Tung ra hàng chục chương trình biểu diễn mới trong năm, sẵn sàng dàn dựng những sản phẩm xiếc chuyên đề theo đơn đặt hàng của từng đơn vị, tiếp thu góp ý từ khách hàng để điều chỉnh theo hướng hoàn thiện hơn..., đó là hàng loạt nỗ lực của Liên đoàn Xiếc Việt Nam khi cố gắng chuyển mình để chinh phục ngày càng nhiều đối tượng công chúng.


Hai nghệ sĩ Chu Hồng Thúy và Phạm Thị Hướng trình diễn tiết mục "Đu son”.

5 năm trở lại đây, Liên đoàn Xiếc Việt Nam là một trong số ít đơn vị nghệ thuật tiên phong tổ chức hội nghị khách hàng thường niên với sự tham gia của các đối tác chiến lược là các đơn vị tổ chức biểu diễn, công ty du lịch, lữ hành, truyền thông...

Tìm cách đối thoại với khách hàng

Không đợi khách hàng tự tìm đến, Liên đoàn đã chủ động xúc tiến, quảng bá sản phẩm xiếc tới công chúng thông qua xây dựng và giới thiệu cả một kịch mục dày dặn xuyên suốt năm. Đây là động thái rất đáng ghi nhận đối với một đơn vị nghệ thuật công lập, nhất là trong bối cảnh sân khấu đang đối diện thực trạng thưa vắng khán giả.

Theo Nghệ sĩ Nhân dân Tống Toàn Thắng, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, đây là cách làm đã góp phần thay đổi tư duy cũng như phương thức tổ chức biểu diễn của Liên đoàn theo hướng chuyên nghiệp hơn. Việc công bố kế hoạch biểu diễn của cả năm không chỉ giúp đơn vị nghệ thuật có sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng hơn trong dàn dựng tiết mục, có sự điều tiết, phân bổ hợp lý hơn trong sắp xếp nhân sự cho những đợt lưu diễn hay dự giải quốc tế, mà còn giúp các đối tác có thể lựa chọn những sản phẩm thích hợp nhất để "chào hàng” khán giả, đưa ra tính toán để đặt vé, đặt suất diễn...

Khẳng định tầm quan trọng của việc cần năng động hơn trong tiếp cận công chúng hiện đại, Nghệ sĩ Nhân dân Tạ Duy Ánh, nguyên Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho hay: Trước đây, nghệ sĩ chỉ biết diễn mà ít biết quảng bá, tiếp cận khách hàng, cho nên thường "ép” khách hàng xem những gì mình có. Nhưng giờ đã khác, trong cơ chế thị trường, cần lắng nghe những phản hồi cần thiết từ khách hàng mới có thể tiêu thụ những "hàng hóa đặc biệt” là sản phẩm nghệ thuật.

Và các hội nghị khách hàng chính là cơ hội quý báu để đơn vị nghệ thuật cũng như các nghệ sĩ đón nhận những ý kiến đóng góp của khách hàng nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng tác phẩm, chuyên nghiệp hóa hơn trong cung cấp các dịch vụ liên quan, đáp ứng đúng nhu cầu, thị hiếu của du khách.

Không ngừng sáng tạo

Nhờ sự tích cực, năng động trong đa dạng hóa nguồn khách, năm 2023, vượt qua những khó khăn sau tác động nặng nề từ đại dịch Covid-19, Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã đại thắng khi vượt mức 150% số buổi biểu diễn, đạt 200% về doanh thu. Tiếp nối đà bứt tốc này, tại Hội nghị khách hàng năm 2024 vừa diễn ra, Liên đoàn đã trình làng hơn 20 chương trình xiếc đặc sắc sẽ diễn ra từ nay đến hết năm.

Các chương trình đều được đầu tư làm mới theo hướng chuyên nghiệp hơn về cả quy mô và chất lượng nội dung, nghệ thuật. Trong đó, có những chương trình được tổ chức thường niên góp phần khẳng định thương hiệu của Liên đoàn Xiếc Việt Nam, như "Những cánh hồng bay-Công chúa xiếc Việt Nam” tôn vinh những nữ nghệ sĩ xiếc nhân dịp kỷ niệm Ngày Phụ nữ Việt Nam, với sự góp mặt của những nữ nghệ sĩ xiếc xuất sắc đến từ Liên đoàn Xiếc và các đơn vị khách mời: Trường trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam, Nhà hát Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Hà Nội; hay chương trình "Đi cùng năm tháng” đã bước sang năm thứ 6 tổ chức, mang đến nhiều tiết mục ấn tượng, cảm động trong dịp kỷ niệm Ngày Thương binh-Liệt sĩ.

Đáng chú ý, hướng đến kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Liên đoàn sẽ mang đến chương trình "Sống mãi với Điện Biên” diễn ra trong tháng 5, tái hiện lại chiến công "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” bằng ngôn ngữ xiếc, với sự tham gia giao lưu của những anh hùng lực lượng vũ trang, nhân chứng lịch sử.

Cùng với đó là hàng loạt chương trình gắn với những ngày lễ, Tết như: Chương trình Tết thiếu nhi; Gala Xiếc thú 2024 chào mừng Quốc khánh 2/9; Vui Tết Trung thu; "Những ước mơ xanh” kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam; Vui Noel và chào đón năm mới... Đáng chú ý, có nhiều chương trình mang thông điệp nhân văn, thể hiện trách nhiệm công dân của những nghệ sĩ xiếc cũng được Liên đoàn chú trọng thực hiện, như các buổi diễn trong Tháng hành động vì trẻ em; "Nối vòng tay nhân ái” gây dựng quỹ hỗ trợ nghệ sĩ xiếc hoàn cảnh khó khăn...

Phát huy lợi thế của xiếc với khả năng có thể "sánh đôi” cùng nhiều ngôn ngữ nghệ thuật khác, trong năm 2024, Liên đoàn sẽ tiếp tục cho ra mắt các tác phẩm xiếc "khoe” được vẻ đẹp của nhiều loại hình, như "Xiếc & Rock” kết hợp cùng ban nhạc Ngũ Cung chào mừng Ngày Phụ nữ Việt Nam; các chương trình kết hợp Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc, Nhà hát Cải lương Việt Nam; dự án kết hợp với đối tác từ Nhật Bản đưa hình tượng Ninja lên sân khấu bằng sự hợp lực của xiếc và ảo thuật...

Ngoài những chương trình thực hiện theo đặt hàng của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, còn có nhiều chương trình được Liên đoàn tổ chức theo hình thức xã hội hóa, cùng nhiều chương trình phối hợp khai thác biểu diễn bên ngoài Rạp xiếc Trung ương, như vở diễn "Tấm Cám - bống bống bang bang”, "Câu chuyện nàng tiên cá”... Lãnh đạo Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho biết, Liên đoàn cũng sẵn sàng dựng tác phẩm mới theo đặt hàng riêng của từng đơn vị; hoặc điều chỉnh về mặt thời lượng, nội dung tác phẩm để phù hợp nhu cầu, điều kiện du khách; cũng như sẽ có những ưu đãi đối với những hợp đồng biểu diễn, các tour du lịch đưa du khách đến với rạp xiếc...

Tại Hội nghị khách hàng của Liên đoàn, nhiều người ngạc nhiên vì có sự xuất hiện của cả những đơn vị tưởng chừng không liên quan như các công ty sản xuất gốm, công ty giáo dục... Chỉ khi hiểu được những "tính toán” sâu xa của lãnh đạo Liên đoàn trong tạo ra sợi dây kết nối để hoàn thiện hơn những sản phẩm xiếc mang ý nghĩa giáo dục, tạo ra những mặt hàng lưu niệm truyền thống có dấu ấn nghệ thuật của xiếc Việt, mới thật sự thấy những nỗ lực chuyển mình của một đơn vị vẫn đang giữ vững vị thế là "cánh chim đầu đàn” của ngành xiếc.

Không ngừng phá cách để sáng tạo, mang đến hứng khởi cho khán giả khi thưởng thức tác phẩm, chịu khó tiếp thị sản phẩm tới khách hàng qua nhiều kênh khác nhau, đây chính là "chìa khóa” để Liên đoàn Xiếc Việt Nam chinh phục công chúng hiện đại trong nước và quốc tế, đóng góp cho sự phát triển công nghiệp văn hóa đất nước.

Theo Báo Nhân Dân

Các tin khác


Khu 1, thị trấn Cao Phong: Khơi dậy tinh thần đoàn kết xây dựng khu dân cư văn hóa

Từ một khu dân cư (KDC) không có hoạt động gì nổi bật, Khu 1 - thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong đã bứt phá, trở thành điểm sáng thực hiện phong trào xây dựng nhà văn hoá (NVH), KDC văn hoá ở địa phương nhờ khơi dậy được tinh thần đoàn kết, tập hợp sức mạnh toàn dân.

Tuyên truyền cổ động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ tại Đà Bắc

Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hòa Bình phối hợp Trường Cảnh sát nhân dân 1, Trung tâm VH-TT&TT huyện Đà Bắc vừa tổ chức đêm giao lưu văn nghệ tuyên truyền lưu động đợt I, năm 2024.

Ấn tượng Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ 3 

Xác định vai trò, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Đến nay, Ngày Sách Việt Nam đã trở thành hoạt động văn hóa thường niên, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Năm nay, Hòa Bình chọn tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc tại huyện Lạc Sơn và đã để lại ấn tượng tốt đẹp. Qua đó, tôn vinh văn hóa đọc và cổ vũ phong trào đọc, làm theo sách.

Gìn giữ điệu xoè Thái Mai Châu

Điệu xoè Thái ở Mai Châu đã có từ lâu đời và được lưu truyền từ thế hệ trước cho thế hệ sau. Múa xòe không chỉ là điệu múa phổ biến trong cộng đồng người Thái mà còn là nét văn hóa đặc sắc, hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa và đời sống tinh thần.

Lắng lòng nơi chiến khu rừng Sác

Đến TP Hồ Chí Minh vào thời điểm cuối Xuân, đầu Hè, có nhiều tuyến đường để đi, nhiều nơi để đến, nhưng chúng tôi đã chọn chiến khu rừng Sác là điểm dừng chân. Để được nghe, được thấy và được cảm nhận những chiến tích anh hùng, sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của những chiến sĩ đặc công Trung đoàn 10 (T10) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vì độc lập, tự do của dân tộc.

Trải nghiệm phiên chợ Bò Chủ nhật ở xã Vân Sơn

Từ chỗ chỉ họp vào thứ Ba hàng tuần, phiên chợ Bò tại xã Vân Sơn (Tân Lạc) chính thức họp thêm Chủ nhật từ ngày 24/3 vừa qua. Qua đó nhằm đưa chợ phiên trở thành nơi quảng bá bản sắc văn hóa của người Mường Hòa Bình và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của các xã vùng lân cận, đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm địa phương của du khách khi đến Vân Sơn du lịch vào dịp cuối tuần.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục