Tại Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) đang diễn ra ở Ai Cập, ngày 7/11, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres (A.Gu-tê-rét) tiếp tục cảnh báo về tình trạng khủng hoảng khí hậu nghiêm trọng, đồng thời kêu gọi xây dựng một hiệp ước lịch sử giữa các nước phát triển và đang phát triển về ứng phó biến đổi khí hậu. Trong khi đó, một số cam kết, thỏa thuận mới đã được đưa ra trong ngày làm việc thứ hai của Hội nghị.


Tổng Thư ký Liên hợp quốc phát biểu tại COP27. (Ảnh LIÊN HỢP QUỐC)

Hợp tác hay diệt vong

Phát biểu tại phiên thảo luận chính thức đầu tiên, Tổng Thư ký Liên hợp quốc cảnh báo thế giới đang đứng trước lựa chọn khốc liệt, giữa hợp tác giảm khí thải và đẩy thế hệ tương lai vào thảm họa khí hậu. Ông Guterres nêu rõ: Nhân loại phải lựa chọn hiệp ước đoàn kết bảo vệ khí hậu hay "tự sát tập thể". Dân số thế giới sắp tròn 8 tỷ người, ông Guterres đặt câu hỏi "Chúng ta sẽ trả lời thế nào khi công dân thứ 8 tỷ sau này hỏi chúng ta đã làm gì cho hành tinh?". Lãnh đạo Liên hợp quốc đề nghị các bên tham gia COP27 thảo luận đề xuất xây dựng một "hiệp ước đoàn kết", theo đó tất cả các quốc gia nỗ lực hơn nữa để giảm lượng khí thải, các nước giàu và các tổ chức tài chính quốc tế hỗ trợ các nền kinh tế đang phát triển thúc đẩy chuyển đổi, chấm dứt phụ thuộc nhiên liệu hóa thạch, giảm mạnh phát thải và nâng cao năng lực ứng phó biến đổi khí hậu.

Trong vai trò chủ nhà, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El Sisi (A.Xi-xi) cũng kêu gọi các bên thực hiện nhanh chóng, hiệu quả và công bằng các cam kết về khí hậu. Ông Sisi nêu rõ, thế giới chỉ có thể vượt qua cuộc khủng hoảng khí hậu hiện nay thông qua những bước đi thực tế, chứ không chỉ là cam kết và những câu khẩu hiệu. Các nhà lãnh đạo thế giới cần đưa ra thông điệp rõ ràng, bao gồm các biện pháp thực hiện cam kết.

Kêu gọi các bên thực hiện đầy đủ các cam kết, Tổng thống Senegal, kiêm Chủ tịch Liên minh châu Phi (AU) Macky Sall (M.Xan) nhấn mạnh, cam kết của các nước giàu cấp 100 tỷ USD mỗi năm hỗ trợ các nước nghèo ứng phó biến đổi khí hậu là chưa đủ, cần thiết nâng lên ít nhất 200 tỷ USD/năm. Ông Sall cũng cho biết, các nước châu Phi ủng hộ tiến trình chuyển đổi xanh công bằng, dù mức "đóng góp" của châu lục trong tổng lượng khí thải toàn cầu là rất thấp.

Tăng cường các khuôn khổ hợp tác

Ít nhất 25 nước nhất trí tham gia cơ chế hợp tác mới, được gọi là Quan hệ đối tác của các nhà lãnh đạo về vấn đề rừng và khí hậu, theo đuổi mục tiêu chấm dứt nạn phá rừng vào năm 2030. Tại COP26, hơn 100 nhà lãnh đạo từng ký thỏa thuận xóa nạn phá rừng vào cuối thập niên này, tuy nhiên chỉ có rất ít quốc gia ban hành chính sách nghiêm ngặt hơn và tài trợ nhiều hơn cho nỗ lực này. Với nhóm nước thành viên chiếm khoảng 35% tổng diện tích rừng trên thế giới, khuôn khổ hợp tác mới được kỳ vọng tạo bước tiến trong bảo vệ "lá phổi xanh" của trái đất.

Tổng thống Colombia Gustavo Petro (G.Pê-tơ-rô) tuyên bố, Colombia sẽ đóng góp 200 triệu USD mỗi năm trong 20 năm cho các dự án bảo vệ rừng nhiệt đới Amazon. Lãnh đạo Colombia kêu gọi các quỹ, nhà tài trợ ngừng đầu tư trong lĩnh vực khai thác tài nguyên hóa thạch, ủng hộ sáng kiến "hoán đổi nợ xanh" của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB), theo đó các nước phát triển xóa hoặc giãn nợ cho các nước có thu nhập thấp nhằm thúc đẩy các dự án phát triển bền vững.

Một nhóm gồm 14 công ty kinh doanh thực phẩm lớn nhất thế giới đã giới thiệu kế hoạch chi tiết thực hiện mục tiêu khí hậu năm 2025. Trong đó, có mục tiêu hướng tới loại bỏ hoàn toàn hoạt động phá rừng có liên quan chuỗi cung ứng các sản phẩm đậu nành, thịt bò và dầu cọ. Ðây được đánh giá là bước đi quan trọng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu, khi việc khai thác, phá rừng để lấy diện tích canh tác, nuôi trồng đã thải ra lượng lớn khí nhà kính.

Trong khi đó, các nhà lãnh đạo từ gần 50 quốc gia và tổ chức quốc tế đã ra mắt Liên minh quốc tế ứng phó hạn hán, được thành lập theo đề xuất của Senegal và Tây Ban Nha. Trong tuyên bố chung, Thủ tướng Tây Ban Nha và Tổng thống Senegal nêu rõ: Nhiệm vụ của liên minh là tạo động lực chính trị để giúp đất đai trên thế giới có khả năng phục hồi tốt hơn trong bối cảnh hạn hán và biến đổi khí hậu. Quỹ khởi đầu trị giá 5 triệu euro đã được Tây Ban Nha công bố nhằm hỗ trợ các hoạt động của Liên minh.

Những cam kết mới

Các nước giàu đã ủng hộ kế hoạch chuyển đổi năng lượng khỏi than đá của Nam Phi, theo đó mở đường cho thỏa thuận trị giá 8,5 tỷ USD giúp quốc gia châu Phi này khử carbon. Thỏa thuận này có thể được coi là khuôn mẫu cho các quốc gia đang phát triển khác. Theo thông báo, Anh, Pháp, Ðức, Mỹ và EU sẽ hỗ trợ Nam Phi theo hình thức viện trợ và cho vay.

Hà Lan tuyên bố sẽ tăng mức đóng góp hằng năm cho tài chính khí hậu của các nước đang phát triển lên mức 1,8 tỷ euro vào năm 2025, cao hơn khoảng 50% so với mức năm 2021. Ðức và Bỉ đã tham gia cùng một số quốc gia giàu có khác cam kết tài trợ giúp các nước đang phát triển khắc phục thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra. Theo đó, Ðức đóng góp 170 triệu euro và Bỉ đóng góp 2,5 triệu euro.

Trong khi đó, Quỹ Bill & Melinda Gates của tỷ phú công nghệ đã cam kết tài trợ 1,4 tỷ USD giúp các hộ nông dân nhỏ lẻ ứng phó tác động của biến đổi khí hậu. Quỹ ước tính, hơn 2 tỷ người phụ thuộc nguồn cung thực phẩm từ các hộ nông dân nhỏ, song chỉ chưa tới 2% nguồn tài trợ toàn cầu liên quan khí hậu được dành để giúp nông dân thích ứng biến đổi khí hậu.

Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) kêu gọi loại bỏ rào cản thương mại đối với các hàng hóa, dịch vụ môi trường để hỗ trợ cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Trong báo cáo tại COP27, WTO nêu rõ: Dù hoạt động thương mại góp phần phát thải trong quá trình sản xuất và vận chuyển, song thương mại cũng đẩy nhanh việc phổ biến công nghệ tiên tiến phát thải thấp và tạo nhiều việc làm, đóng góp quan trọng vào nỗ lực chung ứng phó biến đổi khí hậu toàn cầu.


Theo Báo Nhân Dân

Các tin khác


Độc đáo máy bay ''Tomorrowland'' mới với công nghệ thực tế tăng cường

Brussels Airlines vừa giới thiệu phiên bản mới của chiếc máy bay "Amare" mang màu sắc lễ hội Tomorrowland, đánh dấu sự hợp tác lâu dài giữa hãng hàng không Bỉ và lễ hội âm nhạc điện tử nổi tiếng thế giới.

Kế hoạch phòng thủ dân sự của Thụy Điển cho tình huống xung đột lan rộng ở châu Âu

Thụy Điển đang tăng cường phòng thủ dân sự, đặc biệt là kế hoạch đảm bảo an ninh năng lượng trong giai đoạn khủng hoảng.

Nga và Ukraine nhất trí trao đổi trẻ em di dời do xung đột

Nga và Ukraine đã nhất trí trao đổi khoảng 50 trẻ em phải di dời sau khi xung đột giữa hai nước bùng phát hồi tháng 2/2022.

Tại sao ông Trump không phản đối gói viện trợ mới của Mỹ cho Ukraine?

Ông Trump có thể được hưởng lợi khi để Quốc hội Mỹ thông qua gói viện trợ mới cho Ukraine.

Đức gây áp lực để Mỹ cung cấp thêm hệ thống Patriot cho Ukraine

Dẫn các nguồn thạo tin, Bloomberg cho biết Đức đang gây áp lực buộc Mỹ phải cung cấp thêm ít nhất một hệ thống Patriot cho Ukraine.

G7 có thể mất 10 năm mới bắt kịp sản lượng nhiên liệu hạt nhân của Nga

Chuyên gia hạt nhân Nga nói rằng Mỹ và nhóm G7 đã tuyên bố sẽ chấm dứt nhập khẩu nhiên liệu hạt nhân của Nga, nhưng các nền kinh tế hàng đầu phương Tây vẫn tụt hậu so với Moskva về các công nghệ nguyên tử mới.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục