(HBĐT) - Không trù phú, nhộn nhịp, không tấp nấp người xe, đến với xóm Sưng, xã Cao Sơn (Đà Bắc) còn phải vượt qua những cung đường uốn lượn, nhỏ hẹp. Vậy mà từ vài năm nay, nơi đây trở thành điểm hẹn thú vị của du khách, nhất là khách du lịch nước ngoài.



Đến với xóm Sưng, xã Cao Sơn (Đà Bắc), du khách bị cuốn hút bởi hình ảnh người phụ nữ Dao cần mẫn ngồi thêu khăn thổ cẩm.

Xóm Sưng có hơn 70 hộ người dân tộc Dao Tiền sinh sống quây quần, đầm ấm. Đây là xóm cổ nằm trên núi Biều, cảnh quan còn giữ nét hoang sơ, chưa bị phá vỡ bởi tác động của con người. Xung quanh xóm có nhiều đường đi bộ lên núi để du khách khám phá phong cảnh. Do ở trên núi cao nên xóm giữ được không khí trong lành, mát mẻ với nền nhiệt độ thường thấp hơn thị trấn Đà Bắc khoảng 40C.

Cùng du khách tìm hiểu cảnh quan, cuộc sống của người dân, Phó Chủ tịch UBND huyện Đà Bắc Bùi Thị Hiệu phấn khởi giới thiệu: Xóm Sưng là một trong những điểm du lịch cộng đồng nổi bật của huyện. Đây là dự án do địa phương phối hợp với tổ chức phi chính phủ Australia AOP tại Việt Nam triển khai thực hiện nhằm tạo sinh kế cho người dân và góp phần giữ gìn cảnh sắc thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ. Trước đây, cuộc sống của các gia đình rất khó khăn, vấn đề vệ sinh môi trường chưa được quan tâm khi chăn nuôi thả rông, chuồng trại sát nhà ở, đường xóm ẩm thấp, rậm rạp. Những năm gần đây, khi đã trở thành điểm du lịch cộng đồng thì xóm Sưng được "khoác tấm áo mới”. Người dân đã thay đổi nhận thức trong nếp sống, sinh hoạt hàng ngày theo hướng giữ gìn vệ sinh môi trường xanh - sạch. Tập quán tự sản, tự tiêu xóa bỏ, giờ đây không chỉ làm ruộng, nương mà các gia đình đã biết làm du lịch, dịch vụ để tăng thu nhập. Thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân là cái được quan trọng nhất dự án phát triển du lịch cộng đồng của huyện mang lại.

Hiện, xóm Sưng có 3 homestay đón khách, nhưng có hơn 40 hộ tham gia các hoạt động du lịch. Ấn tượng làm du lịch ở đây là các hộ phân công nhau từng phần việc để gia đình nào cũng có việc làm thường xuyên mà không bị chồng lấn. Theo đó, hộ trồng rau xanh, hộ chăn nuôi lợn, gà sạch để cung cấp thực phẩm, hộ làm dịch vụ xe đạp, xe ôm, có hộ phục vụ hoạt động văn hóa, văn nghệ, bán thổ cẩm... Giá dịch vụ cũng được niêm yết công khai tại các nhà nghỉ. Mỗi nhà mỗi việc nên không xảy ra tình trạng chèo kéo, tranh giành khách. Du khách cũng không lo bị bắt chẹt về giá cả, vì vậy tạo được sự cảm mến, tin tưởng.

Phó Bí thư TT Đảng ủy xã Cao Sơn Xa Văn Xin chia sẻ: Khách du lịch đến với xóm Sưng chủ yếu là người nước ngoài. Họ không chỉ bị cuốn hút bởi vẻ đẹp nguyên sơ với núi Biều, hang Sưng, đồi chè Shan tuyết cổ thụ hàng trăm năm tuổi mà còn bởi những con người thân thiện, chịu thương, chịu khó, sống chan hòa cùng thiên nhiên. Du khách rất hứng thú khi được trải nghiệm lao động sản xuất qua việc cùng làm ruộng, lên nương, chăm sóc con lợn, đàn gà với người dân và tìm hiểu nét văn hóa, phong tục tập quán đặc trưng của người Dao. Ở đây cũng có các dịch vụ tắm thuốc, ngâm chân, chèo thuyền kayak, bè mảng trên vùng hồ sông Đà, đạp xe quanh các bản lân cận, nhất là kết nối với tua du lịch xóm Đá Bia - xã Tiền Phong, xóm Ké - xã Hiền Lương.

Đặc biệt, khác xa cuộc sống hối hả nơi phố thị, ở xóm Sưng du khách sẽ được lắng mình tận hưởng cuộc sống êm đềm, bình dị với hình ảnh các bà, các chị cần mẫn bên hiên nhà tỉ mỉ vẽ sáp ong tạo hoa văn lên nền vải. Rồi bằng đôi tay khéo léo, họ tự thêu những chiếc khăn thổ cẩm trên tấm vải được cẩn thận nhuộm chàm. Để có được chiếc khăn dày dặn, sắc màu, người phụ nữ Dao phải mất gần 2 năm cho các công đoạn, lâu nhất là thời gian nhuộm vải, do đó, các sản phẩm thổ cẩm luôn được du khách ưa chuộng, tìm mua.

Từ khi phát triển du lịch cộng đồng, xóm Sưng có lượng khách khá ổn định, đông nhất là du khách đến từ các nước châu Âu. Cứ 5 - 7 ngày có 1 đoàn đến trải nghiệm, khám phá nên thu nhập tăng lên và giải quyết việc làm cho nhiều lao động trong xóm. Tính bình quân mỗi homsetay có thu nhập từ 14 - 15 triệu đồng/tháng. Đây là kết quả đáng kể đối với người dân mới vài năm trước thôi cuộc sống còn thiếu thốn khi quanh năm chỉ biết đến ruộng, nương.

Thu Hiền

Các tin khác


Lắng lòng nơi chiến khu rừng Sác

Đến TP Hồ Chí Minh vào thời điểm cuối Xuân, đầu Hè, có nhiều tuyến đường để đi, nhiều nơi để đến, nhưng chúng tôi đã chọn chiến khu rừng Sác là điểm dừng chân. Để được nghe, được thấy và được cảm nhận những chiến tích anh hùng, sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của những chiến sĩ đặc công Trung đoàn 10 (T10) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vì độc lập, tự do của dân tộc.

Trải nghiệm phiên chợ Bò Chủ nhật ở xã Vân Sơn

Từ chỗ chỉ họp vào thứ Ba hàng tuần, phiên chợ Bò tại xã Vân Sơn (Tân Lạc) chính thức họp thêm Chủ nhật từ ngày 24/3 vừa qua. Qua đó nhằm đưa chợ phiên trở thành nơi quảng bá bản sắc văn hóa của người Mường Hòa Bình và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của các xã vùng lân cận, đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm địa phương của du khách khi đến Vân Sơn du lịch vào dịp cuối tuần.

Giới thiệu hai cuốn sách “Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”

Ngày 19/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức giới thiệu hai cuốn sách "Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”.

Báo Nhân Dân ra mắt MV Kenny G "Going Home" quảng bá du lịch Việt Nam

Chiều 19/4, Báo Nhân Dân phối hợp IB Group Việt Nam tổ chức ra mắt MV "Going Home” - một sản phẩm âm nhạc đặc biệt quảng bá du lịch Việt Nam. Trong MV, nghệ sĩ Kenny G trình diễn ca khúc Going Home tại các địa danh nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội như Hồ Gươm, Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cầu Long Biên.

Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam trên địa bàn tỉnh lần thứ 3 năm 2024

Ngày 17/4, tại Nhà Văn hoá huyện Lạc Sơn, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND huyện Lạc Sơn tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam trên địa bàn tỉnh lần thứ 3 năm 2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục