Bằng công nhận di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh  được rước về đình Trung, xã Yên Trị (Yên Thủy).

Bằng công nhận di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh được rước về đình Trung, xã Yên Trị (Yên Thủy).

(HBĐT) - Di tích đình Trung nằm dưới chân núi ông Voi, thôn Minh Thành, xã Yên Trị (Yên Thủy) được xây dựng cách đây khoảng 200 năm làm nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo cho người dân trong thôn, làng. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, nơi đây còn được sử dụng làm trụ sở phục vụ cách mạng. Đình nằm trong hệ thống quần thể di tích đình Thượng, đình Trung, đình Hạ thuộc xã Yên Trị.

 

Hiện nay không còn lưu giữ được các sắc phong, thần phả. Theo lời kể của các vị cao niên trong thôn, đình Trung thờ vị anh hùng cứu nước Trương Hát, một vị tướng giỏi dưới thời Việt Vương Triệu Quang Phục. Để tưởng nhớ Tiểu Dương Giang đô hộ quốc thần vương Trương Hát, hàng năm, vào ngày 13 tháng giêng, người dân tổ chức lễ hội với các hoạt động tín ngưỡng thông qua những thần phả, thần tích, nghi trình, nghi thức của lễ hội để ôn lại truyền thống và qua đó giúp nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân tới cộng đồng. Ngoài lễ hội chính được tổ chức vào ngày 13 tháng giêng hàng năm, tại  đền Trung còn tổ chức các lễ nhỏ khác như: Tết thượng nguyên tổ chức vào rằm tháng riêng; lễ Khai đại mạch vào ngày 1/3 âm lịch; lễ hạ điền (xuống đồng) vào ngày mồng 1/4 âm lịch; lễ thượng điền, vào ngày 24/6 âm lịch; lễ cơm mới vào ngày 15/10 âm lịch. Qua các lễ hội giúp mỗi thành viên tham dự các hoạt động tín ngưỡng có tâm trạng vui tươi, phấn khởi để lao động sản xuất, giúp đỡ nhau, xây dựng cuộc sống no ấm, quê hương giàu đẹp.

 

Trước đây, đình được dựng theo kiểu chữ nhất với 3 gian, 2 chái, chiều dài khoảng 9m, chiều rộng khoảng 15 m. Theo thời gian cùng sự ảnh hưởng của thiên nhiên đã làm cho ngôi đình xưa bị hư hỏng, xuống cấp, nhiều đồ thờ tự đã bị mất. Bằng sự nỗ lực đóng góp của nhân dân, đến năm 2004 đã xây thêm được tường bao và tu sửa. Hiện nay, đình Trung đã được tu sửa với chiều dài 8,7 m, chiều rộng 12,30 m, tọa lạc trên khu đất 1.857,4m2. Mặt đình quay hướng đông, trước cửa đình là cánh đồng mênh mông bát ngát tạo cho sự phát triển và vươn xa. Phía sau đình là ngọn núi ông Voi như điểm tựa chắc. Theo truyền thuyết, đây là nơi đất thiêng, nơi các thánh thần thường hiển linh báo cho dân làng biết điềm lành, dữ. Vì vậy, ngoài ý nghĩa lịch sử, văn hoá, ngôi đình là chỗ dựa tinh thần của  nhân dân, cầu cho mưa thuận gió hòa, cầu mùa màng tươi tốt.

 

Về kiến trúc, đình Trung hiện còn 4 bộ vì kèo tạo thành 3 gian. Hai bộ ở giữa kết cấu theo kiểu chồng rường giá chiêng; hai bộ vì hai bên kết cấu kiểu vì ván mê và hệ thống các vì nách đều kết cấu kiểu kẻ ngồi với 4 hàng chân cột, 8 cột cái khá lớn, có chu vi tới 1 m, cao 4,45 m, 8 cột quân có chu vi 75 cm, cao 3,15 m, các cột hiên cao 2,1 m. Các  cột đều được đặt trên chân tảng kê bằng đá  xanh  tạo hình hạ vuông, thượng tròn, biểu trưng cho trời tròn, đất vuông. Các cột đều bào trơn, đóng bén. Đòn tay bằng gỗ xẻ dọc, dui mè bằng bương, tre. Tất cả các cột, vì kèo đều được trạm nổi bong kênh hình hoa lá. Đặc biệt, ở hai vì đầu hồi điêu khắc hình mặt hổ phù ngậm thọ và hổ phù ẹo mặt trăng là biểu tượng cầu được mùa màng.

 

Trải qua thời gian, đình Trung hiện vẫn là ngôi đình có kiến trúc gỗ đẹp và tương đối hoàn chỉnh, là nguồn tư liệu quý cho các nhà khoa học nghiên cứu về kiến trúc và văn hóa sinh hoạt của đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là người Mường trong mối quan hệ Mường - Việt. Trải qua nhiều biến thiên, thăng trầm của lịch sử, hiện nay, trong đình còn lưu giữ nhiều hiện vật cổ khác như 2 đòn kiệu cổ được chạm bong kênh rồng thời Nguyễn, 1 hòm đựng sắc phong, 3 bát hương gốm Thổ Hà, 3 bát hương gốm men trắờng, 8 đĩa gốm men trắng, 1 chiêng hiệu, 2 nậm rượu gốm, 5 chén ngọc, 1 chân đế bát hương bằng gỗ có chạm mặt hổ phù, 2 ngai thờ bằng gỗ... Với những giá trị vật thể và phi vật thể, đình Trung vừa được UBND tỉnh công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh theo Quyết định số 127/QĐ-UBND ngày 25/1/2016.

 

 

                                                                              Đỗ Hà

 

 

 

Các tin khác


Công trình Đền thờ liệt sĩ Chiến trường Điện Biên Phủ đoạt giải thưởng Quy hoạch đô thị quốc gia

Chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), chiều 15/4, tại trung tâm thành phố Điện Biên Phủ, Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cùng Sở Xây dựng Điện Biên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Điện Biên tổ chức lễ gắn biển "GIẢI ĐẶC BIỆT" trong hệ thống Giải thưởng Quy hoạch Đô thị Quốc gia lần thứ III (VUPA) năm 2022 cho công trình Đền thờ liệt sĩ Chiến trường Điện Biên Phủ.

Gặp mặt cơ quan báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật khu vực Trung du, miền núi Bắc Bộ

Chiều 15/4, tại TP Việt Trì, Ban Tuyên giáo T.Ư chủ trì, phối hợp với Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Quân khu 2 và Tỉnh ủy Phú Thọ tổ chức gặp mặt các cơ quan báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật khu vực Trung du, miền núi Bắc Bộ. Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư chủ trì cuộc gặp mặt.

Tổ chức Tết cổ truyền Bunpimay cho lưu học sinh, sinh viên Lào

Ngày 15/4, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Hoà Bình và Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Hoà Bình (TP Hoà Bình) phối hợp tổ chức Tết cổ truyền Bunpimay năm 2024 cho các lưu học sinh, sinh viên (HS, SV) Lào đang học tập tại 2 trường. 

Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, học sinh, sinh viên huyện Lạc Thủy

Huyện Lạc Thuỷ vừa tổ chức Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, học sinh, sinh viên năm 2024 với chủ đề "Hát mãi khúc quân hành”. Hội diễn thu hút trên 260 diễn viên, nghệ nhân từ 10 xã, thị trấn.

Rộn ràng Lễ rước kiệu về Đền Hùng

Ngày 15/4 (tức mùng 7/3 âm lịch), tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, thành phố Việt Trì (Phú Thọ), Ban Tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2024 tổ chức rước kiệu về Đền Hùng tri ân công đức các Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.

Nét độc đáo trong lễ hội đình Băng

Đình Băng ở xóm Băng, xã Ngọc Lâu, huyện Lạc Sơn là ngôi đình lớn, thờ thành hoàng chính là Quốc mẫu Hoàng Bà (mẹ đức thánh Tản Viên Sơn), Tản Viên Sơn thánh, ngoài ra còn thờ một số thành hoàng khác: Vua Cả, Vua Hai (thần ở mái đá làng Vành, xã Yên Phú, huyện Lạc Sơn), vua Út, Vua Ả là con gái Quốc mẫu Hoàng Bà. Đình đã được các đời vua thời phong kiến sắc phong nhưng nay thất lạc không còn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục