Khu vườn cổ vật.

Khu vườn cổ vật.

Hiếm có người nào yêu Huế, cũng như cổ vật Huế như ông Hồ Tấn Phan. Ông được gọi là "Người đọc sử dưới lòng sông", "Ông cổ vật", "Kẻ tha thẩn số một"... Còn ông, chỉ nhận mình là người yêu Huế và có duyên gìn giữ kho cổ vật, được trục vớt dưới dòng sông Hương.

 

1.Khu "bảo tàng tư gia" của nhà sưu tập đồ cổ Hồ Tấn Phan ở địa chỉ 28/5 Cao Bá Quát - TP Huế đầy ắp cổ vật. Ba gian nhà của ông chật ních toàn đồ cổ, chỉ chừa lại lối đi và khu vườn rộng hơn 3.000m2 cũng bày la liệt đồ sành sứ cổ. Những cổ vật đó chứng tỏ Huế từng là nơi giao thương, buôn bán sầm uất của một thời xa xưa. Ai muốn tìm hiểu nguồn gốc sâu xa, phải bám sát vào những hiện vật chứa trong lòng Huế.

Ông Phan kể về cái duyên khiến ông quyết định sưu tầm đồ cổ dưới dòng Hương rất... tưng bừng. Với ông đó là chuyện vui đáng tự hào. "Tui vốn là thầy giáo làng đam mê lịch sử, nhưng chưa từng nghe nói về những "tàng thư" được cất giữ dưới đáy sông. Một lần bà xã tui đi đỡ đẻ cho một nhà làm nghề thuyền chài trên sông Hương, lúc mẹ tròn con vuông, nhà chủ vì nghèo nên chẳng biết cảm tạ bằng gì. Sẵn có một cái hũ sành được vớt từ dưới sông lên, họ tặng luôn. Về nhà, tui săm soi nhìn ngắm, rồi bị cuốn hút bởi những chi tiết của nó, liền nảy ra ý định đi tìm nguồn gốc của nó. Thế là việc sưu tầm được bắt đầu, và tui đã có được bấy nhiêu đó".

Những người dân mưu sinh đã tìm được dưới sông không ít nồi, đèn, bình vôi, ống nhổ, chum, vại... dồn vào chờ ông Phan đến mua. Năm 1977, ông nghỉ dạy vì mất sức, từ đó có nhiều thời gian "săn" cổ vật hơn. Nhà và vườn của ông cứ thế được chất đầy những món đồ lớn nhỏ.

Những năm 1980, các cỗ máy khai thác cát sạn trên sông vào cuộc là lúc số lượng những món đồ trục vớt dưới nước tìm thấy nhiều hơn. Ông Phan nói rằng, sông Hương xứ Huế bảo lưu dưới lòng nó khối lượng đồ cổ tương đối lớn. Có hàng vạn món cổ xưa, mà niên đại của nó là 2 đến 3 nghìn năm trước và nó có tính liên tục. Dưới dòng sông Hương, có nhiều gốm Chăm và từ những đồ dùng bằng gốm, các nhà nghiên cứu (và cả ông Phan) có thể đọc được những nét sinh hoạt văn hóa... của người Chăm.

Qua những hiện vật mình có, ông Phan hiểu thêm giá trị của Huế và càng yêu Huế hơn. Trong đợt triển lãm cổ vật theo chủ đề "Dòng sông kể chuyện" diễn ra trong khuôn khổ Festival các làng nghề Huế 2009, ông Phan nói với khách tham quan: "Dòng sông không kể chuyện bằng ngôn ngữ đời thường mà bằng hiện vật".

2.Việc săn tìm cổ vật của ông Phan gặp nhiều khó khăn. Thứ nhất là người nhà không ủng hộ, thứ hai là tốn tiền mà lương của ông thì quá thấp, thứ ba người ta bảo ông lẩn thẩn, làm cái việc chỉ nhọc xác mà chẳng ra tiền. Sau rồi mọi chuyện cũng được ông thu xếp ổn thỏa. Gia đình và hàng xóm hiểu và thông cảm cho một người đã dành tình yêu cho cổ vật và văn hóa Huế. Hồ Tấn Phan dành nhiều thời gian cho những chuyến đi và "tuyên chiến" với gian nan thường nhật để được cưu mang đồ gốm cổ.

“Mấy năm nay khó khăn về tuổi tác, tui đã quen nhiều người nên nhờ họ hễ thấy thì mua giúp. Còn trước đây, đang ăn mà nghe nói có ai vớt được là buông đũa bát đi liền. Có lần còn quên đem tiền, phải dặn họ đừng bán cho ai, để tui về nhà... xoay. Lận đận thế đó, nhưng mà vui. Vì đồ tui sưu tầm được đều gắn với sinh hoạt của người dân lao động. Những thứ đó cũng là giá trị do sức lao động của họ làm nên, làm sao không yêu không quý cho được”.

Ông Hồ Tấn Phan say sưa nói về cổ vật.

Cũng không biết bao nhiêu lần ông phải xiểng liểng vì những món đồ này. Các tay thu gom lâu ngày đã thành tinh, biết ông cần, về sau không chở bằng xe mà nắm từng cái một đem đến hô là đồ "độc" với giá lên tới cao ngất ngưởng.

3."Ngoài làm văn hóa, gìn giữ văn hóa không công ra, tui còn thể hiện một lối chơi đẹp", ông Hồ Tấn Phan tâm sự. Tôi hiểu ý ông, ông muốn nói người ta vẫn chọn những việc nhẹ nhàng, an nhàn và thích tiêu xài hưởng thụ. Còn ông thì tự "triệt tiêu" những thứ như rượu, thuốc lá để có tiền dành cho... đồ cổ.

Cũng theo ý ông thì, không phải ai muốn gìn giữ và sưu tầm được, vì người đó phải yêu, phải dấn thân, hiểu và có một sự dũng cảm nào đó. Tức là phải có tố chất từ bỏ những ao ước tầm thường để dành tâm huyết cho văn hóa. Và cuộc chơi của Hồ Tấn Phan cũng là cuộc chơi văn hóa.

Giờ ngôi nhà của ông hiện là nơi đến của những người con yêu Huế, những nhà nghiên cứu văn hóa Huế, những người sưu tầm đồ cổ... Để tiện cho việc giới thiệu và khách tham quan dễ hiểu, trong "bảo tàng" của mình, ông Phan cũng chia thành những chuyên đề: Dấu ấn của dòng sông, Mấy ngàn năm trước, Một thời Champa, Thấp thoáng Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội, Văn hóa ẩm thực, Đời thường xưa nay, Thuần phong mỹ tục...

Những món đồ gốm cổ đã minh chứng cho một vùng văn hóa Champa đặc sắc. Cũng là cách để con người nơi đây ghi nhớ quê hương bản quán của mình. Bởi theo ông Phan, con người có nhiều thứ nên quên đi, nhưng gốc gác văn hóa quê hương bản quán thì phải nhớ. Tôi ước mình có thể giúp được gì đó cho ông già mê mẩn với đồ cổ, vì ông gìn giữ có phải chỉ cho riêng ông đâu mà cho cả một Huế thân yêu đấy chứ

 

                                                                                 Theo CAND

Các tin khác


Tuyên truyền cổ động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ tại Đà Bắc

Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hòa Bình phối hợp Trường Cảnh sát nhân dân 1, Trung tâm VH-TT&TT huyện Đà Bắc vừa tổ chức đêm giao lưu văn nghệ tuyên truyền lưu động đợt I, năm 2024.

Ấn tượng Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ 3 

Xác định vai trò, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Đến nay, Ngày Sách Việt Nam đã trở thành hoạt động văn hóa thường niên, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Năm nay, Hòa Bình chọn tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc tại huyện Lạc Sơn và đã để lại ấn tượng tốt đẹp. Qua đó, tôn vinh văn hóa đọc và cổ vũ phong trào đọc, làm theo sách.

Gìn giữ điệu xoè Thái Mai Châu

Điệu xoè Thái ở Mai Châu đã có từ lâu đời và được lưu truyền từ thế hệ trước cho thế hệ sau. Múa xòe không chỉ là điệu múa phổ biến trong cộng đồng người Thái mà còn là nét văn hóa đặc sắc, hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa và đời sống tinh thần.

Lắng lòng nơi chiến khu rừng Sác

Đến TP Hồ Chí Minh vào thời điểm cuối Xuân, đầu Hè, có nhiều tuyến đường để đi, nhiều nơi để đến, nhưng chúng tôi đã chọn chiến khu rừng Sác là điểm dừng chân. Để được nghe, được thấy và được cảm nhận những chiến tích anh hùng, sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của những chiến sĩ đặc công Trung đoàn 10 (T10) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vì độc lập, tự do của dân tộc.

Trải nghiệm phiên chợ Bò Chủ nhật ở xã Vân Sơn

Từ chỗ chỉ họp vào thứ Ba hàng tuần, phiên chợ Bò tại xã Vân Sơn (Tân Lạc) chính thức họp thêm Chủ nhật từ ngày 24/3 vừa qua. Qua đó nhằm đưa chợ phiên trở thành nơi quảng bá bản sắc văn hóa của người Mường Hòa Bình và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của các xã vùng lân cận, đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm địa phương của du khách khi đến Vân Sơn du lịch vào dịp cuối tuần.

Giới thiệu hai cuốn sách “Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”

Ngày 19/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức giới thiệu hai cuốn sách "Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục