Xa rời thực tế Việt Nam, êkíp sản xuất không chuyên nghiệp là nhận xét chung của những người làm việc trong ngành thời trang về phiên bản Việt của 'America's Next Top Model'

 

America's Next Top Model (ANTM) là chương trình truyền hình thực tế dành cho phụ nữ và các bạn gái trẻ yêu nghề người mẫu. Họ sẽ tranh tài với nhau để giành được cơ hội trở thành người mẫu đỉnh cao của Mỹ và bước chân vào ngành công nghiệp thời trang chuyên nghiệp.

Do cựu siêu mẫu Tyra Banks sáng lập, mùa thi ANTM đầu tiên lên sóng vào tháng 5/2003 và lập tức trở thành một trong những chương trình truyền hình ăn khách nhất của hệ thống truyền hình cáp thế giới.

Hà Anh giữ vị trí 'host' của Vietnam's next top model. Ảnh: MA
Hà Anh (phải) giữ vị trí 'host' của Vietnam's Next Top Model. Ảnh: MA.

ANTM phiên bản Việt do Công ty Multimedia đưa vào Việt Nam không nằm ngoài mục đích chọn ra các gương mặt người mẫu Việt thế hệ mới. Phiên bản này phần nào "giải tỏa" cơn khát về chương trình thời trang đúng nghĩa ở Việt Nam trong khi có quá nhiều show diễn ca nhạc, cuộc thi hoa hậu. Ngay khi có thông tin về chương trình trên báo chí, hầu hết người hoạt động trong các lĩnh vực liên quan đến thời trang đều bày tỏ sự háo hức, mong đợi.

Thế nhưng, sau khi lên sóng, Vietnam's Next Top Model (VNTM) không tạo được hiệu ứng như mong đợi.

Nhà thiết kế Đức Hùng nhìn nhận, phiên bản Việt chưa "chạm" được thành công của phiên bản quốc tế. "Đây là chương trình thực tế nên phải xuất phát từ thực tế. VNTM không dựa vào thực tế của văn hóa, con người Việt Nam mà chỉ rập khuôn theo bản gốc, xa rời với gu thẩm mỹ của người Việt. Lúc đầu, tôi xem chương trình là do tò mò nhưng rồi, êkíp sản xuất 'làm không tới' khiến tôi mất hứng xem", anh nói.

Bốn thí sinh còn lại của
Top 4 thí sinh của VNTM (từ trái sang): Thu Thủy, Thanh Hoa, Huyền Trang, Tuyết Lan.

Sự thiếu thực tế phô bày ngay trong các tình huống mà nhà sản xuất chọn để thử thách các cô gái tập làm người mẫu. Không khó để thấy nó hoàn toàn không phù hợp với môi trường Việt Nam. Trong một tập đã lên sóng, các thí sinh được đưa vào một căn phòng đóng băng để chụp ảnh với nhiệt độ âm có tuyết rơi. "Đó là một sự rập khuôn gượng gạo, không phù hợp với hoàn cảnh trong nước", đạo diễn Nguyễn Quý Khang nói.

Đạo diễn của chương trình Thời trang và Cuộc sống còn phản bác tính chất thực tế ở điểm, đã là chương trình thực tế thì việc ghi hình và phát sóng phải thực hiện cùng lúc để tạo độ bất ngờ, lôi cuốn người xem. "Đằng này, tôi gặp một cô thí sinh xách vali về Hà Nội đã khá lâu mà phải đợi đến tuần sau mới xem được tập cô ta bị loại. Không còn gì là hấp dẫn", anh phàn nàn.

Thí sinh - nhân tố chính để tạo nên sức hút của một chương trình cũng bị đánh giá yếu kém.

Tiêu chí của ANTM là tạo cơ hội để những cô gái bình thường, thậm chí vô danh được tiếp xúc môi trường làm người mẫu chuyên nghiệp. Nhưng khi đến Việt Nam, ngay trong danh sách thí sinh ban đầu đã có những cái tên quen thuộc: Lâm Thu Hằng (Hoa hậu biển cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2008, hoạt động người mẫu), Tuyết Lan (người mẫu xuất hiện trên khá nhiều bộ ảnh thời trang trong các tạp chí), hay Đàm Thu Trang (Miss Teen được yêu thích 2008 - Top 20 Hoa hậu Việt Nam 2010)...

Chính cách chọn lựa thí sinh ban đầu như thế dẫn đến nội dung chương trình nhạt. Mỗi tập được lên sóng, người xem không thấy rõ sự lột xác của các thí sinh, cũng không thấy khả năng của các cô gái đã được uốn nắn, thay đổi rõ rệt thế nào.

Người mẫu Trang Trần tỏ vẻ bức xúc về phiên bản Việt của chương trình quốc tế mà cô rất yêu thích: "Tôi thật không hiểu nổi tiêu chí mà ban tổ chức đặt ra cho một model. Cuộc thi người mẫu chứ đâu phải hoa hậu mà cứ khoe chân dài, gương mặt đẹp. Những khoảnh khắc lột tả cảm xúc, thần thái biểu diễn trang phục, catwalk thì đâu mất?".

Người mẫu gốc Hà Nội nhận xét thêm, các thí sinh có gương mặt quá nhạt nhòa. Siêu mẫu Thanh Hằng, Vũ Thu Phương... cũng cho biết, không thí sinh nào gây được chút ấn tượng đối với họ.

Trang Trần (bìa phải) và Võ Hoàng Yến (bìa trái) là những gương mặt sáng giá trên sàn diễn thời trang Việt. Ảnh: Thiên Hùng.

Giới stylist cũng không "mặn mà" với VNTM. Nhiều người cho rằng thật khó để chọn ra được một gương mặt, một mẫu cá tính, biết diễn xuất để lên ảnh.

Stylist Nguyễn Bình Yên cho biết, cảm giác háo hức chờ đợi chương trình phát sóng mất hẳn chỉ sau vài lần theo dõi. Và càng về sau, chương trình càng khó làm cho anh tin rằng, sẽ có một model sáng giá bật lên từ đây. "Không thể đổ lỗi cho các bạn thí sinh bởi cách tạo dáng, điều khiển tình huống là do nhà sản xuất. Họ chưa tạo ra được tình huống thích hợp, thuần Việt nên khán giả khi xem thấy không thân thuộc và khó cảm nhận hết nét diễn của thí sinh".

Đồng ý kiến, stylist Nguyễn Thiện Khiêm nhận xét, chất "mẫu" ở các cô gái không được phát huy trong quá trình huấn luyện và đào tạo. "Bản thân tôi có chút ấn tượng với Tuyết Lan (một trong ba cô gái còn lại của đêm chung kết) vì Lan toát lên được tố chất người mẫu. Nhưng cảm nhận này tôi có từ trước khi Lan đến VNTM, từ lúc hợp tác cùng Lan chụp ảnh trước đây", anh nói.

Còn stylist kiêm người mẫu Quang Tuyến bất bình về thành phần giám khảo: "Những người dẫn chương trình không có đủ sức thuyết phục. Huy Võ, Hà Anh không phải là những tên tuổi có tiếng trong làng thời trang Việt. Ở Việt Nam, Xuân Lan, Thúy Hạnh mới là những cái tên thành công của ngành người mẫu. Tiếng nói của họ mới có sự thuyết phục và đủ khả năng để định hướng cho các thí sinh trẻ".

Đạo diễn Quý Khang và stylist Nguyễn Thiện Khiêm trong buổi tiệc I Model của công ty Venus. Ảnh: T.K.
Đạo diễn Quý Khang (ngoài cùng bên trái) và stylist Nguyễn Thiện Khiêm (thứ hai từ trái sang) dự chương trình thời trang "I Model" của công ty Venus. Ảnh: T.K.

Ý kiến của người trong giới giúp giải thích lý do khán giả thờ ơ với chương trình. Sau vài clip râm ran trên các mạng xã hội, diễn đàn ở thời gian đầu, càng về sau, khán giả không còn hào hứng bàn tán về VNTM. Cũng không thấy tên một thí sinh nào tạo được hiệu ứng khiến khán giả thi nhau bàn luận, đánh giá khen chê tốt xấu như một số thí sinh của các chương trình truyền hình thực tế khác cùng lên sóng trong năm có được.

VNTM đang ở cuối chặng đường để chọn ra được ngôi vị người mẫu đỉnh cao vào tối 23/1 tại TP HCM. Lần đầu sản xuất, những tín hiệu không vui ở trên không nói lên thái độ quay lưng của công chúng, mà theo đạo diễn Quý Khang, đó là những phản hồi thiết thực với ý muốn đóng góp cho chương trình tốt hơn trong những lần tổ chức sau. "Dẫu thế nào, những chương trình chuyên về thời trang rất cần có. Nó sẽ đóng góp thiết thực cho sự phát triển của ngành nghề này tại Việt Nam", anh nói.

 

                                                                              Theo VnExpress

 

 

Các tin khác


Gặp mặt cơ quan báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật khu vực Trung du, miền núi Bắc Bộ

Chiều 15/4, tại TP Việt Trì, Ban Tuyên giáo T.Ư chủ trì, phối hợp với Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Quân khu 2 và Tỉnh ủy Phú Thọ tổ chức gặp mặt các cơ quan báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật khu vực Trung du, miền núi Bắc Bộ. Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư chủ trì cuộc gặp mặt.

Tổ chức Tết cổ truyền Bunpimay cho lưu học sinh, sinh viên Lào

Ngày 15/4, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Hoà Bình và Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Hoà Bình (TP Hoà Bình) phối hợp tổ chức Tết cổ truyền Bunpimay năm 2024 cho các lưu học sinh, sinh viên (HS, SV) Lào đang học tập tại 2 trường. 

Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, học sinh, sinh viên huyện Lạc Thủy

Huyện Lạc Thuỷ vừa tổ chức Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, học sinh, sinh viên năm 2024 với chủ đề "Hát mãi khúc quân hành”. Hội diễn thu hút trên 260 diễn viên, nghệ nhân từ 10 xã, thị trấn.

Rộn ràng Lễ rước kiệu về Đền Hùng

Ngày 15/4 (tức mùng 7/3 âm lịch), tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, thành phố Việt Trì (Phú Thọ), Ban Tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2024 tổ chức rước kiệu về Đền Hùng tri ân công đức các Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.

Nét độc đáo trong lễ hội đình Băng

Đình Băng ở xóm Băng, xã Ngọc Lâu, huyện Lạc Sơn là ngôi đình lớn, thờ thành hoàng chính là Quốc mẫu Hoàng Bà (mẹ đức thánh Tản Viên Sơn), Tản Viên Sơn thánh, ngoài ra còn thờ một số thành hoàng khác: Vua Cả, Vua Hai (thần ở mái đá làng Vành, xã Yên Phú, huyện Lạc Sơn), vua Út, Vua Ả là con gái Quốc mẫu Hoàng Bà. Đình đã được các đời vua thời phong kiến sắc phong nhưng nay thất lạc không còn.

Lan tỏa văn hóa đọc và tình yêu sách trong cộng đồng

Do tác động của công nghệ thông tin, mạng internet, các thiết bị điện tử nên đã ảnh hưởng đến việc đọc của thế hệ trẻ, lấn át văn hóa đọc truyền thống. Sau khi có Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, các bộ, ngành, các cấp từ Trung ương đến địa phương đã chung tay đẩy mạnh phong trào đọc sách và phát triển văn hóa đọc trở thành hoạt động lớn trong tháng Tư hằng năm nhằm tôn vinh giá trị của sách trong cộng đồng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục