Keeng loóng là màn biểu diễn không thể thiếu trong lễ hội Xên Mường huyện Mai Châu.

Keeng loóng là màn biểu diễn không thể thiếu trong lễ hội Xên Mường huyện Mai Châu.

(HBĐT) - Đã 3 mùa hoa mận, hoa đào đua nhau khoe sắc trên khắp các bản làng của huyện vùng cao Mai Châu cũng là 3 năm chúng tôi chọn chuyến du xuân đầu tiên là đến với lễ hội Xên bản, Xên mường của đồng bào dân tộc Thái để được đắm mình vào các hoạt động mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc mà ở đó không thể thiếu màn keeng loóng rộn rã lòng người của các cô gái Thái duyên dáng, nết na như mời gọi du khách hãy nhớ, hãy thương một miền sơn cước thanh bình, tươi đẹp.

 

Sau hơn nửa thế kỷ bị mai một, những năm gần đây, huyện Mai Châu đã khôi phục lại lễ hội Xên Mường và trở thành lễ hội thường niên vào mỗi độ xuân về để thể hiện tấm lòng tôn kính, tri ân của nhân dân tưởng nhớ công lao to lớn của cha ông xưa đã lập nên bản, nên mường. Lễ hội gắn với văn hoá nông nghiệp, thể hiện tín ngưỡng cầu mong thần nước phù hộ cho quanh năm mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, người người ăn nên làm ra, bản mường no ấm, gia đình hạnh phúc, yên vui. Chính vì ý nghĩa đó mà keeng loóng là hoạt động không thể thiếu bởi một điều đơn giản: loóng có nghĩa là máng (cái máng dùng để giã lúa), keeng loóng tức là gõ bằng chày vào 2 thành máng giã lúa. Có lẽ hiếm có nơi nào, dân tộc nào lại có sự sáng tạo như người Thái Mai Châu đã biết biến đồ dùng, công cụ lao động thiết yếu hàng ngày thành một loại nhạc cụ độc đáo.

 

Có tích kể rằng: Đồng bào dân tộc Thái nơi đây có quan niệm trong thế giới quan có 3 mường giống nhau là: Mường Trời, Mường Đun (ở trần gian) và Mường Đùng Đình (Mường âm). Ba Mường là anh em nên phải có trách nhiệm giúp đỡ nhau lúc khó khăn, hoạn nạn. Xưa kia khi chưa có sự hiểu biết khoa học cứ thấy hiện tượng nhật thực, người dân cho rằng ông Ta Nghèn (tức mặt trời) bị con gấu gặm và thấy hiện tượng nguyệt thực cho rằng nàng Bươn (tức mặt trăng) bị con ếch nhà trời gặm. Con người ở trần gian là anh em phải có trách nhiệm giúp đỡ các Mường thoát nạn. Vì vậy, cả làng trên, làng dưới, nhà nào có loóng đều phải mang ra gõ, tạo âm thanh dồn dập, tưng bừng để xua đuổi con ếch hay con gấu giúp đỡ ông Ta Nghèn, nàng Bươn. Cũng chính từ đó mà keeng loóng trở thành hoạt động tinh thần quen thuộc của người Thái Mai Châu.

 

Đó là tích được lưu truyền trong dân gian, còn những người già có am hiểu về truyền thống văn hoá của dân tộc kể rằng: Từ thời xa xưa, lương thực chính của đồng bào dân tộc Thái là ăn gạo nếp. Mỗi mùa gặt về, các gia đình bó thành từng bó lúa to gác lên gác bếp. Lúc cần ăn để cả bông cho vào máng giã thành gạo. Công việc làm một mình vừa vất vả, vừa lâu nên mỗi lần giã lúa thường có từ 6 - 8 người đứng đều sang hai bên, vừa giã, vừa nhún nhảy thể hiện sự tươi vui. Tiếng giã rộn ràng, có nhịp điệu tạo thành tiếng nhạc vui, khiến lao động bớt mệt mỏi, công việc đều tay, hiệu quả hơn. Chính vì lẽ đó mà dần dần   tiếng gõ vào máng giã lúa và tiếng chày gõ vào nhau mà người Thái gọi là keeng lóng đã gắn bó sâu sắc đối với đời sống tinh thần của người dân.

 

Cùng cán bộ phòng VH-TT huyện Mai Châu, chúng tôi tìm gặp ông Hà Công Tín, xóm Mỏ, xã Chiềng Châu là một trong những người am hiểu sâu về văn hoá Thái. Đưa khách đến xem chiếc loóng được xếp đặt như một đồ vật quý trong gia đình, ông hoài niệm: “Chiếc loóng này đã gắn bó với gia đình gần 50 năm. Loóng giúp gia đình có không biết bao nhiêu bát cơm ngon và cũng đã tham gia không biết bao nhiêu những ngày vui, ngày hội của nhà, của bản”. Dấu ấn thời gian đã làm cho loóng trở nên cũ kỹ nhưng âm thanh vang vọng của nó ít có loóng nào sánh được. Trông bề ngoài thật đơn giản nhưng để có được loóng tốt, âm thanh hay không phải dễ dàng. Cây gỗ làm loóng cần to và thật chắc, không bị mối mọt. Hai thành loóng phải một bên thanh trầm, một bên thanh cao. Chày gõ cần chọn cây gỗ chắc, khô tiếng mới vang. Ngày xưa chiếc loóng còn thể hiện sự phân cấp giàu - nghèo trong xã hội. ở gia đình có chức sắc hay tộc trưởng, trưởng họ, loóng sẽ to và dài từ 5 - 6 m. Trong gia đình bình thường loóng ngắn và nhỏ hơn. Vì thế mà có câu rằng: “Hườn xào hoóng / Loóng xào bà ( nghĩa là nhà 20 quan, loóng 20 sải).

 

               

Chiếc loóng của gia đình ông Hà Công Tín đã được giữ gìn gần 50 năm nhằm giáo dục bản sắc văn hóa cho thế hệ con cháu. 

 

Ông Tín tự hào chia sẻ: Trong cuộc sống hôm nay, các gia đình không còn dùng loóng để giã gạo, song loóng vẫn luôn là người bạn gần gũi, thân thiết trong đời sống tinh thần của người dân. Bởi khi nhà có chuyện buồn, gia đình cũng keeng lóng với giai điệu chậm rãi, trầm buồn. Trong lễ mừng nhà mới, mừng cơm mới, ngày hội đại đoàn kết toàn dân cũng keeng lóng và có khi chỉ từ cuộc hội họp của một nhóm người thấy tinh thần phấn chấn, hứng khởi là lại cùng nhau keeng lóng. âm thanh, nhịp điệu của keeng lóng trong những lúc vui luôn nhộn nhịp, tưng bừng, vang vọng bản làng, thúc giục lòng người dù đang làm gì, ở đâu cũng tìm đến chung vui.

 

Đặc biệt vài năm gần đây, trong lễ hội Xên Mường những ngày đầu xuân, màn biểu diễn keeng loóng của các thiếu nữ Thái đến từ các xã, thị trấn trong huyện luôn là điểm nhấn để lại dấu ấn khó quên trong lòng du khách. Giàn nhạc keeng loóng rộn rã, âm vang như muốn gọi núi rừng bừng tỉnh sau những ngày đông giá rét; gọi ông mặt trời thức giấc xua tan sương mù bao phủ, soi rọi ánh nắng lung linh sưởi ấm bản làng. Keeng loóng cũng mời gọi dân bản xích lại gần nhau; gọi các chàng trai, cô gái tìm đến với nhau trong ngày hội xuân để cất lên những tiếng lòng thiết tha: “Đêm về anh năng nhìn trăng/ Trăng ở đâu vía em ở đó/ Ta xa nhau như quả chua xa muối/ Ta xa nhau như thuyền xa bến/ Xa nhau như mạ lạc bờ anh ơi...”

 

Hôm nay, cuộc sống đang từng ngày đổi thay, các luồng văn hoá hiện đại xâm nhập ngày càng sâu trong đời sống xã hội cũng vì thế, nhu cầu hưởng thụ của người dân có sự thay đổi. Thế nhưng điều đáng quý là trong đời sống tinh thần của người Thái Mai Châu vẫn luôn giữ gìn và lưu truyền được bản sắc văn hoá của dân tộc. Có lẽ đó chính là thế mạnh của người dân nơi đây khiến nét văn hoá Thái luôn có sức hút mạnh mẽ đối với những ai đã từng đến nơi này.

 

 

                                                                              Hoàng Nga

 

 

Các tin khác


119 cán bộ, công chức, viên chức được bồi dưỡng tiếng dân tộc Mường

Trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình vừa tổ chức bế giảng lớp bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc Mường cho cán bộ, công chức, viên chức khóa I, II năm 2023.

Huyện Kim Bôi đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hoá

Hưởng ứng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, những năm qua, các cấp, các ngành, xã, thị trấn trên địa bàn huyện Kim Bôi đã cụ thể hóa bằng các hoạt động thiết thực, hiệu quả, góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết, giúp nhau giảm nghèo bền vững, xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa lành mạnh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Tết Nhảy - nghi lễ truyền thống của người Dao

Đồng bào dân tộc Dao trong tỉnh gìn giữ được nhiều bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình, nhất là trong nghi lễ, tín ngưỡng. Trong đó, Tết Nhảy là nghi lễ quan trọng bậc nhất có từ lâu đời, phản ánh sinh động đời sống tín ngưỡng của người Dao.

Lưu giữ giá trị nền “Văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng thế giới

Hoà Bình là vùng đất cổ, với các dải núi đá vôi chạy dọc theo hướng Đông Nam, song song với dải Trường Sơn ở phía Tây đã tạo ra nhiều bồn địa, thung lũng với hệ động, thực vật phong phú. Ngay từ thời tiền sử, con người đã sớm sinh tụ trên mảnh đất này, để lại một nền văn hóa nổi tiếng thế giới - "Văn hóa Hòa Bình" (VHHB).

Du Xuân trẩy hội Bồng Lai

Tọa lạc tại chân núi Đầu Rồng thuộc khu 3, thị trấn Cao Phong (Cao Phong), đền Bồng Lai (còn gọi là Đền Thượng Bồng Lai) nằm trong quần thể di tích quốc gia danh lam thắng cảnh hang động núi Đầu Rồng. Cùng với đền Đông Sơn nằm gần kề, ngôi đền đón người dân và du khách nô nức đến dâng hương, vãn cảnh dịp đầu năm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục