“Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ trong đời sống văn hóa đương đại và đổi mới hoạt động bảo tàng” là chủ đề của hội thảo khoa học do Cục Di sản văn hóa, Sở VH-TT và DL TPHCM và Trường Đại học Văn hóa TPHCM phối hợp tổ chức ngày 20-4 tại TPHCM. Nhiều ý kiến xác đáng cùng những tham luận khoa học đã được giới thiệu và thảo luận sôi nổi để nâng chất và phát triển hoạt động của Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ - bảo tàng đầu tiên ở Việt Nam theo phương thức xã hội hóa.

 

Thay đổi để làm mới mình

Cùng với xu thế phát triển chung của xã hội và ngành bảo tàng tại TPHCM, Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ đã phát triển đúng tầm hay chưa là vấn đề được nhiều người quan tâm.

Từ năm 1994, bảo tàng đã chú trọng sưu tầm tư liệu hiện vật về những đóng góp của phụ nữ miền Nam trong bảo tồn phát huy di sản văn hóa phi vật thể, liên quan đến lễ hội, tín ngưỡng, sinh hoạt văn hóa cộng đồng, làng nghề truyền thống… trong đó nổi bật vai trò người phụ nữ.

Đến nay, bảo tàng đã có nhiều bộ sưu tập: chóe, bộ ăn trầu, trang phục, trang sức, dụng cụ nhà bếp, đồ dùng trong sản xuất nông nghiệp lúa nước… và hàng trăm giờ ghi hình phim tư liệu các loại hình văn hóa phi vật thể như dân ca, lễ hội thờ bà, làng nghề truyền thống.

Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ cần đổi mới hoạt động để vừa nâng chất, vừa “làm mới” mình để ngày càng gần hơn với hơi thở và cuộc sống đương đại.

“Bảo tàng cần có không gian thích hợp cho hoạt động tuyên truyền, giáo dục với những trang thiết bị, phương tiện chuyên ngành. Phần trưng bày về lịch sử đấu tranh cách mạng của phụ nữ Nam bộ, ngoài các tư liệu, hiện vật, tôi mong được xem thêm vài đoạn phim thời sự ngắn hoặc nghe băng ghi âm kể chuyện về các mẹ, các chị đã góp sức mình vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước”, bà Huỳnh Ngọc Vân, Giám đốc Bảo tàng Chứng tích chiến tranh nêu ý kiến.

Bà Vân nói thêm, trưng bày các ngành nghề thủ công truyền thống của phụ nữ Nam bộ lại càng cần hơn những thước phim minh họa về các công đoạn sản xuất, lao động, “sẽ lãng mạn và dễ nhớ hơn khi cùng với hình ảnh phim tư liệu về làng nghề dệt chiếu là giọng ca ngọt ngào của danh ca vọng cổ Út Trà Ôn với bài Tình anh bán chiếu chẳng hạn”.

Lấy dẫn chứng từ triển lãm trưng bày “Câu chuyện Mekong - Thách thức và ước mơ” thuộc chương trình hợp tác giữa các nước Đông Nam Á và Thụy Điển vừa khai mạc tại An Giang, TS Hoàng Anh Tuấn, Phó Giám đốc Bảo tàng TPHCM chia sẻ sự cần thiết của việc áp dụng những ý tưởng độc đáo cộng với sự giúp sức của nhiều thiết bị hiện đại từ nước ngoài.

Cùng ý kiến này, GS-TS Michael John Hitchcook, một trong những chuyên gia nghiên cứu về bảo tàng của IMI University Centre, Anh (đang thỉnh giảng tại trường Đại học Văn hóa TPHCM) cho rằng, bảo tàng cần được trang bị nhiều thiết bị chuyên dụng, không nên trưng bày hiện vật quá cứng nhắc, nghiêm túc, đôi khi cần tạo cảm giác thư giãn thoải mái cho khách thưởng lãm khi đến bảo tàng.

Người dân TPHCM tham quan trưng bày những kỷ vật trong tù tại Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ. Ảnh: B.T.T.

Đổi mới ý tưởng

Thạc sĩ Phạm Kim Ngân (Trung tâm nghiên cứu bảo tồn tiến sĩ và các nhà khoa học Việt Nam) thẳng thắn bày tỏ: “Bảo tàng cần đổi mới quan điểm lựa chọn chủ đề và ý tưởng trưng bày”.

Rút bài học kinh nghiệm từ thành công của triển lãm trưng bày “Gánh hàng rong” (Bảo tàng Phụ nữ VN), bà Kim Ngân cho rằng: “Trước đây, bảo tàng của Việt Nam thường chọn trưng bày, giới thiệu về những nhân vật lịch sử, nhân vật ưu tú mà chưa chú trọng đến những con người và cuộc sống đương tại. “Gánh hàng rong” nói về thân phận, cuộc sống và những thách thức của những phụ nữ bán hàng rong ở Hà Nội, khi TP này có chủ trương hạn chế bán hàng rong ở một số tuyến đường. “Gánh hàng rong” được đánh giá đã vượt qua 4 bức tường của bảo tàng để gắn kết với cộng đồng, với cuộc sống, mang hơi thở đương đại bằng chính tính chất thời sự của nó”.

TS Lê Thị Minh Lý, Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa nhận định: “Đổi mới hoạt động bảo tàng là xu hướng tất yếu của xã hội phát triển, nhất thiết phải có sự chuẩn bị về nguồn lực, nhân lực và tập trung thực hiện”.

Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ là bảo tàng về giới nữ đầu tiên ở Việt Nam, đi vào hoạt động từ năm 1985. Từ sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân, bảo tàng đã xây dựng 14 nhà tình nghĩa, tình thương cho các phụ nữ nghèo. Riêng trong năm 2010, bảo tàng làm cầu nối vận động các doanh nghiệp ủng hộ 5 tỷ đồng, xây dựng 100 căn nhà tình nghĩa cho các phụ nữ chính sách tại các tỉnh thành Nam bộ. Bảo tàng đã vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng nhất của Nhà nước trao tặng

 

                                                                                Theo SGGP

Các tin khác


119 cán bộ, công chức, viên chức được bồi dưỡng tiếng dân tộc Mường

Trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình vừa tổ chức bế giảng lớp bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc Mường cho cán bộ, công chức, viên chức khóa I, II năm 2023.

Huyện Kim Bôi đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hoá

Hưởng ứng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, những năm qua, các cấp, các ngành, xã, thị trấn trên địa bàn huyện Kim Bôi đã cụ thể hóa bằng các hoạt động thiết thực, hiệu quả, góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết, giúp nhau giảm nghèo bền vững, xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa lành mạnh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Tết Nhảy - nghi lễ truyền thống của người Dao

Đồng bào dân tộc Dao trong tỉnh gìn giữ được nhiều bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình, nhất là trong nghi lễ, tín ngưỡng. Trong đó, Tết Nhảy là nghi lễ quan trọng bậc nhất có từ lâu đời, phản ánh sinh động đời sống tín ngưỡng của người Dao.

Lưu giữ giá trị nền “Văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng thế giới

Hoà Bình là vùng đất cổ, với các dải núi đá vôi chạy dọc theo hướng Đông Nam, song song với dải Trường Sơn ở phía Tây đã tạo ra nhiều bồn địa, thung lũng với hệ động, thực vật phong phú. Ngay từ thời tiền sử, con người đã sớm sinh tụ trên mảnh đất này, để lại một nền văn hóa nổi tiếng thế giới - "Văn hóa Hòa Bình" (VHHB).

Du Xuân trẩy hội Bồng Lai

Tọa lạc tại chân núi Đầu Rồng thuộc khu 3, thị trấn Cao Phong (Cao Phong), đền Bồng Lai (còn gọi là Đền Thượng Bồng Lai) nằm trong quần thể di tích quốc gia danh lam thắng cảnh hang động núi Đầu Rồng. Cùng với đền Đông Sơn nằm gần kề, ngôi đền đón người dân và du khách nô nức đến dâng hương, vãn cảnh dịp đầu năm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục