(HBĐT) - Thực hiện chủ trương của T.Ư Đảng và Chính phủ, tháng 9/1959, Bộ Giáo dục (nay là Bộ GD&ĐT) đã động viên và tổ chức đưa 860 giáo viên từ các tỉnh đồng bằng, trung du Bắc Bộ và Thanh Hóa, Nghệ An tình nguyện lên giảng dạy, công tác ở các tỉnh miền núi phía Bắc (đợt 1). Theo đó, sáng ngày 30/9/1959, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hòa Bình đã hân hoan đón chào hơn 100 giáo viên và 20 sinh viên lên công tác tại tỉnh. Họ là những người tiên phong "cõng” chữ lên non và góp phần tạo nền cho giáo dục Hòa Bình phát triển.


Các cựu giáo chức từ miền xuôi lên Hòa Bình công tác, giảng dạy cùng ôn lại những năm tháng khó khăn nhưng đầy nhiệt huyết của tuổi trẻ.

Hăm hở lên đường

Bà Nguyễn Thị Vũ, một trong những cán bộ, giáo viên đã xung phong đem "chữ của Cụ Hồ” lên với bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Hòa Bình trong đợt đầu năm 1959 kể lại: "Một sáng mùa thu (tháng 9/1959), chúng tôi được triệu tập tới Trường bổ túc Văn hóa công nông T.Ư (đặt tại phường Giáp Bát - quận Hoàng Mai - TP Hà Nội) để dự lớp tập huấn trước khi lên đường làm nhiệm vụ. Lớp học diễn ra trong 3 tuần. Chúng tôi cùng ăn, cùng ngủ, cùng nghiên cứu, quán triệt những vấn đề về lý luận và thực tiễn, chính sách dân tộc… của Đảng và Nhà nước nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng. Tuần cuối của đợt tập huấn, chúng tôi vinh dự được đón Bác Hồ về thăm và cho lời huấn thị. Sau lời khen ngợi, động viên Bác dặn: "Công tác ở miền núi còn nhiều khó khăn, các cô, các chú xung phong gánh lấy những khó khăn để làm công tác giáo dục ở miền núi, thế là tốt, là vẻ vang. Nhưng các cô, các chú đã xung phong phải thực hiện đến nơi, đến chốn. Cần có tinh thần bền bỉ, quyết tâm khắc phục mọi khó khăn để làm tròn nhiệm vụ…”.

Thấm nhuần lời Bác dạy, chúng tôi hăng hái lên đường. Đến trung tâm thị xã Hòa Bình đã thấy đông đảo nhân dân và các em học sinh trường cấp I, cấp II Lý Tự Trọng và các trường ven thị xã tập trung chỉnh tề với cờ, hoa, biểu ngữ đón đoàn. Sau đó, chúng tôi được phân công về nhiều nơi như Kim Bôi, Đà Bắc, Yên Thủy, Lạc Thủy, Lạc Sơn, Mai Châu. Cá nhân tôi được "ưu tiên” về trường vùng ven thị xã: trường Mông Hóa, thuộc huyện Kỳ Sơn, nay là TP Hòa Bình. Bằng tất cả tinh thần nhiệt huyết của tuổi trẻ, tôi đã cùng với nhân dân dựng nhà ở cho giáo viên và lớp học cho học sinh bằng tranh, tre, nứa, lá, đến từng nhà để vận động học sinh tới trường.

Miệt mài cống hiến

Ngày đi, các cán bộ, giáo viên, sinh viên được giao nhiệm vụ: vừa lo phát triển văn hóa, giáo dục, vừa giúp bà con phát triển kinh tế, vừa là người cán bộ quần chúng giúp đồng bào giác ngộ chính trị. Thời gian lên công tác ở miền núi ít nhất 2 năm. Thế nhưng, miệt mài cống hiến, hàng trăm cán bộ, giáo viên đã chọn Hòa Bình là quê hương thứ hai và cống hiến đến trọn đời. Ông Ngô Tiến Lợi, một cựu giáo chức hiện đang cư trú tại TP Hòa Bình chia sẻ: "Tôi sinh ra và lớn lên ở Đông Anh - Hà Nội. Tốt nghiệp đại học Sư phạm Hà Nội năm 1960, khi phong trào "Tam bất kỳ”- tên gọi đầu tiên của phong trào thanh niên "Ba sẵn sàng” của đoàn trường đang sôi nổi, tôi xung phong lên đường làm nhiệm vụ ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Nơi tôi được giao nhiệm giảng dạy đầu tiên là Trường trung cấp Sư phạm Hòa Bình, rồi lần lượt chuyển sang trường cấp II, III Hoàng Văn Thụ, trường phổ thông cấp III- Đà Bắc, Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh. Tuy được công tác giảng dạy ở ngay thị xã thuận tiện hơn nhiều so với các đồng nghiệp cùng tình nguyện lên đường, nhưng vẫn không thể kể hết những khó khăn, gian khổ của những năm 60 của thế kỷ XX… Nhưng, chính lời dạy của Bác Hồ và tinh thần phong trào "Ba sẵn sàng” đã soi rọi bước chúng tôi đi, tiếp thêm nhiệt huyết để chúng tôi cống hiến. Quá trình công tác tôi đã gặp, làm quen và kết hôn với một cô giáo người Phúc Thọ, cũng là một trong những thanh niên tình nguyện lên công tác tại Hòa Bình. Từ đó, Hòa Bình trở thành quê hương thứ 2 của chúng tôi. Gần 40 năm công tác trong ngành giáo dục, chúng tôi đã nỗ lực hết mình để nâng cao chất lượng dạy và học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của tỉnh nhà.

Không ngừng dõi theo bước phát triển của giáo dục

Gần 90 tuổi, nhà giáo ưu tú Nguyễn Văn Song, hiện cư trú ở phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) vẫn miệt mài đọc sách, viết báo và dõi theo khích lệ phong trào xây dựng xã hội học tập của tỉnh. Trò chuyện với chúng tôi, ông bồi hồi kể lại: Ngày đầu đến với Hòa Bình (năm 1959), cảm nhận của những nhà giáo chúng tôi được gói gọn trong mấy chữ: khó khăn, gian khổ. Lớp học của học sinh, nhà ở của giáo viên khi đó hoàn toàn bằng tranh, tre, nứa lá và rất ít học sinh tới trường. Khi ấy, cả tỉnh Hòa Bình có khoảng 3.000 học sinh các cấp, tổng số giáo viên giảng dạy có 562 người. Đến nay, sau 60 năm, không chỉ ở thành phố, thị trấn, thị tứ mà ngay cả ở vùng sâu, xa, trường lớp cũng đã được xây dựng khang trang, cảnh quan, môi trường sư phạm xanh, sạch, đẹp đón các thế hệ học sinh tới trường. Toàn tỉnh hiện đã có trên 223.720 học sinh, sinh viên và 21.077 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Và quan trọng là chất lượng giáo dục, phong trào học tập không ngừng được nâng cao. Dù thế hệ chúng tôi hầu hết đã tuổi cao, sức yếu, nhưng vẫn luôn dõi theo bước phát triển của giáo dục tỉnh nhà, luôn sẵn sàng tham gia công tác khyến học, khuyến tài, thúc đẩy phong trào xã hội học tập của tỉnh, ít nhất là ở khu dân cư nơi mình đang sinh sống.

Cùng chung quan điểm với nhà giáo ưu tú Nguyễn Văn Song, ông Trần Tô Lịch, một cựu giáo chức "xung phong” ngày ấy, hiện đang cư trú tại phường Kỳ Sơn (TP Hòa Bình) chia sẻ: Nhớ lời Bác Hồ dặn năm ấy: "Đã xung phong thì phải xung phong đến nơi, đến chốn…”, quá trình công tác, chúng tôi luôn nỗ lực hết mình để đem cái chữ đến với người dân vùng cao ở các huyện Mai Châu, Đà Bắc… Từ khi được Nhà nước cho về nghỉ chế độ tôi luôn tích cực tham gia Hội Khuyến học, Hội Cựu giáo chức, động viên gia đình, làng xóm thực hiện tốt công tác khuyến học, khuyến tài. Luôn dõi theo sự nghiệp giáo dục của tỉnh nhà, chúng tôi luôn tin tưởng: trải qua những bước thăng trầm, ngành Giáo dục Hòa Bình sẽ vững vàng bước lên tầm cao mới.

Thúy Hằng


Các tin khác


Vẹn nguyên ký ức về trận chiến Đồi A1

Sinh năm 1934, năm nay dù đã 90 tuổi nhưng khi kể lại những ngày cùng đồng đội tấn công Đồi A1 ở chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây tròn 70 năm, đôi mắt của cựu chiến binh (CCB) Mai Đại Xá ở tổ 7, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) như có lửa, giọng nói trở lên mạnh mẽ như thuở 20 tay cầm súng, bật dậy từ chiến hào hô xung phong...

Hồi ức về trận chiến đồi Độc Lập tại Điện Biên Phủ

LTS: Thiếu tướng Bùi Đức Tùng, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là Trung đội trưởng thuộc Đại đội 924, Tiểu đoàn 542, Trung đoàn 165, Đại đoàn 312. Thiếu tướng Bùi Đức Tùng đã kể lại những kỷ niệm tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ trong cuốn sách "Chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh” do Ban liên lạc chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh biên soạn. Báo Quân đội nhân dân Điện tử trích gửi đến bạn đọc.

Chuyện về người phụ nữ sống một mình không điện trong rừng

Cách đường tỉnh 435 gần 3km ở xóm Lòn, xã Bình Thanh, huyện Cao Phong là một căn nhà sàn cũ. Đó là căn nhà của bà Đinh Thị Thảo năm nay 63 tuổi, bà ở một mình. Nhiều năm nay bà Thảo sống trong cảnh không có điện, không ti vi với niềm đam mê trồng rừng và giữ rừng.

Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo

Những năm qua, cùng với triển khai các giải pháp nhằm tạo sinh kế cho người nghèo vươn lên, việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo cũng luôn được tỉnh quan tâm thực hiện. Ngoài đề án, chương trình hỗ trợ nhà ở, các cấp, ngành đã tăng cường huy động nguồn lực để hỗ trợ sửa chữa, xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, tạo động lực để các hộ vươn lên thoát nghèo.

Người "hóa rồng" cho tre Hòa Bình

Từ một cây tre ngà bình thường, ông Nguyễn Văn Nam ở xã Yên Trị, huyện Yên Thủy đã biến thành "rồng tre”, thể hiện tinh thần đoàn kết với mong muốn Việt Nam muốn làm bạn với các nước trên thế giới. Những tác phẩm của ông đã được nhiều nước biết đến.

Lắng đọng, thiêng liêng ở Nghĩa trang Hàng Dương

Nghĩa trang Hàng Dương, huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu gắn với Khu di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Côn Đảo trong những ngày Xuân đón du khách ở mọi miền đất nước đến thăm viếng. Từ sáng sớm đến 24h, những nén hương, những bông hoa thơm ngát, tinh khôi được thắp, dâng trang trọng trên những phần mộ đem đến cho ta những cảm xúc trào dâng. Trong khuôn viên rất nhiều loài hoa khoe sắc như muốn chia sẻ, tri ân những người con đã nằm lại nơi đây.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục