(HBĐT) - Niềm mong mỏi của người dân xã vùng cao Nam Sơn (Tân Lạc) ngày nào giờ đã trở thành hiện thực. Du lịch cộng đồng đang mở ra hướng phát triển kinh tế mới ở mảnh đất tươi đẹp, với núi non hoang sơ, kỳ vĩ và những mái nhà sàn thấp thoáng bên những đồi quýt ngút ngàn.


Những điểm homestay ở xóm Chiến, xã Nam Sơn (Tân Lạc) được đầu tư khang trang, sẵn sàng đón khách du lịch. 

Nhắc đến xã Nam Sơn là nghĩ ngay đến những vườn quýt cổ, loại cây trồng đang đem lại những mùa quả ngọt trong công cuộc chuyển đổi kinh tế ở xã vùng cao này. Sở dĩ gọi là quýt cổ, bởi đây là giống quýt bản địa, đã gắn bó với những bản Mường nơi đây từ thuở "Đẻ đất, đẻ nước”. Quýt cổ còn có tên gọi khác là quýt hôi với vị chua rôn rốt đặc trưng, vỏ quýt có vị thơm khác lạ, là gia vị trong chế biến món ăn và một vị thuốc trị ho từ xa xưa của đồng bào Mường.

Nhận thấy giá trị kinh tế cao, hơn một thập kỷ qua, người dân xã Nam Sơn đã phủ xanh sắc quýt trên những nương ngô, nương sắn với diện tích hàng trăm ha. Ngoài cây quýt cổ, mảnh đất vùng cao này còn có nhiều thứ để khiến những người lần đầu đặt chân đến phải thầm thương, trộm nhớ. Đó là động Nam Sơn, một di tích danh thắng quốc gia độc đáo bậc nhất ở miền Bắc; là những bản Mường san sát còn lưu giữ được những nét văn hóa truyền thống. Đặc biệt, với vị trí cao gần 1.000 m so với mực nước biển, Nam Sơn có thời tiết mát mẻ quanh năm. Tất cả những điều đó đã tạo nên những tiềm năng để phát triển du lịch. Với sự hỗ trợ của tổ chức AOP (tổ chức phi Chính phủ của Ôxtrâylia), huyện Tân Lạc đã lựa chọn xóm Chiến, xã Nam Sơn để xây dựng điểm du lịch cộng đồng. Cuối tháng 7 vừa qua, điểm du lịch khai trương và bắt đầu đón khách.

Xã Nam Sơn cách quốc lộ 6 chừng 20 km. Con đường vùng cao vừa được tu sửa lại nên hành trình về xã Nam Sơn khá thuận lợi. Từ xã Lũng Vân rẽ trái khoảng 1 km là đến điểm du lịch cộng đồng xóm Chiến - một bản Mường nhỏ, cảnh sắc còn hoang sơ với hơn 70 hộ dân. Đặt chân đến xóm Chiến, chúng tôi nhận được sự chào đón nồng hậu của bà con. Con đường làng được cứng hóa, 3 homestay được đầu tư khang trang đã tạo nên một diện mạo mới mẻ cho bản Mường. Mời chúng tôi chén nước được đun từ cây rừng thơm mát, Bí thư chi bộ xóm Chiến Bùi Văn Thông cho biết: Hiện nay, tất cả các hộ dân trong xóm đều sống trong nhà sàn truyền thống. Thực phẩm cũng do bà con tự cung, tự cấp nên đảm bảo vệ sinh. Các nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Mường cũng đang được bà con tích cực khôi phục để phục vụ du khách. Từ khi khai trương đến nay, đã có những đoàn khách về thăm quan và nghỉ lại qua đêm. Bà con rất phấn khởi, ai cũng hiểu đây là cơ hội để quảng bá hình ảnh làng xóm và thúc đẩy kinh tế phát triển.    

"Chúng tôi vui lắm nên mỗi người đều tự giác nâng cao ý thức trong bảo vệ môi trường, cảnh quan cũng như xây dựng hình ảnh thân thiện để làm hài lòng du khách khi đến thăm quan, lưu trú” - ông Hà Xuân Thảo, người dân xóm Chiến chia sẻ. Chúng tôi đến thăm homestay của gia đình bà Hà Thị Điêu nằm trên đỉnh đồi nên gió lộng quanh năm, từ đây có thể quan sát cả bản Mường. Bà Điêu cho biết: Được hỗ trợ của tổ chức AOP và các cấp chính quyền, gia đình đã quyết định cải tạo, nâng cấp nhà ở để làm du lịch. Khi đến trải nghiệm, du khách được thưởng thức ẩm thực của người Mường, các tiết mục văn nghệ độc đáo do chính người dân xóm Chiến biểu diễn.   

Dạo quanh một vòng xóm Chiến, chúng tôi cảm nhận được không gian yên tĩnh, không khí trong lành. Những ngôi nhà sàn nằm san sát, ranh giới phân định bởi những hàng rào bằng tre, nứa tạo nên hình ảnh thôn dã, mộc mạc. Có lẽ, đó chính là điểm độc đáo ở bản Mường còn khá nguyên sơ này. Với những người cần một chút "lặng” sau những xô bồ chốn thành thị hay những người ưa khám phá, thích những trải nghiệm mới mẻ thì xóm Chiến quả thật là một địa điểm lý tưởng. Thêm nữa, với vị trí chỉ cách Hà Nội hơn 2 giờ đồng hồ, gần các điểm du lịch nổi tiếng như bản Lác (Mai Châu), thác Mu (Lạc Sơn) thì Nam Sơn là một điểm dừng chân lý tưởng cho một tour du lịch dài ngày.
 

 
Viết Đào

Các tin khác


119 cán bộ, công chức, viên chức được bồi dưỡng tiếng dân tộc Mường

Trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình vừa tổ chức bế giảng lớp bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc Mường cho cán bộ, công chức, viên chức khóa I, II năm 2023.

Huyện Kim Bôi đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hoá

Hưởng ứng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, những năm qua, các cấp, các ngành, xã, thị trấn trên địa bàn huyện Kim Bôi đã cụ thể hóa bằng các hoạt động thiết thực, hiệu quả, góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết, giúp nhau giảm nghèo bền vững, xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa lành mạnh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Tết Nhảy - nghi lễ truyền thống của người Dao

Đồng bào dân tộc Dao trong tỉnh gìn giữ được nhiều bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình, nhất là trong nghi lễ, tín ngưỡng. Trong đó, Tết Nhảy là nghi lễ quan trọng bậc nhất có từ lâu đời, phản ánh sinh động đời sống tín ngưỡng của người Dao.

Lưu giữ giá trị nền “Văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng thế giới

Hoà Bình là vùng đất cổ, với các dải núi đá vôi chạy dọc theo hướng Đông Nam, song song với dải Trường Sơn ở phía Tây đã tạo ra nhiều bồn địa, thung lũng với hệ động, thực vật phong phú. Ngay từ thời tiền sử, con người đã sớm sinh tụ trên mảnh đất này, để lại một nền văn hóa nổi tiếng thế giới - "Văn hóa Hòa Bình" (VHHB).

Du Xuân trẩy hội Bồng Lai

Tọa lạc tại chân núi Đầu Rồng thuộc khu 3, thị trấn Cao Phong (Cao Phong), đền Bồng Lai (còn gọi là Đền Thượng Bồng Lai) nằm trong quần thể di tích quốc gia danh lam thắng cảnh hang động núi Đầu Rồng. Cùng với đền Đông Sơn nằm gần kề, ngôi đền đón người dân và du khách nô nức đến dâng hương, vãn cảnh dịp đầu năm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục