Vấn đề bảo tồn, kế thừa, phát huy các giá trị tốt đẹp của văn hóa nhà sàn dân tộc Mường trong cuộc sống đương đại là việc làm vô cùng cần thiết.

Vấn đề bảo tồn, kế thừa, phát huy các giá trị tốt đẹp của văn hóa nhà sàn dân tộc Mường trong cuộc sống đương đại là việc làm vô cùng cần thiết.

(HBĐT) - Hoà Bình là tỉnh đông người Mường sinh sống. Dân tộc Mường cư trú chủ yếu ở tỉnh Hoà Bình, Phú Thọ, Sơn La, Yên Bái, Thanh Hoá, Ninh Bình, Hà Tây, và rải rác ở một số tỉnh khác như Hà Nam, các tỉnh Tây Nguyên.

 

Theo số liệu thống kê năm 2001, người Mường có số dân là 1.137.515 người; riêng ở tỉnh Hoà Bình, dân tộc Mường chiếm 62,8% dân số. Nằm sát gần Hà Nội song dân tộc Mường ở Hoà Bình vẫn giữ được những nét bình yên riêng. Người Mường luôn sống yêu thương, đoàn kết. Trong quá trình giao thoa giữa các nền văn hoá tuy có bị ảnh hưởng song dân tộc Mường vẫn giữ được những nét văn hoá truyền thống của mình, đó là những nét văn hoá người Việt Cổ. Theo những kết quả nghiên cứu của nhiều công trình về ngôn ngữ học, về khảo cổ học, dân tộc học,… các nhà nghiên cứu đã nhận định rằng dân tộc Mường và dân tộc Kinh (Việt) hơn một ngàn năm trước có chung một nguồn gốc, tổ tiên, đó là người Việt Cổ (hay còn gọi là Việt - Mường), họ là những chủ nhân của nền văn hoá Đông Sơn rực rỡ của dân tộc ta. Trong quá trình phát triển, một bộ phận của người Việt Cổ đã xuôi theo các dòng sông lớn như sông Hồng, sông Mã… tiến hành khai phá đồng bằng, gây dựng cuộc sống mới. Từ đây bắt đầu có sự phân chia: những bộ phận ở lại thung lũng, chân núi thành người Mường hiện nay; còn bộ phận di cư và gây dựng cuộc sống mới ở đồng bằng, ven biển trở thành những người Kinh hiện nay. Sự thật lịch sử này đã phần nào được phản ánh trong câu truyện truyền thuyết Lạc Long Quân - Âu Cơ mà tất cả chúng ta ai cũng biết và tự hào về nguồn gốc của mình.

 

Cũng theo các nhà ngôn ngữ học, ngôn ngữ của người Mường cũng có nhiều điểm tương quan với ngôn ngữ người Việt, nhiều những nét văn hoá Mường cũng tương đồng với văn hoá của dân tộc Kinh. Nói vậy để thấy được việc giữ gìn giá trị văn hoá Mường là nhiệm vụ rất lớn trong việc bảo tồn văn hoá truyền thống của dân tộc.

 

Hoà Bình là tỉnh trung du, miền núi địa hình thấp vừa phải, độ cao trung bình là 300m, xen kẽ các dãy núi là các thung lũng rộng, khá trù phú, từ xa đã nổi lên những trung tâm kinh tế, xã hội Mường như các Mường: Bi, Vang, Thang, Động. Từ xưa đến nay, dân tộc Mường quen cư trú thành từng xóm, quê, nhiều xóm, quê gộp lại thành một Mường. Nhà cửa, xóm làng của người Mường thường dựng dưới chân đồi, chân núi, nơi tiếp giáp đồng ruộng, nhà cửa người Mường khác với các dân tộc khác là hay nằm sát nhau và có chung hàng rào. Người Mường dựng nhà dựa vào những nguyên vật liệu có sẵn từ cột nhà, mái nhà, tường nhà,… tất cả đều lấy từ trên rừng.

 

Sự phân bố dân cư Mường ở Hòa Bình gắn liền với nguồn gốc lịch sử, môi trường tự nhiên của khu vực cũng như tập quán sản xuất và sinh hoạt của dân tộc Mường. Không gian sống của người Mường Hòa Bình bên ngôi nhà sàn truyền thống. Nét đặc trưng các bản, làng của người Mường là nằm thấp thoáng trong màu xanh bao la của núi rừng, gần sông, suối và những cánh đồng phì nhiêu. Hoà Bình hầu hết là người Mường. Nhà sàn của người Mường Hoà Bình có giá trị văn hoá phong phú, đa dạng, thể hiện được nét đặc trưng riêng của người Mường.

 

Làng xóm của người Mường thường xây dựng ở dưới chân đồi. Truyền thống văn hoá của dân tộc Mường không cho phép dựng nhà thành hàng, lối nhưng bao giờ, nhà sàn cũng đều ở vị trí dựa lưng vào thế đất cao như sườn đồi, sườn núi. Mỗi nhà có thể bày biện, trang trí khác nhau nhưng cấu trúc cơ bản về gian, buồng giống nhau. Giữa màu xanh thiên nhiên núi rừng, những nếp nhà sàn vẫn tồn tại như một minh chứng rõ nét nhất về sức sống lâu bền của văn hoá Mường truyền thống. Một trong những nét độc đáo của các bản làng người Mường là hệ thống các ngôi nhà sàn. Nhà sàn không đơn giản chỉ là chỗ ở mà còn là sự biểu hiện của lối sống, phong tục tập quán, tín ngưỡng của đồng bào Mường. Kiến trúc giản dị, song lại lưu giữ trong lòng một giá trị lịch sử đặc sắc.

 

Người ta quan niệm, nếu không được hướng thì phải được thế đất và một số yếu tố liên quan như: phía trước phải bằng phẳng, có sông, suối, xa hơn có núi lờ mờ. Phía sau không được có vực sâu mà phải có núi làm thế tựa. Xung quanh nhà không tù túng. Đối với người Mường chọn được địa điểm làm nhà đẹp cả “thế” và “hướng” thì làm ăn giàu có, người trong nhà khoẻ mạnh, sống lâu.

 

Người Mường cũng có một số quan niệm khi chọn hướng cửa. Nhà nào mới bắt đầu mở cửa (tức là đào đất làm đường vào nhà) cũng phải nhờ thầy chọn ngày, chọn giờ tốt mới làm. Cho dù ở nơi đất cao, thấp hay bằng phẳng, người Mường đều tuân theo một quan niệm giống nhau, đó là: Hướng cửa phải quy tụ được những tinh khí của trời đất và vạn vật xung quanh mong tạo ra những điều may mắn cho người sống trong nhà. Người ta không làm cửa đâm thẳng ra ngã ba đầu đường, không để đường vào nhà sọc thẳng vào cột góc của ngôi nhà mà phải làm song song với hướng nhà ở.

Nhà sàn Mường được xây dựng bằng kiến trúc dựa trên nguồn nguyên liệu thảo mộc như gỗ, tre, nứa, lá. Người Mường thường sử dụng một số loại gỗ quý đặc trưng để làm những bộ phận quan trọng trong ngôi nhà như: gỗ trai, chò chỉ, nghiến; sến, táu, dổi, de, đinh, lát... Vì chân cột nhà sàn thường được chôn sâu xuống đất từ 80 cm - 1m nên phải làm cột bằng thứ gỗ không bị mối ăn, không mục, không mọt. Ngoài gỗ để làm các chi tiết chính, nhà sàn của người Mường cần sử dụng các loại tre, bương, hóp để làm đòn tay, đan vách...Trước đây nhà sàn cổ sử dụng đinh gỗ, đinh tre, chêm gỗ để cố định mộng chính và dùng các loại dây leo bện để nín những mộc phụ theo hình chữ X, nay mới sử dụng đinh sắt. Nhà sàn truyền thống thường được lợp bằng cỏ gianh, lá cọ. Gianh tốt thường cắt thành hai đoạn. Đoạn gianh gần gốc gọi là gianh chân hương, loại gianh này rất bền, nếu được khói có thể bền đến 20 năm mới phải thay. Nhờ lợp mái gianh nên nhà người Mường ấm áp về mùa đông, mát mẻ về mùa hè.

Nhà sàn truyền thống của đồng bào Mường biểu hiện những nét riêng, chẳng hạn, số bậc cầu thang của nhà sàn truyền thống bắt buộc phải là số lẻ (5,7,9,11). Tổng số cửa ra, vào và cửa sổ của nhà sàn cũng phải là số lẻ. Bởi người Mường quan niệm rằng số lẻ theo quy luật vào - ra - vào thì của cải sẽ không đi ra ngoài, gia đình sẽ luôn được êm ấm, đoàn tụ, con cháu thành đạt... Tùy theo quy mô lớn hay nhỏ của nhà sàn mà số lượng các cửa trong nhà sàn ít hay nhiều. Nhà sàn truyền thống bao giờ cũng có hai cầu thang. Cầu thang phía trước thường dành cho khách, những người đàn ông đi lên nhà; còn cầu thang phía sau dành cho phụ nữ trong gia đình. Nhà sàn thường là nơi sinh sống của một gia đình gồm nhiều thế hệ. Gian thứ 2 của nhà sàn là gian quan trọng nhất, là nơi để lập bàn thờ và cho người cao tuổi trong gia đình nghỉ ngơi. Nhà sàn của người Mường thường làm bằng những tấm gỗ tốt, vuông vắn. Trước kia mái lợp nhà sàn là cỏ tranh hay lá cọ, lá kè; nay có thể thay bằng ngói, tấm lợp công nghiệp. Mỗi khi có gia đình làm nhà thì các hộ trong bản tập trung đến cùng làm, góp nguyên liệu. Gia đình chủ nhà làm gà, heo, mời cơm cả bản cùng ăn.

Từ bao đời, người Mường đã quen sống trên những ngôi nhà sàn. Đồng bào đã đúc kết toàn bộ đời sống văn hoá của mình qua câu ngạn ngữ: “Cơm đồ, nhà gác, nước vác, lợn thui, ngày lui tháng tới”. Nhà của người Mường thường dựng ở gò đồi, lưng dựa vào núi, nhà có 4 mái, ba gian, sàn lát bằng gỗ. Gian đầu tiên từ cầu thang lên gọi là gian gốc. Đây là gian quy tụ mọi tính linh thiêng của ngôi nhà, nơi diễn ra các lễ nghi thể hiện ứng xử của con người với ngôi nhà. Tại đây có một cây cột gốc to hơn các cây cột khác trong nhà, để đặt bàn thờ thờ tổ tiên. Mọi thành viên, kể cả chủ hay khách đều không được phép bôi nhọ, dựa lưng, gác chân, buộc đồ vật hay treo quần áo vào cột này. Phần cột dưới sàn cũng không được buộc trâu bò hay dựng, treo công cụ lao động. Nếu ai phạm phải những điều cấm trên, đều bị coi là xúc phạm đến gia đình, tổ tiên và thần linh. Vì vậy gian nhà gốc chỉ dành riêng cho nam giới, phụ nữ tuyệt đối không được ngồi nghỉ hoặc làm việc ở đây. Trong các ngày trọng đại như hôn lễ, ma chay, thì chỉ những nam giới có vai vế trong dòng họ mới được ngồi ăn uống. Tại gian nhà linh thiêng này có một cửa sổ làm sát đến sàn nhà gọi là cửa “voóng”, bình thường không ai được đưa vật gì hay chui qua, chỉ dành để đưa quan tài ra ngoài khi gia chủ có tang ma. Đối diện với cột gốc có một cây cột khác cũng quan trọng. ở chân cột này, người ta để vài cum lúa đã tuốt hết hạt. Đầu cột đội một cái giỏ thủng biểu hiện cho âm tính (đồng bào gọi là nường). Bên cạnh đó, người Mường treo một đoạn tre tước xơ một đầu cho bông lên biểu hiện cho dương tính (gọi là nõ). Điều này thể hiện quan niệm cân bằng âm dương, để tạo sự ổn định phát triển và thuận hoà cho cả gia đình. Tại gian này, người ta cũng treo những chiếc nạ mụ để giữ vía cho các thành viên nhỏ tuổi trong nhà. Gian giữa thường là nơi để thóc và làm bếp. Gian cuối cùng được ngăn với các gian khác trong nhà bởi một tấm liếp, là nơi để chạn bát, đồ dùng gia đình, bếp nấu cơm và là nơi ngủ nghỉ của phụ nữ. Nhà sàn của người Mường còn có mặt bằng thứ tư. Đó là sàn gác được làm từ những tấm gỗ hay cây bương gác qua các xà ngang, làm nơi đựng nông sản và các dụng cụ sinh hoạt gia đình.

Đầu hồi nhà người Mường bao giờ cũng có một chiếc đuống và một cối tròn. Đuống là dụng cụ để vò thóc, đồng thời là dụng cụ báo hiệu khi nhà có việc lớn như đám cưới, đám tang. Bên cạnh đó, đuống còn là nhạc cụ gõ của phụ nữ để tấu những bản nhạc vui trong những ngày lễ tết, hội hè hay chào mừng khách đến chơi nhà để tỏ lòng mến mộ. Gầm sàn là nơi để các công cụ sản xuất như: Cày, bừa, cuốc, liềm...và nhốt trâu bò. Ngày nay không ai còn để đuống và nhốt trâu bò dưới gầm sàn như trước nữa. Nhà sàn Mường ở Hoà Bình thường có hai cầu thang, gọi là cầu thang chủ và cầu thang khách. Cầu thang chủ đặt ở gian cuối dành riêng cho phụ nữ đi lại. Cầu thang khách đặt ở gian đầu dành cho khách và nam giới. Điều này khác hẳn với ngôi nhà có một cầu thang của người Mường ở tỉnh Phú Thọ. Người Mường Phú Thọ quan niệm: Nhà hai cầu thang sẽ mang lại sự xui xẻo, của cải sẽ không giữ được trong nhà “vào đầu này, ra đầu kia”, nên cả vùng không thấy có loại nhà hai cầu thang. Trên sàn, nhà của người Mường ở các nơi đều có hai bếp: bếp chủ và bếp khách. Bếp chủ ở bên trong để nấu nướng, sưởi lửa. Bếp khách để bên ngoài. Bếp chính được đặt ở pên cloong (bên trong) và pên đượi (bên dưới nhà sàn). Nơi đây ít có cửa voóng (cửa sổ) và gần vại nước (khạp khau). Ở gian ngoài, gian khách cũng có một bếp phụ ở pên đượi (bên dưới). Bếp ở gian khách chỉ dùng để sưởi, hong khô các vật dụng... và đun nước pha trà. Trên bếp lò chính ở gian trong, người ta làm một cái giá to và vững chắc (khưa) để sấy khô các lương thực, thực phẩm như: ngô giống, lúa giống và sấy khô thịt trâu, bò. Lò bếp là một cái khung hình vuông, cũng có thể là hình chữ nhật rộng chừng hơn 1m2, ghép bằng những tấm ván dày, bên trong có nện đất, đặt ngay trên mặt sàn. Trong lò bếp người Mường, dù cho đến khi có kiềng sắt, người ta vẫn dùng ba hòn nục (còn gọi là ba ông đầu rau - người Kinh). Ba hòn nục tượng trưng cho vua bếp (bua bêp). Việc dâng cúng vua bếp, người dân làm vào các dịp có nấu nướng lớn, còn mâm cúng không nhất thiết đặt cạnh bếp lò, có thể đặt ở ôông côông (thần thổ địa). Điều đặc biệt, người Mường rất cẩn thận trong sử dụng bếp, tuyệt đối kiêng kỵ không được làm ô uế lò bếp. Khách đến nhà chơi cũng được gia chủ thân tình tiếp chuyện bên bếp lửa. Trong những ngày đông giá rét, mâm cơm thường được dọn ngay cạnh bếp lửa. ông bà, con cháu cùng ngồi quây quần bên bếp lửa sưởi ấm, trò chuyện. Thường người Mường ít khi để bếp tắt, nếu không đun nấu thì sẽ ủ than dưới lớp tro, khi cần chỉ thổi lên là được và như vậy, bếp luôn có hơi ấm. Ngọn lửa ấm áp của bếp nhà sàn thể hiện nét sinh hoạt văn hoá đoàn kết, ấm cúng và thân thiện của bà con dân tộc Mường đã được lưu giữ qua bao thế hệ từ hàng trăm năm nay.

 

Điểm độc đáo của nhà sàn Mường là có nhiều bộ phận cấu thành, trong đó, mỗi bộ phận lại có những tác dụng, ý nghĩa riêng. Trước khi bước chân lên nhà sàn, họ phải rửa chân ở một cái “mọôc chạn” đựng nước sạch. Mọôc chạn có thể là một cái bể đục từ đá, một cái chĩnh, cái chum nhỏ hoặc đơn giản là 3-4 cái ống bương chôn chụm một chỗ. Ngày Tết, người Mường thường cắm một cây nêu ngay bên cạnh mọôc chạn để cho tổ tiên biết chỗ rửa chân mà lên nhà sàn. Sau khi rửa chân thật sạch, muốn lên nhà sàn Mường, đương nhiên phải qua cầu thang. “ Màn” (cầu thang) lên nhà sàn Mường thường là thang gỗ được đẽo thành hình chữ nhật và cũng có khi để nguyên thân cây gỗ tròn và chỉ cắt bậc vào chính thân cây đó. Tuy nhiên, số lượng bậc thang phải là lẻ, thường nhà sàn dựng ở các thế đất khác nhau, số lượng bậc cũng khác nhau, có thể là 3, 5, 7, 9 nhưng tuyệt đối phải là số lẻ. Màn không dựng thẳng vào cửa chính mà dựng vào mép một cái sảnh gỗ và đặt vuông góc với chiều đòn nóc nhà.

 

Nhà sàn của dân tộc Mường không chỉ là một giá trị vật chất hiện hữu của mấy ngàn năm lịch sử mà còn là một không gian tinh thần chứa đựng những giá trị nhân sinh, tín ngưỡng, phong tục tập quán lâu đời của nhiều thế hệ người Mường. Nhà sàn Mường không chỉ là một giá trị vật chất có bề dày lịch sử mà còn hàm chứa trong nó nhiều giá trị tinh thần đáng trân trọng, đó là: Tôn trọng ông bà, tổ tiên, tôn trọng người già; lòng hiếu khách, tôn trọng khách; tôn trọng giá trị gia đình, tình nghĩa vợ chồng thuỷ chung; khát vọng về một cuộc sống no ấm bình yên; tôn trọng thần linh và các lực lượng siêu nhiên trong quan hệ trực tiếp với cuộc sống con người. Vẻ đẹp bình dị, ấm cúng mà duyên dáng của nhà sàn Mường chỉ được tôn lên khi nó gắn với quần thể bản Mường, ẩn hiện trong cái dịu ngọt, huyền bí của thiên nhiên xứ Mường.

 

Với cách sử dụng các nguyên liệu sẵn có ở địa phương, người Mường đã tự đồng nhất, hòa mình vào thiên nhiên. Đó là một ý tưởng khôn khéo để duy trì thế cân bằng giữa con người và môi trường một cách bền vững nhất. Ở Hòa Bình, khí hậu nhiệt đới gió mùa, cần một ngôi nhà ở thoáng mát, nên dân tộc Mường chọn phương án kiến trúc nhà khung cột là hoàn toàn hợp lý.

 

Hiện nay, nhiều gia đình người Mường chuyển sang xây nhà gạch bên cạnh nhà sàn của họ và họ vẫn sinh sống chủ yếu ở nhà sàn. Khi được hỏi vậy xây nhà gạch làm gì? Họ trả lời xây thì cứ xây, nhưng đâu có ở, chỉ lúc nào mưa bão lớn mới sang đó. Có cả một phong trào quay lại nhà sàn. Đây là vấn đề ý thức. Song những mái nhà cổ truyền không còn tốt như trước. Gỗ lớn không còn khi rừng bị tàn phá. Lối vì kèo không đục mộng chỉ gác lên nhau không thực hiện được nữa, người Mường đành dùng lối vì kèo giá chiêng hay chồng giường của người Kinh, cây gỗ nhỏ hơn, có đục mộng lắp vào nhau cho chặt.

 

Như vậy nhà sàn của đồng bào Mường là một biểu hiện sinh động, đặc sắc của văn hoá vật chất từng gắn bó máu thịt với sinh hoạt hàng ngày của đồng bào qua nhiều thế hệ. Trong cấu trúc truyền thống, nhà sàn Mường là một kiến trúc đa năng, ngôi nhà thoả mãn nhiều nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của mỗi gia đình. Kiểu dáng nhà sàn Mường cũng là một nét riêng làm phong phú thêm văn hoá nhà sàn của các dân tộc Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Như vậy nhà sàn chính là cốt lõi của bản sắc văn hóa ở đây.    

Trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nền kinh tế nước ta chuyển sang cơ chế thị trường theo định hướng XHCN có sự quản lý của Nhà nước, lĩnh vực văn hóa có nhiều biến đổi. Do vậy, nghiên cứu về văn hóa nhà sàn và vấn đề bảo tồn, kế thừa, phát huy các giá trị tốt đẹp của văn hóa nhà sàn dân tộc Mường trong cuộc sống đương đại là việc làm vô cùng cần thiết.

 

                                                                    HBĐT tổng hợp

 

Các tin khác


Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam trên địa bàn tỉnh lần thứ 3 năm 2024

Ngày 17/4, tại Nhà Văn hoá huyện Lạc Sơn, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND huyện Lạc Sơn tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam trên địa bàn tỉnh lần thứ 3 năm 2024.

Ấn tượng mô hình gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường

Năm học 2023 - 2024, Trường mầm non Bắc Sơn, xã Hùng Sơn, huyện Kim Bôi có 247 trẻ, chia thành 11 nhóm, lớp. Nhà trường có 36 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; 96,4% trẻ là người dân tộc Mường và dân tộc Dao. Bên cạnh thực hiện tốt công tác chăm sóc, giáo dục trẻ theo đúng quy định, nhà trường còn tạo dấu ấn với mô hình gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa Mường.

Công trình Đền thờ liệt sĩ Chiến trường Điện Biên Phủ đoạt giải thưởng Quy hoạch đô thị quốc gia

Chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), chiều 15/4, tại trung tâm thành phố Điện Biên Phủ, Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cùng Sở Xây dựng Điện Biên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Điện Biên tổ chức lễ gắn biển "GIẢI ĐẶC BIỆT" trong hệ thống Giải thưởng Quy hoạch Đô thị Quốc gia lần thứ III (VUPA) năm 2022 cho công trình Đền thờ liệt sĩ Chiến trường Điện Biên Phủ.

Gặp mặt cơ quan báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật khu vực Trung du, miền núi Bắc Bộ

Chiều 15/4, tại TP Việt Trì, Ban Tuyên giáo T.Ư chủ trì, phối hợp với Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Quân khu 2 và Tỉnh ủy Phú Thọ tổ chức gặp mặt các cơ quan báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật khu vực Trung du, miền núi Bắc Bộ. Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư chủ trì cuộc gặp mặt.

Tổ chức Tết cổ truyền Bunpimay cho lưu học sinh, sinh viên Lào

Ngày 15/4, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Hoà Bình và Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Hoà Bình (TP Hoà Bình) phối hợp tổ chức Tết cổ truyền Bunpimay năm 2024 cho các lưu học sinh, sinh viên (HS, SV) Lào đang học tập tại 2 trường. 

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục