Trong ngày hội ở Mường Thàng, dàn cồng chiêng tấu lên những âm điệu trầm hùng mang hồn thiêng của núi rừng, vang vọng đất trời.

Trong ngày hội ở Mường Thàng, dàn cồng chiêng tấu lên những âm điệu trầm hùng mang hồn thiêng của núi rừng, vang vọng đất trời.

(HBĐT) - Ông Nguyễn Văn Dân, Trưởng phòng VH-TT huyện Cao Phong cho biết: Cồng chiêng Mường Thàng mang trong mình những giá trị văn hóa đặc sắc được bảo tồn và lưu giữ đến ngày nay.

 

Toàn huyện hiện có trên 1.000 chiếc cồng chiêng, nhiều xã còn giữ được từ vài chục đến vài trăm chiếc chiêng cổ. Từ xa xưa cồng chiêng đã là vật dụng không thể thiếu trong mỗi gia đình. Hiện 13 xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều có đội cồng chiêng, nhiều xã thành lập được đội cồng chiêng ở các xóm, bản, đội cồng chiêng của người cao tuổi, phụ nữ, thanh niên… hoạt động thường xuyên nhằm duy trì, phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong đời sống hiện đại.

 

Để hiểu rõ hơn về cồng chiêng, chúng tôi tìm gặp nghệ nhân Đinh Thanh Mẻo ở xã Dũng Phong. Tuổi đời ngoài 60, nghệ nhân ĐinhThanh Mẻo đã có gần 30 năm gắn bó với cồng chiêng. Nghệ nhân cho biết: Ngày xưa chiêng là vật quý, thiêng liêng được mỗi gia đình gìn giữ cẩn thận. Chiêng được mang ra đánh trong ngày hội làng, dịp lễ tết, cầu mùa… vang lên những âm thanh linh thiêng vang vọng núi rừng, chỉ có lớp người cao tuổi mới biết sử dụng, biết đánh chiêng. Sau đám hội, chiêng được lau chùi cẩn thận và treo lên cao. Vì là vật quý nên trẻ con cũng không được chơi, ngịch. Khi còn bé ông thường theo các ông, bà đi đánh chiêng nhưng cũng không được cầm chiêng đánh. Năm 1976 ông rời quân ngũ về công tác ở xã. Năm 1985 ông làm trưởng ban văn hóa xã. Cũng từ đó ông có điều kiện đi sâu vào nghiên cứu văn hóa công chiêng, sưu tầm các bài chiêng cổ. Mặc dù không biết đánh chiêng từ bé nhưng nhưng những ngày theo chân ông bà đi đánh chiêng đã ngấm vào ông những giai điệu trầm hùng, bùng binh rộn rã. Từ nghe mọi người đánh tập theo, rồi tự tìm tòi nghiên cứu học hỏi thêm ông đã nhuần nhuyễn, thuần thục với tay chiêng, tay cùi.

 

     

Nghệ nhân Đinh Thanh Mẻo luôn nhiệt tình, tâm huyết với việc truyền dạy nghệ thuật cồng chiêng cho thế hệ trẻ.

 

Theo nghệ nhân Đinh Thanh Mẻo, một dàn chiêng cổ có 12 chiếc. Ngoài ý nghĩa về âm nhạc, dàn chiêng 12 chiếc còn mang ý nghĩa tượng trưng cho 12 tháng trong năm, mỗi chiếc chiêng mang một âm sắc riêng biệt. Sự hòa âm của từng chiếc chiêng là âm hưởng của 12 tháng, hội tụ những ý nghĩa đặc biệt thiêng liêng trong đời sống văn hóa của người Mường. Ngày nay dàn chiêng có thể đông hơn, tiếng chiêng càng lớn âm càng vang xa. Ở Mường Thàng có 2 bài chiêng đặc trưng nhất là “Đi đường” và “Lộn áng còn”. Bài “Đi đường” theo phường bùa đi chúc Tết, bài “Lộn áng còn” đánh cổ vũ cho các đôi nam thanh, nữ tú chơi ném còn mỗi độ xuân về. Đáng quý là trước đây chỉ có các ông, các bà mới biết đánh chiêng thì nay nhiều bạn trẻ đã yêu thích và biết đánh cồng chiêng. Những năm 1990 là thời kỳ văn hóa cồng chiêng bị mai một, nhiều gia đình bán, đổi cồng chiêng, thời gian đó tiếng cồng chiêng ít được vang lên. Từ năm 2000, việc bảo tồn, khôi phục văn hóa cồng chiêng được coi trọng, nhiều người đã theo học đánh chiêng, nhiều gia đình không còn chiêng đã đi mua chiêng mới. Nghệ nhân Đinh Thanh Mẻo đã nhiệt tình chỉ bảo cho những ai muốn học cồng chiêng, từ việc dạy cách chọn sao cho được chiếc chiêng tốt cho đến cách cầm, cách đánh đúng điệu để chiêng phát ra âm thanh hay nhất, vang nhất. Đến nay thì trên địa bàn xã Dũng Phong xóm nào cũng có đội cồng chiêng, riêng xóm Bãi Bệ I của nghệ nhân Đinh Thanh Mẻo có đội cồng chiêng với hơn 40 tay chiêng. Những ngày lễ tết, hội hè, khắp bản trên, xóm dưới vùng trung tâm Mường Thàng lại vang lên những âm thanh trầm hùng, bay bổng vang vọng núi rừng, réo rắt gọi mời, thúc giục mọi người mau mau vào hội.

 

Tích xưa kể lại rằng, rất lâu, lâu lắm rồi, từ thời nào cũng không nhớ rõ nữa, tiếng cồng chiêng là những âm thanh “thần bí” phát ra khi vô tình chạm vào các nhũ đá trong hang động, lâu dần được con người chế tác và hoàn thiện thành nhạc cụ bằng kim loại như bây giờ. Tiếng chiêng là hồn phách của xứ Mường, vang khắp rừng, khắp núi ngân lên sức sống của người Mường, tiếng chiêng linh thiêng như lời sấm dậy, trở thành vật thiêng tượng trưng cho sự phồn thịnh của xã hội Mường... Trong đời sống văn hóa, cồng chiêng được trân trọng lưu giữ và truyền lại cho thế hệ sau như một vật gia bảo. Mỗi nhịp cồng, hồi chiêng trầm hùng được các thế hệ con cháu xứ Mường gióng lên là đong đầy hồn thiêng của đất Mường, niềm tự hào dân tộc, tình yêu quê hương và sự tiếp nối văn hóa truyền thống. Không chỉ đơn thuần là một thứ âm thanh phát ra từ một loại nhạc cụ mà tiếng chiêng trở thành thứ âm thanh mang hồn thiêng của núi rừng, là tiếng của lòng người, là ngôn ngữ để giao tiếp với trời, đất, thánh thần, tổ tiên cầu mong cho người người được yên vui, thịnh vượng. Cồng chiêng theo phường bùa mang may mắn đầu năm đến tận cửa mọi nhà. Cồng chiêng chúc phúc cho đôi uyên ương trong ngày cưới. Cồng chiêng thành kính đưa người về cõi “Mường ma”. Cồng chiêng thúc giục nhà nhà đến chia vui lễ cơm mới… Mang đậm dấu ấn văn hóa cồng chiêng từ ngàn đời nay, vào mỗi dịp lễ tết, hội hè, cả vùng đất Mường Thàng lại âm vang, xốn xang trong tiếng chiêng, tiếng cồng. Âm điệu trầm hùng, vang vọng đất trời nhưng cũng hết sức sâu lắng ấy hàm chứa trong đó cả một sức sống tiềm tàng, mãnh liệt, tươi khỏe của con người và vùng đất Cao Phong.

 

 

                                                                                       Hà Thu

 

Các tin khác


Ấn tượng Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ 3 

Xác định vai trò, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Đến nay, Ngày Sách Việt Nam đã trở thành hoạt động văn hóa thường niên, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Năm nay, Hòa Bình chọn tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc tại huyện Lạc Sơn và đã để lại ấn tượng tốt đẹp. Qua đó, tôn vinh văn hóa đọc và cổ vũ phong trào đọc, làm theo sách.

Gìn giữ điệu xoè Thái Mai Châu

Điệu xoè Thái ở Mai Châu đã có từ lâu đời và được lưu truyền từ thế hệ trước cho thế hệ sau. Múa xòe không chỉ là điệu múa phổ biến trong cộng đồng người Thái mà còn là nét văn hóa đặc sắc, hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa và đời sống tinh thần.

Lắng lòng nơi chiến khu rừng Sác

Đến TP Hồ Chí Minh vào thời điểm cuối Xuân, đầu Hè, có nhiều tuyến đường để đi, nhiều nơi để đến, nhưng chúng tôi đã chọn chiến khu rừng Sác là điểm dừng chân. Để được nghe, được thấy và được cảm nhận những chiến tích anh hùng, sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của những chiến sĩ đặc công Trung đoàn 10 (T10) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vì độc lập, tự do của dân tộc.

Trải nghiệm phiên chợ Bò Chủ nhật ở xã Vân Sơn

Từ chỗ chỉ họp vào thứ Ba hàng tuần, phiên chợ Bò tại xã Vân Sơn (Tân Lạc) chính thức họp thêm Chủ nhật từ ngày 24/3 vừa qua. Qua đó nhằm đưa chợ phiên trở thành nơi quảng bá bản sắc văn hóa của người Mường Hòa Bình và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của các xã vùng lân cận, đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm địa phương của du khách khi đến Vân Sơn du lịch vào dịp cuối tuần.

Giới thiệu hai cuốn sách “Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”

Ngày 19/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức giới thiệu hai cuốn sách "Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”.

Báo Nhân Dân ra mắt MV Kenny G "Going Home" quảng bá du lịch Việt Nam

Chiều 19/4, Báo Nhân Dân phối hợp IB Group Việt Nam tổ chức ra mắt MV "Going Home” - một sản phẩm âm nhạc đặc biệt quảng bá du lịch Việt Nam. Trong MV, nghệ sĩ Kenny G trình diễn ca khúc Going Home tại các địa danh nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội như Hồ Gươm, Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cầu Long Biên.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục