Tình hình năm 2018 chắc chắn sẽ thu hút được nhiều sự quan tâm hơn của cộng đồng quốc tế, bởi khi năm 2017 khép lại vẫn có quá nhiều vụ việc còn đang dang dở, đặc biệt không ít trong số đó có ảnh hưởng rất lớn tới đời sống quốc tế.



Ảnh minh họa.

Trước hết, đó là việc bình thường hóa trong quan hệ Nga – Mỹ. Vào thời điểm cuối nhiệm kỳ của Tổng thống B. Obama, quan hệ Nga – Mỹ được cho là đang ở tình trạng xấu nhất kể từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc, mà quyết định trục xuất 35 nhà ngoại giao Nga (ngày 30-12-2016) của Washington là minh chứng rõ nhất. Với những tuyên bố về nước Nga trong suốt chiến dịch tranh cử, ngay sau lễ nhậm chức (ngày 20-1-2017) Tổng thống Donald Trump được kỳ vọng sẽ giúp mối quan hệ giữa hai cường quốc quân sự hàng đầu thế giới bớt u ám. Tuy nhiên, trong cả năm 2017, những hành động của phía Mỹ lại hoàn toàn trái ngược với sự kỳ vọng này. Bắt đầu là vụ phóng 59 quả tên lửa (6-4-2017) vào căn cứ không quân Syria tại tỉnh Idlib dẫn đến việc Nga phải tuyên bố cắt mọi kênh thông tin liên lạc với Mỹ tại Syria. Quan hệ Nga - Mỹ bắt đầu lao dốc sau khi Tổng thống Trump ký thông qua Dự luật trừng phạt mới đối với Nga (2-8-2017) và đóng cửa tổng lãnh sự quán Nga tại San Francisco. Nga buộc phải đáp trả bằng lệnh trục xuất 755 nhà ngoại giao Mỹ. Chưa dừng lại, ngày 14-11-2017, Hạ viện Mỹ đã thông qua đề xuất ngân sách quốc phòng năm tài khóa 2018, trong đó dự kiến phân bổ 4,6 tỷ USD cho các hoạt động kiềm chế "mối đe dọa” từ Nga tại khu vực châu Âu. Đỉnh điểm là trong Chiến lược An ninh quốc gia Mỹ (do Trump công bố ngày 18-12-2017), Mỹ nhận định Nga là một nhân tố tiêu cực trên trường quốc tế và Washington coi Moscow là một đối thủ.

Bước vào năm mới 2018, việc giảm căng thẳng và tiến tới hợp tác giữa Mỹ và Nga là điều cộng đồng quốc tế hết sức chờ đợi, bởi đây là điều kiện hết sức quan trọng, trước hết giúp giảm thiểu rủi ro va chạm giữa Mỹ và Nga, sau đó thúc đẩy tiến trình tháo gỡ các điểm nóng, điển hình là tại Syria và bán đảo Triều Tiên, cũng như cải thiện quan hệ Nga - EU.

Tiếp theo, đó là tiến trình Brexit. Khi Thủ tướng Anh Theresa May chính thức kích hoạt điều 50 của Hiệp ước Lisbon (29-3-2017) thì tất cả đều hiểu, tiến trình Brexit là không thể đảo ngược và trì hoãn nhưng có lẽ ít ai ngờ cuộc "ly hôn” có chủ đích này lại không hề đơn giản. Cho dù hai bên đã quyết định đoạn tuyệt, thậm chí còn đã xác định chính xác ngày nước Anh rời EU (29-3-2019) nhưng cũng phải qua tới sáu vòng đàm phán kéo dài trong suốt sáu tháng, cuối cùng EU và Anh mới nhất trí được những nội dung cơ bản nhất của giai đoạn 1 của Brexit. Nguyên nhân cơ bản của sự gian truân này là do nước Anh tuy ly khai khỏi EU nhưng lại muốn bảo lưu chính sách hội nhập, tức là vẫn muốn có được một mối quan hệ thương mại thuận lợi với EU thời hậu Brexit, trên cơ sở đó dễ dàng thiết lập các hiệp định thương mại với các đối tác khác của EU. Chính vì thế, trong năm 2018, giai đoạn đàm phán thứ 2 của Brexit về tương lai quan hệ EU – Anh chắc chắn sẽ có nhiều bất ngờ và không kém phần gay cấn. Ngoài ra, cùng với đề xuất cải cách EU theo mô hình "đa tốc độ” của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, tiến trình đàm phán Brexit rất có thể sẽ kích hoạt những con bài domino tiếp theo để biến Brexit không chỉ còn là hiện tượng ly khai duy nhất trong kỷ nguyên toàn cầu hóa.

Tiến trình tái thiết hòa bình ở Syria chắc chắn cũng sẽ là một trong những tâm điểm trong năm 2018. Kết thúc năm 2017, có lẽ duy nhất chỉ tại điểm nóng Syria là thấy xuất hiện "ánh sáng cuối đường hầm”. Thất bại hoàn toàn của lực lượng khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại Syria đã mở ra cơ hội có thể kết thúc cuộc nội chiến đẫm máu đã kéo dài hơn sáu năm. Trước hết, các đợt không kích, các chiến dịch quân sự nhằm vào IS sẽ không còn lý do để tiếp tục. Ưu thế giành được trong cuộc chiến chống IS còn giúp củng cố uy tín và nâng cao vị thế của Chính phủ Tổng thống Bashar al-Assad trong quá trình đàm phán hòa giải dân tộc. Đương nhiên, hòa bình chỉ thực sự đến với người dân Syria nếu tiến trình tái thiết đất nước thành công nhưng vào thời điểm hiện tại điều này là vượt quá khả năng của Chính phủ Syria, kể cả trong trường hợp có được một chính phủ hòa giải giữa hai phe chính phủ và đối lập. Sau sáu năm chiến tranh, kinh tế Syria đang rơi vào tình trạng thảm họa với tổng thiệt hại lên tới hơn 430% GDP, đơn cử như việc từ một nước xuất khẩu dầu mỏ giờ Syria phải nhập chính mặt hàng này do sản lượng dầu thô đã giảm 98% trong giai đoạn 2010-2017. Thực trạng này khiến quá trình tái thiết Syria cũng sẽ phải quốc tế hóa và đó sẽ là dịp để các nước phương Tây lại đưa ra những điều kiện, thậm chí là hết sức vô lý. Như vậy, năm 2018 không chỉ làm rõ kết quả tiến trình hòa giải giữa các phe phái ở Syria mà còn cho thấy cách thức các nước "giúp đỡ” đất nước Syria phục hồi.

Trong năm 2018, tâm điểm của thế giới có lẽ sẽ vẫn là vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên. Kể từ khi Triều Tiên bắt đầu công khai thử vũ khí hạt nhân (năm 2006), chưa bao giờ cộng đồng quốc tế chứng kiến trò chơi cân não lâu đến vậy. Màn khẩu chiến giữa hai nhà lãnh đạo của Mỹ và Triều Tiên đã đặt thế giới vào tình trạng "bên miếng hố chiến tranh” trong cả năm 2017. Lần đầu tiên trong suốt chiều dài tồn tại của Liên hợp quốc (LHQ), tại chính diễn đàn đa phương lớn nhất thế giới với nguyên tắc hoạt động "giải quyết tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình; không đe dọa vũ lực hoặc sử dụng vũ lực”, một quốc gia thành viên đã lớn tiếng đe dọa "sẽ hủy diệt hoàn toàn” một quốc gia thành viên khác (bài phát biểu của Tổng thống D. Trump tại LHQ ngày 19-9-2017). Thật may mắn cho nhân loại khi căng thẳng giữa Mỹ và Triều Tiên hiện chỉ dừng lại ở mức đe dọa lẫn nhau. Trong hơn 10 năm qua, cuộc khủng hoảng hạt nhân diễn ra chẳng khác một vở kịch về né tránh chiến tranh là bởi vì những lợi ích của mình, các bên liên quan vẫn đủ tỉnh táo và kiên nhẫn cố gắng không để tình hình vượt quá lằn ranh giới đỏ. Nhưng may mắn liệu có lặp lại khi ngay trong ngày đầu tiên của năm 2018 hai nhà lãnh đạo Kim Jong Un và D. Trump lại mang nút bấm hạt nhân ra khoe và đó cũng là điềm báo về những kịch tính sẽ có trong năm 2018.

Trong năm 2017, các vụ việc tương tự vẫn còn không ít để tạo nên một danh sách dài, điển hình như hiệp định thương mại trị giá hơn 250 tỷ USD được Tổng thống Trump ký nhân chuyến công du Trung Quốc (9-11-2017) liệu có giúp Mỹ – Trung tránh được xung đột thương mại trong năm 2018, bởi thâm hụt thương mại Mỹ – Trung trong năm 2017 vừa vượt kỷ lục 260,8 tỷ USD (năm 2015) đạt 275,81 tỷ USD. Nhưng có lẽ chỉ cần một vài vụ việc trên cũng đủ để minh họa cho sự ngổn ngang của năm 2017.

Theo thuyết nhân – quả, nếu không có những cơn địa chấn như Brexit hay kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ trong năm 2016 thì chắc đã không có những nghịch lý trong năm 2017. Chính vì thế, trong năm 2018, việc chờ đợi những âm hưởng từ năm 2017 là lẽ đương nhiên.

TheoNhanDan

Các tin khác


G7 có thể mất 10 năm mới bắt kịp sản lượng nhiên liệu hạt nhân của Nga

Chuyên gia hạt nhân Nga nói rằng Mỹ và nhóm G7 đã tuyên bố sẽ chấm dứt nhập khẩu nhiên liệu hạt nhân của Nga, nhưng các nền kinh tế hàng đầu phương Tây vẫn tụt hậu so với Moskva về các công nghệ nguyên tử mới.

Nga mời tất cả các nước tham gia dự án tạo hành lang giao thông Bắc - Nam

Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, ngày 22/4, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã mời tất cả các quốc gia quan tâm tham gia vào dự án tạo ra hành lang giao thông Bắc - Nam, kết nối Vịnh Ba Tư với Biển Bắc Băng Dương.

ASEAN tăng cường hợp tác về sở hữu trí tuệ

Ngày 22/4, tại thành phố Đà Nẵng, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) tổ chức cuộc họp lần thứ 72 Nhóm Công tác về Hợp tác Sở hữu trí tuệ các nước ASEAN (AWGIPC 72) và các sự kiện bên lề. Hoạt động nhằm thực hiện nghĩa vụ của nước thành viên ASEAN trong hợp tác ASEAN về sở hữu trí tuệ.

Tương lai không còn ''ô nhiễm trắng''

"Ngay trong ngôi nhà của mình, bạn có thể thấy rất nhiều thứ, từ vỏ bọc thực phẩm, chậu hoa cho đến các loại dụng cụ, đều bằng nhựa. Nhựa sẽ đi đâu sau khi không được sử dụng nữa? Chúng không bị phân hủy. Kể cả khi được chôn lấp, nhựa vẫn tồn tại hàng trăm năm và các hạt vi nhựa sẽ làm ô nhiễm hệ sinh thái xung quanh".

Tổng tham mưu trưởng IDF phê duyệt kế hoạch tiếp tục chiến dịch ở Gaza

Tổng Tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF), Trung tướng Herzi Halevi đã phê duyệt các kế hoạch tiếp tục cuộc chiến chống lực lượng Hamas ở Dải Gaza.

Nổ súng vào đám đông dự tiệc ở Mỹ, ít nhất 2 người thiệt mạng

Ít nhất 2 người đã thiệt mạng và 6 người khác bị thương trong vụ nổ súng tại một bữa tiệc đường phố ở thành phố Memphis, bang Tennessee của Mỹ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục