Phiên chợ Tết ở vùng cao xã Tân Minh (Đà Bắc).

Phiên chợ Tết ở vùng cao xã Tân Minh (Đà Bắc).

(HBĐT) - Nếu như ở địa bàn thành phố và các trung tâm huyện lỵ, chợ Tết được khởi động từ ngày 23 đến ngày 30 tháng chạp thì ở nhiều nơi vùng cao, sâu, xa trong tỉnh, chợ Tết là phiên chợ cuối của một năm, diễn ra duy chỉ một ngày. Trong tâm thức của nhiều người, chợ Tết nay vẫn giữ được cái “hồn” của chợ Tết xưa, vẫn là một trong những phong tục vui xuân ẩn chứa nhiều nét đẹp truyền thống của dân tộc.

 

Những ngày cận Tết, các chợ truyền thống trên địa bàn thành phố Hòa Bình luôn nườm nượp người từ sáng sớm cho đến tối mịt. Chợ Phương Lâm, Nghĩa Phương, Chăm Mát, Thái Bình, Tân Hòa rồi chợ   Tổng  Tân Thịnh, chợ Mới  Hữu Nghị tất nập người bán, người mua. Sắm Tết ở chợ, mọi người đều mang tâm trạng háo hức, hồ hởi, cảnh mua bán thường diễn ra chóng vánh, rất ít   mặc cả bởi lượng người đến chợ  đông, ai cũng tranh thủ thời gian để mua sắm được nhiều đồ. Nét mới là vào dịp Tết khoảng dăm vài năm lại đây, quanh khu vực thành phố mọc lên một số chợ chuyên bán hoa, cây cảnh, chợ quất, chợ đào. Sự xuất hiện của các chợ chuyên biệt này giúp phục vụ người dân thuận lợi hơn, không phải tìm kiếm hay len lỏi, chen chúc vào các các khu chợ vốn náo nhiệt, ồn ào.

 

Phiên chợ cuối năm ở vùng cao, sâu hay vùng hồ, không khí mua sắm dịp Tết cũng đông vui, náo nhiệt không kém. Đồng bào các dân tộc Mường, Dao, Tày, Mông đã chuẩn bị từ nhiều ngày để có mặt ở chợ phiên đặc biệt này. Bà con thường mang ra chợ các loại hàng hóa nông sản, sản phẩm thủ công do chính mình làm ra. Hàng hóa mà những tiểu thương ở chợ dành bán vào dịp này bày nhiều vô kể. Tiền hàng bán được, bà con vùng cao dùng để trao đổi, mua sắm quần áo diện Tết, mua thực phẩm và những vật dụng thiết yếu cho những ngày Tết. Không cứ gì cư dân quanh vùng mà người dân từ vùng thấp, miền xuôi đến với phiên chợ khá nhiều, phần muốn sắm được những sản vật mà các chợ chốn thị thành ít có, phần nhiều muốn được thăm thú, khám phá nét văn hóa chợ phiên.

 

Phiên chợ Tết vùng cao chỉ họp một ngày lại có dịp gặp lại người quen nên rất vui, được tâm sự, sẻ chia đủ mọi thứ chuyện, nào chuyện sắm Tết, gói bánh chưng, đụng lợn, nào chuyện mùa màng... Trẻ con đang kỳ nghỉ học, được theo chân bố mẹ đi chơi chợ Tết, thỏa sức chạy nhảy,  đùa nghịch và được người lớn thưởng cho quà bánh và cả những quả bóng bay đủ kiểu, đủ màu. Thường thì cứ cứ  5 - 7 xã vùng cao, vùng hồ mới có một chợ phiên nên người xuống chợ rất đông.

 

Theo cảm nhận của ông Nguyễn Văn Thành, thị trấn Đà Bắc (Đà Bắc): sau hơn 20 năm đổi mới, quy mô các chợ ngày càng lớn, mức độ giao lưu văn hóa, giao thương hàng hóa cũng ngày một cao hơn. Nhiều loại hình dịch vụ gắn liền với chợ xuất hiện thỏa mãn nhu cầu của người dân. Cùng với sự phát triển của chợ nay, lời ăn, tiếng nói, văn minh giao tiếp của đồng bào các dân tộc được mở mang nhiều. Dù là ở thành thị hay nông thôn, miền xuôi hay miền ngược, người người, nhà nhà vẫn xem sắm tết là phong tục vui xuân, là nếp văn hóa ăn sâu không thể thiếu mỗi khi đến Tết cổ truyền. Trong đó, các chợ truyền thống, chợ nông thôn, vùng cao đậm đà bản sắc vẫn có sức hút rất lớn.

    

 

                                                                           Bùi Minh

 

 

Các tin khác


Âm nhạc Hòa Bình - những nốt thăng đáng mừng

Với những nhạc sĩ, thi sĩ và những người yêu âm nhạc ở Hòa Bình, năm 2023 được xem là một mùa bội thu: nhiều tác phẩm được sáng tác mới, nhiều tác phẩm đạt giải cao trong các kỳ liên hoan, cuộc thi khu vực do các tỉnh và Trung ương tổ chức.

Huyện uỷ Lạc Sơn gặp mặt những người làm công tác bảo tồn văn hoá truyền thống 

Ngày 15/3, Huyện uỷ Lạc Sơn tổ chức gặp mặt các nghệ nhân, nhà nghiên cứu, sưu tầm, sáng tác, thực hành và báo chí, truyền thông về công tác bảo tồn văn hoá truyền thống dịp Xuân Giáp Thìn 2024. 

Festival phở năm 2024: Sức hấp dẫn của phở Việt

Phở là món ăn truyền thống lâu đời của người Việt. Phở được nhiều đầu bếp, chuyên gia, tạp chí quốc tế công nhận là một trong số các món ăn hấp dẫn trên toàn cầu.

Phường Dân Chủ giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc

Phường Dân Chủ (TP Hòa Bình) có trên 35% dân số là người dân tộc Mường. Thời gian qua, cùng với phát triển kinh tế - xã hội, phường luôn quan tâm công tác giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường. Qua đó góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của người dân, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Kiểm tra công tác triển khai thực hiện Đề án Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường và nền “Văn hóa Hòa Bình” tại huyện Lạc Sơn

Ngày 13/3, đoàn công tác do đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã kiểm tra công tác triển khai thực hiện Đề án Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường và nền "Văn hóa Hòa Bình” giai đoạn 2023-2030 tại huyện Lạc Sơn.

Huyện Lương Sơn đón bằng di tích lịch sử cấp tỉnh đình Sấu Thượng, xã Thanh Cao

UBND huyện Lương Sơn vừa tổ chức Lễ đón bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh đình Sấu Thượng, xã Thanh Cao.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục