Suốt chặng đường 20 năm qua, các cuộc thi tiểu thuyết, truyện, ký về đề tài "Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” do Bộ Công an phối hợp Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức, đã dần trở nên gần gũi với giới sáng tác cũng như những người viết trẻ mới tiếp cận con đường văn nghiệp.




Một số tác phẩm đoạt giải trong cuộc thi tiểu thuyết, truyện, ký về đề tài "Vì An ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” lần thứ tư. 

Những cuộc vận động sáng tác văn học ba năm một lần này, với mục đích thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền chính trị sâu rộng về cuộc sống chiến đấu gian khổ, nhiều hiểm nguy và không ít hy sinh của người chiến sĩ công an, vừa giúp định hình và phát triển vững chắc mảng đề tài văn học, liên quan đến lực lượng Công an nhân dân. Cuộc thi viết tiểu thuyết, truyện và ký lần thứ tư về đề tài "Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” (giai đoạn 2017 - 2020), phát động từ tháng 8-2017. Trong hơn ba năm qua, Ban Tổ chức đã mời được nhiều nhà văn; các cây bút tiềm năng trong và ngoài lực lượng Công an nhân dân, tham dự và tham gia nhiều trại viết, tổ chức trên các miền đất nước, để cùng thực tế sáng tác ở các đơn vị cơ sở trong lực lượng Công an nhân dân.

Qua công tác "chăm sóc” tác giả và tác phẩm, nhiều tác phẩm chất lượng được manh nha hình thành, đánh dấu một diện mạo, sáng tạo mới… ở cuộc thi. Ban Tổ chức nhận được hơn 120 bản thảo tham dự và hưởng ứng. Sau vòng sơ loại, 88 tác phẩm gồm 78 tiểu thuyết, 10 truyện, ký vào sơ khảo. Kết quả, hạng mục tiểu thuyết, Giải A thuộc về các tác phẩm: "Phận liễu” của Chu Thanh Hương, "Rễ người” của Đoàn Hữu Nam; hạng mục truyện, ký, Giải A thuộc về tác phẩm "Đối mặt sói trắng” của Phan Thế Cải. Ban Tổ chức cũng trao năm Giải B, năm Giải C, tám Giải Khuyến khích cho các tác phẩm tiểu thuyết, truyện và ký khác. Tác giả được giải cao tuổi nhất cuộc thi là nhà văn Lương Sĩ Cầm (94 tuổi) và Đức Anh (27 tuổi) là tác giả trẻ tuổi nhất. Trong cuộc thi lần này, chủ yếu các tác giả tập trung sáng tác tiểu thuyết. Điều này chứng tỏ thể loại tiểu thuyết (đặc biệt tiểu thuyết ngắn, trên dưới 200 trang) đang chiếm sự quan tâm rất cao của các cây bút trên văn đàn. Tuy nhiên, việc sáng tác tiểu thuyết về đề tài "Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” là một thách thức. Một trong những thách thức chính là địa bàn, phạm vi phản ánh thực tế rất rộng, không chỉ về hình tượng người chiến sĩ công an mà còn là những vấn đề đang diễn ra ở đời sống, liên quan đến tình hình an ninh trật tự và phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Phản ánh đúng và trúng nhiệm vụ của một lực lượng là việc không dễ dàng, đòi hỏi phải có quá trình thực tế tìm tòi, nghiên cứu chuyên sâu từ người viết.

Các tác phẩm vào chung khảo được đánh giá có tính văn học cao, có tác giả đã viết bằng sự trải nghiệm đầy gắn bó với tác phẩm. Thí dụ, tiểu thuyết "Rễ người” của Đoàn Hữu Nam đoạt Giải A là tác phẩm có giá trị tư tưởng nhân văn về cội rễ cộng đồng và còn mang tính nghiên cứu, phổ cập phong tục bằng văn học. Ở "Đảo bạo bệnh”, tiểu thuyết đoạt Giải C của tác giả trẻ Đức Anh thể hiện khá hấp dẫn bằng kết cấu đan xen nhiều tuyến nhân vật, sự vật, nhưng chặt chẽ và hợp lý. Đây cũng là sự thử nghiệm, một dạng viết kết cấu theo lối mới cho thấy khả năng hư cấu sắc bén của một tác giả trẻ. Bên cạnh đó, còn có những tác phẩm đặc biệt khác như tác phẩm rất dày công sưu tập từ nhiều dữ liệu "sống” ("Đường 1C huyền thoại - Những bờ vai con gái”, Giải Khuyến khích của Trầm Hương). Tác phẩm kể về chiến công, sự hy sinh gian khổ của các chị em phụ nữ làm nên đường huyền thoại 1C, vận chuyển hàng trăm tấn vũ khí đạn dược phục vụ chiến trường Quân khu 9. Lần đầu tiên trong cuộc thi với chủ đề này, có một tác giả viết về lĩnh vực khoa học hình sự công an. Đó là tiểu thuyết "Những người nói hộ xác chết” của Thanh Sắc (tác phẩm vào chung khảo). Tiểu thuyết kể về nhiệm vụ gian khó của các chiến sĩ Công an nhân dân làm nhiệm vụ pháp y trong điều tra tội phạm. Tác phẩm này được kết cấu khá chặt chẽ, hành văn mạch lạc, kết thúc nhân văn và được đông đảo độc giả đón nhận. 

Cuộc thi sáng tác văn học "Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” lần thứ tư có thể đánh giá là đã thành công tốt đẹp. Những trang sách do cuộc thi đem lại mang nội dung tư tưởng và nghệ thuật góp phần tích cực vào công cuộc bảo vệ an ninh và bình yên  cuộc  sống của nhân dân. Đồng thời khẳng định những đóng góp lao động sáng tạo của các tác giả sáng tác văn học trong và ngoài lực lượng Công an nhân dân; là nguồn động viên không ngừng say mê sáng tạo nhiều tác phẩm và công trình văn học có giá trị, phục vụ đời sống tinh thần của cán bộ, chiến sĩ công an, góp phần nâng cao uy tín của lực lượng với bạn đọc cả nước.

            
Theo Báo Nhân dân

Các tin khác


Tuyên truyền cổ động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ tại Đà Bắc

Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hòa Bình phối hợp Trường Cảnh sát nhân dân 1, Trung tâm VH-TT&TT huyện Đà Bắc vừa tổ chức đêm giao lưu văn nghệ tuyên truyền lưu động đợt I, năm 2024.

Ấn tượng Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ 3 

Xác định vai trò, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Đến nay, Ngày Sách Việt Nam đã trở thành hoạt động văn hóa thường niên, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Năm nay, Hòa Bình chọn tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc tại huyện Lạc Sơn và đã để lại ấn tượng tốt đẹp. Qua đó, tôn vinh văn hóa đọc và cổ vũ phong trào đọc, làm theo sách.

Gìn giữ điệu xoè Thái Mai Châu

Điệu xoè Thái ở Mai Châu đã có từ lâu đời và được lưu truyền từ thế hệ trước cho thế hệ sau. Múa xòe không chỉ là điệu múa phổ biến trong cộng đồng người Thái mà còn là nét văn hóa đặc sắc, hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa và đời sống tinh thần.

Lắng lòng nơi chiến khu rừng Sác

Đến TP Hồ Chí Minh vào thời điểm cuối Xuân, đầu Hè, có nhiều tuyến đường để đi, nhiều nơi để đến, nhưng chúng tôi đã chọn chiến khu rừng Sác là điểm dừng chân. Để được nghe, được thấy và được cảm nhận những chiến tích anh hùng, sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của những chiến sĩ đặc công Trung đoàn 10 (T10) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vì độc lập, tự do của dân tộc.

Trải nghiệm phiên chợ Bò Chủ nhật ở xã Vân Sơn

Từ chỗ chỉ họp vào thứ Ba hàng tuần, phiên chợ Bò tại xã Vân Sơn (Tân Lạc) chính thức họp thêm Chủ nhật từ ngày 24/3 vừa qua. Qua đó nhằm đưa chợ phiên trở thành nơi quảng bá bản sắc văn hóa của người Mường Hòa Bình và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của các xã vùng lân cận, đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm địa phương của du khách khi đến Vân Sơn du lịch vào dịp cuối tuần.

Giới thiệu hai cuốn sách “Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”

Ngày 19/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức giới thiệu hai cuốn sách "Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục