Chị Nguyễn Thị Na trân trọng, nâng niu những tấm hình ghi lại  khoảnh khắc đẹp khi chị khoác trên mình trang phục quân nhân.

Chị Nguyễn Thị Na trân trọng, nâng niu những tấm hình ghi lại khoảnh khắc đẹp khi chị khoác trên mình trang phục quân nhân.

(HBĐT) - Tôi gặp chị Nguyễn Thị Na, phường Tân Thịnh (TPHB) chừng mươi lần trong các diễn đàn có liên quan về người lính và trong các ngày lễ tri ân những người đã ngã xuống vì độc lập, tự do của dân tộc.

 

Khoác trên mình bộ trang phục cựu quân nhân, chị dịu dàng, đon đả như khi nhà có khách quý. Chị bảo: Mình đã từng là lính, dù chỉ là quãng thời gian ngắn ngủi nhưng cũng đủ làm mình thấy tự hào. Cho đến hôm nay, ở tuổi xế chiều, đã vợi bớt đi gánh nặng áo cơm, mình muốn dành nhiều thời gian hơn cho những người đồng chí, đồng đội năm xưa để làm niềm vui sống.

 

Hoa Na là tên chị tự đặt cho mình để giao lưu với bè bạn trong làng thơ, còn tên thường gọi chị là Nguyễn Thị Na, người con gái được sinh ra và lớn lên bên dòng sông Lam ngọt ngào, thơ mộng của huyện Anh Sơn (Nghệ An). 18 tuổi (năm 1978), chị và nhóm bạn cùng trang lứa lên đường nhập ngũ làm nhiệm vụ bảo vệ độc lập, tự do cho dân tộc. Trong khoảng thời gian 4 năm thời quân ngũ, chị đã có 2 năm làm nhiệm vụ trên đất bạn Lào.  Sở hữu cơ bản những nét duyên của người thiếu nữ, hát hay, múa đẹp  nên bạn bè cùng đơn vị gọi chị với cái tên “Hoa hậu lính”.  Hoàn thành nghĩa vụ quân sự, cô “hoa hậu lính” ấy chuyển ngành về làm công nhân thuỷ điện sông Đà và gắn bó với đất Hoà Bình từ đó đến nay. Mình đã từng là người lính! Chị luôn nghĩ vậy  nên ngay khi còn đang công tác, chị đã tham gia tích cực vào các hoạt động của Hội Cựu  quân nhân thành phố, tỉnh. Sau này, khi đã nghỉ chế độ, chị có mặt trong hầu hết các buổi gặp mặt của CCB Binh đoàn Tây Nguyên, bộ đội Trường Sơn và cả Ban liên lạc chiến sỹ Điện Biên...

 

Tham gia nhiều chuyến viếng thăm đồng đội cũ, thăm lại chiến trường xưa, chị đã chắt lọc cảm xúc của mình để kết thành những vần thơ  đậm đà, sâu lắng. Năm 2009, cũng vào dịp tháng bảy - tháng  “Đền ơn - đáp nghĩa”, về dự lễ tưởng niệm tại nghĩa trang liệt sỹ Việt - Lào (huyện Anh Sơn - Nghệ An) chị đã xúc động viết nên bài thơ “Hai Tổ quốc ghi công”. Đứng trước hàng mộ chí, thắp nén nhang thơm nguyện cầu, giao cảm, chị viết lên những điều hiện hữu: “Hết chiến tranh/Vẫn đội ngũ thẳng hàng/Có những dòng chữ/Vô danh/Gió gọi tên các anh/Mưa đầu mùa thấm lạnh/Ngọn nến lung linh/Đánh thức mặt trời/Sưởi ấm các anh ngàn năm an nghỉ... Nơi anh nằm/Hai Tổ quốc ghi công... Những vần thơ đó là những lời tri ân tới những chàng trai Phù Đổng đã chiến đấu quên mình và anh dũng hy sinh trên đất nước triệu voi. Dù đã hoá thân về với lòng đất mẹ, ẩn mình dưới hàng mộ chí chỉ ghi hai chữ vô danh, các anh vẫn không hề đơn độc bởi nơi đây luôn có sự hướng về của hàng triệu triệu trái tim từ hai đất nước Việt - Lào.

 

Cũng từ những chuyến hội ngộ với người đồng đội cũ, bằng sự cảm nhận, sẻ chia, chị đã viết lên những vần thơ đầy khoảng lặng, bài thơ “Đánh thức mặt trời”: Lần nào con cũng đi cùng cha/ Gặp lại đồng đội một thời đánh Mỹ/Chiếc xe lăn lặng im/Chỉ có trái tim không nghỉ/Đánh thức mặt trời/Con sinh ra ở trên đời/Thế giới tuổi thơ/Ngô nghê tiếng cười, giọng nói/Tiếng gọi mẹ, cha con giấu đi thầm lặng/Lặng thầm theo bánh xe lăn/Đất nước thanh bình đã mấy mươi năm/Cha mãi khắc ghi một thời trận mạc/Theo cha đi dự ngày gặp mặt/Cha muốn con hiển hiện một chứng nhân/Tố cáo/Chiến tranh và tội ác. “Chứng nhân” ấy là một cô gái, mang trong mình dòng máu nhiễm chất độc da cam. Tuy đã ngoài 20 tuổi nhưng vẫn sống trong thế giới tuổi thơ, ngô nghê tiếng cười, giọng nói. Hơn 20 năm trời chưa cất lên được một tiếng gọi mẹ, cha, chỉ ngồi lặng im trong chiếc xe lăn với trái tim không ngừng nghỉ.  Khi tôi hỏi chị vì sao trong thơ hay xuất hiện cụm từ “đánh thức mặt trời” nhiều đến vậy? Chị trả lời chân chất: vì ánh mặt trời toả sáng khắp không gian, sưởi ấm lòng người, xua tan đi mọi nỗi đau ngự trị. Đó cũng chính là chân lý sống của chị “hoa hậu lính” giữa cuộc đời thường. Năm mươi ba mùa xuân đã trôi qua, trong đó có hơn 20 năm bươn chải để làm tròn thiên chức là người vợ, người mẹ, chị đã không ít lần nở nụ cười nhưng khoé mắt long lanh. Căn bệnh hiểm nghèo đã cướp đi người chồng yêu dấu, trụ cột của gia đình khi chị mới ở tuổi 47 và 2 con trai đang học đại học. Gánh nặng gia đình đè lên đôi vai nhỏ nhắn, hao gầy nhưng chị không cho phép mình gục ngã. Trong thâm tâm, chị luôn nghĩ rằng mình là người lính, từng đối mặt với nhiều gian khổ, hiểm nguy lại đã chứng kiến sự hy sinh, mất mát của những đồng đội nên chị rất kiên cường.

 

Thời gian trôi đi, chị thấy như tâm hồn, trái tim mình đã đánh thức được ánh mặt trời chói lọi.  Ánh mặt trời đó đã giúp chị đạt được những điều mong muốn. Chị đang sống một cuộc sống thảnh thơi, vui vẻ. Các con đều đã trưởng thành, chị dành nhiều thời gian hơn cho những công việc mà mình yêu thích: làm thơ, cùng đồng đội cũ thăm lại chiến trường xưa và làm tốt vai trò chi hội trưởng Chi hội phụ nữ ở KDC. Chị có mặt đều đặn trong các diễn đàn liên quan đến người lính hay buổi lễ tri ân là để đem tiếng hát, tiếng cười, những vần thơ và cả sự ân cần sẻ chia đến với những người đồng đội cũ. Thuộc thế hệ cháu con của các chiến sỹ Điện Biên nhưng buổi gặp mặt nào của các bác, các chú, chị cũng có mặt để phục vụ việc tổ chức, tiếp đón khách, điều hành chương trình giao lưu văn nghệ. Chị cùng những chiến sỹ Điện Biên năm xưa thăm lại chiến trường Điện Biên Phủ, thăm lăng Bác Hồ, Bảo tàng quân đội và đến thăm đại tướng Võ Nguyên Giáp... Những chuyến đi đó chị giữ vai trò vừa là y tá, vừa là hậu cần để chăm sóc sức khoẻ cho các cụ.

 

Quên đi thời gian, tuổi tác, chị luôn nở nụ cười tươi khi được đứng giữa những người đồng chí, đồng đội.  Những ai đã từng quen biết chị, hiểu được những việc chị đã và đang làm đều thốt lên câu cảm thán rằng: cho đến hôm nay chị vẫn là “hoa hậu lính”.    

 

 

                                                           Thuý Hằng 

 

 

Các tin khác


Trải nghiệm phiên chợ Bò Chủ nhật ở xã Vân Sơn

Từ chỗ chỉ họp vào thứ Ba hàng tuần, phiên chợ Bò tại xã Vân Sơn (Tân Lạc) chính thức họp thêm Chủ nhật từ ngày 24/3 vừa qua. Qua đó nhằm đưa chợ phiên trở thành nơi quảng bá bản sắc văn hóa của người Mường Hòa Bình và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của các xã vùng lân cận, đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm địa phương của du khách khi đến Vân Sơn du lịch vào dịp cuối tuần.

Giới thiệu hai cuốn sách “Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”

Ngày 19/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức giới thiệu hai cuốn sách "Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”.

Báo Nhân Dân ra mắt MV Kenny G "Going Home" quảng bá du lịch Việt Nam

Chiều 19/4, Báo Nhân Dân phối hợp IB Group Việt Nam tổ chức ra mắt MV "Going Home” - một sản phẩm âm nhạc đặc biệt quảng bá du lịch Việt Nam. Trong MV, nghệ sĩ Kenny G trình diễn ca khúc Going Home tại các địa danh nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội như Hồ Gươm, Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cầu Long Biên.

Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam trên địa bàn tỉnh lần thứ 3 năm 2024

Ngày 17/4, tại Nhà Văn hoá huyện Lạc Sơn, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND huyện Lạc Sơn tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam trên địa bàn tỉnh lần thứ 3 năm 2024.

Ấn tượng mô hình gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường

Năm học 2023 - 2024, Trường mầm non Bắc Sơn, xã Hùng Sơn, huyện Kim Bôi có 247 trẻ, chia thành 11 nhóm, lớp. Nhà trường có 36 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; 96,4% trẻ là người dân tộc Mường và dân tộc Dao. Bên cạnh thực hiện tốt công tác chăm sóc, giáo dục trẻ theo đúng quy định, nhà trường còn tạo dấu ấn với mô hình gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa Mường.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục