức các món ăn đặc trưng của người Mường như xôi nếp nương, cỗ lá, cá suối đồ và say trong men rượu cần, cùng ngồi bên bếp lửa bập bùng thưởng thức màn biểu diễn văn nghệ dân gian trong tiếng chiêng, tiếng sáo.


Bản Lác (Mai Châu) là điểm đến du lịch cộng đồng hấp dẫn, nơi du khách khám phá nét đẹp của các cô gái Thái bên khung cửi mùa xuân.

Một điểm đến hấp dẫn du khách là bản Lác, xã Chiềng Châu, huyện Mai Châu. Du khách đến đây phần nhiều để thăm thú, dạo chơi, tìm hiểu nghề dệt, cuộc sống sinh hoạt, sản xuất của cư dân trong bản. ở đây, bà con cũng rất chu đáo và chuyên nghiệp về dịch vụ du lịch, khách đến thăm bản nghỉ lại tại các homestay sạch sẽ, nhiều tiện ích. Mỗi tối, tại bản thường diễn ra các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, đốt lửa trại mang tính cộng đồng sâu sắc. Vào ngày lễ, Tết, du khách còn được trải nghiệm, vui chơi, hiểu thêm về đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào Thái khi tham gia các trò chơi dân gian như kéo co, bắn nỏ, ném còn, "keng loóng”…

Còn nhiều bản, làng du lịch cộng đồng thu hút du khách trong chuyến du xuân như bản Văn, bản Bước của huyện Mai Châu hay các bản Ké – xã Hiền Lương, xóm Đá Bia – xã Tiền Phong (Đà Bắc), bản Ngòi – xã Ngòi Hoa (Tân Lạc), bản Sát Thượng – xã Tự Do (Lạc Sơn)… đang mời gọi những bước chân khám phá.

Đến với mùa lễ hội

Mùa xuân cũng là mùa của những lễ hội lớn nhất trong năm. Vào dịp Tết Nguyên đán, một lượng lớn du khách thăm quan, chiêm bái từ bốn phương đổ về đất Mường Hòa Bình. Những điểm đến du lịch tâm linh phải kể đến là đền Chúa thác Bờ, lễ hội chùa Tiên (Lạc Thủy) và một số lễ hội ấn tượng khác như Khai Hạ - Mường Bi (Tân Lạc), lễ hội chùa Chanh ở Vĩnh Đồng (Kim Bôi), lễ hội đánh bắt cá Lỗ Sơn (Tân Lạc)…

Nhắc đến các lễ hội văn hóa tâm linh trước tiên phải kể đến lễ hội đền Bờ bắt đầu từ ngày mùng 2 tháng Giêng và kéo dài đến hết tháng tư âm lịch. Đây là điểm du lịch văn hóa tâm linh hấp dẫn, đồng thời là di tích lịch sử nổi tiếng. Vào dịp đầu năm, đền Bờ thu hút hàng vạn lượt du khách thập phương đến lễ bái, thăm quan, cầu tài, cầu lộc, cầu bình an. Tương tự ở xã Phú Lão (Lạc Thủy) có một điểm du lịch tâm linh hút khách du xuân, đó là chùa Tiên – Mẫu Đầm Đa. Khu du lịch này gồm nhiều hang động, đền chùa tuyệt đẹp, nằm ở bên kia sườn dãy núi Hương Sơn, chùa Hương. Ngoài quần thể danh thắng, đây còn là di chỉ khảo cổ học cấp quốc gia. Lễ hội chính của chùa Tiên được tổ chức trong 3 ngày, từ mồng 4 – 6 tháng giêng và kéo dài đến hết tháng tư âm lịch. Đến với các lễ hội này, du khách cảm nhận sâu sắc sự thư thái, hoà mình vào chốn linh thiêng tĩnh tại. Sự gắn kết hài hòa giữa thiên nhiên và tín ngưỡng giúp du khách dứt bỏ ưu phiền, tìm về chốn bình yên, thanh thản trong tâm hồn.

Những lễ hội đặc sắc khác thiên về lễ hội dân gian, mang tính cộng đồng cũng để lại dấu ấn khó phai trong lòng du khách, đó là lễ hội Khai hạ Mường Bi hay còn gọi là lễ Xuống đồng, Lễ Mở cửa rừng được tổ chức vào ngày mồng 8 tháng Giêng âm lịch. Lễ hội là sự khởi đầu một năm mới, là dịp để người dân vùng Mường tỏ lòng tôn kính các vị thần linh, cầu mong cho xóm, làng yên vui, mùa màng bội thu, vạn vật sinh sôi phát triển. Lễ hội được tổ chức hàng năm thu hút đông đảo du khách thập phương, trở thành nơi giao lưu, thắt chặt tình đoàn kết cộng đồng. Cùng với phần lễ được tổ chức trang nghiêm, phần hội có các hoạt động văn hóa, thể thao, trò chơi dân gian đặc sắc như bắn nỏ, đẩy gậy, đánh mảng, bản âm, hát đối… trình diễn trang phục dân tộc, giới thiệu các món ăn ẩm thực của người Mường… thu hút đông đảo nhân dân tham gia, cổ vũ.

Ngày nay, việc thư giãn, tận hưởng, khám phá những điều mới mẻ đã và đang trở thành nhu cầu không thể thiếu trong cuộc sống. Trong kỳ nghỉ Tết, nhu cầu này càng thôi thúc, tăng cao với mỗi người và du xuân trên các "điểm đến” Hòa Bình là những địa chỉ hấp dẫn, thú vị. Hòa vào sắc xuân tươi đẹp của miền non nước vùng hồ Hòa Bình, những điểm đến giàu sắc thái, mang giá trị nhân văn đa dạng, phong phú trong cộng đồng dân cư các dân tộc Mường, Thái, Tày, Dao cùng những lễ hội và phong tục độc đáo nơi đây sẽ khiến du khách ngỡ ngàng, chuyến du xuân đến với Hòa Bình thêm ý nghĩa.

 

Bùi Minh


Các tin khác


Lắng lòng nơi chiến khu rừng Sác

Đến TP Hồ Chí Minh vào thời điểm cuối Xuân, đầu Hè, có nhiều tuyến đường để đi, nhiều nơi để đến, nhưng chúng tôi đã chọn chiến khu rừng Sác là điểm dừng chân. Để được nghe, được thấy và được cảm nhận những chiến tích anh hùng, sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của những chiến sĩ đặc công Trung đoàn 10 (T10) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vì độc lập, tự do của dân tộc.

Trải nghiệm phiên chợ Bò Chủ nhật ở xã Vân Sơn

Từ chỗ chỉ họp vào thứ Ba hàng tuần, phiên chợ Bò tại xã Vân Sơn (Tân Lạc) chính thức họp thêm Chủ nhật từ ngày 24/3 vừa qua. Qua đó nhằm đưa chợ phiên trở thành nơi quảng bá bản sắc văn hóa của người Mường Hòa Bình và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của các xã vùng lân cận, đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm địa phương của du khách khi đến Vân Sơn du lịch vào dịp cuối tuần.

Giới thiệu hai cuốn sách “Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”

Ngày 19/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức giới thiệu hai cuốn sách "Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”.

Báo Nhân Dân ra mắt MV Kenny G "Going Home" quảng bá du lịch Việt Nam

Chiều 19/4, Báo Nhân Dân phối hợp IB Group Việt Nam tổ chức ra mắt MV "Going Home” - một sản phẩm âm nhạc đặc biệt quảng bá du lịch Việt Nam. Trong MV, nghệ sĩ Kenny G trình diễn ca khúc Going Home tại các địa danh nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội như Hồ Gươm, Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cầu Long Biên.

Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam trên địa bàn tỉnh lần thứ 3 năm 2024

Ngày 17/4, tại Nhà Văn hoá huyện Lạc Sơn, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND huyện Lạc Sơn tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam trên địa bàn tỉnh lần thứ 3 năm 2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục