(HBĐT) - Vạt nắng xuân vàng óng ả, cánh hoa đào chúm chím, lộc xanh mơn mởn của núi rừng báo hiệu mùa xuân đã về trên vùng cao Yên Thượng - nay là xã Thạch Yên Sáu sáp nhập (Cao Phong). Sắc xuân của núi rừng hòa quyện trong tiếng chiêng trầm hùng tạo nên không khí xuân nhộn nhịp khắp các xóm. Từng nhà, từng người ai cũng vui vẻ, phấn khởi với niềm vui xã nhà được UBND huyện Cao Phong chọn là điểm để thực hiện các dự án đầu tư phát triển du lịch.


Ruộng bậc thang - kỳ quan thiên nhiên kỳ vỹ do người dân Yên Thượng tạo ra.

Khoác lên mình màu áo mới

Về Yên Thượng những ngày giáp Tết, chúng tôi cảm nhận được sắc xuân tràn ngập khắp mọi nẻo đường. Bà con tất bật dọn vệ sinh đường xá sạch sẽ, quang đãng. Đàn ông thì thịt lợn, các mế, các mẹ quây quần gói bánh chưng. Khói từ nhà sàn tỏa ra, hương rượu nồng nàn lan tỏa, hòa quyện vào nhau trong không khí ngày xuân ấm áp, rộn ràng. Qua trao đổi với bà con Yên Thượng, chúng tôi được biết, mùa xuân năm nay, người dân Yên Thượng có nhiều niềm vui nên nhà nhà ăn Tết to. Những vườn mía, vườn cam xanh mướt đem lại lợi nhuận cao gấp vài lần cây ngô, cây sắn. Năm 2019, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 18 triệu đồng. 

Tuy nhiên, đối với người dân trong xã, niềm vui lớn nhất để đón năm Canh Tý là giữa năm 2019, Yên Thượng được UBND huyện Cao Phong triển khai thực hiện các dự án đầu tư phát triển du lịch trọng điểm. Trong đó, điểm nhấn là khu du lịch sinh thái tổng hợp Happy Land Cao Phong tại xã Yên Thượng. Dịp Tết Canh Tý cũng chính là thời điểm vàng để người dân nơi đây chào đón khu khách tới thăm quan, khám phá vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên và cùng trải nghiệm văn hóa đặc sắc của người dân. Hành trình khám phá Yên Thượng trên cung đường tại xóm Rớm Khánh gồm: Chùa Khánh - khu ruộng bậc thang - Bó Vua.

Yên Thượng là xã vùng cao 135, cách trung tâm huyện gần 20 km. Bên cạnh điều kiện khí hậu, đất đai phù hợp cho phát triển nông nghiệp xã còn có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái, lịch sử - tâm linh và du lịch cộng đồng như: khu căn cứ cách mạng Cao Phong - Thạch Yên. Năm 1996, di tích được công nhận là di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia. Trung bình mỗi năm, chùa Khánh đón khoảng 8.000 lượt khách du lịch tới chiêm bái. Sự tích "Bó vua” - giếng nước cao hơn mặt nước biển khoảng 1.000 m; 200 ha rừng nguyên sinh; khu ruộng bậc thang đẹp nên thơ. Ngoài ra, xã Yên Thượng còn giữ được bản sắc văn hóa dân tộc Mường trong cộng đồng và trong từng nếp nhà. 

Khát vọng trở thành điểm du lịch hấp dẫn 

Tiết trời vào xuân se lạnh, sắc xuân ở vùng cao Yên Thượng mang một vẻ đẹp bình dị nhưng cũng không kém phần rực rỡ với những huyền tích của đất Mường. "Bó Vua” là giếng nước cao hơn mặt biển khoảng 1.000 m với dòng nước mát lạnh về mùa hè, ấm áp về mùa đông. Gần Bó Vua có bãi đất màu đen chưa bao giờ thấy cỏ mọc. Bó nước và bãi đất gắn chặt với những lời ca, điệu múa, âm vang tiếng chiêng của ngày hội "Khuống mùa” trên vùng đất Mường Thàng với những câu chuyện đầy kỳ bí mà bất cứ ai mới thoáng nghe một lần cũng muốn đến tận nơi tìm hiểu và khám phá. Quanh Bó Vua là khu đồi cao khoảng trên dưới 1.000m, cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, xanh ngắt với những thảm cỏ, cây sim trải dài theo triền đồi. 

Theo cụ Bùi Văn Đăng, xóm Rớm Khánh, từ bao đời nay, người dân Yên Thượng đã canh tác trên các triền ruộng bậc thang. Đây chính là công trình kỳ vỹ thể hiện ở ý chí kiên cường chinh phục mẹ thiên nhiên của người dân vùng cao. Ruộng bậc thang còn là tác phẩm nghệ thuật hoành tráng do người dân vùng cao chạm khắc và phối màu trên bức tranh tuyệt tác về nền văn minh lúa nước. Để tạo dựng ruộng bậc thang, con người đã phải trải qua hàng trăm năm xây đắp mở mang kiến tạo, mất vài năm khai phá xây đắp cho thành nền, thành ruộng, thành bờ, chọn đất làm ruộng trước khi chọn đất lập bản dựng nhà. Việc trộn đất, san ruộng, đắp bờ phải dựa vào yếu tố phong thủy, tâm linh tín ngưỡng bản địa. Trong đó, yếu tố nguồn nước là điều kiện quyết định nhất. Khu ruộng bậc thang xã Yên Thượng nằm ở vị trí trung tâm của tuyến giao thông chính, với các điểm quan sát rất đẹp.

Xã Yên Thượng có hơn 90% dân số là người Mường. Nơi đây vẫn giữ được nét văn hóa đậm đà bản sắc "cơm đồ, nhà gác, nước vác, lợn thui”. Phần lớn các hộ dân ở Yên Thượng ăn ở, sinh hoạt trong những nếp nhà sàn truyền thống. Bên cạnh đó, không chỉ ngày lễ, Tết, khi có hiếu, hỉ hoặc nhà ai đó có trẻ nhỏ mới chào đời hay những sự kiện vui, buồn của cộng đồng, khắp các xóm ở Yên Thượng vẫn vang vọng tiếng chiêng. Trong những năm qua, các hoạt động văn hoá, du lịch tại địa phương được tổ chức sôi nổi, rộng khắp, đa dạng. Các giá trị văn hoá truyền thống của người Mường được người dân bảo tồn, phát huy giá trị và phục dựng đưa vào sinh hoạt văn hoá cộng đồng. Sự độc đáo trong lễ hội, nghi lễ truyền thống của người Mường tại Yên Thượng góp phần làm phong phú nền văn hóa của huyện Cao Phong, thoả mãn nhu cầu văn hóa tinh thần và sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân.

Ông Bùi Đức Chung, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Thượng phấn khởi cho biết: Giữa năm 2019, xóm Rớm Khánh được chọn là điểm để phát triển du lịch cộng đồng. Xóm có 105 hộ; dân tộc Mường chiếm gần 100%. Rớm Khánh có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch với trên 70% hộ dân giữ được nếp nhà sàn truyền thống. Đa số nhà sàn của người dân trong xóm dựa lưng vào đồi núi, mặt hướng ra cánh đồng. Hàng ngày, bà con vẫn diện trang phục dân tộc. Không chỉ có vậy, văn hóa của người Mường còn được người dân thể hiện qua cách bài trí nhà cửa, các vật dụng, cách thức sinh hoạt trong gia đình và trong văn hóa ẩm thực… Hiện nay, xóm Rớm Khánh có 7 hộ đủ điều kiện đăng ký kinh doanh homestay. 7 hộ đã tham gia HTX du lịch (thành lập tháng 6/2019) và ký cam kết sửa nhà với đầy đủ tiện nghi đón khách du lịch, bao gồm cả sân vườn xung quanh. 
Tiếng cười, nói rôm rả trong từng nếp nhà sàn là minh chứng về cuộc sống ấm no, hạnh phúc ở vùng cao Yên Thượng. Phát huy truyền thống cách mạng anh hùng, cấp ủy, chính quyền và nhân dân Yên Thượng quyết tâm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của địa phương.

Thu Thủy

Các tin khác


Người chiến sỹ quân y và khúc hát bi tráng giữa khói lửa Điện Biên Phủ

Sinh năm 1932, năm nay cựu chiến binh (CCB) Vũ Trọng Thuận ở tổ 3, phường Thống Nhất (TP Hòa Bình) đã ngoài 90 tuổi, nhưng khi kể về một thời binh lửa nơi chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, giọng ông vẫn sang sảng. Thời điểm đó ông tham gia với vai trò là chiến sỹ quân y của trạm thu dung điều trị thương binh dưới tán rừng Mường Phăng. 70 năm đã trôi qua, ký ức thời thanh niên của người cựu binh như ùa về khi hoa ban nở trắng những cánh rừng Tây Bắc.

Vẹn nguyên ký ức về trận chiến Đồi A1

Sinh năm 1934, năm nay dù đã 90 tuổi nhưng khi kể lại những ngày cùng đồng đội tấn công Đồi A1 ở chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây tròn 70 năm, đôi mắt của cựu chiến binh (CCB) Mai Đại Xá ở tổ 7, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) như có lửa, giọng nói trở lên mạnh mẽ như thuở 20 tay cầm súng, bật dậy từ chiến hào hô xung phong...

Hồi ức về trận chiến đồi Độc Lập tại Điện Biên Phủ

LTS: Thiếu tướng Bùi Đức Tùng, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là Trung đội trưởng thuộc Đại đội 924, Tiểu đoàn 542, Trung đoàn 165, Đại đoàn 312. Thiếu tướng Bùi Đức Tùng đã kể lại những kỷ niệm tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ trong cuốn sách "Chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh” do Ban liên lạc chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh biên soạn. Báo Quân đội nhân dân Điện tử trích gửi đến bạn đọc.

Chuyện về người phụ nữ sống một mình không điện trong rừng

Cách đường tỉnh 435 gần 3km ở xóm Lòn, xã Bình Thanh, huyện Cao Phong là một căn nhà sàn cũ. Đó là căn nhà của bà Đinh Thị Thảo năm nay 63 tuổi, bà ở một mình. Nhiều năm nay bà Thảo sống trong cảnh không có điện, không ti vi với niềm đam mê trồng rừng và giữ rừng.

Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo

Những năm qua, cùng với triển khai các giải pháp nhằm tạo sinh kế cho người nghèo vươn lên, việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo cũng luôn được tỉnh quan tâm thực hiện. Ngoài đề án, chương trình hỗ trợ nhà ở, các cấp, ngành đã tăng cường huy động nguồn lực để hỗ trợ sửa chữa, xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, tạo động lực để các hộ vươn lên thoát nghèo.

Người "hóa rồng" cho tre Hòa Bình

Từ một cây tre ngà bình thường, ông Nguyễn Văn Nam ở xã Yên Trị, huyện Yên Thủy đã biến thành "rồng tre”, thể hiện tinh thần đoàn kết với mong muốn Việt Nam muốn làm bạn với các nước trên thế giới. Những tác phẩm của ông đã được nhiều nước biết đến.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục