Vừa qua, huyện Kỳ Sơn đã tổ chức lễ kỷ niệm 110 năm cuộc khởi nghĩa chống Pháp của nghĩa quân Tổng Kiêm - Đốc Bang và đón nhận Bằng xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh "Khu căn cứ cuộc khởi nghĩa chống Pháp của nghĩa quân Tổng Kiêm - Đốc Bang năm 1909-1910”. Đây không chỉ là niềm vinh dự của nhân dân huyện Kỳ Sơn mà còn là niềm tự hào của nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình.



Nhà sử học Dương Trung Quốc tặng hoa chúc mừng lãnh đạo huyện kỳ Sơn tại lễ kỷ niệm 110 năm "Cuộc khởi nghĩa chống Pháp của nghĩa quân Tổng Kiêm - Đốc Bang".

Tổng Kiêm tên thật là Nguyễn Văn Kiêm ở xóm Đễnh, xã Mông Hóa, tổng Mông Hoá, châu Kỳ Sơn. Ông tham gia vào bộ máy chính quyền của thực dân Pháp, làm Chánh tổng Mông Hóa, châu Kỳ Sơn, cho nên ông có tên gọi là Tổng Kiêm. Đốc Bang tên thật là Nguyễn Đình Nguyên, người xóm Dụ, xã Mông Hóa, tổng Mông Hóa, châu Kỳ Sơn. Ông tham gia trong bộ máy chính quyền của Pháp ở Hòa Bình và giữ chức vụ Đề đốc, nên ông có tên gọi là Đốc Bang.
Năm 1907, Đinh Công Nhung - Chánh quan lang cướp không 8 mẫu ruộng tốt của nông dân. Nhân dân Mông Hóa do Tổng Kiêm và Đốc Bang đứng đầu đệ đơn lên Tòa sứ Hòa Bình. Tòa sứ Hòa Bình không xét đơn kiện. Nhân dân Mông Hóa lại kiện đưa đơn lên Phủ Thống sứ và Phủ Toàn quyền. Vụ kiện kéo dài 2 năm. Được viên Công Sứ và Phó Sứ Hòa Bình che chở, Đinh Công Nhung đã thắng kiện. Để trả thù, Đinh Công Nhung ra lệnh bắt Tổng Kiêm và Đốc Bang. Không bắt được 2 ông, Đinh Công Nhung đã bắt cha của Đốc Bang đóng cũi thả bè trôi sông cho đến chết. Hành động dã man này đã làm bùng lên ngọn lửa căm thù, uất hận tột cùng, khích lệ 2 ông quyết tâm đứng lên chống Pháp và tay sai.
Ngày 15/4/1909, 2 ông cùng 30 nghĩa quân đã làm lễ tế cờ ở núi Viên Nam, cờ màu đỏ có viết 2 chữ "Bình Tây”. Nghĩa quân mang tên Quân đội Bình Tây, với khẩu hiệu "Nam Sơn Hoàng Bà, khởi nghĩa Bình Tây, độc lập Chính phủ”. Tổng Kiêm được suy tôn làm Chánh Thống tướng, Đốc Bang được suy tôn làm Phó Thống tướng. Cuộc khởi nghĩa diễn ra từ ngày 15/4/1909-20/1/1910 đã làm cho chính quyền thực dân Pháp ở Hòa Bình tổn thất lớn, nghĩa quân đã tấn công trại lính khố xanh, giết chết tên giám binh Pháp ở Hòa Bình và 5 lính khố xanh, làm bị thương 16 tên lính khố xanh khác, tịch thu 150 súng trường kiểu 1874 và súng mútcơtông, 35.000 viên đạn, phá nhà lao giải phóng 40 tù nhân, chiếm kho bạc và các công sở, đốt phá kho tàng, giấy tờ, làm chủ hoàn toàn tỉnh lỵ. Trên đường hành quân về khu căn cứ núi Viên Nam, nghĩa quân đánh chiếm đồn Đồng Bến, tiêu diệt 15 tên lính pa ti giăng thu toàn bộ vũ khí. Nghĩa quân còn mở rộng hoạt động sang Sơn Tây, san phẳng đồn Hòa Lạc (Thạch Thất) tiêu diệt 9 tên địch và tổ chức một số trận công đồn khác gây cho địch nhiều tổn thất nặng nề. Thực dân Pháp ở Hà Nội giật mình lo sợ, phải điều quân trấn áp, huy động tới 3.000 quân từ các ngả dồn về Hòa Bình, sau đó tăng cường thêm 3 tiểu đoàn để ngăn chặn không cho nghĩa quân hợp sức với nghĩa quân của Hoàng Hoa Thám ở Tam Đảo… Vì tương quan lực lượng không cân sức, nghĩa quân đã bị lực lượng Pháp bao vây, đàn áp. Trong trận đánh cuối cùng, 8 nghĩa quân hy sinh, 17 người bị bắt, trong đó có Tổng Kiêm và Đốc Bang. Thực dân Pháp mang Tổng Kiêm và Đốc Bang về giam ở nhà tù Hà Nội. Sau đó, Tổng Kiêm bị kết tù chung thân và đày đi nhà tù Côn Đảo, Đốc Bang bị kết án 20 năm tù và đày đi nhà tù Lạng Sơn.
Cuộc khởi nghĩa chống Pháp của nghĩa quân Kỳ Sơn với ngọn cờ Bình Tây do Tổng Kiêm và Đốc Bang lãnh đạo kéo dài gần 1 năm tuy thất bại, nhưng là mốc son đánh dấu sự nối tiếp trong phong trào đấu tranh vũ trang của các dân tộc miền núi đầu thế kỷ XX. Đồng thời, là cuộc khởi nghĩa đánh chiếm tỉnh lỵ đầu tiên và cũng là cuộc khởi nghĩa duy nhất trong các cuộc khởi nghĩa của đồng bào miền núi gây tiếng vang lớn, làm địch tổn thất nặng nề và hoang mang lo sợ, buộc chúng phải thay đổi chính sách cai trị mềm mỏng hơn với vùng địa bàn miền núi, tạo điều kiện thuận lợi cho ta xây dựng căn cứ cách mạng sau này khi có Đảng lãnh đạo.
Trong buổi lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh "Khu căn cứ cuộc khởi nghĩa chống Pháp của nghĩa quân Tổng Kiêm - Đốc Bang năm 1909-1910”, đồng chí Trần Hải Lâm, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết: Cuộc khởi nghĩa mặc dù chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, nhưng đã trở thành mốc son, đánh dấu sự nối tiếp trong phong trào đấu tranh vũ trang của các dân tộc miền núi đầu thế kỷ XX, cổ vũ cho phong trào chống Pháp của đồng bào các dân tộc thiểu số. Với những giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, di tích "Khu căn cứ cuộc khởi nghĩa chống Pháp của nghĩa quân Tổng Kiêm - Đốc Bang năm 1909 - 1910” đã được UBND tỉnh cấp Bằng xếp hạng Đi tích văn hóa cấp tỉnh. 
Ông Nguyễn Văn Khiên, hậu duệ đời thứ 4 của cụ Tổng Kiêm không dấu được niềm xúc động chia sẻ: Noi gương cụ, các con cháu trong gia tộc luôn nỗ lực phấn đấu trong học tập, lao động, công tác, gương mẫu chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Trong gia tộc có nhiều người giữ chức vụ cao trong trong Đảng, chính quyền và sở, ngành của tỉnh, của huyện. Trong niềm vui này, chúng tôi mong muốn địa phương dành quỹ đất tôn tạo bia mộ cho 2 cụ, quan tâm tôn tạo, bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử văn hóa của khu di tích nhằm thu thu hút khách du lịch trong và ngoài tỉnh đến thăm quan. Đồng thời cũng là nơi để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ về tinh thần bất khuất, kiên cường của cha ông trong sự nghiệp chống giặc ngoại xâm, bảo vệ độc lập chủ quyền của dân tộc.


Hồng Ngọc

Các tin khác


Ấn tượng Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ 3 

Xác định vai trò, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Đến nay, Ngày Sách Việt Nam đã trở thành hoạt động văn hóa thường niên, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Năm nay, Hòa Bình chọn tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc tại huyện Lạc Sơn và đã để lại ấn tượng tốt đẹp. Qua đó, tôn vinh văn hóa đọc và cổ vũ phong trào đọc, làm theo sách.

Gìn giữ điệu xoè Thái Mai Châu

Điệu xoè Thái ở Mai Châu đã có từ lâu đời và được lưu truyền từ thế hệ trước cho thế hệ sau. Múa xòe không chỉ là điệu múa phổ biến trong cộng đồng người Thái mà còn là nét văn hóa đặc sắc, hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa và đời sống tinh thần.

Lắng lòng nơi chiến khu rừng Sác

Đến TP Hồ Chí Minh vào thời điểm cuối Xuân, đầu Hè, có nhiều tuyến đường để đi, nhiều nơi để đến, nhưng chúng tôi đã chọn chiến khu rừng Sác là điểm dừng chân. Để được nghe, được thấy và được cảm nhận những chiến tích anh hùng, sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của những chiến sĩ đặc công Trung đoàn 10 (T10) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vì độc lập, tự do của dân tộc.

Trải nghiệm phiên chợ Bò Chủ nhật ở xã Vân Sơn

Từ chỗ chỉ họp vào thứ Ba hàng tuần, phiên chợ Bò tại xã Vân Sơn (Tân Lạc) chính thức họp thêm Chủ nhật từ ngày 24/3 vừa qua. Qua đó nhằm đưa chợ phiên trở thành nơi quảng bá bản sắc văn hóa của người Mường Hòa Bình và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của các xã vùng lân cận, đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm địa phương của du khách khi đến Vân Sơn du lịch vào dịp cuối tuần.

Giới thiệu hai cuốn sách “Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”

Ngày 19/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức giới thiệu hai cuốn sách "Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”.

Báo Nhân Dân ra mắt MV Kenny G "Going Home" quảng bá du lịch Việt Nam

Chiều 19/4, Báo Nhân Dân phối hợp IB Group Việt Nam tổ chức ra mắt MV "Going Home” - một sản phẩm âm nhạc đặc biệt quảng bá du lịch Việt Nam. Trong MV, nghệ sĩ Kenny G trình diễn ca khúc Going Home tại các địa danh nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội như Hồ Gươm, Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cầu Long Biên.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục