Xóm Ải, xã Phong Phú (Tân Lạc) đang trở thành điểm du lịch cộng đồng độc đáo trên địa bàn tỉnh.

Xóm Ải, xã Phong Phú (Tân Lạc) đang trở thành điểm du lịch cộng đồng độc đáo trên địa bàn tỉnh.

(HBĐT) - Xóm Ải, xã Phong Phú (Tân Lạc) được biết đến là làng Mường cổ nhất của tỉnh còn lưu giữ nhiều phong tục, tập quán, nét đẹp văn hóa truyền thống độc đáo của đồng bào dân tộc Mường nói riêng và vùng Tây Bắc nói chung. Đặc biệt đầu năm 2014, xóm ải được UBND tỉnh công nhận là điểm du lịch cộng đồng. Đây là cơ hội để người dân xóm Ải và vùng Mường Bi tiếp tục bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống.

 

Từ làng Mường cổ

 

Cũng giống như nhiều bản làng của đồng bào Mường, xóm Ải nằm dưới chân núi Khụ Dọi, thu mình trong một thung lũng nhỏ, có dòng suối Ải trong vắt, đầu nguồn là một mó nước nóng thiên nhiên mà người dân trong xóm thường gọi là nguồn suối khoáng. Dòng suối không chỉ cung cấp nước sinh hoạt cho người dân mà còn quanh năm tưới mát cho những cánh đồng lúa, bãi ngô phì nhiêu.

 

Xóm Ải có trên 90 nóc nhà, trong đó hầu hết là nhà sàn truyền thống của người Mường. Ông Bùi Văn Dựng, Trưởng xóm Ải kể lại: Từ bé, ông đã được nghe ông bà kể cho nghe câu chuyện về việc người xưa làm nhà, lập xóm. Lúc đó còn rất khó khăn, mọi thứ phục vụ cuộc sống như ngày hôm nay đều được người xưa sáng tạo trên cơ sở kinh nghiệm thực tế. Điều này đã được ghi rõ trong cuốn sử thi nổi tiếng Đẻ đất, đẻ nước của người Mường và nhà sàn là một trong những sáng tạo độc đáo. Nhà gồm 3 tầng, tầng (gác) trên cùng để lương thực và đồ dùng gia đình; tầng giữa là nơi sinh hoạt, nghỉ ngơi; tầng dưới cùng (gầm nhà sàn) thường để các dụng cụ sản xuất và nhốt gia súc, gia cầm. Kiến trúc nhà sàn có thể lớn, nhỏ khác nhau nhưng cửa chính, cầu thang, máng nước sinh hoạt và cối đuống phải đặt đúng vị trí. Điều đặc biệt là nhà sàn ấm áp vào mùa đông, thoáng mát vào mùa hè và phòng tránh được thú rừng.

 

Cùng với nếp nhà sàn truyền thống, người dân xóm Ải vẫn còn lưu giữ được nếp sinh hoạt và nhiều dụng cụ lao động sản xuất cổ được làm từ gỗ, tre hoặc nứa như: khung dệt vải, cung, nỏ, dụng cụ làm ruộng, làm nương rẫy... hình thành nên tập quán riêng trong đời sống sinh hoạt cũng như lao động sản xuất hàng ngày.

 

Từ bao đời nay, người dân xóm Ải chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Nhà ít, nhà nhiều đều có một vài sào lúa, vài nương ngô. Sản phẩm làm ra cũng chỉ đủ tiêu dùng. Để có tích lũy, người dân chăn nuôi thêm trâu, bò, khi gia đình có việc thì bán đi để lấy tiền trang trải. Không còn hộ nghèo, song người dân xóm Ải còn khá nhiều khó khăn. Mặc dù vậy, xóm Ải luôn giữ được những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Hầu hết phụ nữ trong xóm đều biết xe tơ, dệt vải để tự làm cho mình những chiếc áo, váy mặc hàng ngày. Nhà nào cũng lưu giữ từ 1 - 2 chiếc cồng chiêng để tham gia vào các lễ hội, hoạt động văn hóa, văn nghệ. Mỗi buổi chiều, sau khi đã hoàn tất công việc đồng áng, người dân lại tập trung tại nhà văn hóa để đánh bóng chuyền, luyện tập văn nghệ. Ông Bùi Văn Dựng, Trưởng xóm Ải cho biết: Xóm hiện có 2 nghệ nhân còn lưu giữ và phát triển các làn điệu dân ca của người Mường là bà Bùi Thị Quynh và ông Bùi Văn Khấu. Hai nghệ nhân này sưu tầm, lưu giữ nhiều bai thường đang, bọ mẹng cổ của cha ông. Không chỉ là hạt nhân văn nghệ, ông Khấu, bà Quynh còn truyền dạy lại cho mọi người, nhất là lớp trẻ. Riêng ông Khấu còn là nghệ nhân cồng chiêng. Từ việc truyền dạy của ông, đến nay, xóm đã xây dựng được 2 đội cồng chiêng (1 đội phụ nữ, 1 đội thanh niên). Đây là 2 đội nòng cốt của xã Phong Phú thường xuyên được huyện và tỉnh chọn để tham gia các dịp lễ hội lớn và giới thiệu văn hóa cồng chiêng tại các tỉnh bạn.

 

Với những giá trị văn hóa độc đáo mà người dân xóm Ải đã gìn giữ được cho đến ngày nay, năm 2008, xóm Ải được Bộ VH -TT&DL công nhận là làng truyền thống tiêu biểu của dân tộc ít người và là xóm đại diện dân tộc Mường xây dựng 20 làng truyền thống của cả nước; đồng thời được đưa vào dự án “Cải tạo, bảo tồn làng Mường cổ” do Sở VH -TT&DL làm chủ đầu tư.

 

 

Đến điểm du lịch cộng đồng

 

Ngày 24/1/2014, UBND tỉnh có Quyết định số 98 về việc cộng nhận điểm du lịch địa phương trong tỉnh Hòa Bình, trong đó, công nhận điểm du lịch cộng đồng xóm Ải, xã Phong Phú, huyện Tân Lạc chính thức trở thành điểm du lịch cộng đồng trên địa bản tỉnh.

 

Để có thể trở thành điểm du lịch cộng đồng, xóm đã cử một số hộ dân đi học tập kinh nghiệm tại các xóm, bản đã thực hiện thành công điểm du lịch cộng đồng như bản: Lác, Pom Coọng (Mai Châu); Giang Mỗ (Cao Phong)...  Tháng 12/2013 có 30 hộ dân của xóm đã được tham gia khóa đào tạo kinh doanh lưu trú du lịch tại nhà dân do ngành văn hóa tổ chức với những nội dung cơ bản như: du lịch và dịch vụ lưu trú du lịch nhà dân; vệ sinh và bảo vệ môi trường trong kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch tại nhà dân; an ninh và an toàn; dịch vụ khách hàng... Đây sẽ là những hộ nòng cốt để xóm Ải xây dựng thành điểm du lịch cộng đồng.

 

       

Người dân xóm Ải khôi phục và phát triển nghề dệt truyền thống, tạo sản phẩm du lịch phục vụ khách thăm quan.

 

 

Ông Bùi Văn Dựng cho biết thêm: Chúng tôi xác định hướng xây dựng điểm du lịch cộng đồng văn hóa, thân thiện để mỗi đoàn khách khi đến thăm quan sẽ thực sự cảm thấy ấm áp như ở nhà, được đón tiếp bởi người dân chất phác, nhiệt tình, thân thiện, mến khách; sẽ say mê và bị lôi cuốn bởi cảnh quan thiên nhiên đẹp, hoang sơ, môi trường sinh thái trong lành, văn hóa ẩm thực đặc trưng, bản sắc văn hóa bản địa vật thể và phi vật thể đậm nét truyền thống dân tộc Mường nơi đây. Tại mỗi hộ dân, chúng tôi mong muốn khách thăm quan sẽ được tham gia nhiều hoạt động truyền thống của xóm: trải nghiệm, học kỹ năng sống với các công việc thường ngày như làm ruộng, trồng rau, trồng rừng, đánh bắt cá, chăn nuôi,..; học cách làm rượu cần và nấu các món ăn dân tộc đặc trưng như: xôi ngũ sắc, cỗ lá, rau rừng đồ,..; làm các sản phẩm hàng thủ công truyền thống, đồ lưu niệm từ các nguyên liệu sẵn có: mây, tre, luồng; tham gia các trò chơi dân gian truyền thống cùng người dân: đánh mảng, đẩy gậy, bắn nỏ...

 

Hiện nay, xóm đã tuyên truyền để người dân khôi phục lại một số nghề truyền thống để tạo ra các sản phẩm du lịch như nghề dệt thổ cẩm. Cũng theo ông Bùi Văn Dựng, khó khăn với xóm hiện nay là nhiều nhà sàn đã và đang xuống cấp, mặc dù nằm trong Dự án “Cải tạo, bảo tồn làng Mường cổ” có một phần vốn để hỗ trợ các hộ dân tu sửa, cải tạo lại những ngôi nhà sàn truyền thống. Tuy nhiên đến nay xóm vẫn chưa nhận được sự hỗ trợ nào. Nếu như cứ để như vậy rất khó để níu chân những đoàn khách đến tham quan, tìm hiểu về xóm.

 

Hiện nay có một số công ty lữ hành tại Hà Nội và trên địa bàn tỉnh đã đến xóm Ải khảo sát, xây dựng tour du lịch nhằm đưa xóm Ải trở thành một điểm du lịch chính nằm trong tuyến du lịch quốc lộ 6: Hà Nội - Hòa Bình (thủy điện Hòa Bình - xóm Ải) - Sơn La (cao nguyên Mộc Châu) - Điện Biên (khu di tích lịch sử Điện Biên Phủ) để hình thành tuyến du lịch liên vùng vùng Tây Bắc đặc trưng với nhiều sản phẩm mới lạ, hấp dẫn du khách.

 

Với lợi thế về vị trí, nguồn tài nguyên thiên nhiên - nhân văn đa dạng, phong phú cùng những sản phẩm du lịch tiêu biểu, xóm Ải đang phát huy những tiềm năng vốn có nhằm đáp ứng được nhiều hơn nữa các yêu cầu của du khách, trở thành một điểm du lịch cộng đồng độc đáo trong thời gian tới.

 

 

 

 

                                                                        Ngọc Vinh

 

 

 

 

Các tin khác


Huyện Kim Bôi đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hoá

Hưởng ứng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, những năm qua, các cấp, các ngành, xã, thị trấn trên địa bàn huyện Kim Bôi đã cụ thể hóa bằng các hoạt động thiết thực, hiệu quả, góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết, giúp nhau giảm nghèo bền vững, xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa lành mạnh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Tết Nhảy - nghi lễ truyền thống của người Dao

Đồng bào dân tộc Dao trong tỉnh gìn giữ được nhiều bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình, nhất là trong nghi lễ, tín ngưỡng. Trong đó, Tết Nhảy là nghi lễ quan trọng bậc nhất có từ lâu đời, phản ánh sinh động đời sống tín ngưỡng của người Dao.

Lưu giữ giá trị nền “Văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng thế giới

Hoà Bình là vùng đất cổ, với các dải núi đá vôi chạy dọc theo hướng Đông Nam, song song với dải Trường Sơn ở phía Tây đã tạo ra nhiều bồn địa, thung lũng với hệ động, thực vật phong phú. Ngay từ thời tiền sử, con người đã sớm sinh tụ trên mảnh đất này, để lại một nền văn hóa nổi tiếng thế giới - "Văn hóa Hòa Bình" (VHHB).

Du Xuân trẩy hội Bồng Lai

Tọa lạc tại chân núi Đầu Rồng thuộc khu 3, thị trấn Cao Phong (Cao Phong), đền Bồng Lai (còn gọi là Đền Thượng Bồng Lai) nằm trong quần thể di tích quốc gia danh lam thắng cảnh hang động núi Đầu Rồng. Cùng với đền Đông Sơn nằm gần kề, ngôi đền đón người dân và du khách nô nức đến dâng hương, vãn cảnh dịp đầu năm.

Thành phố Hòa Bình: Tọa đàm giải pháp nâng cao hiệu quả công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho ĐV-TN

Ngày 21/3, Trung tâm Chính trị thành phố Hòa Bình phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy và Thành Đoàn Hòa Bình tổ chức tọa đàm "Một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho đoàn viên, thanh viên” (ĐVTN) trên địa bàn thành phố. Tham dự có lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Thành ủy Hòa Bình, cấp ủy, chính quyền và đông đảo ĐVTN trên địa bàn thành phố.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục