Mới đây, cộng đồng Mường Vang nói chung, người dân vùng Mường Cỏ, xã Mỹ Thành (Lạc Sơn) nói riêng phấn khởi khi di tích bãi đá có hình khắc cổ tại suối Cỏ, xã Mỹ Thành được xếp hạng di tích khảo cổ học cấp tỉnh.


Hình ảnh di tích khảo cổ học cấp tỉnh bãi đá có hình khắc cổ tại suối Cỏ trưng bày tại UBND xã Mỹ Thành (Lạc Sơn).

Giới thiệu về giá trị đặc sắc của di tích, đồng chí Bùi Văn Tới, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Thành cho biết: Mường Cỏ xưa là vùng đất cổ, có lịch sử cư trú lâu đời. Khu vực trung tâm di tích trước đây là rừng rậm, cây cối um tùm, xung quanh là những dãy đồi bao bọc. Sau khi ông cha khai hoang, mở đất đã tạo ra các thửa ruộng bậc thang ven hai bên dòng suối cùng những ngôi nhà sàn ven sườn đồi. Các hình khắc cổ được phát hiện qua quá trình lao động canh tác của nhân dân địa phương.

Suối Cỏ dài khoảng 6km, bắt nguồn từ núi Voi, chảy vào thung Cỏ thuộc xóm Chum và chảy qua các xóm Rậm, Cỏ Giữa, Vó Cỏ, Bùi Rường, tiếp tục chảy qua xã Văn Nghĩa đổ về hồ Cánh Tạng. Quá trình điều tra, khảo sát và nghiên cứu tại khu vực bãi đá suối Cỏ phát hiện 2 khối đá có hình chạm khắc cổ cách nhau khoảng 25m. Sau khi khảo sát mở rộng phát hiện thêm một khối đá granit lớn nằm chìm một phần trong lòng đất. Theo nhận định bước đầu của các nhà khoa học, hình khắc vẽ trên các phiến đá tại suối Cỏ có từ thời Tiền - Sơ sử, niên đại khoảng 2.000 năm cách ngày nay.

Trong đó, trên khối đá lớn hình lục lăng có 1 hình khắc lớn, các đường chạm khắc khá rõ nét, kỹ thuật được làm bởi các rãnh đục chìm, thể hiện rất rõ đồ án như hình một người bụng phệ giơ hai tay lên trời. Phía đỉnh hai tay là hai hình tròn đồng tâm có chấm ở giữa, mô típ vòng tròn đồng tâm này rất quen thuộc trên đồ đồng văn hóa Đông Sơn. Khối đá thứ hai nằm cách khối đá thứ nhất khoảng 20 - 25m về phía thượng nguồn sát bờ bên trái dòng suối. Các hình khắc phân bố trên bề mặt khá phẳng của đỉnh chóp khối đá, gồm 4 cụm hình khá giống nhau tạo thành 4 hình khắc độc lập. Đặc trưng chung của mỗi cụm hình khắc là 2 hình tròn đồng tâm. Khối đá thứ 3 khá giống hình con cá có 9 lỗ vũm (nhân dân còn gọi là hòn đá "đoóng”). Điểm độc đáo đáng chú ý nhất là trên phần đá hở ra đếm được 9 hốc đá lõm xuống dạng lòng bát, tạo hình tự nhiên giống như hình cá với đầu và mắt là phía có hốc đá sâu, rõ nhất.

Cũng theo nghiên cứu của các nhà khoa học, các nghi lễ được diễn ra tại ngôi miếu nhỏ cách các hòn đá có hình khắc cổ khoảng 100m. Sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng chủ yếu tại di tích thể hiện qua các nghi lễ hàng năm như: phần lễ diễn ra tại miếu, nghi thức "đóng đuống” được thực hiện tại khối đá giống hình con cá có 9 lỗ vũm, phần hội được tổ chức tại khu ruộng Đồng Đoóng.

Thành thông lệ hàng năm, đến ngày mồng 9 tháng Giêng (tức ngày 8 cây tính theo lịch Mường Vang), nhân dân chuẩn bị lễ vật đến địa điểm thực hành nghi lễ để cầu mong sức khoẻ, mùa màng bội thu, nhân dân no ấm. Thông qua các nghi thức, nghi lễ, người dân vùng Mường Cỏ muốn thể hiện truyền thống "Uống nước nhớ nguồn” của cộng đồng, tôn vinh những hình tượng thiêng, được định danh là những vị thần, thánh, những người có nhiều công lao với dân, với nước.

Tiến sĩ Nguyễn Việt, Giám đốc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á khẳng định: Dưới góc độ khảo cổ học, các hình khắc mang tính biểu tượng tại bãi đá cổ suối Cỏ là một trong số rất ít tác phẩm mỹ thuật có dấu ấn mỹ thuật, kỹ thuật chạm khắc đá thời Tiền - Sơ sử, là nguồn tư liệu sử học, dân tộc học khách quan, trung thực, cho thấy đây thực sự là một bước phát triển mới về tư duy, nhận thức của cư dân cổ sinh sống quanh vùng sơn khối lõi của tỉnh Hòa Bình, nơi phân bố nhiều di tích gốc của nền "Văn hóa Hòa Bình”. Họ đã biết sử dụng không gian tự nhiên của các mặt đá để hình thành nên một không gian nhân tạo, phản ánh nhận thức của mình về môi trường mà họ sinh sống.

Chị Bùi Thị Diền, Chi hội trưởng chi hội phụ nữ xóm Rậm, xã Mỹ Thành chia sẻ: Tôi cũng như nhiều người dân vùng Mường Cỏ ý thức được trách nhiệm của mình trong việc tham gia bảo tồn nguyên trạng di tích bãi đá có hình khắc cổ, đồng thời gìn giữ, không tác động ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường xung quanh.

Theo đồng chí Nguyễn Thị Linh Ngọc, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, di tích khảo cổ học cấp tỉnh bãi đá có hình khắc cổ tại suối Cỏ, xã Mỹ Thành có giá trị lớn đối với công tác nghiên cứu tiền sử, lịch sử của địa phương, đất nước, thậm chí cả ý nghĩa quốc tế. Thời gian tới, địa phương cần chú trọng hơn nữa việc bảo tồn, tiếp tục mở rộng điều tra, khảo sát để phát hiện thêm các hình khắc tương tự trên địa bàn xã và vùng lân cận nhằm tránh bỏ sót các di sản quý; quan tâm đầu tư tôn tạo, cải tạo cảnh quan di tích và nghiên cứu khôi phục các hoạt động tín ngưỡng truyền thống, gắn với giới thiệu, quảng bá hình ảnh của địa phương. Mỗi người dân cũng như du khách tích cực bảo vệ, phát huy giá trị của di tích.

  

Bùi Minh

Các tin khác


Vang mãi bản hùng ca mừng 50 năm ngày thống nhất

Tháng Tư lịch sử mang theo những giai điệu hào hùng của một thời đấu tranh và chiến thắng. Năm nay tròn 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tỉnh Hoà Bình tổ chức nhiều hoạt động văn hoá, văn nghệ chào mừng. Những lời ca, điệu múa được cất lên, kết nối quá khứ oai hùng với hiện tại rực rỡ, lan tỏa tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc đến mọi tầng lớp nhân dân.

Tạo sức bật cho nghề truyền thống

Thời gian qua, các nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, mây tre đan, nấu rượu cần, chế tác gỗ lũa, đá cảnh… không chỉ lưu giữ những nét đẹp văn hóa dân tộc, mà còn tạo ra giá trị kinh tế, đem lại thu nhập cho người dân. Để phát triển bền vững, ngoài việc gìn giữ và nâng cao tay nghề của người thợ, tỉnh và các địa phương đã, đang có nhiều biện pháp hỗ trợ về vốn, trang thiết bị, quảng bá, xúc tiến thương mại để các sản phẩm vươn đến được thị trường lớn trong và ngoài tỉnh.

Tuần Văn hóa - Du lịch tại Điểm du lịch cộng đồng xóm Mỗ, xã Bình Thanh 

Ngày 1/5, Hợp tác xã Du lịch xóm Mỗ, xã Bình Thanh (Cao Phong) tổ chức Tuần Văn hóa - Du lịch năm 2025 với nhiều hoạt động đặc sắc chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025) và Ngày Quốc tế lao động (1/5).

Tháng Tư ở thành phố mang tên Bác

Thành phố Hồ Chí Minh không phải lần đầu tiên chúng tôi đến. Lần nào đặt chân đến thành phố này cũng vậy, vẫn cảm giác vừa lạ lẫm, lại vừa thấy thân quen. Lạ vì phố xá còn chưa thể đi hết. Quen là được sống trong không khí, niềm vui của ngày chiến thắng 30/4 ngay trên thành phố mang tên Bác. Đến Thành phố Hồ Chí Minh thời điểm chuẩn bị kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, nơi đâu chúng tôi cũng cảm nhận không khí vui tươi, rợp cờ hoa của "ngày vui đại thắng”...

Rực rỡ "Đường cờ Tổ quốc" mừng ngày thống nhất non sông

Trước thềm kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), nhiều địa phương trong tỉnh cùng triển khai thực hiện mô hình "Đường cờ Tổ quốc”. Những tuyến phố rợp màu cờ đỏ sao vàng. Không khí hân hoan đón chào kỷ niệm trọng đại của dân tộc lan tỏa từ trung tâm thành phố đến các thôn, xã, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước và niềm tự hào dân tộc trong lòng mỗi người dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục