(HBĐT) - Từng là phóng viên Báo Công an vũ trang, ông Nguyễn Đức Thiện, xóm Trại, phường Thái Bình (TP Hòa Bình) đã tham gia khắp các mặt trận từ Vĩnh Linh, Cam Lộ (Quảng Trị), Tây Ninh đến Sài Gòn trong kháng chiến chống Mỹ. May mắn và tự hào khi có mặt tại Dinh Độc Lập trong mùa xuân Đại thắng năm 1975, bằng quyển sổ, cây bút, chiếc máy ảnh, ông đã lưu dấu ấn vào chặng đường cách mạng với những hình ảnh ghi lại lịch sử đặc biệt.


Ông Nguyễn Đức Thiện, cựu nhà báo Báo Công an vũ trang nâng niu những hình ảnh ghi lại quá trình tác nghiệp của mình ở chiến trường thời chống Mỹ.

Chia sẻ lại cuộc đời gắn với nghề báo, ông Thiện cho biết: Tôi nhập ngũ theo tiếng gọi của non sông khi còn rất trẻ, sau đó theo học Đại học Tổng hợp khoa Văn. Năm 1969, tôi công tác ở Báo Công an vũ trang, thường trú tại các địa bàn thuộc tỉnh Quảng Trị - nơi có sông Bến Hải, Hiền Lương, ranh giới giữa miền Bắc và miền Nam với mong muốn được tham gia đưa thông tin về chiến trường.

Hồi tưởng lại những tháng năm làm báo trong kháng chiến, ông chia sẻ: "Các thế hệ làm báo trong thời gian kháng chiến đều bất chấp hiểm nguy, quyết tâm cao hoàn thành nhiệm vụ được giao phó, vì vậy hầu như phóng viên tự học hỏi là chủ yếu, nhưng ai cũng rất giỏi nghề. Chúng tôi luôn ý thức rằng người dân luôn mong đợi tin tức, diễn biến từ chiến trường. Vì vậy, chúng tôi đã hứa với Tổ quốc là "một tấc không đi, một li không rời”, bằng cách nào cũng cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ vì Nhân dân, đất nước”. Ngày đó, phương tiện tác nghiệp chỉ có quyển sổ, cây bút và chiếc máy ảnh đen trắng. Để có tư liệu phục vụ viết tin, bài, ông phải chép vào cuốn sổ riêng, mượn máy đánh chữ để viết bài. Còn ảnh phải đem phim ra tráng trong lúc thiếu điện, thiếu ánh sáng. 

Một trong những hình ảnh đáng nhớ, in sâu trong ký ức của ông khi còn ở chiến trường  Quảng Trị là 2 bố con cô gái lái đò trên sông Thạch Hãn. Những ngày trước khi rời Quảng Trị, ông và đồng đội vẫn thường được bố con cô gái chở qua sông, cùng trò chuyện, chia sẻ về dự định sau  khi đất nước độc lập. Thế nhưng, chỉ trong gang tấc, khi bom Mỹ rải xuống, người bố không may mất ngay tại chỗ. Xót xa hơn, cô gái trẻ ấy cũng nằm lại đất mẹ chỉ 1 ngày sau khi bố mất. Lúc ấy, cô đang lái đò chở chiến sỹ qua sông...

Khi được hỏi về không khí ngày giải phóng tại Dinh Độc Lập, trong ánh mắt, giọng nói của ông Thiện trào lên cảm xúc đặc biệt. Ông kể, tháng 3/1975 là thời điểm bắt đầu nổ tiếng súng đầu tiên trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, ông được đơn vị điều động quay trở vào Nam sau thời gian nghỉ phép. Ông đạp xe từ Hòa Bình về Hà Nội để đi B2 (chiến trường Nam Bộ). Sau ngày Huế được giải phóng, từ B2, ông và đơn vị mất 1 tuần đi qua Lao Bảo, sang Lào để đến được R (T.Ư Cục) ở Tây Ninh - đây là bộ phận đầu não của chiến trường miền Nam hứng chịu nhiều trận càn quét, bom đạn của quân đội Mỹ khi đó. Ngày 27/4/1975, đơn vị lên đường tiến vào Sài Gòn, tới chiều 30/4/1975 đoàn mới vào đến Dinh Độc Lập. "Khi vào đến Dinh, tôi được các đồng chí, đồng đội cho ngồi lên xe Vespa rong ruổi, tận hưởng khí thế thắng trận cùng quân và dân ta. Ngày hôm ấy vô cùng náo nhiệt, quân địch tháo chạy tan tác, xe tăng địch bị đốt cháy khói bay nghi ngút, các đồng đội, đồng chí hừng hực khí thế, tay cầm cờ Tổ quốc vừa phất cao vừa hát vang bài Quốc ca. Chiến thắng vẻ vang ấy càng làm sục sôi tinh thần dân tộc, dòng máu cách mạng đang chảy trong mình” - ông Thiện xúc động nhớ lại. 

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ ở chiến trường, mang theo kho tư liệu hình ảnh và các bài viết về quê hương, ông Thiện tiếp tục con đường học tập và công tác trong ngành Tuyên giáo và về nghỉ hưu. Trải lòng khi ngày chiến thắng 30/4 đang đến gần, ông chia sẻ: Trong hành trình tác nghiệp, đi từ Bắc vào Nam không nơi nào không thấy dấu vết tàn phá của chiến tranh. Thế nhưng người lính ra trận vẫn "phơi phới dậy tương lai”, các đơn vị chủ lực từ miền Bắc tiến vào giải phóng miền Nam "kìn kìn như nước chảy”, góp phần làm nên chiến thắng hào hùng. Với tôi, tuy không trực tiếp tham gia chiến đấu nhưng những năm tháng "sáng ăn cơm Bắc, tối đánh giặc Nam” cùng các đồng chí, đồng đội vẫn là ký ức không thể nào quên. Bởi dù trải qua bao gian khổ, hy sinh thì nơi đó đã gắn liền với tuổi trẻ đẹp nhất cuộc đời. 


Thu Hằng


Các tin khác


Vẹn nguyên ký ức về trận chiến Đồi A1

Sinh năm 1934, năm nay dù đã 90 tuổi nhưng khi kể lại những ngày cùng đồng đội tấn công Đồi A1 ở chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây tròn 70 năm, đôi mắt của cựu chiến binh (CCB) Mai Đại Xá ở tổ 7, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) như có lửa, giọng nói trở lên mạnh mẽ như thuở 20 tay cầm súng, bật dậy từ chiến hào hô xung phong...

Hồi ức về trận chiến đồi Độc Lập tại Điện Biên Phủ

LTS: Thiếu tướng Bùi Đức Tùng, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là Trung đội trưởng thuộc Đại đội 924, Tiểu đoàn 542, Trung đoàn 165, Đại đoàn 312. Thiếu tướng Bùi Đức Tùng đã kể lại những kỷ niệm tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ trong cuốn sách "Chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh” do Ban liên lạc chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh biên soạn. Báo Quân đội nhân dân Điện tử trích gửi đến bạn đọc.

Chuyện về người phụ nữ sống một mình không điện trong rừng

Cách đường tỉnh 435 gần 3km ở xóm Lòn, xã Bình Thanh, huyện Cao Phong là một căn nhà sàn cũ. Đó là căn nhà của bà Đinh Thị Thảo năm nay 63 tuổi, bà ở một mình. Nhiều năm nay bà Thảo sống trong cảnh không có điện, không ti vi với niềm đam mê trồng rừng và giữ rừng.

Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo

Những năm qua, cùng với triển khai các giải pháp nhằm tạo sinh kế cho người nghèo vươn lên, việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo cũng luôn được tỉnh quan tâm thực hiện. Ngoài đề án, chương trình hỗ trợ nhà ở, các cấp, ngành đã tăng cường huy động nguồn lực để hỗ trợ sửa chữa, xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, tạo động lực để các hộ vươn lên thoát nghèo.

Người "hóa rồng" cho tre Hòa Bình

Từ một cây tre ngà bình thường, ông Nguyễn Văn Nam ở xã Yên Trị, huyện Yên Thủy đã biến thành "rồng tre”, thể hiện tinh thần đoàn kết với mong muốn Việt Nam muốn làm bạn với các nước trên thế giới. Những tác phẩm của ông đã được nhiều nước biết đến.

Lắng đọng, thiêng liêng ở Nghĩa trang Hàng Dương

Nghĩa trang Hàng Dương, huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu gắn với Khu di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Côn Đảo trong những ngày Xuân đón du khách ở mọi miền đất nước đến thăm viếng. Từ sáng sớm đến 24h, những nén hương, những bông hoa thơm ngát, tinh khôi được thắp, dâng trang trọng trên những phần mộ đem đến cho ta những cảm xúc trào dâng. Trong khuôn viên rất nhiều loài hoa khoe sắc như muốn chia sẻ, tri ân những người con đã nằm lại nơi đây.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục