Mỹ sẽ phải vận hành toàn bộ cỗ máy chiến tranh với hàng trăm chiếc máy bay nếu nghe theo lời kêu gọi của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và tấn công Iran nhằm phá hủy chương trình hạt nhân của nước Cộng hòa Hồi giáo.

 

Việc đẩy lùi chương trình hạt nhân của Iran cần phải có nỗ lực toàn diện, với các đội máy bay ném bom, máy bay chiến đấu, các nhóm biệt kích, các hàng rào tên lửa đánh chặn và các nhóm tàu sân bay tấn công, kèm theo các máy bay không người lái, thiết bị do thám, máy bay tiếp liệu và hỗ trợ hậu cầu để tiến hành một chiến dịch rầm rộ. Và kết quả tốt nhất của chiến dịch chỉ có thể giúp đẩy lùi chương trình hạt nhân của Iran thêm một thập niên.

Kịch bản chiến tranh

Mỹ và Israel sẽ tấn công Iran như thế nào?
Máy bay chiến đấu hộ tống máy bay ném bom B-2 (giữa) của Mỹ - Ảnh: US Air Force

Các kịch bản về một cuộc tấn công Iran đã được chuyên gia quốc phòng Anthony Cordesman và Abdullah Toukan thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington (CSIS) vạch ra trong một báo cáo có tên “Phân tích tác động của cuộc tấn công phủ đầu các cơ sở hạt nhân Iran” vừa được công bố vào tuần trước.

Báo cáo dài 98 trang nêu rõ mọi thứ, từ số lượng các máy bay ném bom cần thiết cho đến từng loại bom sẽ mang theo. Sau khi phân tích các cuộc tấn công tiềm tàng của cả Israel và Mỹ, cuộc phản công của Iran và cách thức để vô hiệu hóa, hai tác giả đã đưa ra hai kết luận chính:

- “Israel không có khả năng tiến hành một cuộc tấn công phủ đầu có thể kéo lùi chương trình của Iran được hơn một hoặc hai năm”. Bất chấp những lời lẽ cường điệu từ Israel, ý tưởng Tel Aviv phát động một cuộc tấn công đơn phương cũng tồi tệ như việc cho phép Tehran tiếp tục chương trình hạt nhân. Nó sẽ tạo ra một làn sóng các cuộc phản công của Iran, bằng tên lửa, khủng bố và chiến hạm, gây nguy hiểm cho các nước ở khu vực, tàn phá nguồn cung cấp dầu của thế giới, ngay cả khi Israel có thể hoàn thành sứ mệnh.

- Mỹ có khả năng đẩy lùi chương trình hạt nhân của Tehran đến 10 năm. Song họ sẽ phải tiến hành một chiến dịch đồ sộ nếu muốn làm thế. Một cuộc không kích ban đầu sẽ cần có một khối lượng công việc cực lớn, bao gồm việc huy động máy bay ném bom chủ lực, tiêu diệt hệ thống phòng không của đối phương, máy bay hộ tống để bảo vệ máy bay ném bom, chiến tranh điện tử phục vụ cho mục đích lẩn tránh radar và gây nhiễu, các đội máy bay tuần tiễu chiến đấu nhằm chống lại mọi cuộc trả đũa của Iran.

Tuy nhiên, cuộc tấn công ban đầu có vẻ là phần dễ nhất, theo hai ông Cordesman và Toukan. Cùng lúc đó, Mỹ phải giữ không cho Iran phong tỏa eo biển Hormuz tối quan trọng, nơi 20% lượng dầu trên thế giới được vận chuyển qua. Và Mỹ phải bảo vệ các đồng minh sản xuất nhiên liệu ở vùng Vịnh nếu muốn dầu tiếp tục được vận chuyển qua eo biển này.

Tấn công phủ đầu

Đó không phải là một nhiệm vụ tầm thường. Báo cáo viết: “Iran có thể chọn lựa mục tiêu để gây áp lực và đe dọa Mỹ cùng các nước ở phía nam vùng Vịnh. Họ có thể sử dụng tên lửa quy ước tầm xa hoặc máy bay không người lái chống lại những mục tiêu quân sự lớn hoặc đô thị như là vũ khí khủng bố. Họ có thể tấn công rời rạc và không thể đoán trước trong một cuộc chiến tranh tiêu hao hoặc cố gắng tấn công lực lượng hải quân Mỹ và các nước vùng Vịnh”.

Một số phương án phòng thủ đã được Mỹ xúc tiến. Để bảo vệ eo biển Hormuz, Mỹ đã duy trì các nhóm tàu tấn công tại khu vực, điều các tàu chiến, tàu rà phá thủy lôi và tàu ngầm tự động đến gần Bahrain. Để phát hiện tên lửa Iran, vốn có thể bắn trúng mục tiêu trong vòng bốn phút, Mỹ đang xây dựng trạm radar X-band tối tân ở Qatar.

Để tiêu diệt những tên lửa tầm trung và tầm ngắn của Iran, Mỹ đã bán các hệ thống tên lửa đánh chặn Patriot và THAAD trị giá hàng tỉ USD cho Ả Rập Xê Út, Kuwait và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.

Các tên lửa đánh chặn sẽ được bổ trợ bởi các tàu tuần dương và tàu khu trục trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo Aegis tối tân của hải quân Mỹ.

Tuy nhiên, để bảo đảm tên lửa của Tehran không bắn trúng thủ đô Riyadh của Ả Rập Xê Út hoặc thủ đô Kuwait City của Kuwait, Mỹ phải loại ra khỏi cuộc chơi 8 căn cứ tên lửa đạn đạo và 15 cơ sở sản xuất tên lửa của Iran, cùng 22 bệ phóng tên lửa nếu tiến hành một cuộc tấn công phủ đầu.

Mỹ và Israel sẽ tấn công Iran như thế nào?
Máy bay ném bom B-2 và máy bay hộ tống trong một cuộc tập trận của Mỹ - Ảnh: Reuters

Mỹ “cần phải tiêu diệt càng nhiều bệ phóng tên lửa càng tốt… để giảm số lượng đầu đạn sắp bay tới”, báo cáo viết.

Mỗi mục tiêu cần hai chiếc máy bay, gồm các loại F/A 18 cất cánh từ tàu sân bay hoặc F-15E và F-16C cất cánh từ các căn cứ không quân gần đó. Tổng cộng, cần phải có đến 90 máy bay. Các mục tiêu phụ có thể bao gồm các nhà máy lọc dầu, mạng lưới điện, căn cứ quân sự, đường xá và cầu cống.

Các máy bay ném bom và tiêm kích của Mỹ có thể thoải mái bắn phá trước sự kém cỏi của lực lượng phòng không Iran. Tuy nhiên, vẫn cần phải loại bỏ hệ thống phòng không và các máy bay chiến đấu của Iran trước khi chúng có thể xoay sở bắn một phát hú họa.

Các máy bay không người lái sẽ được triển khai để thực hiện các sứ mệnh do thám, gây nhiễu hoặc tiêu diệt lực lượng và hệ thống phòng không của phía bên kia. Các lực lượng đặc biệt sẽ tiến hành những sứ mệnh hành động trực tiếp, do thám và cung cấp chỉ dẫn cho các cuộc tấn công nhắm vào những mục tiêu có giá trị cao. Và bằng cách này hay cách khác, cũng cần phải hạn chế khả năng tấn công từ các lực lượng đồng minh của Iran, gồm Hamas và Hezbollah.

Cuộc tấn công chủ lực

Cần phải sử dụng một đội hai chiếc máy bay ném bom B-2 bay từ căn cứ hải quân Diego Garcia ở Ấn Độ Dương để tiêu diệt một trong năm cơ sở hạt nhân của Iran, gồm Fordow, Arak, Esfahan, Natanz và Parchin. Mỗi máy bay sẽ mang theo hai loại bom phá boongke “hàng khủng” GBU-57.

Bom GBU-57 được chế tạo để xuyên qua lớp đất đá, bê tông cốt thép nhằm phá hủy những hầm ngầm của Iran, theo ông Cordesman, người tin rằng loại bom này có thể đẩy lùi chương trình hạt nhân của Iran nhiều năm.

Israel có thể có khả năng tiến hành một cuộc ném bom như thế song lực lượng của họ chỉ vừa vặn đủ để tiến hành chuyện này. Israel cần phải sử dụng phần lớn số máy bay chiến đấu của không quân và toàn bộ các máy bay tiếp liệu, khiến họ không còn máy bay để tấn công những mục tiêu thứ hai.

Các máy bay sẽ phải bay sát biên giới Syria và Thổ Nhĩ Kỳ trước khi bay qua Iraq và Iran. Và đây rõ ràng không phải là những lãnh thổ thân thiện.

Việc huy động đủ số lượng máy bay, máy bay tiếp liệu và “đến được mục tiêu mà không bị phát hiện hoặc ngăn chặn sẽ phức tạp, có nguy cơ cao, và sẽ có ít đảm bảo rằng sứ mệnh chung sẽ đạt được tỷ lệ thành công cao”, báo cáo của CSIS viết.

Và thậm chí nếu các lò phản ứng bị tấn công, “cuộc trả đũa của Iran sẽ có hậu quả tàn phá với khu vực”, theo báo cáo.

 

                                                       Theo Báo Thanhnien

 

Các tin khác


Mỹ kêu gọi Hamas chấp nhận thỏa thuận ngừng bắn, phản đối Israel tấn công Rafah

Tại cuộc hội kiến Tổng thống Israel Isaac Herzog ở Tel Aviv ngày 1/5, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cam kết ưu tiên việc đưa con tin về nhà đoàn tụ với gia đình, đồng thời kêu gọi lực lượng Hamas chấp nhận thỏa thuận ngừng bắn đổi lấy con tin mà Israel đề xuất.

Vụ sập cao tốc tại Trung Quốc: Ít nhất 19 người thiệt mạng

Tân Hoa xã dẫn nguồn chính quyền địa phương cho biết 19 người đã thiệt mạng sau khi một phần đường cao tốc ở tỉnh Quảng Đông, miền Nam Trung Quốc bị sập sáng 1/5.

Các nước thành viên WHO thu hẹp khoảng cách về thỏa thuận toàn cầu ứng phó đại dịch

Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, các quốc gia đã thu hẹp bất đồng trong quá trình đàm phán về thỏa thuận toàn cầu mới nhằm ứng phó với các đại dịch trong tương lai.

Mặt trận Israel - Liban tiếp tục nóng lên bất chấp nỗ lực hòa giải của Pháp

Xuất hiện động lực mới cho hoạt động ngoại giao trên mặt trận Liban khi trọng tâm hiện đã chuyển khỏi sự leo thang giữa Iran - Israel.

G7 đồng thuận về đóng cửa nhà máy điện than trước năm 2035

Theo phóng viên TTXVN tại Italy, các phương tiện truyền thông nước này ngày 29/4 đồng loạt đưa tin về việc Bộ trưởng Năng lượng các nước thành viên Nhóm Các nước công nghiệp phát triển (G7) đã cam kết đóng cửa các nhà máy điện sử dụng than chậm nhất là vào năm 2035.

Mục đích chuyến thăm Trung Đông mới nhất của Ngoại trưởng Mỹ

Ngoại trưởng Mỹ đã bắt đầu 3 ngày ngoại giao khó khăn ở Trung Đông, với hy vọng tạm dừng cuộc xung đột ở Dải Gaza, vốn đang gây thương vong nặng nề cho dân thường và kích động tình cảm chống Israel ở Mỹ, làm phức tạp thêm chiến dịch tái tranh cử của Tổng thống Biden.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục