(HBĐT) - Trong khuôn khổ Đại hội Thi đua yêu nước Hội Nhà báo Việt Nam giai đoạn 2020 - 2025 tổ chức vào cuối tháng 10 vừa qua, các đại biểu đã đến thăm Bảo tàng Báo chí Việt Nam, nơi trưng bày trên 700 hiện vật, tài liệu quý hiếm phản ánh những sự kiện quan trọng của lịch sử báo chí Việt Nam từ buổi sơ khai tới nay. Không gian trưng bày sinh động, khoa học, thuyết minh viên trình bày hấp dẫn, lôi cuốn… đã tạo ấn tượng khó phai cho các nhà báo trên khắp mọi miền của Tổ quốc.


Các nhà báo thăm quan gian trưng bày của Bảo tàng Báo chí Việt Nam. 

Trên đường dẫn đoàn di chuyển đi thăm quan, nhà báo Trần Thị Kim Hoa, Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam chia sẻ: Bảo tàng mở cửa đón khách thăm quan vào dịp kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6/2020. Qua thời gian hơn 1.000 ngày chuẩn bị, Bảo tàng đã sưu tầm được trên 20.000 hiện vật, tài liệu, hình ảnh, bản thảo, trong đó có trên 700 hiện vật, tài liệu độc đáo, quý hiếm, phản ánh những sự kiện quan trọng của lịch sử báo chí Việt Nam được nghiên cứu, lập hồ sơ, thẩm duyệt phục vụ trưng bày. Đây là một quá trình nỗ lực không ngừng trong suốt 6 năm liền, bởi vậy, không gian, cách thức trưng bày khá đặc biệt, mới, lạ, tiệm cận với xu hướng xây dựng bảo tàng hiện đại. Bảo tàng Báo chí Việt Nam được triển khai theo hướng trưng bày kỹ thuật số. Các hệ thống màn hình từ gian đầu tiên đến gian đương đại đều được tích hợp những thông tin, tư liệu, tác phẩm, hình ảnh liên quan đến đời sống báo chí, các hoạt động báo chí, sự cống hiến của báo chí trong các thời kỳ lịch sử của đất nước. Bên cạnh việc trưng bày tài liệu, hiện vật, hình ảnh, bảo tàng còn có hệ thống màn hình công chiếu 26 bộ phim giới thiệu về lịch sử báo chí và các nhà báo tiêu biểu của nền báo chí cách mạng Việt Nam.

Đến với bảo tàng, thuyết minh viên Nguyễn Minh Châu giới thiệu nội dung chi tiết các tài liệu, hiện vật, bản thảo được trưng bày tại bảo tàng. Các gian trưng bày có lớp lang, theo từng thời kỳ, trong đó: Phần 1 là báo chí Việt Nam giai đoạn 1865 - 1925; phần 2 là báo chí Việt Nam giai đoạn 1925 - 1945; phần 3 là báo chí Việt Nam giai đoạn 1945 - 1954; phần 4 là báo chí Việt Nam giai đoạn 1954 - 1975; phần 5 là báo chí Việt Nam giai đoạn 1975 đến nay. Các gian trưng bày được bố trí trên diện tích gần 1.500 m2, được khai thác triệt để trên các diện trưng bày khác nhau: Trưng bày bằng giải pháp đồ họa trên đai vách, bằng hiện vật, tư liệu gốc và phục chế trong tủ, bục, giá, kệ, trục quay…; thông qua các giải pháp công nghệ phát thanh - truyền hình - số hóa để phục vụ tối đa nhu cầu công chúng đến với bảo tàng. Một số điểm nhấn trong các không gian trưng bày: bút sen ở gian khánh tiết, bục kim cương ở gian báo chí Việt Nam giai đoạn 1865-1925; khu vực trải nghiệm các loại hình báo điện tử, báo in, báo nói, báo hình; khu vực tưởng niệm các nhà báo đã ngã xuống vì Tổ quốc và Nhân dân, vì sự nghiệp báo chí Việt Nam…

Mỗi tài liệu, hiện vật đều mang trong mình một câu chuyện đặc biệt gắn với các thời kỳ làm báo sôi nổi, gian khó, hiểm nguy. Đó là những chiếc khăn dù, võng dù, những bức thư gửi cho gia đình hẹn ngày trở về, những bản thảo, sổ ghi chép đang viết dở của các nhà báo liệt sỹ Phạm Đình Côn, Hồ Tương Phùng, Nguyễn Mai, Hoàng Thành Tùng...; là chiếc xe đạp Thống Nhất bạc màu sơn của nhà báo Đặng Loan - Tổng Biên tập đã lao mình vào cứu người ở bệnh viện Tây Hiếu, xưởng cơ khí và hy sinh khi trở về toà soạn giữa mưa bom bão đạn. Hay giấy báo tử "nhầm" của nhà báo Kim Toàn, hộp đèn dầu tự chế để viết báo của nhà báo Đặng Minh Phương...

Kết thúc chuyến thăm quan, nhiều nhà báo nhận xét: Bảo tàng Báo chí Việt Nam giống như một thực thể sống, phong phú và sinh động, một trung tâm nghiệp vụ, truyền thông, giáo dục truyền thống báo chí cách mạng, chứ không đơn giản là tủ kính trưng bày theo nguyên nghĩa của bảo tàng. Nhiều nhà báo bày tỏ: Sẽ trở lại bảo tàng trong nhiều lần nữa để tìm hiểu, cảm nhận những giá trị vô giá ở "kho sử” của báo chí Việt Nam.

 
Thúy Hằng

Các tin khác


119 cán bộ, công chức, viên chức được bồi dưỡng tiếng dân tộc Mường

Trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình vừa tổ chức bế giảng lớp bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc Mường cho cán bộ, công chức, viên chức khóa I, II năm 2023.

Huyện Kim Bôi đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hoá

Hưởng ứng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, những năm qua, các cấp, các ngành, xã, thị trấn trên địa bàn huyện Kim Bôi đã cụ thể hóa bằng các hoạt động thiết thực, hiệu quả, góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết, giúp nhau giảm nghèo bền vững, xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa lành mạnh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Tết Nhảy - nghi lễ truyền thống của người Dao

Đồng bào dân tộc Dao trong tỉnh gìn giữ được nhiều bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình, nhất là trong nghi lễ, tín ngưỡng. Trong đó, Tết Nhảy là nghi lễ quan trọng bậc nhất có từ lâu đời, phản ánh sinh động đời sống tín ngưỡng của người Dao.

Lưu giữ giá trị nền “Văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng thế giới

Hoà Bình là vùng đất cổ, với các dải núi đá vôi chạy dọc theo hướng Đông Nam, song song với dải Trường Sơn ở phía Tây đã tạo ra nhiều bồn địa, thung lũng với hệ động, thực vật phong phú. Ngay từ thời tiền sử, con người đã sớm sinh tụ trên mảnh đất này, để lại một nền văn hóa nổi tiếng thế giới - "Văn hóa Hòa Bình" (VHHB).

Du Xuân trẩy hội Bồng Lai

Tọa lạc tại chân núi Đầu Rồng thuộc khu 3, thị trấn Cao Phong (Cao Phong), đền Bồng Lai (còn gọi là Đền Thượng Bồng Lai) nằm trong quần thể di tích quốc gia danh lam thắng cảnh hang động núi Đầu Rồng. Cùng với đền Đông Sơn nằm gần kề, ngôi đền đón người dân và du khách nô nức đến dâng hương, vãn cảnh dịp đầu năm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục