(HBĐT) - Bao đời nay, trong lịch sử con người, hát dân ca là một bộ phận quan trọng của văn hóa dân gian, là loại hình diễn xướng văn hóa văn nghệ do Nhân dân lao động sáng tạo ra, tự diễn xướng để phục vụ cho đời sống tinh thần của mình. Với người Mường cũng vậy, hát dân ca Mường, trong đó có hát Thường Rang - Bộ Mẹnh (Mẹng), hát Đúm (Đúp) giao duyên là một trong những thể loại diễn ra nhiều nhất trong đời sống sinh hoạt hàng ngày, hội hè, đám cưới...


Giao lưu hát dân ca Mường ở huyện Lạc Sơn.

Việc trình diễn hát dân ca Mường nghe bên ngoài thấy đơn giản vậy, song bên trong ẩn chứa những kỹ năng, bí quyết và đặc biệt là vốn sống, vốn am hiểu cuộc sống của người hát phải rất sâu, rất rộng về các vấn đề của văn hóa, đời sống, mới có thể diễn xướng nhuần nhuyễn và truyền cảm đến người nghe.
Tri thức về ngôn ngữ Mường

 Hát dân ca Mường, nhất là hát đối giao duyên (hát Đúp) và Thường Rang, Bộ Mẹnh, ngoài các bài hát có sẵn (các bài Thường Áng) được lưu truyền trong dân gian, còn lại phần đa việc hát luôn phải ứng tác - ứng khẩu - sáng tạo lời hát (ca từ), hát tức khắc một cách nhuần nhuyễn sao cho khớp với lối giai điệu, nhịp điệu có sẵn để đối đáp ngay tại chỗ. Nghệ nhân hát phải sưu tầm, học hỏi và lưu giữ một khối lượng lớn ngôn ngữ Mường, bao gồm cả tiếng Mường cổ và tiếng Mường đương đại. Bản chất hát dân ca Mường, nhất là hát đối đáp giao duyên thực chất là một cuộc làm thơ tức thì để đối đáp với bạn hát. Như vậy, nghệ nhân hát nắm và lưu giữ rất nhiều tri thức về ngôn ngữ Mường

Đặc trưng diễn xướng và âm nhạc

Trừ hát Đúp giao duyên, hình thức diễn xướng dân ca Mường chủ yếu hát thính phòng và đối đáp tay đôi. Lời hát hay còn gọi là ca từ cơ bản được sáng tạo, sáng tác tức thì để ứng đối với bạn hát. 

Có thể thấy, hát dân ca Mường được phân thành 2 loại khá rõ ràng, loại hát có giai điệu có nhịp phách và loại hát chỉ có giai điệu, không có nhịp phách. Loại hát có giai điệu có nhịp phách, gồm hát Đúp giao duyên, hát Trẩy Mơi, hát Ru, hát đồng dao… Loại hát chỉ có giai điệu, không có nhịp phách tiêu biểu là hát Thường Rang, Bộ Mẹnh, hát Tlẩi (lẩy) chuyện nàng Nga, Hồ Liêu - Út Lót…

Kỹ năng sáng tạo lời hát

Lời hát (ca từ) trong hát dân ca Mường, nhất là hát Đúp giao duyên phần đa không có sẵn, đều do nghệ nhân trong khi hát tức khắc sáng tạo ra để đối đáp với bạn hát. Đây là kỹ năng quan trọng nhất trong khi hát. Đòi hỏi trí thông minh, vốn liếng về tiếng nói, nhất là tiếng Mường cổ, sự sáng tạo đột xuất. Có một số nghệ nhân hiện nay thể hát Đúp liên tục trong hơn 10 tiếng đồng hồ mà không cạn lời, không cạn khả năng sáng tạo lời hát. Như các vị: Quách Thị Lon, Bùi Thị Lan, Bùi Văn Nghi, Bùi Văn Lịch…

Trong việc đặt lời hát, quan trọng nhất là việc đặt lời và gieo vần câu trên xuống câu dưới sao cho hợp lý, có thế lời hát mới nhuần nhuyễn, không lạc điệu, không bị ngắt quãng, thuyết phục người nghe.

Sức hấp dẫn của Thường Rang - Bộ Mẹnh (Mẹng), hát Đúp giao duyên dân tộc Mường

Mỗi loại hình diễn xướng có thế mạnh riêng. Hát Đúp giao duyên cuốn hút hàng nghìn người nghe tại chỗ như ở Lễ hội Đình Cổi, Lễ hội Đình Khói…; thu hút hơn 2 triệu người theo dõi trên trang Youtube… Ngày nay, đi khắp các thôn xóm, ngoài đồng bãi, đâu đâu cũng văng vẳng tiếng hát Thường Rang - Bộ Mẹnh (Mẹng), hát Đúp giao duyên được phát ra từ các công cụ truyền thông như: tivi, điện thoại thông minh, radio… Đã có một số gia đình mời nghệ nhân đến hát vui tại đám cưới, lễ thanh minh, về nhà mới… và có trả thù lao. Điều này chứng tỏ tình yêu với Thường Rang - Bộ Mẹnh (Mẹng), hát Đúp giao duyên còn rất sâu nặng trong Nhân dân Mường ở huyện Lạc Sơn. Không chỉ vậy, các vùng người Mường sinh sống ở tỉnh Thanh Hóa cũng rất sôi nổi, khi mời các nhóm hát Thường Rang - Bộ Mẹnh (Mẹng), hát Đúp giao duyên của huyện Lạc Sơn vào giao lưu. 

Để bảo tồn và phát huy di sản hát Thường Rang - Bộ Mẹnh (Mẹng), hát Đúp giao duyên cần có sự lãnh đạo của cấp ủy, UBND và ngành chức năng từ tỉnh đến huyện, xóm, xã, đưa ra các nghị quyết, chỉ đạo sát sao, tạo nguồn lực, môi trường cho các hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng, trong đó có di sản hát Thường Rang - Bộ Mẹnh (Mẹng), hát Đúp giao duyên để các nghệ nhân có cơ hội được thể hiện, được thực hành diễn xướng vì mục đích bảo tồn, phát huy và đa dạng món ăn tinh thần cho Nhân dân.

Hiện nay, Nhà nước đã có nhiều quan tâm đề ra các chính sách đối với di sản văn hóa và nghệ nhân nắm giữ thực hành di sản, đề nghị tỉnh, huyện có sự quan tâm tới những người sưu tầm, nghiên cứu. Đặc biệt quan tâm các nghệ nhân lưu giữ và thực hành di sản văn hóa nói chung, di sản hát Thường Rang - Bộ Mẹnh (Mẹng), hát Đúp giao duyên nói riêng. Khuyến khích thành lập các nhóm, câu lạc bộ hát dân ca, dân vũ dân tộc Mường, trong đó có hát Thường Rang - Bộ Mẹnh (Mẹng), hát Đúp giao duyên. Đồng thời, tỉnh nên có đề án sưu tầm, nghiên cứu, biên dịch, tập hợp các bài hát Thường Rang - Bộ Mẹnh (Mẹng), hát Đúp giao duyên thành sách, ghi âm ghi đĩa, phát hành băng đĩa karaoke, để bảo tồn cho mai sau và phát huy các giá trị di sản ngay trong đời sống đương đại.


Nghệ nhân Ưu tú Bùi Huy Vọng




Các tin khác


119 cán bộ, công chức, viên chức được bồi dưỡng tiếng dân tộc Mường

Trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình vừa tổ chức bế giảng lớp bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc Mường cho cán bộ, công chức, viên chức khóa I, II năm 2023.

Huyện Kim Bôi đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hoá

Hưởng ứng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, những năm qua, các cấp, các ngành, xã, thị trấn trên địa bàn huyện Kim Bôi đã cụ thể hóa bằng các hoạt động thiết thực, hiệu quả, góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết, giúp nhau giảm nghèo bền vững, xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa lành mạnh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Tết Nhảy - nghi lễ truyền thống của người Dao

Đồng bào dân tộc Dao trong tỉnh gìn giữ được nhiều bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình, nhất là trong nghi lễ, tín ngưỡng. Trong đó, Tết Nhảy là nghi lễ quan trọng bậc nhất có từ lâu đời, phản ánh sinh động đời sống tín ngưỡng của người Dao.

Lưu giữ giá trị nền “Văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng thế giới

Hoà Bình là vùng đất cổ, với các dải núi đá vôi chạy dọc theo hướng Đông Nam, song song với dải Trường Sơn ở phía Tây đã tạo ra nhiều bồn địa, thung lũng với hệ động, thực vật phong phú. Ngay từ thời tiền sử, con người đã sớm sinh tụ trên mảnh đất này, để lại một nền văn hóa nổi tiếng thế giới - "Văn hóa Hòa Bình" (VHHB).

Du Xuân trẩy hội Bồng Lai

Tọa lạc tại chân núi Đầu Rồng thuộc khu 3, thị trấn Cao Phong (Cao Phong), đền Bồng Lai (còn gọi là Đền Thượng Bồng Lai) nằm trong quần thể di tích quốc gia danh lam thắng cảnh hang động núi Đầu Rồng. Cùng với đền Đông Sơn nằm gần kề, ngôi đền đón người dân và du khách nô nức đến dâng hương, vãn cảnh dịp đầu năm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục