(HBĐT) - Năm nào cũng vậy, dịp Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, lãnh đạo tỉnh và các sở, ban, ngành cùng huyện Cao Phong đều về thăm Chiến khu Cao Phong - Thạch Yên. Thật tự hào khi chúng tôi nhiều lần được tham gia đoàn về nơi chiến khu xưa, hồi tưởng hào khí cách mạng sục sôi, cảm nhận sức mạnh truyền thống yêu nước, tinh thần dân tộc và sự cố gắng vươn lên trong thời kỳ mới của nhân dân vùng chiến khu - các xã Yên Thượng, Yên Lập, Tân Phong (Cao Phong).

Dấu tích vùng chiến khu xưa vẫn luôn đậm sâu không chỉ trong ký ức của các bậc cao niên, mà còn thể hiện rõ ở Di tích chùa Khánh, xã Yên Thượng, gồm: ngôi chùa lễ (tam bảo), nhà truyền thống, bia tưởng niệm. Tọa lạc trên đỉnh đồi cao nhìn xuống bản làng đồng bào dân tộc Mường, ngôi chùa thật uy nghiêm. Sau khi dâng hương, làm lễ bái, thỉnh chuông tại tam bảo, đoàn chúng tôi đến nhà truyền thống. Nơi đây trưng bày những hiện vật, hình ảnh của khu căn cứ cách mạng Cao Phong - Thạch Yên. Ai cũng xúc động, tự hào và cảm nhận hào khí cách mạng cách đây 74 năm khi đọc những lời giới thiệu được đóng khung và treo trang trọng trên tường.

Khu căn cứ Cao Phong - Thạch Yên là một trong 4 khu căn cứ cách mạng của tỉnh thời kỳ tiền khởi nghĩa, nằm trong hệ thống chiến khu Hòa - Ninh - Thanh do Xứ ủy Bắc Kỳ xây dựng và trực tiếp chỉ đạo hoạt động. Khu vực chùa Quoèn Ang tại xã Tân Phong chính là địa điểm Ban cán sự Đảng tỉnh họp vào tháng 4/1945 và đã quyết định thành lập các khu căn cứ cách mạng của tỉnh. Vùng Cao Phong - Thạch Yên trước đây địa hình hiểm trở, có vị trí chiến lược quân sự quan trọng, gần dốc Cun, có đường 12 (nay là quốc lộ 6) đi qua. Nhận thấy tầm quan trọng của địa bàn này, cuối năm 1944, xứ ủy Bắc Kỳ đã phân công đồng chí Vũ Thơ đến tuyên truyền, giác ngộ cách mạng cho đồng bào các xã trong vùng.


Nhân dân xã Tân Phong (Cao Phong) biểu diễn văn nghệ ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương đổi mới.

Đầu tháng 7/1945, đồng chí Vũ Thơ, Bí thư Ban Cán sự Đảng tỉnh tuyển chọn 30 tự vệ trẻ, khỏe, hăng hái ở thị xã vào để mở lớp huấn luyện quân sự. Lúc đầu, lớp huấn luyện được mở tại xóm Ngái, sau đó chuyển đến đỉnh đồi chùa Khánh, xã Thạch Yên cũ, nay là xã Yên Lập, Yên Thượng. Cùng phụ trách lớp huấn luyện có các đồng chí Nguyễn Hòa, Hà Tư Bình trong Ban Cán sự Đảng tỉnh. Mặc dù khi đó, cuộc sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, cơm rừng, trèo đèo, lội suối, nhưng cán bộ cách mạng đến đâu cũng được nhân dân trong vùng nhiệt tình giúp đỡ. Nhiều gia đình đã trở thành cơ sở cách mạng như: gia đình ông Bùi Văn Y, xã Yên Thượng; Đặng Chí Viễn, xã Thu Phong; Bùi Văn Hoảnh, xã Tân Phong. Thanh thế của Việt Minh đã động viên tinh thần cách mạng của nhân dân trong vùng.

Chỉ trong một thời gian ngắn, lực lượng cách mạng đã phát triển mạnh, làm chủ hoàn toàn khu căn cứ, chờ thời cơ cách mạng. Rồi thời cơ cũng đã đến. Sáng 23/8/1945, đơn vị vũ trang và lực lượng tự vệ chiến đấu từ khu căn cứ Cao Phong - Thạch Yên rầm rộ tiến ra đường 12A, gặp quân khởi nghĩa gồm hàng trăm người từ Vụ Bản (Lạc Sơn) cũng rầm rập đến. Hai cánh quân gặp nhau tại phố Bằng và hợp lại thành một lực lượng hùng hậu. Đoàn quân khởi nghĩa tiếp tục lên đường, xuôi dốc Cun, tiến vào Phương Lâm, vượt sông Đà, cùng các lực lượng cách mạng khác chiếm tỉnh lỵ, giành chính quyền về tay nhân dân.

Khu căn cứ cách mạng Cao Phong - Thạch Yên đã được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là Di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia từ năm 1996. Chùa Khánh và chùa Quoèn Ang đã được quan tâm xây dựng, tu sửa, đáp ứng mong mỏi của nhân dân và là minh chứng cho một thời kỳ lịch sử vẻ vang.

Lịch sử đã trải qua 74 năm, nhưng khí thế hào hùng của một thời kỳ cách mạng vẫn ghi đậm đối với đồng chí Bùi Văn Đạt, cháu ngoại ruột của ông Bùi Văn Y - người có công giúp đỡ cách mạng. Qua lời kể của người mẹ đáng kính Bùi Thị Khục (con gái cả của ông Bùi Văn Y), đồng chí Đạt thấm sâu truyền thống cách mạng, nỗ lực vươn lên và hiện nay là Chủ tịch UBND xã Yên Thượng. Bà Phục kể rằng, thời kỳ đó, cuộc sống còn nhiều gian khó, nhưng gia đình đã không nề hà giúp đỡ cán bộ cách mạng nơi ăn, chốn ở. Đến năm 1996, gia đình vinh dự được nhận Bằng công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia nhà ông Bùi Văn Y.

"Với truyền thống quê hương cách mạng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Yên Thượng luôn một lòng theo Đảng, Bác Hồ, nỗ lực phấn đấu xây dựng cuộc sống mới ấm no, hạnh phúc. Là xã vùng cao nhưng diện mạo Yên Thượng đã đổi mới, đi lên nhiều. Đến nay, xã đạt 9/19 tiêu chí nông thôn mới. Năm 2019, phấn đấu thu nhập bình quân đạt 18,3 triệu đồng/người" - đồng chí Bùi Văn Đạt, Chủ tịch UBND xã Yên Thượng chia sẻ.

Phát huy truyền thống cách mạng, không chỉ xã Yên Thượng, xã Yên Lập và Tân Phong cũng luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, theo con đường mà Bác Hồ đã chọn, ra sức đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước. KT-XH các xã phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao, ANTT được giữ vững. Năm 2018, xã Yên Lập thu nhập bình quân đạt 18 triệu đồng/người, đạt 11/19 tiêu chí nông thôn mới. Xã Tân Phong thu nhập bình quân đạt 30 triệu đồng/người, đạt 16/19 tiêu chí nông thôn mới. Lời ca, tiếng hát, điệu múa ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương đổi mới mỗi dịp lễ, Tết, ngày kỷ niệm, ngày hội lại vang vọng khắp các bản làng. Dịp Quốc khánh 2/9, hầu hết các gia đình trong vùng đều làm cỗ và đồng bào gọi là mừng Tết Độc lập. Nhịp sống mới đang rộn ràng và công tác giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ vẫn luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể quan tâm để hào khí năm xưa mãi lưu truyền, hun đúc lòng yêu quê hương, đất nước, tinh thần vươn lên của thế hệ hôm nay.

Cẩm Lệ


Các tin khác


119 cán bộ, công chức, viên chức được bồi dưỡng tiếng dân tộc Mường

Trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình vừa tổ chức bế giảng lớp bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc Mường cho cán bộ, công chức, viên chức khóa I, II năm 2023.

Huyện Kim Bôi đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hoá

Hưởng ứng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, những năm qua, các cấp, các ngành, xã, thị trấn trên địa bàn huyện Kim Bôi đã cụ thể hóa bằng các hoạt động thiết thực, hiệu quả, góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết, giúp nhau giảm nghèo bền vững, xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa lành mạnh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Tết Nhảy - nghi lễ truyền thống của người Dao

Đồng bào dân tộc Dao trong tỉnh gìn giữ được nhiều bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình, nhất là trong nghi lễ, tín ngưỡng. Trong đó, Tết Nhảy là nghi lễ quan trọng bậc nhất có từ lâu đời, phản ánh sinh động đời sống tín ngưỡng của người Dao.

Lưu giữ giá trị nền “Văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng thế giới

Hoà Bình là vùng đất cổ, với các dải núi đá vôi chạy dọc theo hướng Đông Nam, song song với dải Trường Sơn ở phía Tây đã tạo ra nhiều bồn địa, thung lũng với hệ động, thực vật phong phú. Ngay từ thời tiền sử, con người đã sớm sinh tụ trên mảnh đất này, để lại một nền văn hóa nổi tiếng thế giới - "Văn hóa Hòa Bình" (VHHB).

Du Xuân trẩy hội Bồng Lai

Tọa lạc tại chân núi Đầu Rồng thuộc khu 3, thị trấn Cao Phong (Cao Phong), đền Bồng Lai (còn gọi là Đền Thượng Bồng Lai) nằm trong quần thể di tích quốc gia danh lam thắng cảnh hang động núi Đầu Rồng. Cùng với đền Đông Sơn nằm gần kề, ngôi đền đón người dân và du khách nô nức đến dâng hương, vãn cảnh dịp đầu năm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục