(HBĐT) - Tuy chưa phải là thành phố du lịch, nhưng kỳ nghỉ Tết Dương lịch kéo dài 4 ngày vừa qua, TP Hòa Bình được khá nhiều du khách lựa chọn là điểm đến thăm. Trước đây, nói đến TP Hòa Bình là nghĩ về thăm quan nhà máy thủy điện. Chắc chắn rất nhiều người, trong đó có cả tôi từng tự hào biết bao khi được đưa bạn bè thời sinh viên lên dâng hương Tượng đài Bác Hồ, đi thăm đập Thủy điện Hòa Bình. Đứng trên mặt đập khi màn đêm buông xuống, nhìn dòng sông Đà như dải lụa long lanh sắc màu bởi ánh điện soi bóng nước, nhiều người trầm trồ "Đúng là dòng sông ánh sáng”. Dòng sông với công trình thế kỷ đã giúp du khách biết và đến với TP Hòa Bình nhiều hơn.


Di tích Địa điểm Bác Hồ về thăm trường Thanh niên lao động XHCN Hòa Bình là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng, được TP Hòa Bình quy hoạch xây dựng tuyến du lịch.

Từ năm 2017, Nhà máy thủy điện Hòa Bình được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định công nhận công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia. Do đó, thời gian qua, người dân không được tự do qua lại nơi đây. Điều này những tưởng sẽ ảnh hưởng đến phát triển du lịch thành phố. Tuy nhiên, nhà máy vẫn đón chào khách du lịch trong giới hạn cho phép. Và TP Hòa Bình vẫn lấy được lòng du khách bởi những điểm đến văn hóa, giải trí mới và cả những dịch vụ mang dấu ấn thành phố bên sông Đà.

Trong những ngày nghỉ Tết vừa qua, TP Hòa Bình chìm trong giá rét. Vậy mà nhiều điểm vui chơi, dịch vụ vẫn đông khách. Chúng tôi gặp vợ chồng anh chị Nam Sơn - Thúy Hiền ở quận Thanh Xuân (Hà Nội) cùng bạn bè tụ họp tại quán nhỏ bên sông Đà. Qua trò chuyện, tôi thật vui khi nghe anh chị chia sẻ: Năm nay, gia đình mình chọn TP Hòa Bình là điểm đón năm mới 2019. Mình có một số bạn thời đại học ở đây nên Hòa Bình không còn xa lạ. Tuy thành phố không tráng lệ, nhộn nhịp như Hà Nội nhưng với mình nó thật đẹp, cho dù chỉ đơn giản là con đường sạch sẽ, thoáng đãng hay công viên, khu phố ẩm thực luôn đông vui chạy dọc 2 bờ sông và cả những quán cafe với địa thế tuyệt đẹp để thả hồn với dòng sông Đà.

Những năm qua, du lịch TP Hòa Bình có bước chuyển mình. Từ chỗ coi du lịch là hoạt động nghỉ ngơi giải trí đơn thuần, đến nay, Đảng bộ và chính quyền thành phố xác định du lịch là ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển KT-XH của địa phương, phù hợp với yêu cầu và xu thế phát triển của thời đại. BCH Đảng bộ TP Hòa Bình đã ban hành Nghị quyết về phát triển du lịch giai đoạn 2015 - 2020, định hướng đến năm 2030. Qua đó, cấp ủy, chính quyền chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo đưa ngành du lịch chuyển biến tích cực, đúng định hướng, trở thành ngành kinh tế quan trọng và chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu kinh tế chung.

Trên địa bàn TP Hòa Bình hiện có 8 di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh đã được công nhận, trong đó có 2 di tích lịch sử được công nhận cấp quốc gia, 6 di tích được công nhận di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Ngoài ra có các di tích đã được khảo sát đưa vào danh sách đề nghị cấp tỉnh quản lý. Đây là tiềm năng thuận lợi phát triển các loại hình du lịch về nguồn, du lịch di tích lịch sử văn hóa và lễ hội, là điều kiện quan trọng để phát triển TP Hòa Bình trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn không chỉ của tỉnh mà còn của vùng Tây Bắc.

Với định hướng thu hút đầu tư phát triển du lịch theo hướng chất lượng cao, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch mà thành phố có lợi thế; ưu tiên thu hút các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng du lịch, dịch vụ, nhà hàng, khách sạn cao cấp, các công trình văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí, công viên... những năm qua, cấp ủy, chính quyền TP Hòa Bình tập trung chỉ đạo áp dụng thực hiện các cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích, đẩy mạnh thu hút các dự án đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn như: Công ty CP thương mại Định Nhuận với dự án xây dựng khu vui chơi giải trí, TD-TT với tổng mức đầu tư 12 tỷ đồng. Công ty CP đầu tư năng lượng xây dựng thương mại Hoàng Sơn với dự án xây dựng khu thương mại - dịch vụ, tổng mức đầu tư 375,281 tỷ đồng. Công ty TNHH Vincom Retail Miền Bắc với dự án xây dựng tổ hợp Trung tâm thương mại, mua sắm, ẩm thực, vui chơi giải trí, tổng mức đầu tư 118 tỷ đồng...

Cùng với thu hút đầu tư, 3 năm qua (2015 - 2018), thành phố đã quan tâm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng du lịch. Đồng thời, tạo điều kiện cho nhà đầu tư khai thác tiềm năng xây dựng các khu, điểm du lịch và phát triển các loại hình du lịch dịch vụ; xây dựng, phát triển sản phẩm mang tính đặc thù nhằm hấp dẫn thị trường khách du lịch. Thành phố hiện có 120 cơ sở lưu trú, trong đó có 14 khách sạn từ 1-3 sao và 106 nhà nghỉ với tổng số 1.502 buồng, phòng. Trong năm qua, việc thông xe tuyến đường Hòa Lạc - Hòa Bình đã góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh và thành phố, trong đó có phát triển du lịch.

Thành phố cũng thực hiện quy hoạch xây dựng các tuyến, điểm du lịch tại thành phố và liên vùng gồm: Tuyến du lịch quần thể nhà máy thủy điện Hòa Bình - lòng hồ Hòa Bình, đền Thác Bờ - động Thác Bờ; tuyến lòng hồ Hòa Bình - các bản văn hóa dân tộc xã Thái Thịnh; tuyến TP Hòa Bình - Bảo tàng Không gian văn hóa Mường; thăm quan, khám phá di tích danh lam thắng cảnh động Tiên Phi, tìm hiểu lịch sử Nhà tù Hòa Bình - di tích Địa điểm Bác Hồ về thăm trường Thanh niên lao động XHCN Hòa Bình. Đồng thời, thành phố đã đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch và huy động các nguồn lực bảo tồn, tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử - văn hóa nguy cơ xuống cấp, đáp ứng nhu cầu tâm linh của nhân dân.

Với sự chỉ đạo sát sao và những động thái tích cực để phát triển du lịch, TP Hòa Bình đã thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghỉ dưỡng. Nếu như năm 2015, TP Hòa Bình đón 600.000 lượt khách du lịch, tổng doanh thu 88,9 tỷ đồng, thì đến năm 2018, thành phố ước đón 710.300 lượt khách, tăng 15,5% so với năm 2017, tổng doanh thu ước đạt 196 tỷ đồng, tăng 25,5% so với năm 2017.

Mặc dù ngành du lịch đã và đang có bước phát triển tích cực, tuy nhiên, cấp ủy, chính quyền TP Hòa Bình nghiêm túc đánh giá: Trên địa bàn có nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn phong phú, song việc khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch còn hạn chế; sản phẩm du lịch nghèo nàn, đặc biệt chưa có sản phẩm đặc trưng. Chưa tổ chức được lễ hội xuân quy mô cấp thành phố. Việc kết nối các tour, tuyến du lịch giữa TP Hòa Bình với các điểm du lịch của các huyện trong tỉnh, với các tỉnh trong cả nước và quốc tế còn hạn chế. Công tác đầu tư cơ sở hạ tầng đang dần hình thành, chưa có tầm chiến lược bền vững, chưa có khu, điểm du lịch tầm cỡ. Một bộ phận người dân chưa có ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên du lịch...

Hiện, cấp ủy, chính quyền TP Hòa Bình đã xây dựng các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể cho giai đoạn tiếp theo để thúc đẩy phát triển du lịch xứng tầm là ngành kinh tế quan trọng góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố.

Bình Giang

Các tin khác


119 cán bộ, công chức, viên chức được bồi dưỡng tiếng dân tộc Mường

Trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình vừa tổ chức bế giảng lớp bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc Mường cho cán bộ, công chức, viên chức khóa I, II năm 2023.

Huyện Kim Bôi đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hoá

Hưởng ứng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, những năm qua, các cấp, các ngành, xã, thị trấn trên địa bàn huyện Kim Bôi đã cụ thể hóa bằng các hoạt động thiết thực, hiệu quả, góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết, giúp nhau giảm nghèo bền vững, xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa lành mạnh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Tết Nhảy - nghi lễ truyền thống của người Dao

Đồng bào dân tộc Dao trong tỉnh gìn giữ được nhiều bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình, nhất là trong nghi lễ, tín ngưỡng. Trong đó, Tết Nhảy là nghi lễ quan trọng bậc nhất có từ lâu đời, phản ánh sinh động đời sống tín ngưỡng của người Dao.

Lưu giữ giá trị nền “Văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng thế giới

Hoà Bình là vùng đất cổ, với các dải núi đá vôi chạy dọc theo hướng Đông Nam, song song với dải Trường Sơn ở phía Tây đã tạo ra nhiều bồn địa, thung lũng với hệ động, thực vật phong phú. Ngay từ thời tiền sử, con người đã sớm sinh tụ trên mảnh đất này, để lại một nền văn hóa nổi tiếng thế giới - "Văn hóa Hòa Bình" (VHHB).

Du Xuân trẩy hội Bồng Lai

Tọa lạc tại chân núi Đầu Rồng thuộc khu 3, thị trấn Cao Phong (Cao Phong), đền Bồng Lai (còn gọi là Đền Thượng Bồng Lai) nằm trong quần thể di tích quốc gia danh lam thắng cảnh hang động núi Đầu Rồng. Cùng với đền Đông Sơn nằm gần kề, ngôi đền đón người dân và du khách nô nức đến dâng hương, vãn cảnh dịp đầu năm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục