Tượng đài Anh hùng Cù Chính Lan được xây dựng năm 2009 tại xóm Giang Mỗ, xã Bình Thanh, huyện Cao Phong.

Tượng đài Anh hùng Cù Chính Lan được xây dựng năm 2009 tại xóm Giang Mỗ, xã Bình Thanh, huyện Cao Phong.

(HBĐT) - Đây là xác tàu chiến của thực dân Pháp bị quân và dân ta bắn chìm trên sông Đà tại trận đánh Lạc Song... Đây là xác xe tăng bị Anh hùng Cù Chính Lan tiêu diệt trong trận phục kích ở dốc Giang Mỗ tháng 12/1951... Trải qua 60 năm kể từ khi Chiến dịch Hòa Bình kết thúc thắng lợi (1952 - 2012), âm vang của quá khứ hào hùng vẫn hiện hữu sống động qua những hiện vật lịch sử đã nhuốm màu thời gian. Mỗi hiện vật là một thước phim tài liệu không bao giờ phôi phai giá trị, gắn liền với một câu chuyện mà giờ đây được nghe kể lại, chắc hẳn mỗi chúng ta ai cũng sẽ cảm thấy tự hào.

 

Có quán nước nho nhỏ đặt trước cổng khuôn viên Vườn Xanh (phường Phương Lâm, TPHB), bà lão bán nước đã hơn 80 tuổi nhưng thuộc làu thông tin về chiếc tàu chiến Pháp đang ngự ở gần đó. “Tàu này là tàu vận tải, dài 14 m, cao 1,7 m, rộng 3,7 m, khối lượng tôi không rõ nhưng chia làm ba phần gồm tổ máy, buồng lái và khoang tàu. Đây là tàu chiến Pháp tham gia chiến dịch Hòa Bình đấy nhé! Còn một cái nữa đang đặt tại khuôn viên Trung tâm giải trí Sao Mai, ngay gần đây thôi” - Bà lão vui vẻ giới thiệu.

Trong chiến dịch Hòa Bình (10/12/1951 - 25/2/1952), quân và dân tỉnh ta đã phối hợp với bộ đội chủ lực anh dũng chiến đấu, tiêu diệt một phần quan trọng sinh lực địch, trong đó đã bắn chìm và bắn cháy 17 tàu chiến, xuồng, ca nô quân sự. Hiện, Bảo tàng tỉnh đang lưu giữ, bảo quản 2 xác tàu chiến của thực dân Pháp bị quân và dân ta bắn chìm trên sông Đà những ngày tháng bom đạn 1951-1952. Một chiếc đặt tại khuôn viên Vườn Xanh, được trục vớt năm 1995. Một chiếc đặt tại Trung tâm giải trí Sao Mai, được phát hiện và trục vớt vào giữa năm 2000. Đây là hai hiện vật lịch sử có ý nghĩa quan trọng, minh chứng cho chiến công vang dội của quân và dân ta trong chiến dịch Hòa Bình, phản ánh trung thực và sinh động sự thảm bại của thực dân Pháp xâm lược.

 

Lịch sử ghi rõ: Chiến dịch Hòa Bình là chiến dịch tiến công của quân đội nhân dân Việt Nam (Việt Minh) ở khu vực thị xã Hòa Bình - sông Đà - đường 6 (cách Hà Nội khoảng 40-60m về phía tây) nhằm tiêu diệt sinh lực địch, đánh bại kế hoạch chiếm đóng Hòa Bình của thực dân Pháp. Đây là chiến thắng lớn nhất của ta sau chiến thắng biên giới năm 1950. Đối với Hòa Bình, chiến thắng đã đập vỡ hoàn toàn âm mưu lập lại “Xứ Mường tự trị” của Pháp và bọn phản động, mang lại độc lập, tự do cho nhân dân các dân tộc trong tỉnh, mở ra trang sử mới vẻ vang cho tỉnh Hòa Bình trong giai đoạn cùng cả nước kháng chiến chống Pháp.

 

Trở lại câu chuyện của hai chiếc tàu chiến. Theo thông tin từ Bảo tàng tỉnh, đây là hai xác tàu chiến của thực dân Pháp bị quân và dân ta bắn chìm trên sông Đà tháng 12/1951. Trong đó, chiếc đặt tại Vườn Xanh đã tham gia trận đánh Lạc Song. Tàu này chở lính Pháp đang trên đường tháo chạy bị trung đội pháo thuộc Trung đoàn 66, Sư đoàn 308 bắn chìm trên sông Đà, đoạn cách trung tâm thị xã Hòa Bình (nay là thành phố Hòa Bình) hơn 3 km. Ngày 10/12/1951, chiến dịch Hòa Bình mở màn với thắng lợi giòn giã của trận đánh đồn Tu Vũ. Khí thế xông lên, bộ đội chủ lực phối hợp chặt chẽ với bộ đội địa phương, du kích và nhân dân địa phương triển khai các trận đánh tiếp theo. Sau đó, lực lượng địch ở phân khu Chợ Bến bị tê liệt, các cứ điểm địch ở phân khu sông Đà cơ bản bị đập nát, đường vận chuyển trên sông Đà và đường 6 bị ngừng trệ, địch ở thị xã Hòa Bình liên tục bị tiến công, cô lập. Theo kiểm đếm của quân đội ta, tại mặt trận Hòa Bình, ta đã tiêu diệt 6.012 tên lính Pháp và chư hầu, thu 24 khẩu pháo các loại, 788 súng, 78 máy vô tuyến điện, phá hủy 12 khẩu pháo, bắn rơi 9 máy bay, bắn chìm, bắn cháy 17 ca nô, xuồng, tàu chiến và phá hủy 246 xe quân sự. Hai xác tàu chiến Pháp mà Bảo tàng tỉnh đang lưu giữ là hai chứng tích lịch sử ghi dấu sâu đậm chiến công vang dội của quân và dân ta trên sông Đà những ngày oanh liệt của tháng 12/1951.

 

Còn chiến công trên đường bộ trong khuôn khổ chiến dịch Hòa Bình. Sau khi đập nát các cứ điểm địch ở phân khu sông Đà và cắt đứt tuyến cơ động của địch trên sông Đà, quân ta thừa thắng xông lên, tiếp tục đẩy mạnh hoạt động phục kích, chặn đánh quân Pháp trên đường bộ. Tiêu biểu cho các trận phục kích này là trận đánh ở dốc Giang Mỗ, địa phận xóm Giang Mỗ, xã Bình Thanh, huyện Cao Phong. Ngày 12/12/1951, ta phục kích và đánh chặn đoàn xe của địch, tiêu diệt toàn bộ quân Pháp và 34 chiếc xe trong đoàn. Ngày 13/12/1951, ta tiếp tục phục kích ở xóm Giang Mỗ, đoạn từ thị xã (nay là thành phố Hòa Bình) đi chợ Bờ. Quân Pháp lọt vào trận địa. Sau 30 phút chiến đấu, 5 xe GMC và xe tăng bị phá hủy, hơn một đại đội âu - Phi bị diệt và bị bắt. Lúc chuẩn bị rút    thì xe tăng Pháp tiếp viện tới bắn dữ dội vào đội hình, chặn đường rút, làm nhiều người thương vong. Trong tình thế căng thẳng đó, Tiểu đội trưởng Cù Chính Lan hô anh em tập trung lựu đạn cho mình rồi tìm cách tiếp cận nhảy lên xe tăng, giật nắp quăng lựu đạn vào trong xe. Lính tăng Pháp nhặt lựu đạn ném ra và lái xe chuyển hướng. Chiến sỹ Cù Chính Lan lại táo bạo mở chốt lựu đạn, chờ cho khói thuốc xì ra được vài giây rồi mới ném vào buồng lái. Lựu đạn nổ diệt hết lính tăng trong xe, chiếc xe dừng tại chỗ, trận đánh kết thúc thắng lợi. Chiếc xe tăng mang nhãn hiệu Mỹ B2885498USA.

 

      

Xác tàu chiến Pháp được lưu giữ trong khuôn viên Vườn Xanh (phường Phương Lâm - TPHB).

 

Được biết, xác chiếc xe tăng lịch sử đó hiện đang đặt tại khuôn viên Sở VH-TT&DL. Đây là di tích lịch sử được Bộ VH-TT&DL công nhận năm 1993. Chiếc xe tăng gắn liền với hình ảnh lừng lẫy của Anh hùng Cù Chính Lan trong chiến dịch giải phóng Hòa Bình 60 năm trước. Chính vì vậy, vào năm 1965 - tức, 13 năm sau chiến dịch Hòa Bình, thực hiện chủ trương bảo tồn di sản, Ty Văn hóa Hà Sơn Bình (cũ) đã lập đề án và xây dựng kè đá xung quanh xác xe tăng. Sau đó, để bảo quản tốt hơn, vào năm 1993, Sở VH-TT (nay là Sở VH-TT&DL) đã cho di rời hiện vật về đặt tại khuôn viên của Sở, do Bảo tàng tỉnh chịu trách nhiệm bảo quản và trưng bày. Trong 34 hiện vật thời kỳ kháng chiến chống Pháp mà Bảo tàng tỉnh đang lưu giữ, chiếc xe tăng và hai tàu chiến Pháp là ba hiện vật lịch sử nổi bật, tiêu biểu cho chiến công vang dội của quân và dân ta trong chiến dịch Hòa Bình. Nói như ông Lê Quốc Khánh, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh: Đó là những nhân chứng lịch sử biết kể chuyện bằng thứ ngôn ngữ đặc biệt của thời gian và giống như những thước phim tài liệu không bao giờ phôi phai giá trị, chúng sẽ tồn tại mãi mãi để giúp chúng ta hướng về quá khứ với trọn vẹn niềm tin và nỗi tự hào.

 

                                                                             Thu Trang

 

Các tin khác


Gặp mặt cơ quan báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật khu vực Trung du, miền núi Bắc Bộ

Chiều 15/4, tại TP Việt Trì, Ban Tuyên giáo T.Ư chủ trì, phối hợp với Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Quân khu 2 và Tỉnh ủy Phú Thọ tổ chức gặp mặt các cơ quan báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật khu vực Trung du, miền núi Bắc Bộ. Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư chủ trì cuộc gặp mặt.

Tổ chức Tết cổ truyền Bunpimay cho lưu học sinh, sinh viên Lào

Ngày 15/4, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Hoà Bình và Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Hoà Bình (TP Hoà Bình) phối hợp tổ chức Tết cổ truyền Bunpimay năm 2024 cho các lưu học sinh, sinh viên (HS, SV) Lào đang học tập tại 2 trường. 

Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, học sinh, sinh viên huyện Lạc Thủy

Huyện Lạc Thuỷ vừa tổ chức Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, học sinh, sinh viên năm 2024 với chủ đề "Hát mãi khúc quân hành”. Hội diễn thu hút trên 260 diễn viên, nghệ nhân từ 10 xã, thị trấn.

Rộn ràng Lễ rước kiệu về Đền Hùng

Ngày 15/4 (tức mùng 7/3 âm lịch), tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, thành phố Việt Trì (Phú Thọ), Ban Tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2024 tổ chức rước kiệu về Đền Hùng tri ân công đức các Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.

Nét độc đáo trong lễ hội đình Băng

Đình Băng ở xóm Băng, xã Ngọc Lâu, huyện Lạc Sơn là ngôi đình lớn, thờ thành hoàng chính là Quốc mẫu Hoàng Bà (mẹ đức thánh Tản Viên Sơn), Tản Viên Sơn thánh, ngoài ra còn thờ một số thành hoàng khác: Vua Cả, Vua Hai (thần ở mái đá làng Vành, xã Yên Phú, huyện Lạc Sơn), vua Út, Vua Ả là con gái Quốc mẫu Hoàng Bà. Đình đã được các đời vua thời phong kiến sắc phong nhưng nay thất lạc không còn.

Lan tỏa văn hóa đọc và tình yêu sách trong cộng đồng

Do tác động của công nghệ thông tin, mạng internet, các thiết bị điện tử nên đã ảnh hưởng đến việc đọc của thế hệ trẻ, lấn át văn hóa đọc truyền thống. Sau khi có Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, các bộ, ngành, các cấp từ Trung ương đến địa phương đã chung tay đẩy mạnh phong trào đọc sách và phát triển văn hóa đọc trở thành hoạt động lớn trong tháng Tư hằng năm nhằm tôn vinh giá trị của sách trong cộng đồng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục