Thông tin từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 11/3 cho biết: UBND tỉnh Bắc Ninh vừa hoàn thiện Hồ sơ "Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ" đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, gửi Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) xét đưa vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.


Chú thích ảnh
"Đám cưới chuột” là bức tranh nổi danh của làng tranh Đông Hồ. Ảnh: Lê Sơn/Báo Tin tức

Trước đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có công văn số 1918/BVHTTDL-DSVH đồng ý xây dựng hồ sơ "Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ" trình Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO). UBND tỉnh Bắc Ninh đã chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh phối hợp với Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam triển khai thực hiện xây dựng Hồ sơ "Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ" theo quy định và hướng dẫn của Công ước 2003, UNESCO; đưa Hồ sơ "Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ" vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.

Sau khi tiếp thu ý kiến đóng góp, bổ sung, chỉnh sửa, đến ngày 3/3/2020, hồ sơ đã hoàn thiện theo theo quy định và nộp về cơ quan Thường trực Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia.

Theo các nhà nghiên cứu, Tranh dân gian Đông Hồ thuộc dòng tranh in từ ván khắc gỗ, do người dân làng Đông Hồ, xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh sáng tạo, sản xuất và phát triển thành làng nghề. Đây là dòng tranh gắn bó và thể hiện sinh động xã hội nông nghiệp cổ truyền, cuộc sống lao động của người nông dân bình dị, chất phác, phong tục, tập quán, sinh hoạt của người dân Việt. Người xem có thể tìm thấy những hình ảnh quen thuộc trong tranh Đông Hồ như: Đám cưới chuột, những đàn lợn, đàn gà, những cô thiếu nữ hứng dừa hay cả cảnh đánh ghen của đôi vợ chồng trẻ…

Tranh Đông Hồ là loại hình nghệ thuật truyền thống có từ lâu đời, được cộng đồng người dân nơi đây sáng tạo, kết tinh, phát triển và tồn tại cho đến ngày nay. Trước đây, làng tranh Đông Hồ có 17 dòng họ làm tranh. Sau năm 1945, các dòng tranh dân gian Đông Hồ cùng với Hàng Trống, Kim Hoàng bị suy thoái dần, đứng trước nguy cơ mai một, làng Đông Hồ chỉ còn 3 gia đình nghệ nhân duy trì nghề làm tranh. Đến năm 1990, một số nghệ nhân như Nguyễn Đăng Chế, Nguyễn Hữu Sam... đã sưu tầm tranh và các bản khắc chế để khôi phục lại dòng tranh dân gian Đông Hồ.

Đến nay, nghề làm tranh dân gian Đông Hồ đã được quan tâm khôi phục, bảo vệ và phát huy giá trị trong cuộc sống đương đại. Năm 2013, nghề làm tranh dân gian Đông Hồ đã được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia (đợt 1 - tháng 12/2012) ở loại hình nghề thủ công truyền thống.

Ngay từ tháng 7/2014, UBND tỉnh Bắc Ninh đã phê duyệt Đề án "Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa tranh dân gian Đông Hồ giai đoạn 2014 - 2020, định hướng đến 2030” nhằm khẳng định, gìn giữ và phát huy giá trị nổi bật của tranh dân gian Đông Hồ. Đồng thời, tỉnh xác định hiện trạng và nguy cơ mai một của dòng tranh này, nâng cao nhận thức, hành động của chính quyền, nhân dân địa phương trong việc bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa độc đáo của tranh dân gian Đông Hồ...


                                      Theo Baotintuc.vn

Các tin khác


Ấn tượng Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ 3 

Xác định vai trò, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Đến nay, Ngày Sách Việt Nam đã trở thành hoạt động văn hóa thường niên, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Năm nay, Hòa Bình chọn tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc tại huyện Lạc Sơn và đã để lại ấn tượng tốt đẹp. Qua đó, tôn vinh văn hóa đọc và cổ vũ phong trào đọc, làm theo sách.

Gìn giữ điệu xoè Thái Mai Châu

Điệu xoè Thái ở Mai Châu đã có từ lâu đời và được lưu truyền từ thế hệ trước cho thế hệ sau. Múa xòe không chỉ là điệu múa phổ biến trong cộng đồng người Thái mà còn là nét văn hóa đặc sắc, hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa và đời sống tinh thần.

Lắng lòng nơi chiến khu rừng Sác

Đến TP Hồ Chí Minh vào thời điểm cuối Xuân, đầu Hè, có nhiều tuyến đường để đi, nhiều nơi để đến, nhưng chúng tôi đã chọn chiến khu rừng Sác là điểm dừng chân. Để được nghe, được thấy và được cảm nhận những chiến tích anh hùng, sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của những chiến sĩ đặc công Trung đoàn 10 (T10) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vì độc lập, tự do của dân tộc.

Trải nghiệm phiên chợ Bò Chủ nhật ở xã Vân Sơn

Từ chỗ chỉ họp vào thứ Ba hàng tuần, phiên chợ Bò tại xã Vân Sơn (Tân Lạc) chính thức họp thêm Chủ nhật từ ngày 24/3 vừa qua. Qua đó nhằm đưa chợ phiên trở thành nơi quảng bá bản sắc văn hóa của người Mường Hòa Bình và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của các xã vùng lân cận, đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm địa phương của du khách khi đến Vân Sơn du lịch vào dịp cuối tuần.

Giới thiệu hai cuốn sách “Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”

Ngày 19/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức giới thiệu hai cuốn sách "Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”.

Báo Nhân Dân ra mắt MV Kenny G "Going Home" quảng bá du lịch Việt Nam

Chiều 19/4, Báo Nhân Dân phối hợp IB Group Việt Nam tổ chức ra mắt MV "Going Home” - một sản phẩm âm nhạc đặc biệt quảng bá du lịch Việt Nam. Trong MV, nghệ sĩ Kenny G trình diễn ca khúc Going Home tại các địa danh nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội như Hồ Gươm, Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cầu Long Biên.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục