(HBĐT) - Phong tục đi chùa, xin lộc xuân là nét đẹp văn hóa của người á Đông. Tại Việt Nam cũng theo quy luật của tự nhiên "Xuân sinh, Hạ trưởng, Thu liễm, Đông tàng” (mùa xuân thì sinh ra, mùa hạ thì trưởng thành, mùa thu thì thu liễm, mùa đông thì bế tàng). Vì vậy, phong tục đi chùa đầu xuân vừa là khởi đầu của một năm, khởi đầu của sự sống và trở thành yếu tố tâm linh gắn với văn hóa, tín ngưỡng lâu đời của người Việt.

Phong tục truyền thống của người Việt 

Bao đời nay vẫn vậy, mỗi độ Tết đến, xuân về, người dân khắp nơi nô nức đi chùa. Cửa chùa, cõi Phật là trốn bình yên, thanh tịnh. Người dân đến cửa chùa với mong muốn tìm sự bình an, gạt bỏ những muộn phiền, lo âu của năm cũ và cầu mong may mắn, hạnh phúc trong năm mới.

Vào đêm giao thừa, người dân đến lễ tạ tại các cửa chùa rất đông. Mọi người tin rằng, đi lễ chùa đầu năm không đơn giản chỉ là ước nguyện mà còn là khoảnh khắc để con người hòa mình vào trốn tâm linh, gạt lại phía sau những vất vả trong cuộc sống mưu sinh. Về nơi cửa Phật, giữa không gian thanh tịnh, mùi khói nhang, sắc lung linh của đèn, của nến, mọi người cảm thấy thanh thản, nhẹ nhàng. Khoảng 5 năm trở về đây, đêm giao thừa tại Chùa Hòa Bình Phật Quang, người dân thành phố Hòa Bình và các huyện lân cận nô nức đi lễ chùa, xin lộc xuân. Số lượng phật tử và người dân hành hương lễ chùa lên tới hàng nghìn người.


Mỗi dịp Tết đến, xuân về, đông đảo người dân đến chùa Hòa Bình Phật Quang (TP Hòa Bình) cầu lộc, cầu tài.

Đại đức Thích Trí Thịnh, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh cho biết thêm: Vào thời khắc giao thừa, nhà chùa gửi lời chúc bình an tới toàn thể phật tử và người dân. Mọi người quan niệm, đi chùa đêm giao thừa phải mang lộc về tận nhà, mang những điều may mắn khi bước qua cửa nhằm ước mong 365 ngày tấn tài, tấn lộc. Xuất phát từ quan niệm đó, Ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh đã chuẩn bị những phần lộc như muối, gạo, hoa, quả... Theo quan niệm nhà chùa, xin lộc không phải là bẻ cành cây non, lộc non, hành động đó là ngăn chặn sự sống của cây cối, là trái với quy luật tự nhiên. Xin lộc ở đây là xin phần tâm linh, cầu bình an, cầu mong sức khỏe trong ngày đầu năm. Tất cả những điều đó làm tôn lên vẻ đẹp văn hóa truyền thống của người Việt, mãi là nét chấm phá lung linh trong mùa xuân của toàn dân tộc Việt Nam.

 Vãn cảnh du xuân, cầu may, cầu lộc

Không chỉ đi chùa vào đêm giao thừa và sáng mùng 1 Tết, người Việt ta còn có phong tục đi chùa du xuân trong tất cả các ngày Tết Nguyên đán. Họ chọn những ngôi chùa ở xa và nổi tiếng linh thiêng để kết hợp đi chùa với du ngoạn cảnh đẹp ngày xuân. Ngày mùng 1 Tết tại Chùa Hòa Bình Phật Quang, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh tổ chức làm lễ mừng ngày "Vía Đức Phật Di Lặc” (ngày sinh ra của đức Phật). Đây là ngày khởi đầu của năm mới với hình ảnh Đức Phật Di Lặc luôn vui vẻ, hoan hỉ. Vào ngày "Vía Đức Phật Di Lặc” nhà chùa tổ chức tụng kinh, làm lễ cầu an, cầu phúc cho phật tử và nhân dân. Những ngày đầu xuân năm mới, nhà chùa lập đàn tụng kinh cầu cho quốc thái, dân an. Người dân khắp nơi tụ hội về tụng kinh cùng nhà chùa trong 3 ngày Tết Nguyên đán, mỗi ngày lên tới hàng nghìn người. Trong tháng giêng, chùa Hòa Bình Phật Quang tổ chức lễ giải hạn cho tăng ni, phật tử và người dân trên địa bàn tỉnh. Mọi người dân cùng đến tụng kinh, niệm Phật. Tiếng chuông chùa vang vọng cầu mong cho mọi người được bình an, những vận hạn trong năm mới được hóa giải.

Trên địa bàn tỉnh ta có nhiều chùa nổi tiếng như chùa Tiên (Lạc Thủy), chùa Hang (Yên Thủy), chùa Trần (Kim Bôi), chùa Quèn Ang, chùa Khánh (Cao Phong), chùa Mường Khến (Tân Lạc) … dịp Tết, số lượng khách thập phương đến thăm quan, vãn cảnh rất đông. Các chùa thường tổ chức khai hội vào dịp đầu xuân, tại lễ khai hội nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ đặc sắc của tỉnh được trình diễn. Đây là hoạt động ý nghĩa nhằm quảng bá hình ảnh văn hóa tâm linh của Hòa Bình đến với du khách thập phương.

Phong tục đi lễ chùa đầu năm, cầu may, cầu lộc trước đây chủ yếu là người già. Ngày nay, xu hướng đi lễ chùa được trẻ hóa. Từ các cháu học sinh, nam thanh, nữ tú đến người già đều đi lễ chùa để cầu may mắn, hạnh phúc. Mang tâm lý "vay” của nhà chùa nên hàng năm, vào dịp Tết, từng đoàn người nối đuôi nhau đến cửa chùa. Do trong năm, nhất là những người kinh doanh hay buôn bán đều đến chùa cầu may, cầu lộc, vì vậy, Tết đến, họ đến chùa trả lễ và cũng là cầu may cho một năm mới công việc làm ăn thuận lợi hơn.

Vừa bước ra khỏi Chùa Khánh, xã Yên Thượng (Cao Phong), bà Lê Thị út ở tiểu khu 9, thị trấn Lương Sơn (Lương Sơn) chia sẻ: Gia đình tôi thường xuyên đi lễ chùa vào dịp Tết Nguyên đán. Đêm giao thừa, sau khi chuẩn bị mâm cơm cúng tổ tiên xong, gia đình tôi lên chùa để cầu may mắn và xin lộc nhà chùa. Không chỉ đi lễ chùa vào đêm giao thừa, gia đình tôi còn đi lễ chùa thường xuyên vào tháng giêng. Đến cửa chùa, tôi thấy tâm hồn thanh thản, nhẹ nhàng, mọi muộn phiền, lo âu của cuộc sống dường như được hóa giải. Thắp nén nhang thơm với lòng thành kính cầu may mắn, sức khỏe cho gia đình, cầu cho năm mới mọi người được bình an, con cái chăm ngoan, học giỏi.

Tiếng chuông chùa vang vọng báo hiệu thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới của đất trời. Mỗi người tĩnh lặng để cảm nhận và lắng nghe tiếng chuông trầm ấm, hòa quyện cùng mùi hương trầm tinh khiết lan tỏa trong không gian để đón một mùa xuân mới. Mỗi người một ý nguyện chân thành, mong muốn bày tỏ tấm lòng thành kính trước đức Phật, tổ tiên. Người Việt với phong tục lễ chùa đầu xuân, năm mới mang ý nghĩa tín ngưỡng và là nét văn hóa tốt đẹp cần được lưu giữ.

 

                                                            Thu Thủy


Các tin khác


Gìn giữ điệu xoè Thái Mai Châu

Điệu xoè Thái ở Mai Châu đã có từ lâu đời và được lưu truyền từ thế hệ trước cho thế hệ sau. Múa xòe không chỉ là điệu múa phổ biến trong cộng đồng người Thái mà còn là nét văn hóa đặc sắc, hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa và đời sống tinh thần.

Lắng lòng nơi chiến khu rừng Sác

Đến TP Hồ Chí Minh vào thời điểm cuối Xuân, đầu Hè, có nhiều tuyến đường để đi, nhiều nơi để đến, nhưng chúng tôi đã chọn chiến khu rừng Sác là điểm dừng chân. Để được nghe, được thấy và được cảm nhận những chiến tích anh hùng, sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của những chiến sĩ đặc công Trung đoàn 10 (T10) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vì độc lập, tự do của dân tộc.

Trải nghiệm phiên chợ Bò Chủ nhật ở xã Vân Sơn

Từ chỗ chỉ họp vào thứ Ba hàng tuần, phiên chợ Bò tại xã Vân Sơn (Tân Lạc) chính thức họp thêm Chủ nhật từ ngày 24/3 vừa qua. Qua đó nhằm đưa chợ phiên trở thành nơi quảng bá bản sắc văn hóa của người Mường Hòa Bình và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của các xã vùng lân cận, đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm địa phương của du khách khi đến Vân Sơn du lịch vào dịp cuối tuần.

Giới thiệu hai cuốn sách “Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”

Ngày 19/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức giới thiệu hai cuốn sách "Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”.

Báo Nhân Dân ra mắt MV Kenny G "Going Home" quảng bá du lịch Việt Nam

Chiều 19/4, Báo Nhân Dân phối hợp IB Group Việt Nam tổ chức ra mắt MV "Going Home” - một sản phẩm âm nhạc đặc biệt quảng bá du lịch Việt Nam. Trong MV, nghệ sĩ Kenny G trình diễn ca khúc Going Home tại các địa danh nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội như Hồ Gươm, Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cầu Long Biên.

Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam trên địa bàn tỉnh lần thứ 3 năm 2024

Ngày 17/4, tại Nhà Văn hoá huyện Lạc Sơn, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND huyện Lạc Sơn tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam trên địa bàn tỉnh lần thứ 3 năm 2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục