(HBĐT) - Theo kế hoạch, năm học 2021 - 2022, các ngành học, cấp học trên địa bàn tỉnh tổ chức khai giảng vào ngày 5/9. Đến thời điểm này, hệ thống giáo dục đã chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để bắt đầu năm học mới. Đây là năm học đầy thách thức trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên công tác chuẩn bị đòi hỏi tinh thần vào cuộc rất cao của cả hệ thống chính trị, ngành GD&ĐT cũng như từng gia đình, từng người dân.


Trong ngày tựu trường 23/8, học sinh lớp 1, trường tiểu học Sông Đà (TP Hòa Bình) được đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn và hướng dẫn các biện pháp vệ sinh cá nhân để phòng, chống dịch Covid-19.

Chỉ đạo quyết liệt, thực hiện nghiêm túc

Ngay từ cuối tháng 7/2021, UBND huyện Lạc Sơn đã ban hành Chỉ thị số 04/CT-UBND về việc chuẩn bị các điều kiện cho năm học 2021 - 2022. Theo đó, yêu cầu Phòng GD&ĐT huyện, các trường học, cơ sở giáo dục triển khai nghiêm túc công tác chuẩn bị cho năm học mới, bao gồm: Tuyển sinh vào các lớp đầu cấp; rà soát các điều kiện về cơ sở vật chất (CSVC), chuẩn bị đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên; mua sắm trang thiết bị giáo dục…

Chủ tịch UBND huyện Lạc Sơn cũng yêu cầu UBND các xã, thị trấn phối hợp thực hiện ngay việc kiểm tra, rà soát CSVC trường, lớp học hiện có, đối chiếu với kế hoạch năm học 2021 - 2022 để triển khai tu sửa, nâng cấp, khắc phục tình trạng các chi, điểm trường lẻ thiếu công trình vệ sinh hoặc công trình vệ sinh không đảm bảo. Đặc biệt, có 2 nội dung được nhấn mạnh là: Tuyệt đối không để học sinh vì thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu sách vở, đồ dùng học tập mà phải bỏ học; kiên quyết không để vào năm học mới còn tình trạng phòng học mất an toàn, thiếu bàn ghế làm ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học.

Đồng chí Bùi Văn Danh, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Lạc Sơn cho biết: Thời gian qua, ngành GD&ĐT huyện phối hợp với các cấp, ngành, đơn vị liên quan đã triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nội dung đã được chỉ đạo. Kế hoạch năm học 2021 - 2022, toàn huyện có 59 trường (cả công lập và tư thục) với 181 điểm trường, 1.213 nhóm/lớp, khoảng 33.320 học sinh. Qua rà soát CSVC, đối chiếu với tiêu chuẩn về CSVC tối thiểu trong trường học ban hành kèm theo Thông tư số 13/2020/TT-BGD &ĐT của Bộ GD&ĐT, nhu cầu CSVC tối thiểu của các trường học cần sửa chữa, nâng cấp và xây mới khá cao. Cùng với đó là áp lực trong công tác chuẩn bị về đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên, về nhu cầu mua sắm trang thiết bị dạy học để tiếp tục thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới... Đáng ghi nhận là các đơn vị, trường học trên địa bàn huyện đều tích cực chuẩn bị các điều kiện cho năm học mới với tinh thần khắc phục khó khăn, linh hoạt ứng phó với tình hình thực tế để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Với tinh thần đó, công tác chuẩn bị cho năm học mới đến thời điểm này đã cơ bản hoàn thành.

Xác định rõ trọng tâm trong công tác chuẩn bị

Tại huyện Đà Bắc - địa phương đang đối mặt với nhiều thách thức trong phát triển GD&ĐT, công tác chuẩn bị năm học mới tập trung vào nỗ lực tháo gỡ khó khăn để cùng toàn tỉnh thực hiện Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 2, lớp 6. Theo đánh giá của Phòng GD&ĐT huyện, hiện nay, CSVC và trang thiết bị cho giáo dục nhìn chung đều có quy mô nhỏ, thiếu tính đồng bộ, hầu hết các trường vẫn thiếu các phòng học bộ môn, nhà hiệu bộ, thiếu nước sinh hoạt, bếp ăn và các hạng mục phụ trợ khác... nên chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Vì thế, huyện đã có lộ trình cụ thể, giải pháp đồng bộ để đầu tư cơ sở hạ tầng, CSVC cho giáo dục phù hợp với quy mô trường lớp, học sinh ở từng địa bàn, phù hợp với từng trường học. Nhìn chung, việc phân bổ nguồn lực CSVC trường học được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm. Trong đó, tập trung ưu tiên cho các trường nằm trong kế hoạch xây dựng trường chuẩn quốc gia, các xã phấn đấu về đích nông thôn mới, các trường vùng khó khăn CSVC còn thiếu và xuống cấp. Đặc biệt, xác định nhiệm vụ quan trọng của năm học 2021 - 2022 là tiếp tục thực hiện Chương trình GDPT mới, huyện đã lồng ghép nguồn lực để đầu tư các hạng mục thiết yếu, hạn chế thấp nhất việc đầu tư lãng phí, kém hiệu quả.

Tại huyện Yên Thủy, các đơn vị, trường học đã tích cực huy động học sinh trong độ tuổi đến trường và hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Với sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đặc biệt là sự vào cuộc của các tổ chức, doanh nghiệp, người dân, công tác chuẩn bị cho ngày khai giảng năm học mới đã cơ bản hoàn tất, hàng nghìn suất quà thiết thực được chuẩn bị sẵn sàng để trao tặng cho học sinh. Được biết, Yên Thủy là một trong những địa phương thực hiện tốt công tác "3 đủ” (đủ ăn, đủ mặc, đủ sách vở và đồ dùng học tập) cho học sinh. Trong nỗ lực chung, huyện đặc biệt quan tâm những học sinh là con liệt sỹ, thương binh, bệnh binh, học sinh vùng sâu, vùng xa, học sinh nghèo, học sinh mồ côi, khuyết tật… để các em được đến trường, hưởng đầy đủ chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Trong quá trình chuẩn bị cho năm học mới, các huyện, thành phố đều xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm để triển khai thực hiện đúng, đủ, hiệu quả. Điển hình như huyện Lương Sơn. Theo chỉ đạo mới nhất, đến 18h ngày 10/9, huyện mới hoàn thành thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch (PCD) Covid-19. Dự báo tình hình sẽ còn diễn biến phức tạp, khó lường nên phòng GD&ĐT huyện đã chỉ đạo, đôn đốc các trường học xây dựng kế hoạch dạy và học ứng phó với tình hình dịch bệnh. Kế hoạch xây dựng cụ thể các phương án tổ chức dạy học trong điều kiện dịch Covid-19 phù hợp với học sinh ở từng cấp học, như dạy học qua internet, dạy học trực tuyến, qua ứng dụng zalo, tin nhắn, phiếu giao bài tập… Cố gắng khắc phục khó khăn, ngay từ đầu năm học, ngành GD&ĐT huyện Lương Sơn phấn đấu bám sát phương châm "ngừng đến trường nhưng không ngừng học”.

Sẵn sàng bước vào năm học mới

Trong năm học 2021 - 2022, ngành GD&ĐT tiếp tục triển khai Chương trình GDPT mới đối với lớp 2 và lớp 6. Vì vậy, công tác chuẩn bị các điều kiện về CSVC, thiết bị dạy học, sách giáo khoa (SGK) cho lớp 2, lớp 6 được chú trọng hàng đầu. Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố đã tham mưu UBND cùng cấp mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu lớp 2 với kinh phí 17 tỷ đồng; lớp 6 với kinh phí trên 16 tỷ đồng. Sở GD&ĐT đã phối hợp với Công ty CP Sách và thiết bị trường học chuẩn bị sẵn hàng hóa cung cấp cho thị trường trên địa bàn tỉnh. Riêng đối với SGK lớp 2 và lớp 6, đã phát hành đầy đủ đến các nhà trường. Duy nhất còn huyện Lương Sơn đang thực hiện giãn cách nên dự kiến sẽ bàn giao ngay sau khi huyện hoàn thành thời gian giãn cách xã hội.

Đồng chí Bùi Thị Kim Tuyến, Giám đốc Sở GD&ĐT trao đổi: Ngày 19/8, Sở GD&ĐT đã tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2021 - 2022. Theo đó, chỉ đạo các đơn vị, trường học tập trung thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ trọng tâm và 5 nhóm giải pháp chủ yếu. Trước đó, Sở chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị, trường học thực hiện nghiêm túc, kỹ lưỡng với tinh thần trách nhiệm cao nhất các điều kiện để sẵn sàng khởi động năm học mới. Cụ thể, về CSVC, thiết bị dạy học, SGK, Sở phối hợp các cơ quan liên quan đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các công trình đang xây dựng theo kế hoạch chuẩn bị đưa vào sử dụng trong năm học mới. Chỉ đạo các trường chủ động sử dụng kinh phí ngân sách đã giao, huy động nguồn lực xã hội hóa để sửa chữa, mua sắm, bổ sung thiết bị dạy học phục vụ năm học mới. Về đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, nhìn chung, đội ngũ cơ bản đảm bảo về số lượng, chất lượng, cơ cấu theo vị trí việc làm. Sở phối hợp UBND các huyện, thành phố tiếp nhận, điều động cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên cho năm học mới. Hiện nay, các thầy, cô giáo tiếp tục tham gia các lớp tập huấn, sẵn sàng để thực hiện Chương trình GDPT 2018. Về công tác tuyển sinh, các cấp học, ngành học đều hoàn thành theo đúng quy định, sẵn sàng khai giảng theo kế hoạch đề ra. Đặc biệt, công tác PCD Covid-19 được ngành thực hiện nghiêm túc, tuyệt đối không chủ quan, lơ là, thiếu trách nhiệm, có các giải pháp phù hợp nhằm ứng phó với mọi tình huống, không để bị động, bất ngờ.

Ghi nhận đến thời điểm này, hệ thống giáo dục trên địa bàn tỉnh đã cơ bản hoàn thành công tác chuẩn bị để chính thức khởi động năm học 2021 - 2022. Riêng địa bàn huyện Lương Sơn, các nội dung công việc cũng đang được rà soát để sẵn sàng kích hoạt ngay sau khi huyện hoàn thành thời gian giãn cách xã hội.

Theo đúng kế hoạch đề ra, sáng 23/8, gần 15.300 học sinh lớp 1 trên địa bàn 9 huyện, thành phố đã tựu trường. Năm học này, toàn tỉnh có 223 trường tiểu học với 668 lớp học, 16.374 học sinh. Để sẵn sàng tổ chức ngày tựu trường cho học sinh lớp 1, các trường học đã nghiêm túc thực hiện công tác chuẩn bị. 100% trường học phối hợp với trạm y tế các xã, phường, thị trấn phun thuốc khử khuẩn, chuẩn bị tốt CSVC và đảm bảo nghiêm ngặt các yêu cầu về PCD Covid-19. Ghi nhận trong ngày đầu tiên học sinh lớp 1 đến trường, các nhà trường đều tổ chức tốt các nội dung, trong đó chú trọng thực hiện nghiêm các biện pháp PCD Covid-19.


Người dân xã Bảo Hiệu (Yên Thủy) mổ lợn để chủ động các chi phí đầu năm học.

Sau ngày tựu trường của học sinh lớp 1, các đơn vị, trường học rà soát lại các nội dung công việc để chuẩn bị kỹ lưỡng hơn cho ngày khai giảng sắp tới. Với sự chuẩn bị chu đáo, nghiêm túc, đến thời điểm này, toàn tỉnh đã sẵn sàng khởi động năm học mới 2021 - 2022.

Thu Trang

 


Tăng cường phối hợp với phụ huynh học sinh

Cô giáo Bùi Thị Thúy Chủ nhiệm lớp 1A1, trường tiểu học Sông Đà (TP Hòa Bình)

Để chuẩn bị kỹ lưỡng các điều kiện giúp học sinh sẵn sàng bước vào năm học mới, đội ngũ giáo viên đã kết nối với phụ huynh học sinh, đề nghị phụ huynh phối hợp thực hiện bản hướng dẫn "Một tuần cùng con chuẩn bị bước vào năm học mới”. Tờ hướng dẫn ghi chi tiết các hoạt động cần làm theo từng ngày, như: Rèn luyện thân thể bằng một bài tập thể dục buổi sáng; cùng bố mẹ chuẩn bị đồ dùng cần thiết để phòng dịch Covid-19 trước khi đến trường; vệ sinh, trang trí góc học tập…

Đặc biệt, với tinh thần chuẩn bị chu đáo nhất có thể dành cho học sinh lớp 1, thông qua kết nối với phụ huynh, đội ngũ giáo viên còn chuẩn bị những món quà nho nhỏ, ý nghĩa cho các em. Đối với các em, ấn tượng những ngày đầu đến trường rất quan trọng nên chúng tôi đã cố gắng chăm chút từng chi tiết, tạo sự hào hứng, tự tin để các em cảm thấy yêu trường, yêu lớp và "mỗi ngày đến trường là một ngày vui”.


Chủ động chuẩn bị cho năm học mới

Quách Thị Hồng Hiệp Xóm Bãi Đa, xã Bảo Hiệu (Yên Thủy)

Kinh tế không dư dả, lại nuôi 3 con ăn học nên gia đình tôi đã chủ động về kinh tế để chuẩn bị cho các con bước vào năm học mới. Tiền mua quần áo mới, ba lô, đồ dùng học tập, tiền đóng các khoản đầu năm… là một món tiền lớn đối với gia đình nên vừa rồi, chúng tôi đã mổ con lợn nhựa nuôi từ dịp Tết Trung thu năm ngoái. Cả gia đình cùng tiết kiệm từ đó đến nay nên khi lợn được mổ là niềm vui, sự háo hức và niềm hy vọng. Thêm số tiền này, gia đình chủ động hơn trước những chi phí đầu năm học mới.

Cùng với sự chuẩn bị về kinh tế, mọi người trong gia đình luôn động viên, khích lệ để các con thêm quyết tâm, sẵn sàng tâm thế bước vào năm học mới.

 

Các tin khác


Ngành Giáo dục và Đào tạo triển khai Chỉ thị số 04 của Thủ tướng Chính phủ

Sáng 16/4, Sở GD&ĐT tổ chức hội nghị triển khai Chỉ thị số 04, ngày 11/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại các bộ, ngành, địa phương năm 2024 và những năm tiếp theo. Tham dự có lãnh đạo Sở GD&ĐT, đại diện Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố, các trường học trên địa bàn, một số ngân hàng, doanh nghiệp.  

Quan tâm phát triển giáo dục - đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi

Những năm qua, sự nghiệp giáo dục đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của của Đảng, Nhà nước.

Nhiều trường đại học xét tuyển bằng chứng chỉ SAT, ACT

Tính đến ngày 11/4, nhiều cơ sở giáo dục đại học trên cả nước đã công bố phương án tuyển sinh năm 2024 với nhiều phương thức đa dạng.

Bộ GD&ĐT đề xuất chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh

Dự thảo thông tư của Bộ GD&ĐT đề xuất tiêu chuẩn chung về đạo đức nghề nghiệp đối với viên chức tư vấn học sinh.

Tuyển dụng giáo viên dưới chuẩn, bổ nhiệm, xếp lương, nâng lương như thế nào?

Những địa phương thiếu giáo viên có thể được tuyển người tốt nghiệp cao đẳng, thay vì đại học như Luật Giáo dục, theo đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Bảo đảm tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 an toàn, đúng quy chế

UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 79/KH-UBND, ngày 10/4/2024 về việc tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tại tỉnh Hòa Bình, nhằm tổ chức kỳ thi bảo đảm an toàn, đúng quy chế và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, bảo đảm nghiêm túc, trung thực, khách quan, công bằng và hiệu quả.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục