(HBĐT) - "Là gái Mường, em chẳng rực rỡ đâu/E ấp hoa văn ẩn mình trong áo đẹp/ Nếp váy em buông hoa văn em lúng liếng/ Khuôn ngực em giữ hoa văn đất Mường…” - đó là những câu từ mộc mạc trong bài hát "Em là hoa văn đất Mường” của nhạc sĩ Quách Vin, phổ thơ Xuân Lý. Mộc mạc thôi nhưng cũng đủ để tôn lên giá trị của bộ trang phục truyền thống của phụ nữ Mường (gọi là váy Mường). Nghe câu hát, những cô gái Mường thêm yêu, thêm tự hào về bộ trang phục truyền thống của dân tộc.


Bộ trang phục truyền thống của phụ nữ Mường trong nhịp sống hiện đại.

Thướt tha trong bộ váy Mường may để mặc trong dịp lễ, Tết, hội họp trang trọng, chị Đinh Thúy Hà xoay đi, xoay lại trước gương tấm tắc: "Không ngờ dáng người mình mặc váy Mường lại hợp đến vậy! Một chiếc váy nhung đen, 3 chiếc thắt lưng, 4 chiếc áo các màu (trắng, hồng, vàng, tím), xà tích, kiềng đeo cổ… đủ cả, từ nay sẽ không phải băn khoăn chọn mặc gì cho những dịp trang trọng hay hội hè”- gương mặt chị Hà biểu hiện sự hài lòng.

Bố họ Đinh, mẹ họ Bùi - hai dòng họ chính của dân tộc Mường, nhưng vì sinh ra, lớn lên ở thành phố nên chị Hà chỉ nói được ít tiếng Mường, bước qua cả thời thiếu nữ vẫn chưa được khoác lên mình bộ váy Mường. Ở ngưỡng tuổi 30, được tham gia nhiều sự kiện lớn trong đó có trình diễn chiêng Mường, trang phục dân tộc Mường trong các dịp Kỷ niệm 130 năm ngày thành lập tỉnh, Ngày hội Văn hóa Mường, Tuần Văn hoá - Du lịch tỉnh Hoà Bình năm 2019, Ngày hội Văn hóa - Du lịch tỉnh Hòa Bình tại Hà Nội với màn biểu diễn chiêng Mường của 100 nghệ nhân tại không gian Bờ Hồ - Hoàn Kiếm... chị Hà quyết tâm thắp sáng lên niềm tự hào là người con của đất Mường. Trau dồi thêm tiếng Mường, học chữ Mường, đồng thời sắm ngay cho mình bộ trang phục truyền thống của phụ nữ Mường để trưng diện.

Thực tế, so với một số dân tộc khác, trang phục của người Mường nói chung, phụ nữ Mường nói riêng khá đơn giản, không rực rỡ nhưng có những nét rất đặc trưng. Trang phục của phụ nữ Mường xưa thường là áo màu trắng hay màu sáng ngắn chấm đến eo. Váy thường dùng vải thâm hay nhuộm chàm đen hình ống. Nổi bật nhất của chiếc váy là cạp váy. Hoa văn nghệ thuật trang trí trên cạp váy tạo ra sự tương phản với màu đen và màu trắng trên áo. Cạp váy được chia làm 3 phần gọi là: rang trên, rang dưới và cao. Trong đó, hoa văn của rang trên và hoa văn cao thuần túy là hoa văn hình học, phần rang dưới chủ yếu là hoa văn động vật với rất nhiều mô típ khác nhau. Các nhà nghiên cứu văn hóa Mường đã thống kê có 37 mô típ hoa văn cạp váy, trong đó có 25 mô típ hoa văn động vật. Điều đặc biệt là rất nhiều hoa văn trên cạp váy Mường cũng là các mô típ hoa văn phổ biến trên trống đồng Đông Sơn. Điều này cho thấy các hoa văn cạp váy Mường có giá trị cả về mặt nghệ thuật lẫn lịch sử, liên quan đến một thời kỳ rực rỡ của nền văn minh người Việt cổ. Tựu trung lại đó một sản phẩm nghệ thuật đặc sắc nhất của dân tộc Mường.

Tất nhiên, để tạo thành một bộ trang phục của phụ nữ Mường hoàn chỉnh thì không thể thiếu áo ngắn, yếm, thắt lưng, mũ (khăn đội đầu). Phụ kiện đi kèm để tôn lên bộ trang phục là bộ xà tích đeo chéo ngang bụng và hông, kiềng đeo cổ… bằng bạc hoặc chất liệu khác có màu bạc. Ngày nay, xu hướng trang phục của người phụ nữ Mường được cách điệu đôi chút như: Khăn, áo, yếm nhiều màu, cạp váy được may thêm khóa… nhưng cơ bản vẫn giữ nguyên nét hoa văn đất Mường. Bởi vậy, dẫu chẳng rực rỡ nhưng vì tôn lên được đường cong cơ thể người phụ nữ cũng như nền văn hóa Mường đặc sắc, nên ngày càng đông đảo chị em trang bị cho mình bộ trang phục truyền thống.

Thuy Hằng

(Hội Nhà báo tỉnh)


Các tin khác


Tác giả Vân Anh của tỉnh Hòa Bình được trao huy chương vàng tại Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc

Chiều 27/4, tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam và Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Điện Biên phối hợp tổ chức khai mạc Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc lần thứ 23, năm 2024.

Huyện Đà Bắc nâng cao hiệu quả xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở

Huyện Đà Bắc có 17 xã, thị trấn với 122 xóm, tiểu khu, 5 dân tộc chủ yếu Tày, Mường, Dao, Kinh, Thái cùng chung sống đoàn kết. Những năm qua, việc xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở được quan tâm. Qua đó nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, góp phần ổn định an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.

Bế mạc Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024

Tối 25/4, Ban Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân tổ chức bế mạc Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang (LLVT) và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024. Đến dự có các đồng chí: Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức (BTC); Vũ Văn Hoài, Phó Chủ nhiệm chính trị Quân khu 3; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh...

Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024

Tối 24/4, tại Cung Văn hoá tỉnh, Ban Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân tổ chức khai mạc Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang (LLVT) và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024. Đến dự có đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố.

Khu 1, thị trấn Cao Phong: Khơi dậy tinh thần đoàn kết xây dựng khu dân cư văn hóa

Từ một khu dân cư (KDC) không có hoạt động gì nổi bật, Khu 1 - thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong đã bứt phá, trở thành điểm sáng thực hiện phong trào xây dựng nhà văn hoá (NVH), KDC văn hoá ở địa phương nhờ khơi dậy được tinh thần đoàn kết, tập hợp sức mạnh toàn dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục