(HBĐT) - Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong tất cả các nghề. Và "gieo” chữ ở nơi đầu sóng ngọn gió, trên quần đảo Trường Sa thiêng liêng của Tổ quốc là niềm vinh dự, tự hào của những người thầy ngày ngày thầm lặng bên những trang giáo án…



Thầy Bành Hữu Tình, trường tiểu học thị trấn Trường Sa tự nguyện viết đơn ra công tác tại quần đảo Trường Sa thân yêu.

Đến thị trấn Trường Sa (còn gọi là đảo Trường Sa Lớn), huyện Trường Sa (Khánh Hòa), chúng tôi có dịp được gặp thầy trò trường tiểu học thị trấn Trường Sa, ngôi trường nhỏ với nhiều điều đặc biệt ở nơi đầu sóng, ngọn gió.

Khác với những lớp học ở đất liền, ở nơi đảo xa, số lượng học sinh ít nên các lớp học được tổ chức theo kiểu "4 trong 1” hay "5 trong 1”. Nghĩa là, một lớp học có học sinh từ mẫu giáo đến lớp 5 học chung với nhau. Chúng tôi đến thăm lớp học do thầy Bành Hữu Tình phụ trách. Lớp học của thầy Tình có 8 học sinh, có em mới học mẫu giáo, em lớn nhất học lớp 4. Mặc dù lớp học chỉ vài em nhưng căn phòng khá sạch đẹp và hơn hết, tiếng ê a của thầy trò hòa quyện với tiếng rì rào của sóng biển tạo nên không khí vừa thân thuộc, lại có điều gì đó lạ lẫm. Đang say sưa trên bục giảng với lớp học đặc biệt, thấy chúng tôi, thầy Tình mời vào dự giờ tiết học. Đã có 13 năm làm nghề gõ đầu trẻ trước khi đặt chân lên công tác ở đảo tiền tiêu của Tổ quốc, với thầy Tình, dù dạy học ở đâu thì tình yêu với những mầm xanh tương lai của đất nước trong trái tìm của người giáo viên cũng vậy. Trên đảo không có nhiều học sinh đông vui như ở đất liền nhưng bù lại, lớp học ít học sinh các thầy có điều kiện kèm cặp, chỉ dạy được chu đáo hơn cho từng em, thế nên, lực học của các em cũng không thua kém bạn bè đồng trang lứa ở đất liền.

"Tại sao thầy lại chọn ra công tác ở đảo xa, trong khi đang có một công việc tốt ở đất liền?”, chúng tôi có chung thắc mắc. Thầy Tình chia sẻ, đến với Trường Sa là một cơ duyên mà không phải ai cũng may mắn có được: "Được công tác ở Trường Sa là niềm vinh dự, tự hào lớn lao nên từ lâu, tôi đã mong muốn có cơ hội được ra đây công tác. Do đó, khi biết Sở GD&ĐT tỉnh Khánh Hòa tuyển giáo viên ra Trường Sa, tôi đã tình nguyện viết đơn và may mắn được lựa chọn. Tôi vẫn còn nhớ, ngày đầu tiên được đặt chân đến Trường Sa, chúng tôi được cán bộ, chiến sỹ và phụ huynh, học sinh trên đảo chào đón rất nồng nhiệt. Qua quá trình công tác, tình cảm thầy trò, quân dân trên đảo ngày càng thân thiết, gắn bó, đó là động lực rất lớn để chúng tôi nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ của mình”.

Ở trên đảo, ngoài công việc giảng dạy, thầy Tình cũng tích cực tham gia các hoạt động như tăng gia sản xuất, văn nghệ, thể thao. Đặc biệt, với vai trò là Chủ tịch Công đoàn của thị trấn Trường Sa, thầy Tình luôn quan tâm và phối hợp triển khai nhiều hoạt động để nâng cao đời sống cho đoàn viên. Đồng thời, chủ động cập nhật những kiến thức, không ngừng đổi mới, sáng tạo để truyền thụ kiến thức đến học sinh ở lớp học đặc biệt của mình. "Các thầy không chỉ dạy chữ, mà còn dạy chúng con hát và tổ chức chơi các trò chơi nên mỗi ngày đến lớp, chúng con đều rất vui” - em An Thuyên (lớp 4), học sinh trường tiểu học thị trấn Trường Sa chia sẻ.

Chứng kiến sự tận tâm của người thầy và những mầm xanh của Trường Sa ngày một trưởng thành, những người dân của thị trấn Trường Sa đều vui mừng, xúc động. Chị Nguyễn Thị Mỹ Hà chia sẻ: "Ở trên đảo, các con được Đảng, Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện để có môi trường giáo dục tốt. Các thầy luôn tận tình chỉ bảo, dạy dỗ kiến thức, kỹ năng sống cho con, cũng như tình yêu với biển đảo, quê hương đất nước. Ngoài ra, các cán bộ, chiến sỹ trên đảo cũng như những người thầy, các con được các chú bộ đội dạy thêm về tiếng Anh. Bà con ở đất liền trong mỗi chuyến ra đảo cũng mang tặng sách, vở, đồ chơi cho các con. Sau khi học xong tiểu học, các con sẽ vào đất liền để tiếp tục học lên”.

Rời lớp sau khi được dựmột tiết học của thầy trò nơi đảo xa, chúng tôi nhớ mãi hình ảnh của lớp học đặc biệt với những "lính đảo nhí" say sưa nghe thầy giáo giảng bài. Với sự tận tâm của những người thầy, các em sẽ từng ngày trưởng thành trên quần đảo Trường Sa thiêng liêng của Tổ quốc.


Viết Đào


Các tin khác


Người chiến sỹ quân y và khúc hát bi tráng giữa khói lửa Điện Biên Phủ

Sinh năm 1932, năm nay cựu chiến binh (CCB) Vũ Trọng Thuận ở tổ 3, phường Thống Nhất (TP Hòa Bình) đã ngoài 90 tuổi, nhưng khi kể về một thời binh lửa nơi chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, giọng ông vẫn sang sảng. Thời điểm đó ông tham gia với vai trò là chiến sỹ quân y của trạm thu dung điều trị thương binh dưới tán rừng Mường Phăng. 70 năm đã trôi qua, ký ức thời thanh niên của người cựu binh như ùa về khi hoa ban nở trắng những cánh rừng Tây Bắc.

Vẹn nguyên ký ức về trận chiến Đồi A1

Sinh năm 1934, năm nay dù đã 90 tuổi nhưng khi kể lại những ngày cùng đồng đội tấn công Đồi A1 ở chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây tròn 70 năm, đôi mắt của cựu chiến binh (CCB) Mai Đại Xá ở tổ 7, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) như có lửa, giọng nói trở lên mạnh mẽ như thuở 20 tay cầm súng, bật dậy từ chiến hào hô xung phong...

Hồi ức về trận chiến đồi Độc Lập tại Điện Biên Phủ

LTS: Thiếu tướng Bùi Đức Tùng, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là Trung đội trưởng thuộc Đại đội 924, Tiểu đoàn 542, Trung đoàn 165, Đại đoàn 312. Thiếu tướng Bùi Đức Tùng đã kể lại những kỷ niệm tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ trong cuốn sách "Chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh” do Ban liên lạc chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh biên soạn. Báo Quân đội nhân dân Điện tử trích gửi đến bạn đọc.

Chuyện về người phụ nữ sống một mình không điện trong rừng

Cách đường tỉnh 435 gần 3km ở xóm Lòn, xã Bình Thanh, huyện Cao Phong là một căn nhà sàn cũ. Đó là căn nhà của bà Đinh Thị Thảo năm nay 63 tuổi, bà ở một mình. Nhiều năm nay bà Thảo sống trong cảnh không có điện, không ti vi với niềm đam mê trồng rừng và giữ rừng.

Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo

Những năm qua, cùng với triển khai các giải pháp nhằm tạo sinh kế cho người nghèo vươn lên, việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo cũng luôn được tỉnh quan tâm thực hiện. Ngoài đề án, chương trình hỗ trợ nhà ở, các cấp, ngành đã tăng cường huy động nguồn lực để hỗ trợ sửa chữa, xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, tạo động lực để các hộ vươn lên thoát nghèo.

Người "hóa rồng" cho tre Hòa Bình

Từ một cây tre ngà bình thường, ông Nguyễn Văn Nam ở xã Yên Trị, huyện Yên Thủy đã biến thành "rồng tre”, thể hiện tinh thần đoàn kết với mong muốn Việt Nam muốn làm bạn với các nước trên thế giới. Những tác phẩm của ông đã được nhiều nước biết đến.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục